Những mất mát, tổn thương về các giá trị văn hóa tinh thần

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn ngọc tư từ góc nhìn văn hóa (Trang 55 - 60)

7. Đóng góp của luận văn

2.3.2. Những mất mát, tổn thương về các giá trị văn hóa tinh thần

Đời sống đô thị với tính quy luật tất yếu của nó đã đặt ra cho mình một số vấn đề quan thiết, như: xu hướng thị dân hóa theo những quy chuẩn và tiêu

52

chí khác nhau; sự chuyển đổi nhanh các định hướng giá trị, trong đó rõ rệt nhất là sự đề cao phẩm cách con người cá nhân; sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt và ngày càng có xu hướng gia tăng; xu hướng khép kín, thu hẹp, lỏng lẻo trong giao tiếp ứng xử văn hóa (đặc biệt là khi đối sánh với xu hướng mở rộng và chặt chẽ trong giao tiếp ứng xử ở nông thôn)… Đây chính là là những yếu tố mang tính căn nguyên, chi phối đến phương thức và thực trạng đời sống văn hóa ở đô thị một cách sâu rộng, phức tạp. Bên cạnh những tiến bộ, tích cực mà nó đem lại, thì đồng thời đó luôn có một vấn đề nhức nhối kéo theo, đó là sự khủng hoảng các giá trị văn hóa tinh thần.

Thời đại ngày nay, con người sống, hưởng thụ, quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống, nhân sinh một cách rập khuôn, máy móc. Những sinh hoạt nhân văn gần như cũng đã được lập trình. Các giá trị thẩm mĩ đã bị “điện tử hóa”. Mối quan hệ giữa con người với con người không còn ràng buộc bởi ngôn ngữ sống động đời thường khi có sự đối thoại trực tiếp, mà thay vào đó, chiếc máy tính trở thành cánh cửa cho phép con người nhìn nhau nhưng không thể thấy nhau, tương tác với nhau nhưng thật khó để có thể gần gũi thấu hiểu gắn kết nhau. Sự đề cao lí trí, kĩ thuật như vậy đã đưa đến sự hình thành của kiểu “con người đơn độc”, mọi cá nhân gần như bị rơi vào sự điều phối từ cuộc sống bên ngoài. Bức tường ngăn cách đối với các cá nhân, cộng đồng khác khiến con người khó có thể giao tiếp, đối thoại nhằm đưa đến hiểu biết, sẻ chia lẫn nhau. Có lẽ, đó chính là căn nguyên gây ra sự khủng hoảng các giá trị văn hóa tinh thần như đã nói.

Là một người con của miền quê sông nước Nam Bộ, khi trực tiếp trải nghiệm cuộc sống đô thị, hơn ai hết, Nguyễn Ngọc Tư thấu cảm những nỗi đau xót của chính mình, và rộng hơn cũng là của cộng đồng quanh mình.

Cái thấy rõ nhất chính là sự hao khuyết vơi hụt của sự nghĩa tình trong nhịp sống hôm nay. Tác giả bồi hồi tiếc nhớ về những gì đã qua đi mãi mãi: “Tôi thương những đám giỗ ở quê. Mê nhất là cái hồi người ta chưa đi đám

53

giỗ bằng tiền, hàng xóm hay mang lại những thứ mà họ có, mục măng tre, rổ cải xanh, con gà mái, mớ tép đất hay mấy con cá trê vàng”[69, tr14]. Còn gì đáng sợ hơn khi giữa người với người chỉ có mối liên hệ duy nhất là đồng tiền, khi nghĩa tình là cái hoàn toàn có thể quy đổi thành giá cả?

Tác giả đau đớn nhận ra khi thấy con người ta phải đánh đổi cả công việc, sự nghiệp nếu không muốn từ bỏ chính bản thân mình: “Cô bé không thân thiết gì với tôi, tình cờ quen nhau, đôi ba lần gặp gỡ, cà phê nhưng tôi thở phào khi cô thà mất việc chứ không từ bỏ chính mình. Nếu không thì hẳn tôi sẽ thêm một vết xót”[72, tr20-21]. Chúng ta đều hiểu rằng, dù nhà văn đã thở phào, nhưng cái áp lực nghiệt ngã đến mức buộc con người phải lựa chọn và trả giá kia thì không hề giảm nhẹ hay được vứt bỏ. Nó đang và sẽ còn là một gánh nặng ghê gớm với con người đô thị, nhất là những người trẻ.

Nhiều khi, phải đối diện với quá nhiều sự bất trắc, con người trở nên bất an và hoài nghi, vô cảm, lạnh lùng. Càng ngày càng khuyết thiếu và vắng bóng cái hồn nhiên trong trẻo vô tư rất đời, rất người. Tác giả phải thẫn thờ thốt lên: “Tôi và Đông, không vì thiếu thốn tình thương, không vì cái cảm giác lạc lõng khi xa nhà mà ngơ ngẩn trước những người dưng. Tôi nhìn thấy ở đám đông xa lạ chất người”[72, tr26]. Thế mới thấy chúng ta đã đánh mất

quá nhiều, đánh mất những thứ vô cùng quý giá mà không có gì có thể đánh đổi lại được.

Người lớn đã vậy, con trẻ dường như lại càng bất hạnh hơn, bởi chúng chính là những người dễ bị tổn thưuơng nhất. Nhà văn viết như nhận lỗi trước con khi thấy nó đang thiếu thốn rất nhiều thứ đáng ra phải được đón nhận: “Con tôi chỉ có thể loanh quanh trong căn phòng chật, mòn quẩn với đống đồ chơi nhựa, với câu chuyện cổ tích tôi gửi lại. Quá nhiều cổ tích, về miền rơm rạ đã mất, những mảnh đất, vùng trời đã mất, những người anh hùng đã mất. Ý nghĩ đó làm tôi muốn khóc”[72, tr98]. Đây không chỉ là câu chuyện của tác giả, mà chính là câu chuyện chung của bao gia đình, câu chuyện của thế hệ hôm nay.

54

Sau vô vàn những trầm tư, suy nghiệm, trăn trở, muộn phiền, âu lo và tiếc nuối, Nguyễn Ngọc Tư tìm cách lí giải. Không phải vấn đề ở ngoài đường phố, mà vấn đề ở ngay trong lòng mình: “Dường như đất không chật, mà do lòng người chật, nên thành phố càng chật, tủn mủn và nát vụn”[66, tr57]. Có phải đây mới là nguyên do của những tổn thương, mất mát, đớn đau mà chúng ta đang tự gây ra cho mình? Đặt ra câu hỏi cũng là đưa ra phần nào câu trả lời.

Sự đa dạng, đa chiều, phức tạp của đời sống hiện đại đặt ra đòi hỏi con người phải rất bình tĩnh, tỉnh táo nhận diện và lựa chọn các giá trị. Mỗi người đều có quyền lựa chọn của mình, những đồng thời, chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Như nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh đã từng chiêm nghiệm thật chí tình chí lí về hai thái cực mê - ngộ:

Khi mê bùn chỉ là bùn Ngộ ra mới biết trong bùn có sen

Khi mê tiền chỉ là tiền Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm

Một lần nữa, ở đây, tản văn Nguyễn Ngọc Tư như nhắn nhủ, như đặt câu hỏi, rằng chúng ta đã lựa chọn như thế nào trước cuộc sống hôm nay?

Trên thế giới, văn hào Đốt-xtôi-ép-xki đã từng có câu nói bất hủ: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”. Ở Việt Nam, nhà thơ tài hoa Đồng Đức Bốn cũng có hai câu thơ trứ danh:

Cầm lòng bán cái vàng đi

Để mua những thứ nhiều khi không vàng

Đọc tản văn Nguyễn Ngọc Tư, những dự cảm và cảnh báo ấy lại một lần nữa vang vọng trở lại. Nó là lời tỏ bày chân tình đến đáy, để con người trong thế cuộc hôm nay thức tỉnh lại lương tri, trách nhiệm và tình yêu của mình trước dòng trôi chảy nhân sinh.

55

Tiểu kết:

Có thể nói, tản văn Nguyễn Ngọc Tư là một bức tranh văn hóa đa màu sắc. Trong bức tranh ấy, thiên nhiên cảnh sắc đặc trưng của vùng quê sông nước, nét văn hóa ứng xử và tình đời, tình người trong cuộc sống, câu chuyện đô thị hóa và những vấn đề đặt ra của đời sống hiện đại… là những mảng khối nổi bật. Nhìn tổng thể, đó là một thế giới đẫm sắc màu văn hóa Nam Bộ với những độc đáo đặc trưng của nó.

56

Chương 3

NGHỆ THUẬT BIỂU HIỆN VĂN HÓA NAM BỘ TRONG TẢN VĂN NGUYỄN NGỌC TƯ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tản văn nguyễn ngọc tư từ góc nhìn văn hóa (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(93 trang)