7. Đóng góp của luận văn
2.1.2. Thiên nhiên gắn liền với đời sống người dân lao động
Một ngòi bút tinh tế như Nguyễn Ngọc Tư hẳn không muốn miêu tả thiên nhiên dừng lại ở mức phác vẽ bề nổi, bề ngoài. Nó phải tiến đến khám phá chiều sâu là những tầng bậc - chiều kích trong đời sống của người dân lao động nơi đây. Vì vậy, chiêm ngưỡng cảnh sắc đất trời trong trang viết Nguyễn Ngọc Tư, ta luôn luôn đồng thời được cảm nhận về cuộc sống của con người Nam Bộ.
Người Nam Bộ là những cư dân nông nghiệp điển hình, rất sở trường trong việc hoán cải những đồng bằng châu thổ sình lầy thành ruộng thành
40
vườn, sở trường trong việc lấn biển và khai thác thủy sản gần bờ. Cuộc sống của họ đối diện với nhiều đòi hỏi, thách thức từ điều kiện tự nhiên, cho nên nhiều nỗi vất vả nhọc nhằn. Không trực tiếp diễn tả những lam lũ ấy, nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã dùng hình ảnh thiên nhiên để làm toát lên điều đó.
Trước hết, đó là một thiên nhiên phải hứng chịu nhiều nắng gió của miền quê đồng bằng sông nước. Có lúc, người ta phải giật mình thảng thốt về sức tàn phá khủng khiếp không gì ngăn trở nổi của tự nhiên. “Mà, có riêng gì cái xóm cũ của bạn tôi, nhiều làng xóm dọc theo những triền sông lớn, những tuyến giao thông chính ở vùng đất rặt sông nước nầy đã mất dần dấu tích theo con sóng tạt ào ào vào bờ đất”[73, tr123]. Có lúc là nỗi xót xa trước sự khắc nghiệt ghê gớm của tạo hóa. “Đi dọc theo những con đường xóm quãng này thường ấn tượng những giàn bông giấy cứ rực lên dưới nắng. Có cây nở bung như pháo hoa, không còn một chiếc lá nào, chỉ cành cong bông trĩu (…) Thứ bông giấy này chịu nắng giỏi nhứt hạng, đất nào cũng chịu, tưới càng ít nước, càng cằn cỗi càng chịu trổ bông”[70, tr41-42]. Vậy là, thiên nhiên ở Nam Bộ cũng giống như con người ở đây vậy, luôn hứng chịu, kiên cường đối diện và chống trọi trước những thử thách của tự nhiên miền đồng bằng sông nước.
Không chỉ vậy, thiên nhiên trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư còn toát lên một cuộc sống lam lũ nhọc nhằn của con người Nam Bộ. Cũng là một bức vẽ, nhưng nó có phàn u ám nặng nề bởi cái vất vả nghèo khó của người dân sông nước. “Cửa sau nhà tôi trông ra sông. Tôi thường ví đó là một khung tranh, và bức tranh biến đổi không ngừng, có lúc nó hiện lên những chiếc tàu cao nghệu, hùng hục đi qua, che khuất cả dãy nhà sàn bên kia sông, có lúc hình ảnh lại xa vắng với vài chiếc vỏ lãi dài nhằng, bé teo mong manh chở đầy nhóc dừa, chuối… Nhiều khi bức tranh như bị trĩu xuống khi buộc phải vẽ mấy chiếc xà lan ngược nước è ạch khẳm lừ, gầm gừ… Nhưng cảnh có chuyển động thế nào, trong bức tranh cửa sau của tôi, vẫn luôn có hình ảnh một chiếc đò thầm lặng chờn vờn trên sóng nước”[73, tr163]. Có lửa mà sao
41
không ấm áp, có cỏ cây mà sao không thấy tươi tắn xanh non, ngược lại là một cảm giác về sự tàn úa, hoang hoải. “Củi bình bát, so đũa xài không hết, chẳng ai thèm đốn sậy nhóm lửa. Nên cả xóm cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Nên tuổi thơ cứ thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Những mùa khô, tụi nhỏ đi đốt sậy hai bên đường, lúc cháy chúng nổ giòn tan như pháo, tàn tro bay tao tác giữa lưng trời, khói quăng quật giữa gió làm mắt mũi đứa nào cũng ràn rụa”[66, tr15].
Có thể thấy, thiên nhiên trong trang viết Nguyễn Ngọc Tư là thiên nhiên của con người, gắn liền với con người - những con người lam lũ nhọc nhằn bươn trải với cuộc mưu sinh miền đồng bằng sông nước.