Hoàn thiện chính sách quản lý và điều hành tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý hoạt động tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn hà nội (Trang 127 - 131)

5. Kết cấu của luận văn

4.2.3. Hoàn thiện chính sách quản lý và điều hành tín dụng

Các chỉ tiêu nợ quá hạn, nợ xấu mặc dù giảm xuống và duy trì ở mức thấp nhưng năm 2016 đã có xu hướng tăng cao trở lại. Phần lớn các rủi ro tín dụng xảy ra là do không chấp hành tốt quy trình quản lý tín dụng. Quy trình nghiệp vụ cho vay được bắt đầu từ khi cán bộ tín dụng (CBTD) tiếp nhận hồ sơ khách hàng và kết thúc khi cán bộ kế toán tất toán - thanh lý hợp đồng tín dụng, được phân thành ba giai đoạn là: thẩm định trước khi cho vay; kiểm tra, giám sát trong khi cho vay; kiểm tra, giám sát, tổ chức thu hồi sau khi cho vay. Do đó, trong mỗi giai đoạn cần phải xây dựng và tổ chức thực hiện các bước của quy trình, tránh bỏ sót, làm tắt ảnh hưởng đến chất lượng vốn đầu tư. Cụ thể, các chi nhánh của ngân hàng SHB cần thực hiện nghiêm 12 bước của quy trình cấp tín dụng như sơ đồ 3.2. Dưới đây là giải pháp tổ chức thực hiện một bước quan trọng của ba giai đoạn quản lý tín dụng:

4.2.3.1. Đổi mới và tăng cường công tác thu thập và xử lý thông tin tín dụng Một là, kết hợp chặt chẽ các bộ phận

Các bộ phận Quản lý thông tin khách hàng và quản trị rủi ro, khai thác khách hàng, quản lý tín dụng, kiểm tra và kiểm soát nội bộ ngoài việc thực hiện nhiệm vụ một cách độc lập, cần phải hỗ trợ nhau trong quá trình quản lý tín dụng để cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác về khách hàng. Đặc biệt, cần xem xét kỹ thông tin về doanh nghiệp mới đặt quan hệ tín dụng, thông tin về các DNNN trong một số ngành, tổng công ty được NHNN cảnh báo về khả năng rủi ro tín dụng cao.

Hai là, CBTD phải xây dựng thông tin khách hàng

CBTD là người thường xuyên tiếp cận khách hàng, nắm bắt các thông tin về khách hàng từ khâu nghiên cứu thị trường, nghiên cứu khách hàng chủ yếu đến khâu điều tra, thẩm định dự án xin vay, nắm bắt các thông tin trong quá trình sử dụng vốn vay, tiêu thụ sản phẩm, nguồn trả nợ. Phương pháp điều tra quan trọng mà CBTD cần áp dụng tốt là làm việc, phỏng vấn trực tiếp khách hàng, kiểm tra tại chỗ nơi hoạt động SX-KD của khách hàng. Mặt khác phải khai thác tốt các thông tin từ các cơ quan chức năng như cơ quan quản lý thuế, chính quyền địa phương, khách hàng của khách hàng, phương tiện thông tin đại chúng...

Ba là, thường xuyên tiến hành phân tích tài chính của khách hàng

Thông qua các báo cáo định kỳ, đột xuất mà khách hàng gửi theo quy định cho ngân hàng hoặc CBTD kiểm tra tình hình kinh doanh và tài chính tại chỗ, lấy số liệu phản ánh trung thực để đánh giá thực trạng hoạt động SX-KD của doanh nghiệp, phát hiện những điểm mạnh và điểm yếu để có những ứng xử tín dụng phù hợp. Việc kiểm tra tại chỗ tình hình kinh doanh của khách hàng phải được tiến hành theo định kỳ, ngoài ra, có thể kiểm tra đột xuất khi cần thiết. Đó là quá trình thực hiện các bước công việc sau khi cho vay để hướng dẫn, đôn đốc người vay sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả số tiền vay, hoàn trả gốc, lãi vay đúng hạn, đồng thời thực hiện các biện pháp thích hợp nếu người vay không thực hiện đầy đủ và đúng hạn các cam kết. Đây là bước công việc đặc biệt quan trọng sau khi cho vay đối với tất cả các khoản mục đầu tư, nếu bỏ sót hoặc xem nhẹ bước công việc này, rủi ro không thu được đủ vốn đầu tư sẽ rất cao.

Bốn là, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả các báo cáo tín dụng

Những báo cáo tín dụng được lập (theo quy định) từ ngân hàng cơ sở, ngoài việc gửi ngân hàng cấp trên nghiên cứu, chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, cần phải khai

thác, sử dụng thông tin có hiệu quả trong công tác quản lý tín dụng tại các ngân hàng cơ sở. Những thông tin, số liệu thu thập được là cơ sở, tài liệu tác nghiệp trong chỉ đạo hàng ngày của lãnh đạo ngân hàng cơ sở và CBTD chuyên quản. Lãnh đạo ngân hàng có thể đưa ra một số hành động khẩn cấp nếu xét thấy cần thiết khi nguy cơ vốn tín dụng có thể gặp rủi ro không thu hồi được đầy đủ và đúng hạn.

Năm là, thiết lập và quản lý tốt hồ sơ tín dụng

Xuất phát từ xu hướng chung trong quản trị tín dụng của ngân hàng SHB nói riêng và các ngân hàng thương mại cổ phần nói chung là chú trọng mở rộng cho vay các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay hộ kinh doanh, hộ gia đình, cho vay tiêu dùng… nên số lượng khách hàng cũng có xu hướng tăng nhanh, tức là ngân hàng phải quản lý một khối lượng hồ sơ tín dụng và khách hàng rất lớn. Do đó phải làm tốt công tác quản lý hồ sơ tín dụng. Hồ sơ tín dụng là nguồn tài liệu quan trọng đối với công tác giám sát các khoản vay và cũng là nguồn quan trọng cung cấp thông tin cho ngân hàng tiến hành đánh giá tín dụng định kỳ.

4.2.3.2. Nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng

Hiện nay, việc kiểm tra, giám sát khoản vay chưa đạt hiệu quả cao, hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ chưa đáp ứng yêu cầu về quản lý rủi ro tín dụng. Do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động tín dụng có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp ngân hàng ngăn chặn, phát hiện và xử lý tồn tại hoạt động tín dụng. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm soát cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau:

- Xây dựng và thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch kiểm tra theo định kỳ và đột xuất đối với hoạt động tín dụng. Xác định mục tiêu chính phải đạt được qua đợt kiểm tra, kiểm soát. Xây dựng đề cương kiểm tra có cơ sở khoa học để nội dung kiểm tra toàn diện, tập trung vào những vấn đề chính như: kiểm tra việc chấp hành chế độ chính sách tín dụng, chấp hành quy trình tín dụng, các quy định về đảm bảo tiền vay, các biện pháp xử lý nợ, chấp hành mức phân cấp phán quyết tín dụng, chấp hành chế độ thông tin báo cáo tín dụng, chấp hành chỉ đạo của ngân hàng cấp trên,...

- Thực hiện đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm tra và giám sát tín dụng chuyên sâu. Ưu tiên lực lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kiểm tra, đặc biệt là về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm và ý thức trách nhiệm trong công tác kiểm tra. Xác định tiêu chuẩn về năng lực, thâm niên công tác và phẩm chất đạo đức của cán bộ kiểm tra, kiểm soát tín dụng.

- Đổi mới nội dung phương pháp kiểm tra, tránh kiểm tra máy móc, rập khuôn xáo mòn, dẫn tới tình trạng ứng phó làm giảm hiệu lực kiểm tra kiểm soát tín dụng. Có thể kiểm tra theo định kỳ, theo chương trình công tác hàng tháng, quý, năm hoặc kiểm tra đột xuất, kiểm tra chéo giữa các chi nhánh trực thuộc. Tùy mục đích kiểm tra có thể kiểm tra toàn diện hoạt động tín dụng hoặc kiểm tra chuyên sâu một số lĩnh vực, đối tượng cần quan tâm. Kết hợp kiểm tra hồ sơ vay vốn lưu tại ngân hàng với kiểm tra thực tế khách hàng thông qua việc đối chiếu, phỏng vấn trực tiếp thực trạng hoạt động SX - KD của khách hàng.

- Tổ chức tốt công tác phúc tra. Kết quả qua kiểm tra, kiểm soát phải thể hiện thành biên bản, trong đó đề cập cụ thể những tồn tại, sai sót phát hiện được qua kiểm tra. Yêu cầu đơn vị được kiểm tra có biện pháp sửa sai có hiệu quả và thời gian sửa sai. Tổ chức phúc tra kết quả sửa sai để đảm bảo các sai sót được chấn chỉnh kịp thời và không tiếp tục tái diễn. Xử lý nghiêm những vi phạm, tiêu cực để có tác dụng răn đe đối với các trường hợp tương tự.

4.2.3.3. Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xử lý thu hồi nợ có vấn đề

Muốn làm tốt công tác xử lý, thu hồi nợ xấu cần phải giải quyết tốt ba vấn đề cơ bản như sau:

Một là, phân loại chi tiết loại nợ xấu

Thực hiện đánh giá, phân tích để phân loại nợ xấu thành các nhóm như khách quan, chủ quan, có thái độ hợp tác với ngân hàng trong việc thực thi kế hoạch trả nợ, chây ỳ trong việc trả nợ, có tài sản đảm bảo tiền vay, không có tài sản đảm bảo tiền vay... để có những biện pháp xử lý thu hồi có hiệu quả.

Hai là, có kế hoạch cụ thể xử lý nợ xấu

Mỗi chi nhánh của ngân hàng SHB cần chủ động xây dựng phương án xử lý, có kế hoạch, chương trình cụ thể đến từng món nợ để xử lý thu hồi. Thành lập các Tổ xử lý nợ thu hồi nợ, trong đó lãnh đạo phụ trách tín dụng làm tổ trưởng. Hàng tuần, tổ xử lý nợ họp để đánh giá kết quả xử lý trong tuần và thống nhất chương trình hoạt động của tuần tới. Hàng tháng tại cuộc họp giao ban tại hội sở, tại các chi nhánh, các đơn vị trực thuộc báo cáo kết quả xử lý thu hồi nợ xấu để giám đốc chi nhánh giao nhiệm vụ xử lý tiếp theo. Thực hiện phân công giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm, giao khoán thu nợ như một chỉ tiêu chính của hoạt động tín dụng. Đồng thời gắn trách nhiệm đối với CBTD để nợ quá hạn phát sinh trong quá trình quản lý tín dụng.

Ba là, tranh thủ sự hỗ trợ và phối kết hợp chặt chẽ trong xử lý nợ xấu

Tranh thủ mạnh mẽ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các sở, ban ngành địa phương, đặc biệt là các cơ quan pháp luật để xử lý kiên quyết đối với các đối tượng chây ỳ, khó thu. Đối với nợ quá hạn, trường hợp khách hàng có nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan bất khả kháng như thiên tai, biến động bất lợi của giá cả hàng hóa, ốm đau đột xuất…cần phải xử lý bằng kỹ thuật nghiệp vụ để tháo gỡ khó khăn như: gia hạn nợ, cho vay lại để khách hàng tiếp tục sản xuất để tạo nguồn trả nợ cho ngân hàng.

CBTD phải là người gần gũi với khách hàng để đề xuất các biện pháp nghiệp vụ, tư vấn cho khách hàng kể cả về phương diện quản lý, tiêu thụ sản phẩm, giá cả để giúp khách hàng vượt qua khó khăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý hoạt động tín dụng tại ngân hàng thương mại cổ phần sài gòn hà nội (Trang 127 - 131)