Kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan quản lý DNNVV

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 102 - 108)

6. Kết cấu của luận văn

4.3.1. Kiến nghị với Nhà nước và các cơ quan quản lý DNNVV

4.3.1.1. Hoàn thiện các chính sách vĩ mô nhằm khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhà nước ta đã có rất nhiều chính sách vĩ mô, các quy định, luật lệ cải thiện môi trường kinh doanh cũng như tạo khung pháp lý để khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên đánh giá các chính sách vĩ mô của nhà nước thì bản kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2010 - 2015 đã nhận định “khung khổ pháp lý đối với phát triển doanh nghiệp còn tồn tại một số vấn đề như các cơ chế chính sách của nhà nước liên quan đến sự phát triển của DNNVV chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc chưa được bổ sung kịp thời, nhiều thủ tục hành chính chưa sửa đổi, chưa theo kịp tiến trình phát triển doanh nghiệp, các thủ tục mang nặng tính chất hành chính chưa gắn với cơ

chế điều chỉnh của thị trường, chưa quan tâm đầy đủ đến yếu tố chất lượng, hiệu quả và khả năng hội nhập quốc tế nên kết quả còn nhiều hạn chế”. Vì vậy nhà nước cần có những tọa đàm với doanh nghiệp cũng như những nghiên cứu cần thiết để hiểu rõ những vướng mắc của họ về cơ chế chính sách và có cải tiến phù hợp, đồng bộ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế và tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển. Việc hoàn thiện này cần thực hiện thực hiện thường xuyên cho phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội và yêu cầu của doanh nghiệp.

Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành thay thế nghị định số 90/2001/NĐ-CP là một sự thay đổi về chính sách vĩ mô của Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển DNNVV. Nghị định đã nêu rõ nội dung và những qui định cụ thể để trợ giúp phát triển DNVVV. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng thông tin hướng dẫn các bộ ngành, địa phương về thực hiện quỹ Phát triển DNNVV, thực hiện vườn ươm doanh nghiệp.

4.3.1.2. Cần có cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ nhà quản trị

Hiện nay, chất lượng đội ngũ nhà quản trị tại các DNNVV Việt Nam còn ít kinh nghiệm trong vấn đề kinh doanh với quốc tế. Nhà nước và các cơ quan xúc tiến phát triển DNNVV cần tổ chức các cuộc hội thảo nhằm tuyên truyền về vấn đề này tới các nhà quản trị, giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của trình độ học vấn, kinh nghiệm quản trị đồng thời khuyến khích họ học tập. Vì vậy, các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các trung tâm hỗ trợ DNNVV cần phải xây dựng các khóa đào tạo nhà quản lý và kêu gọi, khuyến khích các nhà quản trị tham gia.

4.3.1.3. Hình thành Quỹ phát triển nguồn nhân lực

Nhà nước ta đã lần đầu tiên tài trợ thực hiện chương trình đào tạo cho DNNVV theo quyết định số 143/2004/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ. Tuy nhiên chương trình này mới chỉ cung cấp 3 chương trình đào tạo: khởi sự

doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và đào tạo giảng viên và mới đáp ứng được gần 50% nhu cầu của doanh nghiệp về các chủ đề này. Trong khi đó, nhu cầu đào tạo của DNNVV rất lớn và đa dạng. Hiện nay Nhà nước đã có qui định xây dựng quĩ Phát triển DNNVV theo như Nghị định số 56/2009/NĐ-CP. Mục đích hoạt động của Quĩ Phát triển DNNVV rất đa dạng trong đó có hoạt động nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp: “tài trợ các chương trình giúp nâng cao nâng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chú trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”. Vì vậy, để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho DNNVV, nhà nước cần thành lập Quỹ phát triển nguồn nhân lực. Mục tiêu của Quỹ phát triển nguồn nhân lực để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tăng khả năng làm việc suốt đời cho người lao động. Các doanh nghiệp khi gửi người đi học chỉ phải đóng từ 20-50% học phí. Nhà nước nên nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước như Malaysia, Singapre quy định các doanh nghiệp nộp 1 đến 2% quỹ lương vào quỹ phát triển nguồn nhân lực.

4.3.1.4. Tiếp tục thực hiện chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các DNNVV

Chương trình trợ giúp đào tạo NNL cho các DNNVV giai đoạn 2004- 2008 theo quyết định 143/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã kết thúc. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tổng kết thành công cũng như những hạn chế của chương trình. Từ thành công này, thủ tướng chính phủ đã quyết định tiếp tục thực thiện chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV, nhưng cách tổ chức khác đi: các tỉnh cần lập kế hoạch đào tạo cho DNNVV trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như trong Nghị định số 56/2009 NĐ-CP về trợ giúp DNNVV đã nêu. Vì vậy, các tỉnh, thành

phố để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo của DNNVV cần thực hiện đánh giá nhu cầu đào tạo, xác định đúng nhu cầu đào tạo của DNNVV. Các cuộc đánh giá nhu cầu đào tạo trước kia mới chỉ đưa ra 3 chương trình đào tạo để tìm hiểu nhu cầu đào tạo của họ. Cần mở thêm các chương trình đào tạo khác ngoài 3 chương trình đó. Nên tham khảo 5 khoá đào tạo sau đây với trên 50% doanh nghiệp có nhu cầu theo như kết quả khảo sát của tác giả:

1. Lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh 2. Kỹ năng nghiên cứu thị trường

3. Quản lý chất lượng

4. Tuyển dụng và lựa chọn nhân lực 5. Chăm sóc khách hàng

Khoá đào tạo có nhu cầu hàng đầu về lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh là rất quan trọng và phù hợp với kết luận nghiên cứu từ khảo sát DNNVVV năm 2007 của CIEM. Tham gia học khoá học này, chủ các doanh nghiệp sẽ biết cách lập kế hoạch tương lai của công ty và có nỗ lực để thực hiện giúp doanh nghiệp có cơ hội tồn tại và phát triển tốt hơn. Việc xây dựng được kế hoạch kinh doanh sẽ giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong vay vốn ngân hàng. Rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không biết cách lập hồ sơ vay vốn trong đó có bản kế hoạch kinh doanh nên đã không thể vay được vốn. Theo như phân tích ở chương 2, trên 50% chủ doanh nghiệp không biết hoặc không hiểu về các luật mới, luật hiện hành liên quan đến kinh doanh. Vì vậy, nhà nước cần hỗ trợ tổ chức các khoá đào tạo về các luật cơ bản cho hoạt động kinh doanh như luật hải quan, luật bảo hiểm, luật môi trường, luật đầu tư, luật doanh nghiệp mới.

Bên cạnh đó, nhà nước cần nghiên cứu tăng thêm kinh phí tổ chức các khóa đào tạo. Theo như báo cáo tổng kết chương trình đào tạo cho DNNVV giai đoạn 2010 - 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì kinh phí tổ chức đào tạo

còn hạn chế nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu đào tạo rất nhỏ của DNNVV.

4.3.1.5. Hoàn thiện hệ thống đào tạo nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu DNNVV

Nhà nước cần thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở dạy nghề, đa dạng hóa loại hình dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp có trường dạy nghề, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với dạy nghề.

Tổng cục Dạy nghề cần tiến hành xây dựng và hoàn thiện một số loại tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp, hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ hành nghề quốc gia để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo điều kiện công nhận kỹ năng nghề cho người lao động và tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế cho các cơ sở dạy nghề trong điều kiện hội nhập kinh tế. Chuyển mạnh dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động. Các cơ sở dạy nghề nên chủ động khảo sát đánh giá nhu cầu đào tạo nghề của DNNVV để thiết kế những chương trình đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của DNNVV.

Tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là các nước trong khu vực để tiếp cận chuẩn quốc tế và chuẩn khu vực về kỹ năng nghề. Cần thực hiện ký kết các hợp đồng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trao đổi chuyên gia.

Các cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới và nâng cao chất lượng dạy nghề thông qua việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng mềm dẻo, phù hợp với sự thay đổi của công nghệ, biên soạn giáo trình và tài liệu dạy nghề theo chuẩn quốc tế và phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế. Để đáp ứng nhu cầu của hội nhập kinh tế, bên cạnh việc nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học, các cơ sở đào tạo cần chú trọng đào tạo ngoại ngữ, rèn luyện tác phong công nghiệp, văn hóa nơi làm việc cho người học. Nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề về lý thuyết cũng như năng lực thực hành nghề và phương pháp sư phạm. Đổi mới phương pháp đào tạo lấy học viên làm trung tâm, chú trọng vào đào tạo

kỹ năng nghề cho người học. Cần thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người học và khả năng tìm kiếm việc làm sau đào tạo.

4.3.1.6. Phát triển thị trường lao động

Nhà nước cần có những giải pháp đồng bộ để phát triển hệ thống giáo dục và dạy nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động cho cung trên thị trường lao động. Nhà nước cần khuyến khích phát triển DNNVV để tăng cơ hội việc làm cho người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp thông báo nhu cầu lao động của mình thông qua hệ thống thông tin thị trường lao động và thực hiện tuyển dụng qua phỏng vấn xét tuyển.

Mặt khác nhà nước cần có những biện pháp để phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động như: hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về hệ thống giao dịch thị trường lao động, khuyến khích phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, khuyến khích chủ DNNVV, người lao động tham gia giới thiệu việc làm, tạo kết nối đồng bộ để có thể bao quát được tình hình cung-cầu lao động, đặc biệt là cầu lao động, Tổng cục thống kê cần thống kê được số chỗ việc làm sẽ được tạo ra phân theo khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp.

Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về quan hệ lao động. Bộ Luật lao động cần có những qui định bảo vệ quyền lợi của các chủ doanh nghiệp, có những chế tài cần thiết để xử lý các vi phạm của người lao động tự ý bỏ việc hoặc thôi việc. Tăng cường sự tham gia của đại diện lao động và chủ sử dụng lao động vào quá trình xây dựng chính sách về lao động và phát triển thị trường lao động.

4.3.1.7. Tổ chức các khoá học đáp ứng nhu cầu đào tạo của DNNVV

Để hỗ trợ các DNNVV trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cần đánh giá đúng nhu cầu đào tạo, tư vấn của DNNVV. Trên cơ sở khảo sát, hiểu rõ nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo mới có thể thiết kế được chương trình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên trong quá trình

thực hiện các hoạt động đào tạo, từ các cơ hội tiếp xúc với học viên, với các giám đốc, chủ doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo cần tìm hiểu sâu hơn nhu cầu đào tạo của họ để thiết kế những khóa học đáp ứng đúng nhu cầu của họ. Các tổ chức cung cấp đào tạo cần phối hợp với giáo viên để thiết kế những khóa đào tạo có nội dung ngắn gọn, tính thực hành cao, nhiều tính huống gắn với DNNVV, phù hợp với trình độ còn hạn chế của cán bộ của DNNVV. Trong từng phần giảng dạy cần có những bài tập, bài tập tình huống, thảo luận để học viên dễ hiểu và chia sẻ được kinh nghiệm thực tế của mình. Đối với dạy nghề cần tăng cường thời gian thực hành trên máy móc thiết bị để nâng cao kỹ năng nghề.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố việt trì, tỉnh phú thọ (Trang 102 - 108)