5. Bố cục của luận văn
4.2.2. Giải pháp nhằm hạn chế rủi ro
4.2.2.1. Cơ cấu lại nền khách hàng.
Cơ cấu lại nền khách hàng với mục tiêu chính là phân tán rủi ro, đây chính là việc thực hiện cấp bảo lãnh cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, khu vực sản xuất kinh doanh, loại hình khách hàng nhằm tránh những tổn thất lớn và những khoản nợ xấu xảy ra cho ngân hàng thương mại. Phân tán rủi ro hay đa dạng hóa danh mục bảo lãnh và đầu tư tín dụng là một giải pháp chủ yếu thường được các ngân hàng thương mại áp dụng để giảm thiểu rủi ro tín dụng. Với BIDV Nam Thái Nguyên, để thực hiện giải pháp này không phải trong một sớm một chiều mà phải trải qua thời gian tương đối dài để cơ cấu lại nền khách hàng cho phù hợp.
- Không tập trung cấp bảo lãnh cho một ngành, một lĩnh vực:
Khi ngân hàng tập trung cấp bảo lãnh vào một ngành kinh tế sẽ giống như “bỏ trứng vào một giỏ”, có nghĩa là: khi lĩnh vực kinh tế mà ngân hàng tập trung vốn đầu tư gặp phải những biến động bất lợi thì thiệt hại của ngân hàng sẽ là vô cùng lớn. Như vậy phân tán rủi ro hay chia nhỏ lĩnh vực đầu tư, khu vực đầu tư là một biện pháp cho các ngân hàng thương mại trong phòng chống rủi ro.
Tại BIDV Nam Thái Nguyên, về cơ bản khách hàng phân bố ít ngành nghề ngành nghề khác nhau. Do vậy, BIDV Nam Thái Nguyên cần phải có biện pháp kiểm soát tốt và hạn chế cấp bảo lãnh, hạn chế mở rộng thêm đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro theo chỉ đạo, định hướng của BIDV Việt Nam mà cần đa dạng hóa nền khách hàng, tập trung vào các ngành nghề có hệ số rủi ro thấp.
- Không tập trung cấp bảo lãnh vào một hoặc một số khách hàng.
Cùng với mục đích như trên là phân tán rủi ro, đây là lời khuyến cáo quan trọng cho việc ra quyết định cấp bảo lãnh của ngân hàng. Cho dù một khách hàng kinh doanh hiệu quả hay có quan hệ lâu năm với ngân hàng thì yêu cầu trên vẫn cần được tuân thủ bởi vì nếu khách hàng gặp rủi ro thì ngân hàng cũng chịu tổn thất, hơn nữa những thay đổi trong chu kỳ kinh doanh của khách hàng là khó tránh khỏi.
Sau một thời gian phát triển nhanh để chiếm lĩnh thị phần thì nay hoạt động bảo lãnh của BIDV Nam Thái Nguyên cần tập trung phát triển gắn với cơ cấu lại nền khách hàng để nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo lãnh; chú trọng
vào đối tượng khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vệ tinh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hoạt động hiệu quả, có lợi thế cạnh tranh, có ứng dụng công nghệ cao, có nguồn ngoại tệ lớn từ hoạt động xuất khẩu theo đúng mục tiêu định hướng giai đoạn 2018 - 2020.
4.2.2.2. Thực hiện đúng quy trình cấp bảo lãnh: kiểm tra trước, trong và sau khi cấp bảo lãnh
- Trước khi cấp bảo lãnh: Đối với hoạt động bảo lãnh thì rủi ro có nguyên nhân lớn nhất xuất phát từ việc bất cân xứng về mặt thông tin. Do đó, biện pháp thu thập thông tin cần thiết về khách hàng để phục vụ công tác thẩm định, xét duyệt trước khi ra quyết định cấp bảo lãnh là rất cần thiết. Các thông tin về khách hàng bao gồm: Hồ sơ pháp lý của khách hàng, Hồ sơ về tình hình tài chính của khách hàng, Hồ sơ về dự án, phương án vay vốn, Hồ sơ về tài sản bảo đảm,… Như vậy, đòi hỏi cán bộ QLKH phải có nền kiến thức tổng hợp, am hiểu về phân tích báo cáo tài chính và có kiến thức về pháp luật.
- Trong khi cấp bảo lãnh: Các bộ phận liên quan phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình, trình tự, thủ tục, mẫu biểu hồ sơ, hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật. Đặc biệt bộ phận quản lý rủi ro và quản trị tín dụng tại chi nhánh nâng cao chức năng kiểm soát, hậu kiểm đối với các hồ sơ pháp lý, tài chính, vay vốn, tài sản đảm bảo... nhằm giảm thiểu các rủi ro tác nghiệp. Mặt khác, việc thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp, cầm cố, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, của ngành... sẽ bảo vệ ngân hàng trong trường hợp khách hàng bị suy giảm khả năng trả nợ
- Sau khi cấp bảo lãnh: Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra nội bộ, kiểm soát khách hàng: Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động bảo lãnh theo định kỳ hoặc đột xuất trong việc chấp hành các quy chế, quy trình cấp bảo lãnh, trong thẩm quyền phán quyết, trong hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tính hiệu quả và khả thi của phương án, các điều kiện về nhận tài sản đảm bảo, thủ tục thế chấp, cầm cố tài sản đảm bảo....phát hiện các sai sót trong xử lý quy trình nghiệp vụ từ đó kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp nhằm
Cán bộ QHKH theo dõi, giám sát quá trình thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh của khách hàng, đôn đốc khách hàng thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh (người thụ hưởng bảo lãnh), hạn chế việc phải trả thay bảo lãnh. Tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại bảo lãnh, từng lĩnh vực/ngành liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh để tiến hành kiểm tra:
+ Đối với bảo lãnh thanh toán: Kiểm tra, kiểm soát hàng hoá, luồng tiền hình thành/phát sinh từ các nghĩa vụ mà ngân hàng bảo lãnh thanh toán.
+ Đối với bảo lãnh thực hiện hợp đồng: Kiểm tra, theo dõi tiến độ giao hàng/sản xuất/thi công trên cơ sở các báo cáo tiến độ giao hàng/sản xuất/thi công, biên bản nghiệm thu/hóa đơn giao hàng, số liệu tài chính, khảo sát thực tế tại nơi sản xuất, thi công, …
+ Đối với bảo lãnh hoàn trả tiền ứng trước: Kiểm tra việc chuyển tiền ứng trước, việc sử dụng nguồn tiền ứng trước, tiến độ hoàn trả tiền ứng trước, …
+ Đối với bảo lãnh bảo đảm chất lượng sản phẩm: Theo dõi các biên bản kiểm tra chất lượng sản phẩm, biên bản nghiệm thu, …
Trên thực tế đã xuất hiện trường hợp thư bảo lãnh giả do vậy cần xác nhận, đối chiếu với tổ chức phát hành về tính xác thực của Thư bảo lãnh trước khi xem xét chấp thuận việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác cho bên được bảo lãnh khi nhận được chứng thư bảo lãnh do các tổ chức tín dụng khác hoặc Chi nhánh BIDV khác phát hành.
Ngoài ra, định kỳ, ngân hàng thực hiện phân loại khách hàng theo nhóm để có chính sách cấp bảo lãnh phù hợp theo từng đối tượng khách hàng nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro.