Các nhân tố ảnh hưởng đến việc quản lý chi NSNN cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 32)

1.2.3.1 Các nhân tố bên trong

Điều kiện tự nhiên và trình độ phát triển kinh tế xã hội của huyện

Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng quyết định đến cơ cấu kinh tế, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng và mức sống của dân cư, qua đó ảnh hưởng đến thu và chi NSNN. Nếu điều kiện tự nhiên thuận lợi thì kinh tế phát triển, thu NSNN nhiều và thuận lợi, do đó quy mô chi NSNN rộng rãi hơn. Khi trình độ kinh tế phát triển xã hội và mức thu nhập bình quân của người dân tăng thì huy động ngân sách cũng tăng. Khi ý thức tuân thủ pháp luật và các chính sách Nhà nước của các tổ chức, cá nhân được nâng cao, năng lực sử dụng NSNN tại các tổ chức và cá nhân thụ hưởng NSNN được cải thiện thì việc sử dụng NSNN sẽ có hiệu quả cao hơn, mức độ vi phạm cũng sẽ thấp hơn. Ngược lại, khi trình độ phát triển kinh tế và mức thu nhập bình quân trên địa bàn còn thấp, cũng như ý thức về sử dụng các khoản chi chưa cao thì sẽ tồn tại tình trạng ỷ lại Nhà nước, lạm dụng chi NSNN… làm cho quá trình quản lý chi NSNN khó khăn, phức tạp hơn.  Năng lực quản lý của người lãnh đạo và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong bộ máy quản lý chi NSNN cấp huyện

Năng lực cán bộ quản lý chi NS cấp huyện, bao gồm năng lực đề ra chiến lược trong hoạt động NS; năng lực đưa ra được các dự toán hợp lý; năng lực tổ chức thực hiện dự toán năng động; năng lực kiểm tra, giám sát các đơn vị thụ hưởng NS cấp dưới… Nếu đội ngũ cán bộ quản lý chi NS cấp huyện có năng lực tốt, chất lượng quản lý chi NS cấp huyện sẽ cao và ngược lại.

Ngoài ra, đạo đức của cán bộ quản lý chi NS cấp huyện cũng ảnh hưởng ở mức độ lớn đến quản lý chi NS địa phương. Nếu cán bộ tha hóa, vụ lợi, nguy cơ thất thoát, lạm dụng, lãng phí NS sẽ lớn.

1.2.3.2 Các nhân tố bên ngoài

Cơ sở pháp lý của công tác quản lý chi ngân sách

Ở Việt Nam, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng như các quyết sách của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Quốc hội có ảnh hưởng rất lớn đến quản lý NS cấp cấp huyện. Cụ thể là các văn bản quy định phạm vi, đối tượng chi ngân sách của các cấp chính quyền; quy định, chế định việc phân công, phân cấp nhiệm vụ chi, quản lý chi của các cấp chính quyền; quy định quy trình, nội dung lập, chấp hành và quyết toán ngân sách; quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong quá trình quản lý chi ngân sách và sử dụng quỹ ngân sách; quy định, chế định những nguyên tắc, chế độ, định mức chi tiêu... Các văn này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả quản lý chi ngân sách trên một địa bàn nhất định, do vậy đòi hỏi Nhà nước phải ban hành những văn bản đúng đắn, phù hợp với điều thực tế thì công tác quản lý chi NSNN mới đạt được hiệu quả.

Sự ổn định kinh tế vĩ mô

Trong các giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt, thu NSNN dồi dào, chi NSNN không lớn, quản lý chi NSNN cấp huyện dễ được hỗ trợ từ NS cấp tỉnh và thu trên địa bàn huyện. Ngược lại, trong các giai đoạn suy thoái, khủng hoảng thu NSNN giảm, chi NSNN để đối phó với suy thoái, khủng hoảng tăng cao, quản lý chi NSĐP do đó cũng khó khăn hơn rất nhiều.

Việc kiểm soát chi tại KBNN là kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ chi NSNN; kiểm tra, kiểm soát tính hợp pháp về con dấu và chữ ký của Thủ trưởng và Kế toán đơn vị sử dụng ngân sách; kiểm tra, kiểm soát các điều kiện chi theo chế độ quy định (đã có trong dự toán chi NSNN hàng năm được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức). Kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý chi NSNN.

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính

Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật. Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, thanh tra, kiểm tra còn đóng vai trò như một biện pháp phòng ngừa các vi phạm pháp luật. Mặt khác, các giải pháp được đưa ra từ hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ hướng vào việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, mà còn có tác dụng khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa tận gốc mầm mống phát sinh những vi phạm pháp luật, từ đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 30 - 32)