Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 67 - 73)

Một là, quản lý chi NSNN đã dần đi vào nề nếp theo hướng phân công rõ ràng, minh bạch, đề cao tính tuân thủ pháp luật.

Trong giai đoạn 2015-2017, huyện Tiên Du đã tích cực triển khai theo Luật NSNN 2002, Luật NSNN 2015 và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. HĐND huyện đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và thành thục hơn trong phê chuẩn dự toán, quyết toán chi NSNN. Việc phê chuẩn quyết toán NSNN đi đôi với quyền giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng NSNN của HĐND huyện đã thúc đẩy cơ quan quản lý NSNN cấp huyện và các đơn vị sử dụng NSNN nghiêm chỉnh chấp hành chế độ, chính sách chi NSNN. HĐND cấp huyện đã đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong giám sát thực tế, qua đó hạn chế phần nào tình trạng sử dụng NSNN một cách lãng phí.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, với sự tham mưu của Phòng Tài chính – Kế hoạch cùng các đơn vị sử dụng NSNN đã chỉ đạo sát sao các bộ phận quản lý NSNN để từng bước nâng cao chất lượng các định mức làm căn cứ xây dựng dự toán NSĐP, đẩy nhanh quá

trình phân bổ NS cho các đơn vị sử dụng NS và tích cực kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng chế độ, chính sách của Nhà nước. Do vậy, chu trình NS đã được thực hiện trong thời gian ngắn hơn, UBND huyện nắm được thông tin về sử dụng NSNN nhanh hơn, đầy đủ hơn, nhờ đó có thể điều hành NS tốt hơn theo hướng sử dụng NSNN vừa đúng chế độ, chính sách do Trung ương quy định, vừa linh hoạt, phù hợp với địa phương.

Huyện cũng tiến hành mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng NSNN, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động quyết định và phân bổ nguồn lực theo nhu cầu của đơn vị mình. Các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 của Chính phủ và Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ thay thế Nghị định 43. Các đơn vị quản lý nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và Nghị định 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 130. Việc phân cấp, mở rộng quyền tự chủ cho đơn vị sử dụng NS thông qua chính sách khoán kinh phí quản lý hành chính, khuyến khích tìm nguồn thu ngoài NSNN, khuyến khích sử dụng tiết kiệm… đã góp phần khuyến khích đơn vị sử dụng NS sử dụng tiết kiệm NSNN, cải thiện thu nhập, phúc lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị theo quy định.

Hai là, chất lượng dự toán được cải thiện hơn, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã được điều chỉnh hợp lý hơn.

Ngoài việc chấp hành Luật NSNN, các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính, của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, HĐND huyện, UBND huyện và các văn bản hướng dẫn lập dự toán hằng năm, việc lập dự toán chi thường xuyên tại huyện Tiên Du đã bước đầu thích nghi với NS trung hạn, ổn định trong ba năm, cho phép chuyển nguồn chi qua năm sau. Trong dự toán chi thường xuyên, huyện cũng chú trọng chi cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, chi phòng chống các dịch bệnh, an toàn thực phẩm… Việc tổ chức thực hiện dự toán NS đã có bước biến chuyển tích cực, bám sát dự toán và khả năng cân đối NS, cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ phát triển KTXH và an ninh, quốc phòng, bước đầu tạo thế chủ động cho điều hành NS huyện và giữ môi trường an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế.

Công tác lập dự toán chi ĐTPT được phân cấp, ưu tiên các công trình trọng điểm theo chủ trương của Đảng và định hướng của Chính phủ, đặc điểm kinh tế xã hội của địa phương qua từng năm. Quá trình phê duyệt và giải ngân chi đầu tư XDCB thực hiện đúng trình tự, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật từ khâu lập dự án khả thi đến thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, đấu thầu, thi công, nghiệm thu, quyết toán, thẩm định quyết toán công trình. Kết quả thực hiện vốn ĐTPT ngân sách huyện Tiên Du giai đoạn 2015-2017 đạt khá cao so với những năm trước đây và so với mặt bằng chung của cả tỉnh Bắc Ninh, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch vốn có xu hướng tăng mạnh, năm sau cao hơn năm trước.

Vốn đầu tư tạm ứng cho các nhà thầu đã được quản lý ngày càng tốt hơn; tỷ lệ vốn tạm ứng trong số vốn giải ngân ngày càng giảm. Vốn đầu tư giải ngân được chuyển vào giá trị công trình nhiều hơn, mức độ chiếm dụng vốn NSNN của các nhà thầu ít hơn.

Ba là, các định mức, chế độ, chính sách chi NSNN đã phù hợp hơn với nhu cầu, đặc điểm của huyện.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã trình HĐND tỉnh ban hành hệ thống định mức phân bổ NS để làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ NS cho các đơn vị trực thuộc. Tỉnh đã quy định định mức phân bổ NS cho các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện trong lĩnh vực chi sự nghiệp y tế, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, sự nghiệp quốc phòng, sự nghiệp an ninh… Chi quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp đã được phân bổ tuỳ theo số lượng biên chế trong các cơ quan nhà nước. Bên cạnh định mức phân bổ chi thường xuyên làm cơ sở để phân bổ dự toán NS cho các đơn vị, các cấp trên địa bàn huyện, trong giai đoạn 2015-2017, tỉnh Bắc Ninh cũng đã ban hành nhiều chính sách, định mức chi đặc thù về công tác phí, chi tổ chức hội nghị, hệ số phụ cấp đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, chính sách thu hút nhân tài.

Bởi vậy, huyện Tiên Du đã áp dụng đầy đủ các định mức, chế độ chi NSNN nên dự toán chi ngân sách huyện đã cơ bản phản ánh đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, các nhiệm vụ thường xuyên và dự kiến phát sinh đã góp phần thực hiện tốt kế hoạch chi ngân sách hàng năm.

Các khoản chi giáo dục và y tế được phân bổ công bằng hơn giữa các xã. Chi sự nghiệp giáo dục đào tạo đảm bảo thực hiện các yêu cầu về chi trả lương, phụ cấp giáo viên, chi thực hiện một số mục tiêu như phổ cập giáo dục, đảm bảo tiêu chí biên chế sự nghiệp giáo dục, chi nâng cao chất lượng giáo dục như thay sách giáo khoa và thiết bị dạy học.... Chủ trương tăng quyền tự chủ cùng với sự tăng trưởng về quy mô và tỷ trọng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong thời gian qua đã góp phần đem lại một số thành tựu nhất định trong hệ thống giáo dục đào tạo của huyện, như: Tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, chất lượng giáo dục đào tạo, được cải thiện, đời sống của giáo viên được quan tâm hơn qua cải cách chế độ tiền lương.

Chi sự nghiệp y tế chủ động trong phân bổ dành kinh phí cho việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong việc khám chữa bệnh.

Các khoản chi sự nghiệp kinh tế đã góp phần tích cực trong việc tăng cường các hoạt động thương mại dịch vụ; sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; sản xuất nông, lâm, thủy sản; các hoạt động về thủy lợi, đê điều và giao thông xây dựng; các hoạt động tín dụng ngân hàng.

Các khoản chi NSĐP khác đã góp phần nâng cao mức sống hộ gia đình, mức độ cung cấp dinh dưỡng được cải thiện.

Huyện cũng nỗ lực chi tiết kiệm để tăng vốn ĐTPT. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2015-2017, mặc dù nguồn thu NS huyện tăng không đáng kể, nhưng UBND huyện vẫn duy trì tỷ trọng chi ĐTPT trong tổng chi NSĐP ở mức cao nhất có thể. Trong cơ cấu chi ĐTPT, các khoản cấp phát đầu tư XDCB cho các công trình phi sản xuất, công trình kinh doanh không hiệu quả được loại bỏ dần. Huyện ưu tiên kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế, tập trung đầu tư những dự án, công trình trọng điểm của địa phương, ưu tiên tăng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xã nghèo, khó khăn.

Huyện Tiên Du đã nghiêm túc thực hiện công khai NSNN tại các đơn vị sử dụng NSNN theo Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp NSNN, các đơn vị dự toán NS, các tổ chức được NSNN hỗ trợ, các dự án đầu tư XDCB có sử dụng vốn NSNN, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ NSNN và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân. Huyện đã triển khai thực hiện Thông tư số 03/2005/TT-BTC, ngày 06/01/2005 của Bộ Tài chính, Thông tư số 343/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính thay thế Thông tư 03/2005/TT-BTC về thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các cấp NSNN và chế độ báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính. Giai đoạn 2015-2017, các số liệu quyết toán NSNN, dự toán thu, chi NSĐP đã được công khai trên hệ thống trang thông tin điện tử của huyện. Các cơ quan sử dụng NS thực hiện niêm yết công khai NS tại trụ sở làm việc.

Năm là, chấp hành dự toán được kiểm soát chặt chẽ hơn, quyết toán NSNN được chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh hơn.

Công tác thực hiện dự toán chi thường xuyên ở các cấp, đơn vị đã có nhiều bước biến chuyển tích cực, bám sát tiêu chuẩn dự toán và khả năng cân đối NS, cơ bản đã đáp ứng được nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng trên địa bàn huyện.

Huyện khuyến khích các đơn vị sử dụng NS thực hiện chế độ khoán kinh phí quản lý hành chính hoặc tự chủ tài chính. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, các đơn vị đã thực hiện và phát huy hiệu quả việc sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho chi hoạt động thường xuyên. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã góp phần thúc đẩy các đơn vị chủ động, sáng tạo trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm; ý thức, trách nhiệm về tiết kiệm trong việc sử dụng của công của các bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đã tạo quyền tự chủ, chủ động cho đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính; chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch khi được cấp trên giao phù hợp; chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức tinh gọn, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với cơ cấu, tiêu chuẩn

chức danh, nâng cao hiệu quả hoạt động. Thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp đã gắn với hiệu quả, chất lượng công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ.

Từ kết quả thực hiện chế độ tự chủ về tài chính đa số các đơn vị đã chủ động được trong việc trang bị máy móc, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tốt nhất về điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị. Bên cạnh đó, thủ trưởng các đơn vị đã thật sự chủ động trong việc sử dụng kinh phí quản lý hành chính được giao một cách hợp lý, tiết kiệm, tạo được nguồn tăng thu nhập, góp phần cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị mình, nhất là trong điều kiện lương cán bộ, công chức thấp và giá cả một số các mặt hàng tăng cao như hiện nay; việc phân bổ thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ. Hiện một số đơn vị đã thực hiện khoán đối với một số nội dung chi như: Khoán chi văn phòng phẩm cho các phòng, ban, bộ phận; khoán tiền ngủ, công tác phí đi công tác trong và ngoài tỉnh.

Trên cơ sở biên chế, nhiêm vụ và kinh phí được giao, hầu hết các đơn vị được giao quyền tự chủ đều đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó yêu cầu xác định tiết kiệm biên chế, sắp xếp phân công nhiệm vụ hợp lý theo trình độ và chuyên môn, nghiệp vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức (đặc biệt là việc tuyển dụng viên chức theo nhu cầu của từng vị trí việc làm). Huyện đã nỗ lực cân đối các khoản chi tiêu một cách tiết kiệm và hợp lý, ưu tiên cho các khoản chi hoạt động chuyên môn, giảm và tiết kiệm chi cho hoạt động hành chính như: xăng xe, văn phòng phẩm, hội nghị, điện, nước, điện thoại, tiếp khách…, quản lý chặt chẽ ngày, giờ công và đánh giá hiệu quả việc hoàn thành nhiệm vụ và chất lượng công việc được giao. Việc phân phối thu nhập tăng thêm cho người lao động được xác định theo phương án phù hợp, đã giúp cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác, hăng hái trong công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong cơ quan, đơn vị.

Sáu là, công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng NSNN và xử lý vi phạm đã được thực hiện thường xuyên hơn

Công tác này cũng được huyện hết sức quan tâm. Hàng năm phòng Tài chính - Kế hoạch tiến hành thẩm định quyết toán NS của các đơn vị dự toán, các xã, thị trấn và tiến hành đồng thời công tác kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng tài sản công. Bởi vậy, huyện đã kịp thời chấn chỉnh và kiến nghị xuất toán đối với các trường hợp vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. Qua thanh tra, kiểm soát NS, đã kịp thời phát hiện những thiếu sót, hạn chế về nghiệp vụ kế toán của các đơn vị, từ đó kịp thời xử lý, khắc phục nhằm hoàn thiện hơn công tác quản lý chi NSNN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng NSNN, đồng thời tăng cường kỷ cương quản lý tài chính tại các đơn vị.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)