Cơ chế, chính sách, định mức chi NSNN của Trung ương còn một số bất cập.
Công cụ quản lý chi NSNN là chế độ chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên Luật NSNN 2002 có hiệu lực trong một khoảng thời gian khá dài (13 năm), nên có nhiều điểm lạc hậu so với những năm cuối hiệu lực của luật. Vì vậy, nhiều đơn vị không tiết kiệm được kinh phí hoặc tiết kiệm không đáng kể đã làm giảm động lực nhận khoán của cán bộ, công chức trong đơn vị sử dụng NS. Đa số các cán bộ quản lý NSĐP của huyện Tiên Du cho rằng, việc quản lý NSĐP của họ gặp khó khăn do nhiều định mức Trung ương quy định không hợp lý.
Hệ thống văn bản, chính sách, pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cũng chưa đồng bộ từ Trung ương đến địa phương làm cho việc triển khai của địa phương còn nhiều lúng túng, chậm chễ. Ngoài ra một số các văn bản về đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật còn thiếu hoặc đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Cơ chế quản lý đầu tư hiện tại còn thiếu những chế tài, những quy định cụ thể nhằm kiểm soát và hạn chế việc phê duyệt dự án đầu tư. Chưa có quy định ràng buộc mối quan hệ giữa cấp phát vốn đầu tư với quyết toán vốn đầu tư hoàn thành nên việc yêu cầu chủ đầu tư quyết toán công trình XDCB hoàn thành rất khó khăn.
Việc tách biệt giữa quản lý chi thường xuyên và chi ĐTPT cũng mang lại những bất cập như: Các khoản chi thường xuyên về cơ bản được điều chỉnh bởi Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn Luật NSNN, trong khi đó các khoản chi ĐTPT được quản lý bởi hệ thống các văn bản pháp lý về đầu tư công nên khó gắn kết và đánh giá tác động của hai khoản mục chi NS đó. Các đánh giá trong và sau khi thực hiện đầu tư cũng chưa được quy định phù hợp với luật NSNN.
Việc ban hành chính sách, pháp luật còn chậm, chưa đồng bộ và phù hợp với tiến trình phát triển của huyện. Việc đổi mới, sắp xếp lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được thực hiện quyết liệt. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp chậm được nghiên cứu, triển khai.
Năng lực của bộ máy và cán bộ quản lý NSĐP cấp huyện còn hạn chế.
Mặc dù hiện nay đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong huyện cơ bản đạt chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học theo các chức danh, vị trí đảm nhiệm, nhưng, một số cán bộ ở xã, thị trấn vẫn còn hạn chế trong chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến quản lý chi ngân sách cấp mình còn nhiều thiếu sót. Năng lực, trình độ quản lý, điều hành NSĐP của các cơ quan quản lý và các đơn vị sử dụng NSNN còn hạn chế nên dự toán không chính xác, thời gian thực hành nghiệp vụ kéo dài do phải điều chỉnh nhiều lần.
Trình độ xây dựng dự toán của các đơn vị sử dụng NS còn yếu, nhiều cán bộ chuyên môn tại các đơn vị sử dụng NS không được đào tạo bài bản, có khi còn kiêm nhiệm việc khác. Có thể nói, việc quyết toán, thanh toán NS thường có tình trạng thực chi chưa sát với dự toán đã được phân bổ là do năng lực dự báo tình hình chưa được chính xác và đa phần đơn vị sử dụng NS chỉ bố trí ngân sách theo khả năng chứ chưa phải theo yêu cầu nhiệm vụ.
Năng lực của một số cán bộ quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là năng lực của chủ đầu tư, của cán bộ quản lý dự án. Một số đơn vị sử dụng NS chưa quan tâm chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án. Theo phân công, phân cấp, công tác phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công, tổng dự toán và lựa chọn nhà thầu do chủ đầu tư quyết định, nhưng nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện giám sát đầu tư, giám sát chất lượng công trình xây dựng. Những yếu kém này là nguyên nhân dẫn đến quản lý vốn đầu tư từ NSNN trên địa bàn huyện Tiên Du chưa đáp ứng yêu cầu.
Một số cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN chưa chấp hành tốt các quy định của Luật, chưa nâng cao ý thức quản lý sử dụng kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả. Việc chấp hành cơ chế quản lý tài chính, quản lý chi tiêu NSNN chưa đúng quy định là nguyên nhân gây ra lãng phí ở một số khâu, một số khoản chi. Một số ít lãnh đạo, cán bộ công chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nâng cao ý thức tiết kiệm trong chi tiêu NS.
Kết luận chương 2
Sau khi nghiên cứu tổng quan lý luận về chi NSNN và quản lý chi NSNN ở chương 1, thì trong chương 2, tác giả đã thu thập và phản ánh cơ bản về thực trạng kinh tế, chính trị, xã hội, điều kiện tự nhiên của huyện Tiên Du có ảnh hưởng đến chi NSNN và quản lý chi NSNN từ ngân sách huyện. Trong giai đoạn 2015-2017, trên đà phát triển kinh tế xã hội của cả nước và của tỉnh Bắc Ninh nói chung, huyện Tiên Du đã đạt được những kết quả tích cực. Thu ngân sách hàng năm đều tăng và đã góp phần cân đối nguồn lực cho địa phương để thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH trên địa bàn huyện, số chi ngân sách trung bình một năm giai đoạn này là 1 tỷ đồng.Công tác quản
lý chi NSNN ngày càng được quan tâm hơn, các cấp chính quyền đã có nhiều cố gắng tháo gỡ khó khăn, tạo thế chủ động trong quản lý điều hành, bám sát Luật NSNN, tăng cường các biện pháp, hình thức quản lý chi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương góp phần sử dụng có hiệu quả nguồn lực NSNN. Tuy nhiên bên cạnh đó công quản lý chi ngân sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn có một số điểm hạn chế cần được khắc phục và hoàn thiện.
Từ thực trạng công tác quản lý chi NSNN trên địa bàn huyện Tiên Du trong giai đoạn 2015-2017, việc tìm ra giải pháp nhằm quản lý chi NSNN huyện nói riêng và công tác quản lý chi ngân sách các cấp chính quyền và đơn vị trong cả tỉnh Bắc Ninh nói chung là một yêu cầu bức xúc đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong thời gian tới. Trong bản Luận văn này, theo sự hiểu biết của tác giả, tác giả sẽ trình bày một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý chi NSNN huyện Tiên Du trong chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3 GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI HUYỆN TIÊN DU, TỈNH BẮC NINH