Nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi qua hệ thống Kho bạc nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 105 - 107)

Trong giai đoạn đổi mới cơ chế quản lý tài chính ngân sách hiện nay, Kho bạc nhà nước có một vị trí hết sức quan trọng, đó là kiểm soát chi các khoản chi ngân sách. Để nâng cao chất lượng công tác kiểm soát chi của cơ quan KBNN, huyện Tiên Du trước hết cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi ngân sách, đảm bảo chặt chẽ nhưng không cứng nhắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong giao dịch với KBNN. Huyện cần xây dựng và ban hành các quy trình công tác về kiểm soát chi thường xuyên cũng như chi ĐTPT, trong đó cần quy định rõ về hồ sơ thủ tục cần phải có khi giao dịch, đồng thời quy định rõ thời hạn giải quyết các thủ tục này, niêm yết công khai các thủ tục này tại nơi giao dịch.

Ngoài ra, cần nâng cao trình độ nghiệp vụ kiểm soát chi của cán bộ KBNN thông qua thực hiện chiến lược của ngành trong việc đào tạo và đào tạo lại cán bộ. Định kỳ đầu các quý trong năm 2019, tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm soát chi cho các cán bộ, giúp cán bộ nắm vững các văn bản mới. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính trong quản lý chi ngân sách, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo với cơ quan tài chính và các cơ quan hữu quan cũng như với lãnh đạo huyện. Thực hiện đúng quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN. Kiểm tra trước, trong và sau khi chi

NSNN. Đây là một khâu rất cần coi trọng vì kiểm soát trước khi chi sẽ ngăn ngừa và loại bỏ được những khoản chi tiêu không đúng chế độ quy định, không đúng định mức tiêu chuẩn, đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả, chống lãng phí và thất thoát tiền vốn của Nhà nước.

3.4.5 Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính

Thanh tra, kiểm tra tài chính có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác quản lý NSNN. Làm tốt công tác Thanh tra tài chính và kiểm tra tài chính sẽ góp phần phòng ngừa những sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi tiêu, sử dụng kinh phí ngân sách, tập trung đầy đủ, kịp thời nguồn thu ngân sách về cho Nhà nước, tăng nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, với huyện Tiên Du, cần thiết phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra tài chính đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Để tăng cường chất lượng giám sát thực hiện NSĐP của HĐND, cần cung cấp thông tin đầy đủ cho các ủy viên HĐND, nhất là các báo cáo thực hiện theo quý, năm, kết luận của kiểm toán nhà nước, số thông báo chỉ tiêu phân bổ từ Trung ương… để các ủy viên có căn cứ đánh giá tình hình thực hiện NSNN cũng như phê chuẩn NSĐP một cách chính xác, hợp lý. HĐND có thể tăng tần suất thực hiện giám sát triển khai thực hiện các dự án trọng điểm đầu tư từ NSĐP dưới nhiều hình thức đa dạng như giám sát qua báo cáo, thị sát trực tiếp công trình hoặc chỉ đạo UBND kiểm tra, thanh tra chặt chẽ, khi cần thiết yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án, UBND giải trình sử dụng vốn đầu tư trước HĐND.

Từng bước thực hiện thanh tra tài chính và kiểm toán nhà nước hàng năm đối với tất cả các cấp ngân sách, các đơn vị sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành Luật kế toán, chế độ hạch toán kế toán, chế độ hoá đơn chứng từ, tình hình thực hiện nghĩa vụ thu, nộp ngân sách tại các doanh nghiệp. Thực hiện công khai những kết luận thanh tra, kiểm toán. Chú trọng công tác xử lý kỷ luật về tài chính ngân sách và kiến nghị xử lý về trách nhiệm đối với người đứng đầu đơn vị có vi phạm pháp luật về tài chính ngân sách. Thông qua thanh tra, kiểm tra đề xuất các nội dung, biện pháp bổ sung để hoàn thiện chính sách, chế độ quản lý tài chính, tăng cường công tác phúc tra, kiểm tra việc thực hiện những kết luận, kiến nghị xử lý sau mỗi cuộc

thanh tra nhằm thu hồi vốn cho NSNN, củng cố kỷ luật tài chính và ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước trong tất cả các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.

Để khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, kiểm tra cần xây dựng quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra theo hướng: đối với một đơn vị và cùng một nội dung mỗi năm chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra một lần; đoàn thanh tra sau phải sử dụng kết quả của đoàn thanh tra trước (trừ trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo), không được kiểm tra, thanh tra trùng lắp nội dung đoàn kiểm tra, thanh tra trước đã làm.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp đối với NSNN nói chung và ngân sách địa phương nói riêng. Cần nâng tỷ trọng đại biểu HĐND chuyên trách giúp việc trong lĩnh vực NSNN, tăng cường đại biểu HĐND hoạt động chuyên nghiệp để giúp cho HĐND các cấp giám sát và quyết định chính xác các vấn đề có liên quan đến ngân sách. HĐND các cấp cần tăng cường chức năng giám sát trong công tác lập, phân bổ ngân sách, quản lý sử dụng nguồn kinh phí ngân sách, điều hành nguồn ngân sách của địa phương nhằm đưa việc quản lý ngân sách theo đúng quy định của Luật NSNN.

Phát huy tinh thần tự chủ của cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước giám sát sử dụng NSNN trong đơn vị, nhằm thúc đẩy tiết kiệm chi, chống lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về công khai tài chính đối với các cấp ngân sách huyện, xã, các đơn vị dự toán, các tổ chức ngân sách nhà nước hỗ trợ, công khai các khoản đóng góp của dân, công khai phân bổ, quản lý sử dụng vốn đầu tư XDCB thuộc nguồn vốn NSNN… Thực hiện đổi mới phương thức công khai tài chính, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa cho người được cung cấp thông tin nắm được nhanh gọn, chính xác những thông tin cơ bản, kể cả nguồn tài chính và kết quả của việc sử dụng nguồn tài chính đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 105 - 107)