Đặc điểm tự nhiên huyện Tiên Du

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 41 - 43)

2.1.1.1 Vị trí địa lý

Tiên Du là huyện nằm ở bờ Bắc sông Đuống của tỉnh Bắc Ninh. Phía Bắc giáp huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh; phía Nam giáp sông Đuống, ngăn cách với huyện Thuận Thành; phía Tây giáp huyện Từ Sơn; phía Đông giáp huyện Quế Võ.

Tiên Du có vị trí thuận lợi trong giao lưu và phát triển kinh tế xã hội. Trung tâm huyện cách thành phố Bắc Ninh 5km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc, đây là hai thị trường rộng lớn, đồng thời là nơi cung cấp thông tin chuyển giao công nghệ và tạo cơ hội thuận lợi cho huyện tiếp thu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển thương mại, dịch vụ,… Tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện Tiên Du là: 9.568,65 ha, với 14 đơn vị hành chính, gồm 01 thị trấn (thị trấn Lim) và 13 xã (xã Liên Bão, xã Đại Đồng, xã Phật Tích, xã Hiên Vân, xã Lạc Vệ, xã Nội Duệ, xã Tri Phương, xã Hoàn Sơn, xã Tân Chi, xã Minh Đạo, xã Cảnh Hưng, xã Việt Đoàn, xã Phú Lâm).

Trên địa bàn huyện có 3 tuyến quốc lộ 1A, 1B, 38, tỉnh lộ 276, 295 và đường sắt chạy qua nối liền với thành phố Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo cho huyện có thế mạnh trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa và tiêu thụ sản phẩm.

Tiên Du là một huyện đồng bằng, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh thuận lợi cho việc phát triển thâm canh lúa chất lượng cao. Là huyện có truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa: như chùa Hồng Vân, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích… Tiên Du còn là huyện có các làng nghề truyền thống như: Nghề xây dựng ở Nội Duệ, nghề dệt lụa ở thị trấn Lim, nghề làm giấy ở Phú Lâm…

Với vị trí địa lý như vậy Tiên Du có đủ điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, hòa nhập với nền

kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

2.1.1.2 Địa hình, địa chất

Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên địa hình Tiên Du tương đối bằng phẳng. Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông,thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kiến thiết đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát triển rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Đặc điểm địa chất huyện Tiên Du tương đối đồng nhất do nằm gọn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Tiên Du mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng. Mặt khác, do nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc nên có những nét mang tính chất của vùng Đông Bắc, bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dầy hơn phía Bắc.

2.1.1.3 Khí hậu, thủy văn và các nguồn tài nguyên

Tiên Du nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Hàng năm có hai mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm mưa rào.

Nhìn chung Tiên Du có điều kiện khí hậu thuận lợi thích hợp với nhiều loại cây trồng, cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Mùa đông có thể trồng nhiều cây hoa màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Yếu tố hạn chế nhất đối với sử dụng đất là do mưa lớn tập trung theo mùa thường làm ngập úng các khu vực thấp trũng gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích. Với khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú, độ ẩm tương đối cao, cho phép huyện phát triển đa dạng hệ thống cây trồng, đặc biệt là có thể bố trí gieo trồng nhiều vụ trong năm.

Như vậy, xét về điều kiện tự nhiên cũng như vị trí địa lý, huyện Tiên Du có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế, đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn ra hết sức sôi nổi trong cả nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 41 - 43)