Các tiêu chí đánh giá công tác quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 32 - 35)

1.2.4.1 Tính hiệu lực

Đây là một trong những tiêu chí để phản ánh kết quả triển khai thực hiện theo dự toán được giao. Các nhiệm vụ chi cần phải thực hiện nghiêm túc và kịp thời, đảm bảo chi đúng mục đích, đúng kế hoạch, không bội chi ngân sách. Các khoản chi phải có trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được ủy quyền quyết định chi. Người ra quyết định chi phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, nếu chi sai phải bồi hoàn cho công quỹ và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, công tác quản lý chi có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc thực hiện chi có đảm bảo tuân thủ thực hiện đúng dự toán hay không.

1.2.4.2 Tính hiệu quả

Quản lý chi NSNN cấp huyện đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH trong điều kiện tiết kiệm, không gây thất thoát, lãng phí. Hiệu quả sẽ có được khi quá trình quản lý chi NSNN thực hiện được các nội dung sau: Các định mức, tiêu chuẩn chi tiêu là căn cứ pháp lý cho quá trình quản lý chi phải được thực hiện phù hợp với từng đối tượng hay tính chất công việc, có tính thực tiễn cao. Khả năng lựa chọn thứ tự ưu tiên cho các loại hoạt động hoặc theo các nhóm mục chi sao cho với tổng số chi có hạn nhưng khối lượng công việc vẫn hoàn thành và đạt chất lượng cao. Để đạt được điều này, đòi hỏi phải có được các phương án phân phối và sử dụng kinh phí khác nhau. Trên cơ sở đó sẽ lựa chọn phương án tối ưu nhất cho cả quá trình lập dự toán, phân bổ và quá trình sử dụng kinh phí. Xem xét mức độ ảnh hưởng của mỗi khoản chi tới các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội khác và phải tính đến thời gian phát huy tác dụng của nó. Thiết lập được các hình thức cấp phát đa dạng và lựa chọn hình thức cấp phát áp dụng cho mỗi loại hình đơn vị, hay yêu cầu quản lý của từng nhóm mục chi một cách phù hợp.

Trong lập dự toán, dự toán ngân sách của các cấp chính quyền, của đơn vị dự toán các cấp phải lập theo đúng yêu cầu, nội dung, biểu mẫu và thời hạn quy định của Bộ Tài chính; Dự toán ngân sách phải kèm báo cáo thuyết minh rõ cơ sở, căn cứ tính toán; Dự toán ngân sách các cấp phải bảo đảm cân đối, được công khai theo đúng quy định. Trong chấp hành dự toán, bảo đảm nguồn để đáp ứng nhu cầu chi trong dự toán, đúng chế độ của các đơn vị sử dụng ngân sách; Thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng chế độ tiêu chuẩn, định mức.

Trong quyết toán ngân sách, số liệu báo cáo quyết toán chính xác, trung thực, đầy đủ; Đánh giá được tình hình thu chi ngân sách trong năm để có cơ sở xây dựng kế hoạch thu chi cho những năm sau.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, phải có tính răn đe, đảm bảo khắc phục được những tinh trạng tiêu cực trong các hoạt động quản lý NSNN. Mọi cuộc kiểm tra, thanh tra đều phải có kết luận cụ thể, xác định rõ trách nhiệm, hình thức xử phạt trong trường hợp phát hiện sai phạm. Hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra phải

thể hiện ở năng lực quản lý ngày được nâng lên, ưu điểm được phát huy, hạn chế được khắc phục.

Dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và các số liệu thực tế, xác định kết quả thi đua một cách trung thực, không che giấu khuyết điểm. Đồng thời phương pháp đánh giá phải đảm bảo công khai, dân chủ, thúc đẩy các cá nhân, đơn vị tích cực thi đua, tăng cường trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để công tác quản lý chi NSNN được hiệu quả, ta cũng cần xét đến khả năng cân đối thu chi NS, đó chính là không xảy ra tình trạng bội chi NSNN.

Quản lý chi NSNN cấp huyện ngày càng được minh bạch, công khai, thể hiện rõ trong từng khâu lập dự toán, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách.

Duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.

Đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.

1.2.4.3 Tính phù hợp

Quản lý chi ngân sách nhà nước huyện phù hợp với đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn tình hình đặc thù của huyện nhằm đáp ứng được nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Chính phủ Việt Nam thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy biên chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý chi NSNN cấp huyện, thu NS tăng cao.

1.2.4.4 Tính bền vững

Từ công tác quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện sẽ có tác động tích cực, lâu dài và ổn định để đảm bảo tăng trưởng kinh tế - xã hội gắn với phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện nâng cao đời sống của nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng của địa phương,

Cân bằng lợi ích giữa các đơn vị dự toán ngân sách trên địa bàn huyện. Đặc biệt, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, sinh thái, xã hội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện tiên du, tỉnh bắc ninh (Trang 32 - 35)