Cảm hứng về cái “bi”

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 32 - 36)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.2.2. Cảm hứng về cái “bi”

“Bi” ở đây được hiểu là bi kịch. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, bi kịch là “một thể của loại hình kịch, thường được coi như là đối lập với hài kịch”. Nó “phản ánh không phải bằng tự sự mà bằng hành động của nhân vật chính, mối xung đột không thể điều hoà được giữa cái thiện và cái ác, cái cao cả và cái thấp hèn, … diễn ra trong một tình huống căng thẳng mà nhân vật thường chỉ thoát ra khỏi nó bằng cái chết bi thảm gây nên những suy tư và xúc động mạnh mẽ đối với công chúng” [16, tr.18]. Trong văn học hiện đại, khái niệm

bi kịch còn được hiểu theo một ý nghĩa khác. Đó là trạng thái đau khổ khi con người rơi vào mâu thuẫn không thể điều hòa giữa một bên là khát vọng chính đáng với một bên là hiện thực không cho phép con người thực hiện khát vọng đó. Ở đề tài này, khái niệm bi kịch được chúng tôi dùng ở cách hiểu thứ hai, tức là một trạng huống tâm lí đầy mâu thuẫn, số phận đau đớn, bất hạnh của một con người cụ thể giữa cuộc sống đời thường.

Trước đây, khi văn học làm nhiệm vụ công dân, giá trị mỗi cá nhân được đo bằng thước đo của cộng đồng thì bản thể con người không được coi trọng. Vì vậy, mọi nỗi vui sướng, khổ đau của nó đều được nhìn qua lăng kính sử thi và cảm hứng lãng mạn. Từ khi văn học tìm lại được chính mình thì đời sống cá nhân của con người trong văn học mới được thực sự coi trọng. Đại văn hào L.Tônxtôi từng nói: “Nghệ thuật là kính hiển vi mà nghệ sĩ soi vào những bí ẩn của tâm hồn mình và trình bày những bí ẩn chung cho tất cả mọi người” (Dẫn theo Nguyễn Hải Hà, Thi pháp và tiểu thuyết L.Tônxtôi, NXB Giáo dục, 1992). Chiếc “kính hiển vi” đó không chỉ soi tỏ những vẻ đẹp, những tế bào

27

lành, mà còn phơi bày cả những góc khuất tối, những tế bào ung thư trong một cơ thể bề ngoài có vẻ cường tráng, giúp người đọc có thể nhận diện chân thực về đời sống.

Nếu trong mắt của nhiều người, những người giữ chức vụ Giám đốc sở trở lên thường có quyền, có tiền, có nhiều bổng lộc và “thét ra lửa”, hoặc chí ít cũng thong dong, nhà lầu xe hơi, có kẻ đưa người rước… Thì bằng cái nhìn chân thực của người từng trải qua cương vị Giám đốc một sở lớn nhiều năm của Thủ đô, Phạm Quang Long cho thấy những góc khuất tối mà nhiều người chưa biết. Giám đốc Hưng (Lạc giữa cõi người) luôn thấy cô đơn, lạc loài bởi trong anh luôn có một mâu thuẫn không thể hóa giải. Đó là mâu thuẫn giữa nhiệt tâm của một người hết lòng vì công việc, muốn sống tốt, sống thật, sống tử tế mà thực tế không cho anh được toại nguyện. Người ta cất nhắc anh từ một người thầy quen với môi trường học đường lên làm Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, những tưởng được mời lên làm việc thì gã được tạo mọi điều kiện tốt nhất, nhưng thực tâm, Hưng không những không được tạo điều kiện thuận lợi để làm việc, mà còn liên tục gặp rắc rối. Cả thiên tiểu thuyết người đọc có thể thấy Hưng liên tục vướng vào những pha khó, phải nhúng tay vào hết mọi việc to nhỏ của sở. Từ việc xử lí vi phạm trong cấp phép quảng cáo, lắp điều hòa cho phòng tiếp dân của sở, cấp phép họp báo cho cá nhân,… đến cả những việc tham gia khảo sát địa bàn xây dựng cầu đi qua Đàn Xã, thu hồi đất cho thuê trước cung Luyện Mã, tổ chức lễ kỷ niệm thành phố nghìn tuổi… Mọi việc Hưng đều phải trực tiếp xắn tay vào làm, nhưng bi kịch thay, anh không được cấp trên ủng hộ, thậm chí còn gây khó khăn: kinh phí không cấp, hồ sơ bị ngâm tới tận nửa năm, ý của Chủ tịch không giống ý của Bí thư, rồi động chạm tới lợi ích của nhóm nọ nhóm kia… Không những thế, Hưng luôn phải chịu sức ép từ cấp trên, từ báo chí. Gần tám năm tại vị là ngần ấy thời gian Hưng đơn thương độc mã chiến đấu cho cái đúng, cho lẽ phải, mà nhiều khi anh cũng “trầy vẩy”, “bầm dập”. Sau mỗi

28

lần bị dập vùi như thế, điều đáng quý là Hưng vẫn đứng dậy và bước tiếp trên con đường mình đã chọn.

Khác với Hưng, Giám đốc Đô (Cuộc cờ) lại là người thực tế và cô độc từ nhỏ. Đam mê lớn nhất của Đô là kiếm tiền và muốn có thật nhiều tiền. Chính đồng tiền đã biến Đô thành nô lệ và bi kịch của Đô cũng bắt nguồn từ đó. Đô làm cho cha mình đau đớn, làm cho vợ không cảm thấy hạnh phúc thực sự, làm cho các con thiếu niềm tin vào hạnh phúc gia đình. Bi kịch của Đô là càng nhiều tiền bao nhiêu thì anh ta lại càng rời xa gia đình của mình bấy nhiêu. Thậm chí anh ta không hiểu được việc cha mình tâm huyết xây bảo tàng để làm gì: “Cả đời thầy làm trong ngành thì thầy cho nó là quan trọng nhưng người khác có nghĩ thế đâu? Những người như con có khi cả đời cũng chả vào bảo tàng lần nào cũng có sao đâu? Người ta cần sống cho hiện tại. Tương lai cũng cần nhưng hiện tại vẫn quan trọng nhất. Còn quá khứ, có mài ra mà ăn được đâu thầy?” [23, tr.59]. Trên ghế Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, Đô kiếm được rất nhiều tiền, vàng, đá quý… nhưng lòng tin của những thành viên trong gia đình tỷ lệ nghịch với tài sản mà Đô có. Thậm chí, Đô cũng không nhận thấy nỗi buồn, sự lo lắng mơ hồ trong tâm hồn Trang về một điều gì đó đáng sợ cứ rình rập và ụp lên gia đình bất cứ lúc nào. Đô cũng không biết rằng vợ anh dù dư thừa vật chất nhưng không thấy hạnh phúc trong ngôi biệt thự sang trọng. Anh cũng không ngờ rằng các con anh cũng không thấy hạnh phúc mặc dù anh chu cấp đầy đủ tiền cho chúng đi du học tận trời Tây. Đô ảo tưởng rằng ai cũng như mình, có tiền là hạnh phúc, tiền nhiều là hạnh phúc nhiều. Đô chỉ thấy được giá trị của đồng tiền mà không thấy được giá trị tinh thần- thứ không thể đong đếm bằng những đại lượng thông thường. Bi kịch ấy, tiếc thay, một Tiến sĩ ngành ngân hàng, đi du học Đức về cũng không thấu hiểu được.

Nhà văn đặc biệt chú ý khai thác khía cạnh bi kịch của nhân vật ông Đảo. Là một người góa vợ trong chiến tranh, ông Đảo ở vậy nuôi đứa con duy

29

nhất bằng tất cả tình yêu thương và trách nhiệm của đấng sinh thành. Ông không đi bước nữa cũng vì sợ con thiệt thòi. Ông vun đắp cho con bằng tất cả tình thương đôn hậu của một người cha khao khát mong con mình trở thành người tử tế, tốt lành. Nhưng tình yêu thương của ông được đáp lại bằng thái độ lạnh lùng, ích kỷ, thực dụng của Đô. Mâu thuẫn cha con ngày càng lớn, nhất là từ khi dự án xây bảo tàng của ông biết bao năm trời không được duyệt và có nguy cơ không thành. Ông tha thiết với những giá trị lịch sử bao nhiêu thì con ông lại phản đối kịch liệt bấy nhiêu. Bi kịch của ông Đảo được đẩy lên đỉnh điểm khi ông phát hiện con ông nằm trong nhóm lợi ích đã bẻ cong Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, bắt tay với doanh nghiệp tư nhân để thâu tóm khu đất vàng và chia nhau số tiền rất lớn. Trong ông có sự đấu tranh ghê gớm giữa một bên là tình phụ tử, với một bên là trách nhiệm công dân, là tâm huyết nghề nghiệp: “Có hai con người đang tranh cái trong đầu ông. Một người cương quyết đòi ông phải đem tất cả những bằng chứng đã thu thập được vạch mặt bọn lừa đảo, lôi tất cả chúng nó ra ánh sáng, không trừ đứa nào. Một tiếng nói khác, phản đối, tuy yếu ớt nhưng lại có sức thuyết phục cực lớn. Ông đấu tranh chống tham nhũng là đúng rồi. Ông vạch mặt cái đám vô lại ấy là phải rồi. Chả ai chê trách ông điều gì cả. Cũng chả ai bảo ông về hưu rồi, hết việc, chỉ thích kiện cáo. Nhưng kiện ai thì kiện, sao với con mình, ông không đóng cửa bảo nhau?” [23, tr.295]. Có thể nói Phạm Quang Long rất bản lĩnh khi đặt vào nhân vật ông Đảo vào tình huống khắc nghiệt này. Bản lĩnh công dân được thử thách và tình thương con của người cha cũng được thử thách. Tuy nhiên, cách giải quyết bi kịch lại rất bế tắc: ông Đảo đã uống thuốc trợ tim quá liều để ra đi, ông đã hi sinh mạng sống của mình vì con. Bởi nếu sống, ông không thể không đấu tranh, không thể ngồi nhìn những kẻ sai phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nhưng nếu ông đấu tranh đến cùng thì con ông phải ngồi tù. Sự lựa chọn của người cha đã phần nào thức tỉnh được đầu óc u mê tăm tối của Đô. Người đọc chờ đợi sự thay đổi của Đô sau cái chết của cha như anh ta hứa: xin nghỉ hưu sớm hoặc

30

chuyển công tác đi nơi khác. Nhìn từ khía cạnh này, kết thúc bi kịch của ông Đảo là một tín hiệu lạc quan về nhân cách con người.

Có thể thấy rằng, cái “bi” mà Phạm Quang Long khai thác tuy không phải mới mẻ, độc đáo, nhưng vẫn đem lại cho người đọc cái nhìn chân thực về con người hôm nay. Trong tổng hòa các mối quan hệ, con người chịu sự chi phối mạnh mẽ từ nhiều phía. Bi kịch của họ cũng từ đó mà ra, nhưng điều quan trọng là người ta mạnh mẽ (như Hưng) hay gục ngã (như Đô) trước những cám dỗ của đồng tiền, quyền lực. Bi kịch của Hưng hay bi kịch của Đô là hai khía cạnh bi kịch của người lãnh đạo hôm nay. Muốn sống đúng với con người mình, làm việc đúng với trách nhiệm được giao, muốn trở thành một lãnh đạo tử tế thì bị đẩy ra như người đứng ngoài rìa bộ máy; còn nếu tồn tại được trong cơ chế này thì phải hi sinh, tha hóa đạo đức, nhân cách của mình, phải biết kéo bè kéo cánh, che chắn cho nhau vì lợi ích nhóm. Viết về bi kịch của những trí thức làm quan, Phạm Quang Long không chỉ phê phán, lên án một bộ phận lãnh đạo trong bộ máy chính quyền hôm nay, mà quan trọng hơn, ông đang chỉ ra những bất cập, những cái tồn tại, những “tế bào lạ” trong cơ thể mà chúng ta gọi là “cơ chế”. Chính cơ chế xin cho, chính những bảo bối “ đúng quy trình”, chính những kẽ hở của pháp luật đã đẻ ra những kiểu người cơ hội như Đô, như Thân, như Lân… và chính cơ chế đã bóp nghẹt nhiệt huyết của những lãnh đạo như Hưng, đã giết chết những người nhiệt tâm như ông Đảo, đã kìm hãm sự phát triển của tỉnh và nói rộng hơn là cả xã hội. Những bi kịch ấy khiến chúng ta không khỏi day dứt. Mặc dù ta chưa thể thay đổi những bất cập của cơ chế trong ngày một ngày hai, nhưng những số phận nhân vật của Phạm Quang Long đã là những bằng chứng sinh động để ta xem xét và từng bước thay đổi nếu muốn phát triển.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)