7. Cấu trúc của luận văn
2.3.3. Miêu tả nhân vật qua diễn biến tâm lý
Nội tâm là khái niệm chỉ toàn bộ những trạng thái, suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác, những phản ứng tâm lý của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ và tình huống mà nhân vật chứng kiến trong cuộc sống của mình. Bên cạnh miêu tả ngoại hình, hành động thì miêu tả diễn biến tâm lý được các nhà văn hiện đại rất coi trọng. Nếu như đặt nhân vật vào tình huống, sự kiện, hay miêu tả qua hành động, nhà văn để cho nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình thì đi sâu khám phá và miêu tả thế giới nội tâm nhân vật thường được nhà văn xem là một đối tượng nghiên cứu trực tiếp của mình. Đây cũng chính là một thử thách đối với nhà văn bởi tâm lý của con người không đơn giản, khó nắm bắt, mỗi người có một cách suy nghĩ riêng với những cảm nhận khác nhau về thế
71
giới và con người. Nhân vật của Phạm Quang Long hay suy tư, dằn vặt, vì vậy mà miêu tả nội tâm được nhà văn đặc biệt chú trọng.
Buồn bã, chán nản là tâm trạng bao trùm, bủa vây Hưng từ suốt ngày đầu nhậm chức Giám đốc cho tới lúc về hưu. Khi ngồi vào ghế Giám đốc sở, ngay từ những ngày đầu tiên, Hưng thất vọng bởi anh muốn làm tốt, làm đúng nhưng nhiều khi không thể làm. Nhiều lần anh ứa nước mắt, thậm chí tăng xông vì bao tâm huyết, công phu bỗng chốc bị hiểu lầm, phủ định, hay bị từ chối. Đối mặt với áp lực công việc, mỗi lần căng thẳng quá, Hưng tìm về quê hay nhốt mình trong một khách sạn xa thành phố, tắt hết điện thoại và không liên lạc với ai. Lần trở về quê sau nhiều ngày vật vã với công việc, Hưng cảm động bởi câu chuyện và mớ rạm mà bà lão bán hàng nước gần bến đò biếu. Anh nhận ra “Cái thanh thản, vô tư của cuộc sống dường như đã chạy ra khỏi cuộc đời gã. Gã thấy thèm cái bình dị, thanh thản, thấm đẫm tình người” [21, tr.371]. Ngồi bên bậc thềm ngôi nhà của cha mẹ, Hưng ao ước: “Giá như được bỏ đi mọi bận rộn, lo toan, ghen tị, sợ hãi để về sống bình yên ở quê nhà” [21, 372]. Trước ngôi nhà của mẹ, anh không khỏi xót xa khi “ngửi thấy cái mùi ngai ngái của đồ vật thiếu hơi người”; ngậm ngùi, tiếc hận “khi thắp hương lên bàn thờ cha mẹ, gã thấy mình như kẻ có tội. Gã đã không thực hiện được lời hứa mỗi tháng về thăm quê một lần”; “gã thấy buồn cho mình. Nỗi cô đơn không bớt đi mà dường như đậm hơn khi bước ra đường, khép lại đôi cánh cổng đã bị thời gian và thiếu người coi sóc làm cho thành cọc cạch” [21, tr.373]. Rời xa phố thị với biết bao mệt mỏi, căng thẳng trong công việc, Hưng tìm về quê như một người con đi xa, trải qua nhiều giông bão cuộc đời, muốn tìm về nơi bình yên của cõi lòng, nhưng nỗi buồn, sự cô đơn càng tăng thêm khi anh cùng lúc nhận ra mình chưa làm tròn tâm nguyện của chính mình với mẹ, với quê. Bước chân nặng nề của Hưng rời căn nhà cũ khiến người đọc nhận thấy gã không chỉ là người lãnh đạo cương trực, mạnh mẽ, mà còn là một người con giàu tình cảm với gia đình, với quê hương.
72
Trong “Cuộc cờ”, tâm trạng của ông Đảo, của Trang được nhà văn tập trung miêu tả hơn cả. Diễn biến tâm trạng ông Đảo khá phức tạp. Ông đau khổ, buồn phiền khi nhìn thấy đứa con duy nhất còn lại của ông, niềm hy vọng mà cả đời ông hy sinh để đổi lấy đã không như ông mong đợi. Ông Đảo đã khóc, “ngực ông đau thắt. Nước mắt ông rơi lần đầu tiên từ ngày vợ chết” [23, tr.44]. Khó khăn của cuộc sống “gà trông nuôi con” không quật ngã được người cha gầy gò, liêm chính ấy, nhưng những lo lắng về con đã làm ông sụp đổ. Khi phát hiện ra những gian dối, sai phạm của một nhóm lãnh đạo tỉnh, trong đó có cả con mình, trong thâm tâm ông Đảo đã diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt. Đơn khiếu nại của ông, nếu được xem xét, điều tra chắc con trai ông không khỏi có những liên lụy. “Nhẹ ra là kỷ luật, giáng chức. Nặng thì có thể bị truy tố, vào tù mà bóc lịch. Cái viễn cảnh Đô mặc áo sọc, đầu cắt cua, ngồi ủ rũ giữa đám phạm nhân khác ám ảnh ông” [23, tr.293]. Ông thấy mình như lên cơn sốt, chân tay bải hoải, tim đập dồn dập. Trong ông có sự giằng xé ghê gớm giữa một bên là tình phụ tử, với một bên là trách nhiệm công dân, là tâm huyết nghề nghiệp: “Có hai con người đang tranh cãi trong đầu ông. Một người cương quyết đòi ông phải đem tất cả những bằng chứng đã thu thập được vạch mặt bọn lừa đảo, lôi tất cả chúng nó ra ánh sáng, không trừ đứa nào. Một tiếng nói khác, phản đối, tuy yếu ớt nhưng lại có sức thuyết phục cực lớn. Ông đấu tranh chống tham nhũng là đúng rồi. Ông vạch mặt cái đám vô lại ấy là phải rồi. Chả ai chê trách ông điều gì cả. Cũng chả ai bảo ông về hưu rồi, hết việc, chỉ thích kiện cáo. Nhưng kiện ai thì kiện, sao với con mình, ông không đóng cửa bảo nhau?” [23, tr.295]. Những tâm sự ấy cho thấy hai tư cách trong con người ông: một người cha hết lòng thương con, luôn mong cho con mọi điều tốt đẹp và một người tâm huyết với cái đúng, cái tử tế luôn tha thiết sự công bằng. Hai tiếng nói ấy cùng cất lên như sự phân thân của một người nhân hậu, luôn sống vì người khác mà quên bản thân mình. Có điều, số phận như trêu ngươi, mỗi sự lựa chọn đều làm ông đau đớn.
73
Với Trang, nỗi niềm tâm trạng chị cũng ít bộc lộ ra bên ngoài. Là một nhà giáo, Trang luôn đúng mực trong cách cư xử với cha chồng, với chồng, cho dù Đô ít khi chia sẻ cùng vợ. Trang suy nghĩ nhiều hơn sau cuộc nói chuyện với Diệu, cô con gái lớn đang du học bên Mỹ. Chị thấy con gái nói đúng, hạnh phúc với gia đình chị chẳng khác nào cái vỏ bọc bề ngoài, chị không có được hạnh phúc thực sự. Câu hỏi mà Diệu đặt ra “Bố hỏi mẹ xem, mẹ có hạnh phúc không?” cứ vẩn vơ trong đầu chị. “Những câu hỏi như thế chị không bao giờ dám đặt ra, đúng hơn là không dám nói ra một cách thẳng thắn, sòng phẳng và quyết liệt như vậy. Còn có bao giờ chị dám nghĩ đến không? Chị đã nghĩ gần đến nó, đã mơ hồ cảm thấy nó - cái điều chưa đáng gọi là hạnh phúc ấy, nhưng không dám gọi tên nó ra, không dám sòng phẳng phân tích về nó như con gái chị đã nói” [23, tr.220]. Những dòng tâm tư đó nói lên những lo lắng, sợ hãi của Trang. Chị thừa nhận mình không hạnh phúc, nhưng lại không dám nhìn thẳng vào thực trạng cuộc hôn nhân của mình, vì chị sợ nó tan biến, sụp đổ. Tính cách nhút nhát, an phận của Trang được thể hiện rõ qua những dòng độc thoại nội tâm ấy.
Có thể thấy, sức mạnh của nghệ thuật miêu tả nội tâm được Phạm Quang Long sử dụng hiệu quả. Tâm lý nhân vật được khắc họa tinh tế, góp phần biểu đạt tính cách nhân vật và khẳng định tài năng của nhà văn.