Giọng điệu triết lý phân tích

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 107 - 109)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.3. Giọng điệu triết lý phân tích

Một điều thường thấy trong tác phẩm của Phạm Quang Long là nhân vật của ông rất hay phân tích, mổ xẻ vấn đề. Những cuộc đối thoại giữa các nhân vật ít khi chỉ là những câu chuyện lúc trà dư tửu hậu mà luôn mang tính phân tích, triết lý. Câu nói của nhân vật vì thế mang lượng thông tin cao trong cuộc đối thoại giữa những người cùng hội cùng thuyền với nhau, hoặc những người cùng vai vế, địa vị, trình độ ngang nhau. Cách đó sẽ làm cho vấn đề được soi tỏ từ nhiều phía, đem đến cho đọc giả cái nhìn đa diện, nhiều chiều về cùng một đối tượng. Nhân vật vừa phân tích, vừa khái quát lên thành những câu nói mang tính triết lý. Vấn đề được các nhân vật phân tích, triết lý nhiều là những tồn tại, hạn chế của cơ chế, những cái xấu xí trong con người hôm nay.

Nhân vật Hưng (Lạc giữa cõi người) đã triết lí, phân tích về những quy định, những nguyên tắc không còn phù hợp nhưng vẫn được áp dụng, thậm chí bị lợi dụng gây ra biết bao khó khăn cho người có tư duy, cách làm mới

102

mẻ, tiến bộ: “Những nguyên tắc do con người đặt ra để điều hành xã hội nhưng một khi đã lỗi thời, lại không kịp điều chỉnh, không sát thực tiễn sẽ là những trở lực ngăn cản anh hành động, thậm chí có thể là lý do để người ta kỷ luật anh” [21, tr.38]. Chính vì vậy mà có những bài học được rút ra: “Ở cái tỉnh này, có hai điều cần lưu ý: một là đừng nổi sớm, dễ ăn đòn. Cứ lẫn vào đám đông nhưng lại phải lọt vào vòng ngắm của lãnh đạo mới được. Thứ hai là phải có cạ” [21, tr.404]. “Cạ” mà nhân vật có học vị tiến sĩ, từng làm cố vấn cho lãnh đạo tỉnh ấy nói có nghĩa là vây cánh, bè phái, nhóm lợi ích. Không có “cạ”, anh mãi mãi chỉ là “mõ làng” mà thôi. Không thuộc phe cánh nào, người ta sẽ lợi dụng chiêu bài luân chuyển để đẩy anh đi: “Luân chuyển là cái thứ khó bắt bẻ nhất (…). Mục tiêu đưa ra là tốt đẹp. Tốt đẹp đến mức khó có thể góp ý hay nghi ngờ nhưng trong thực tế, đây lại là dịp tốt để sắp xếp cho những người hợp cạ và đẩy đi những ai không ăn giơ với những người có quyền” [23, tr.18].

Nhân vật ông Đảo trong Cuộc cờ là người có lương tâm, trách nhiệm với mọi người. Với vốn sống của người đã ở độ tuổi “cổ lai hy”, ông hiểu rằng: “con người chỉ tin vào mình, chỉ lấy mình ra làm chuẩn mực, chỉ hành động vì mình thì đó là mầm mống của sự tha hóa, căn nguyên của mọi hỗn loạn” [23, tr.96]. Câu nói của ông Đảo đã đề cập đến một hiện thực không hiếm gặp khi nhiều người ngày càng vị kỷ, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân cực đoan, dẫn đến những hệ lụy nặng nề cho xã hội. Còn Thân lại quan niệm: “Cứ ẩn mình đi, đừng để lộ ra là khôn ngoan nhất. Nhô lên trước lắm kẻ dòm. Lùi lại sau cũng có người để ý. Vậy thì cứ giữa đám đông mà đứng lẫn vào mọi người, cứ tan vào đám đông như thế, chả ai nhận ra mình là khôn ngoan nhất” [23, tr.12]. Sở dĩ Thân chọn cách sống như vậy là vì: “Trong chính trường, thằng khôn cũng thua, thằng dại cũng bại. Chỉ có thằng biết mới thắng, thằng biết nắm cơ hội mới thắng” [23, tr.300] và “Người không biết nắm cơ hội là người không thức thời” [23, tr.333]. “Cơ hội” mà Thân nói ở đây chính là nắm bắt được những thời cơ thuận lợi để tạo dựng và củng cố

103

quyền lực, rồi dùng quyền lực để mưu lợi việc riêng. Thân triết lý về sức mạnh của quyền lực: “Trong thương trường có khi chỉ hoạt động đơn lẻ, thằng nhiều tiền là chúa tể nhưng trong chính trường không phải thế. Thằng nắm quyền lực thực sự mới là chúa tể” [23, tr.300]. Quan niệm như vậy nên người ta ra sức chạy chọt để có “ghế” và giữ được “ghế”. Say quyền lực vì thế đã trở thành một thứ “bệnh”, “cái bệnh này chưa bao giờ nặng nề đến thế” [21, tr.31].

Nhân vật triết lý nhiều vấn đề khiến cho lời văn tiểu thuyết Phạm Quang Long luôn có khả năng mở rộng, đụng chạm đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Điều đáng nói là những triết lý đó dù có độ khái quát, cô đúc về một vấn đề cụ thể hay trừu tượng song chưa hẳn đã là chân lý. Nếu có, thì đó là chân lý với nhân vật trong hoàn cảnh sống của nó. Triết lý là cách để nhân vật phát biểu quan niệm của mình theo tinh thần thẳng thắn, chân thành, từ đó bộc lộ tư duy, suy nghĩ của nhân vật và của cả nhà văn về con người, về cuộc đời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 107 - 109)