7. Cấu trúc của luận văn
3.1.3.2. Độc thoại nội tâm
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “Độc thoại nội tâm là phát ngôn của nhân vật nói với chính bản thân mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý nội tâm, mô phỏng hoạt động suy nghĩ, xúc cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [16, tr.108]. Nói cách khác, độc thoại nội tâm là những suy nghĩ chân thực nhất, bộc lộ chính xác nhất tính cách, bản chất của nhân vật. Bởi lẽ, đó là ngôn ngữ nhân vật tự nói với mình, nói cho chính mình nghe, hoặc là những suy nghĩ trong thẳm sâu tâm hồn mình, vì vậy, không thể giả tạo. Ngôn ngữ độc thoại là một phần quan trọng của tác phẩm văn chương. Cùng với ngôn ngữ đối thoại nó hoàn chỉnh tác phẩm ở góc độ ngôn ngữ. Tìm hiểu
92
ngôn ngữ độc thoại nội tâm không chỉ làm rõ hơn về tính cách nhân vật mà còn hiểu rõ hơn phong cách tác giả, giúp người đọc tiếp cận sâu sắc vào thế giới nội tâm nhân vật, nắm bắt được tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Trong hai cuốn tiểu thuyết của mình, Phạm Quang Long rất nhiều lần để cho nhân vật độc thoại nội tâm, tự thể hiện suy nghĩ, tâm trạng của mình về bản thân, về người khác hoặc về một sự việc nào đó. Lạc giữa cõi người là câu chuyện “gã” tự kể về cuộc đời làm Giám đốc sở của mình, chính vì vậy mà độc thoại nội tâm chiếm số lượng khá lớn. Những độc thoại nội tâm thường được mở đầu bằng những cụm từ như: “gã nghĩ thầm”, “gã hiểu”, “gã nghĩ”, “gã thấy”, “gã nhủ thầm”... Ví dụ như: “Gã nghĩ, thói quen chịu trách nhiệm tập thể là nguyên nhân chính cho tình trạng khi thành công thì là công của người đứng đầu còn khi thất bại thì cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm dù tất cả họ đều là người ra các quyết định này” [21, tr.125]. Đó là những suy nghĩ của Hưng về mặt trái của cái gọi là “chịu trách nhiệm tập thể” bị nhiều người biến thành tấm bình phong cho những quyết định của mình “cái gì không muốn làm thì đưa ra xin ý kiến tập thể” [21, tr.42]. Khi ý thức được sự lạc lõng của mình giữa “cõi người”, “gã” ngao ngán: “cõi người sao mà rối rắm thế?” [21, tr.73]; chán nản: “gã thấy ớn lạnh và chán cả mình. Sao cái sự đời nó vòng vo thế, cắc cớ thế, muốn thẳng thắn, sòng phẳng mà cũng khó thế ư? Lúc nào cũng phải dè chừng, uốn éo cho đẹp lòng nhau ư? Giả dối hơn thật thà ư?” [21, tr.383]; xót xa: “Anh không còn là mình nữa khi đã bước chân vào cõi người, đã thành thành viên của cái cơ chế xã hội ngoắt ngoéo, khó lường, bề ngoài thì bình lặng, êm ả, nhưng bên trong thì chất chứa không biết bao nhiêu là sóng ngầm” [21, tr.74]; “Mình như quân cờ, người ta là người chơi cờ, họ đặt đâu, mình ngồi đó. Xe pháo mã cũng chả khác gì quân tốt. Giá trị sử dụng chứ không phải là giá trị tự nó” [21, tr378]. Những lúc như thế, Hưng “thấy thèm cảm giác được đứng trên bục giảng nói những điều mình đã nghĩ kỹ với đám sinh viên đến thế. Và chưa bao giờ gã thấy cô đơn như vậy” [21, tr.207]. Những độc thoại nội tâm trở thành nỗi lòng sâu kín của
93
Hưng. Anh không thể thổ lộ cùng ai bởi “xung quanh toàn những thái độ giữ mình, không có những người tâm giao” [21, tr.75].
Nhiều khi, độc thoại nội tâm lại là những điều nhân vật tự trách mình, tự ý thức về sự tha hóa của mình: “Gã nói câu ấy mà thấy hình như tai mình đỏ lên. Mình cũng khốn nạn thật. Giả dối đến thế là cùng. Chả biết từ bao giờ cũng nhiễm thói nghĩ một đằng, nói một nẻo” [21, tr.288]. “Gã cũng giở trò nước đôi. Nói ra mà thấy ngượng mồm nhưng vẫn cứ nói. Trơn tuột rồi, đã quen nói dối lòng, quen ngụy trang ý nghĩ thật của mình rồi. Khốn nạn thế đấy” [21, tr.293]. Hoặc là những toan tính bí mật: “Miếng mồi ngon quá mà sao mình lại không tính đến nhỉ? Mình có phải loại ú ớ đâu mà không nhìn ra chỗ này? Đầu tư vào cái gì cho lãi bằng đầu tư vào đây? Nhưng, thiên hạ cũng không thiếu những thằng biết tính toán. Mình tính được thì thằng khác cũng biết tính. Hơn thua là ở chỗ nhanh chậm, chỗ quyết đoán, chỗ dám đưa ra những quyết định sinh tử vào những giờ phút quan trọng” [23, tr.27]. Lại có khi dòng độc thoại nội tâm là những giằng xé của nhân vật trong bi kịch của đời mình: “Chao ơi, sống khó chứ đâu phải dễ? Làm người tử tế đâu phải nhẹ nhàng?” [23, tr.295].
Độc thoại nội tâm cũng thường được các nhân vật thể hiện những suy nghĩ về người khác: “Xưa nay gã vẫn nghĩ ông là người hiền lành. Té ra ông cũng có những tâm trạng và những điều khó của mình. Thì ra không chỉ có mình mà cả những người khác cũng buộc phải đeo mặt nạ để sống, phải nói khác những gì mình nghĩ và buộc phải ngồi im khi có những điều trái lòng mình chỉ vì muốn giữ một mối làm ăn, một sự quen biết” [21, tr.339]. Đó là những suy nghĩ vừa cảm thông, vừa chua chát, đau đớn về một sự thật có nhiều người vốn tử tế, nhưng ở lâu trong hệ thống, buộc lòng phải tha hóa đi, phải đeo mặt nạ để sống. Sự thay đổi cách nhìn nhận về người khác cũng được bộc lộ trong suy nghĩ của Đô: “Lão ấy cứ lặng lẽ như vậy nhưng cũng không phải tay vừa, nhất là độc chiêu đẩy Nhàn ra đỡ đòn cho mình, núp dưới
94
danh nghĩa Nhàn để tính toán thay đổi nội dung những công việc mà nghị quyết tỉnh đảng bộ đã thông qua” [23, tr.148].
Vì là độc thoại nội tâm nên lối nói tự nhiên được sử dụng nhiều trong những dòng suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời và con người, thể hiện cách nghĩ của nhân vật về thời cuộc, về chính mình: “Thì ra, họ cũng đang sống trong cõi người như gã thôi. Phận con sâu cái kiến thì dù to hay nhỏ, béo hay gầy thì cũng cứ là kiếp sâu và kiến. Khác sao được?” [21, tr.232]. “Bây giờ người ta cứ thích khoe cái nên che đậy thì có lẽ cái nền tảng đạo đức đã lung lay lắm rồi” [21, tr.191]. Những suy nghĩ đó của Hưng cho thấy sự trăn trở với con người, với cuộc đời của một người có tâm thực sự nhưng dường như đang bất lực trước sự đổi thay của cuộc sống. Hưng xót xa cho những giá trị chân chính không được coi trọng, cay đắng cho nền tảng đạo đức vững chắc là thế mà nay bị lung lay trong cơn gió bão cuộc đời.
Độc thoại nội tâm cũng được nhà văn sử dụng trong khi diễn tả những giằng xé, đấu tranh nội tâm phức tạp bên trong nhân vật ông Đảo: “Nhà ông cũng như ngôi nhà cũ ấy. Trông bề ngoài vẫn là một ngôi nhà, vẫn có thể sống được nhưng nếu dỡ ra thì phải làm lại tất cả chứ chả vá víu, dặm dọi gì được. Kèo cột mọt ruỗng cả rồi, nền móng mối xông hết rồi. Chất thêm cái gì lên cũng không chịu được. Ông chủ trò phá cái nhà ra thì nó sẽ tan hoang. Lúc đó, không chỉ thiên hạ mà những người thân của ông sẽ nghĩ về ông thế nào? Chao ơi, sống khó chứ đâu phải dễ? Làm người tử tế đâu phải nhẹ nhàng? [23, tr.295]. Đó là những băn khoăn, đau đớn của ông Đảo khi biết con trai mình sai phạm. Ông thương con, hi sinh cả đời vì con, ông không thể làm hại con, nhưng lương tâm ông không cho phép mình thờ ơ trước những việc làm sai trái của con và nhóm lợi ích.
Trong các tác phẩm, nhiều lúc nhân vật độc thoại nội tâm để thể hiện sự hoài nghi, chán nản, ấm ức, đắng cay của mình, vì thế, nhân vật thường đặt câu hỏi cho chính bản thân mình: “Sao lại có cái thói đời lạ thế nhỉ? Gã chỉ
95
nói những gì đã làm để bảo vệ mình thôi mà cũng không được sao? Chả lẽ cứ cúi mọp trước búa rìu, nỉ non van xin thì ổn hơn là đương đầu và nói ra sự thật ư? Chả nhẽ chỉ có cấp dưới, những người yếu thế thì cứ phải im lặng, chịu những oan ức còn những người ngồi trên dù có làm sai thì cấp dưới cũng phải gánh chịu những cái sai ấy sao? Cấp dưới thì không có quyền bảo vệ mình một cách công khai giữa bàn dân thiên hạ à? Vạch ra cái sai của người khác không phải để bài xích, hạ nhục họ mà vì sự thật cũng khó đến thế sao? Lúc nào cũng nói đoàn kết, thân ái, góp ý cho nhau, để cùng nhau tiến bộ, xây dựng quan hệ người với người là bạn, là đồng chí tốt mà lại như thế này ư? Sống thực với mình, té ra cũng không đơn giản bởi bây giờ, có mấy người thành thật nữa đâu?” [21, tr.130]. Những câu hỏi như xoáy sâu vào những day dứt, khổ tâm của một người hết lòng vì cái chung, cái đúng nhưng rốt cuộc lại nhận về sự chỉ trích, bực mình. Sau những chán nản đó, Hưng không khỏi xót xa cho cái tốt, cái chính trực đang bị lấn át, lu mờ. Nhiều khi, rõ ràng là đúng, mà không thể thanh minh vì “thanh minh bằng cách nào? Chả lẽ cứ chạy theo mọi người mà lải nhải rằng các anh nhầm rồi, tôi không phải là người như thế chăng? Bất lực và bế tắc. Và chán nản. Nỗi cô đơn trước đây chưa hề có nhưng lúc này, sao nó rõ rệt và nặng nề thế? Ai hiểu và thông cảm cho gã bây giờ?” [21, tr.134]. Độc thoại nội tâm của Hưng đa phần là những tâm trạng buồn, cô đơn, chán nản của một người thấy mình “lạc giữa cõi người”. Đó là những suy tư sâu kín mà Hưng không dám và không thể chia sẻ cùng ai.
Từ ngôn ngữ độc thoại nội tâm, chúng tôi nhận thấy tư duy hướng nội đã phần nào chi phối đến các phương thức diễn đạt trong ngôn ngữ nhân vật của Phạm Quang Long, góp phần vào quá trình hiện đại hóa ngôn ngữ tiểu thuyết đương đại.