Ngôn ngữ trần thuật đậm chất đời thường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 88 - 90)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.2.2. Ngôn ngữ trần thuật đậm chất đời thường

Thu hẹp khoảng cách giữa truyện kể và những “chuyện” của hiện thực, ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết đương đại trở nên gần với ngôn ngữ đời sống hơn bao giờ hết. Lạc giữa cõi người là tác phẩm được trần thuật theo ngôi thứ ba, nhà văn lựa chọn và đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật chính xưng “gã”, làm cho tác phẩm vừa có tính hư cấu, lại mang tính tự thuật. “Chính tác giả Phạm Quang Long cũng chia sẻ về cách xưng hô “gã” trong truyện. Đầu tiên tác giả xưng “tôi” nhưng có người bạn cùng lớp góp ý rằng cái từ “tôi” nó lành quá. Suy nghĩ mất một đêm, cuối cùng chọn từ “gã”, vừa có một cái gì đó bị người ta xem thường, vừa có ý cứ thích như thế, cứ sống như thế” [53]. Xưng “gã”, nhân vật của Phạm Quang Long đem đến cảm giác người trần thuật dường như không chỉ có mặt trong thế giới các sự kiện và nhân vật, mà còn thâm nhập rất sâu vào thế giới ấy đến mức "toàn tri". Cách trần thuật này tạo nên những trang viết chân thực, tự nhiên, nhà văn vừa nói được những điều cần nói, lại tạo được tính khách quan cần thiết cho câu chuyện, đồng thời với các sự kiện được kể thì nhân vật cũng bộc lộ thế giới nội tâm của mình. Toàn bộ cuốn tiểu thuyết được trần thuật theo dòng nội tâm của “gã”, trong suốt thời gian làm Giám đốc sở quản lý về văn hóa của tỉnh Hải Đông. Trần thuật theo dòng tâm tư nên cách sắp xếp sự kiện tương đối linh hoạt, nhằm bộc lộ những tâm tư, suy nghĩ, cùng sự phân tích sắc sảo của Hưng về thời cuộc. Lựa chọn cách xưng “gã” cũng là cách Phạm Quang Long đưa nhân vật gần gũi hơn với đời thường, dù rằng địa vị xã hội của Hưng trong truyện là Giám đốc một sở lớn. Theo Nguyễn Thị Bình thì đại từ nhân xưng này có “chức năng “thân mật hóa”, “dân chủ hóa” các mối quan hệ của văn học, đồng thời cũng biểu hiện quan niệm đời thường hóa con người” [10, tr.112] làm cho khoảng cách của con người trong văn học trở nên gần gũi hơn với con người đời thường.

83

Hưng trong Lạc giữa cõi người là một Giám đốc sở, có tới hàng chục cấp phó, nhưng con người “gã” không hề quan cách, trịch thượng, mà rất gần gũi anh em. Người “gã” hay chơi nhất ở cơ quan là mấy chú lái xe và bảo vệ, “chơi với họ chả phải đề phòng gì. Họ hồn nhiên và gần đời hơn. Bởi, họ chả cần gì ở gã nên có thế nào cứ bộc lộ ra như thế. Chả cần lấy lòng. Chả cần đề phòng” [21, tr.24]. Hàng loạt từ “chả cần” mang đậm sắc thái khẩu ngữ thể hiện sự thoải mái, tự nhiên của “gã” trong mối quan hệ vô tư nhất đời công chức của mình. Từ ngữ mang tính khẩu ngữ được sử dụng dày đặc trong lời trần thuật của “gã”: “Giờ chả còn cần gì nữa nên cũng chả phải giữ gìn gì”, “Khối ông ngồi ở ngôi cao, bao nhiêu năm chả thấy nói gì, đến lúc sắp nghỉ hay nghỉ hẳn rồi mới nói, lại còn nói khỏe, nói ra được nhiều điều hay ho ra phết” [21, tr.25]. “Gã là con sâu, cái kiến bé. Ông là con sâu cái kiến to thôi. Khi cần cũng phải lên thớt” [21, tr.223]. “Gã” luôn tự nhận thân phận mình chỉ “là thằng mõ thôi”, “đã nhiều lần, gã nói đến thân phận mõ của mình. Dù cũng có lúc oai như cóc đấy nhưng vẫn chỉ là những việc bưng mâm, trải chiếu cho người ta” [21, tr.462]. Đó không phải là sự tự hạ thấp giá trị của mình, mà là sự tự ý thức về vị trí của mình trong mắt cấp trên. “Gã” nhận thấy mình không được tôn trọng, không được quyền chủ động, tự quyết, mà luôn phải tuân theo ý cấp trên. “Chuyện lớn như vậy mà người ta chả thèm ỏ ê với mình một câu nào, cứ ra quyết định và yêu cầu thi hành, báo cáo. Đến cả một

thằng cha căng chú kiết ở đâu, là học trò hạng bét của gã không đáng mà cũng có thể lớn tiếng dọa nạt chỉ vì nó có chỗ dựa vào thế của họ, của ông này, ông nọ” [21, tr462]. Những từ ngữ đời thường xuất hiện ở đây như một cách “gã” tự giễu, tự cười, cái cười cay đắng, xót xa về thân phận nhỏ bé, bị coi thường của mình giữa chốn quan trường.

Nhà văn cũng dùng nhiều thành ngữ, tục ngữ trong lời trần thuật: “chuyện như thế này, cứ phải nắm được tay, day được trán chứ không thì lại

xôi hỏng, bỏng không. Lại còn vu cho tội ăn không nói có nữa” [21, tr.212]. “Nghe Tấn phân tích, gã cũng thấy e ngại mình thật sự. Đúng là mình chém

84

tre không nể đầu mặt thật” [21, tr.383]. “Họ hiểu đồng tiền liền khúc ruột, của đau con xót nhưng cũng nắm rất rõ quy luật cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền. Còn cái gì không thể định giá thì chỉ có thể trả bằng tình nghĩa, quan hệ. Nghĩa là nó vẫn là tiền nhưng nó lại kết hợp với những thứ khác nữa mà người ta gọi một cách ngắn gọn là những

món nợ đời” [21, tr.162]. Những câu nói, những cụm từ quen thuộc ấy, người đọc có thể nghe thấy hoặc sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, được nhà văn đưa vào tác phẩm một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn. “Kết quả thông qua nghị quyết bằng bỏ phiếu, còn nguyên tắc để dựa vào là những quy định giời ơi đất hỡi đã xưa như trái đất như đơn giá xây dựng, giá xi-măng, sắt thép, giá nhân công tính như cho một công trình xây dựng cơ bản. Nói rã bọt mép cũng không ai chịu thay đổi” [21, tr.399]. Gã hiện ra là người có gốc gác từ làng quê xứ Bắc, có vốn sống, vốn ngôn từ dồi dào, phong phú. Vẻ hồn hậu của người nhà quê trong gã, cho dù nhiều lúc gã cố tỏ ra xù xì, gai góc, vẫn còn vẹn nguyên. Tính đời thường trong ngôn ngữ trần thuật đã đem lại cho tiểu thuyết Phạm Quang Long sự gần gũi, mộc mạc như chính con người đời thường của ông vậy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)