Giọng điệu triết lý chính luận

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 104 - 107)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2.2. Giọng điệu triết lý chính luận

99

Xét từ cấp độ cấu trúc câu, kiểu giọng điệu triết lí thường được thể hiện qua tính chất khẳng định (hoặc phủ định) để nhấn mạnh những vấn đề mà nhà văn cần thông điệp, triết luận với người đọc. Phạm Quang Long cũng từng là lãnh đạo sở nên nhà văn am hiểu cả những cái bề mặt lẫn những góc khuất tối của cơ chế. Những triết lý về chính trị vì thế xuất hiện khá nhiều trong lời nói của nhân vật. Triết lý về cách làm quản lý: “Làm quản lý như chơi cờ. Đi sai một nước là xóa đi, chơi lại vì thua cuộc rồi. Đánh cờ, tính trước hai ba nước mới được coi là cao cờ. Hạ bệ nhau người ta còn tính sâu hơn, dài hơn. Không chỉ trong một nhiệm kỳ mà còn cho những nhiệm kỳ sau, nhiệm kỳ tiếp sau nữa” [23, tr.18]; “Làm việc bây giờ mà không biết đọc vị người khác, không biết mưu mẹo thì chỉ là thằng đi dọn bãi cho người khác thôi” [23, tr.142], “Làm chính trị mà không có mẹo mực thì gian nan lắm” [21, tr.56]. “Mẹo mực” ở đây có nghĩa là những mánh khóe, thủ đoạn, những tiểu xảo mà người ta sử dụng để đạt được mục đích của mình. Những người có thâm niên nhiều năm làm quan đã rút ra bài học ứng xử: “Làm quan cũng không nên dễ dãi quá, kẻo bị nhờn” [23, tr.12]. Có lẽ đây chính là lý do vì sao người ta thấy khi chưa lên chức, anh gần gũi, thân thiết là thế, mà khi lên làm lãnh đạo anh xa cách, khó khăn với mọi người. Triết lý về mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới: “Quân giỏi hơn tướng là tối kỵ. Quân quái hơn tướng thì càng phải đề phòng” [23, tr.153]. Từ quan niệm này mà Chủ tịch Thân có cách chọn cấp phó cho mình rất lạ: “Tôi không cần các Phó Chủ tịch giỏi mà tôi chỉ cần họ biết nghe lời, biết phục tùng, biết thực hiện các ý tưởng của tôi là đủ” [23, tr.159]. Qua những triết lý đó, Phạm Quang muốn cảnh báo: Nếu cái tôi của người lãnh đạo nếu quá lớn, lớn hơn cái ta chung thì thật là nguy hiểm, nếu người làm lãnh đạo mà chỉ dựa vào mưu mẹo thì không chỉ gây hại trong nhiệm kỳ mà còn ảnh hưởng lâu dài về sau.

Tham nhũng là vấn nạn của bất cứ hệ thống chính trị nào. Nhân vật của Phạm Quang Long triết lý về nguyên nhân của tham nhũng: “Dốc hầu bao ra đánh bạc rồi thì lại cũng phải lo thu hồi vốn” [23, tr.161]. Đây là câu nói

100

được đặt vào miệng người đứng đầu tỉnh Nguyên Bình, điều đó có nghĩa, ngay trong hệ thống, người ta đã chấp nhận nó như một điều hiển nhiên. Dường như “chạy” viên chức, công chức đã trở thành chuyện “thường ngày ở huyện” và khi đã có vị trí rồi thì người ta không lo cống hiến mà chỉ lo “thu hồi vốn”. Mà với quan chức, “thu hồi vốn” nhanh nhất chỉ có tham nhũng. Bởi vậy, với phương châm “Lợi nhuận là số một” [23, tr.132], họ còn dặn nhau: “làm ăn cũng như hoạt động bí mật. Thằng nào lộ vở hoặc bị sạt nghiệp, hoặc dễ di bóc lịch lắm” [23, tr.131]. Quyền lực sẽ cho quan hệ và lợi ích, điều đó đã trở thành triết lý nằm lòng của những vị quan tham: “Quan hệ vừa tạo ra quyền lực, vừa tạo ra của cải. Hai thứ đó cứ dựa vào nhau, cái này nâng cái kia lên, lan tỏa, gây ảnh hưởng, chi phối đến cả những thứ tưởng chừng như không thể chi phối được” [23, tr.63]. “Thời buổi này, quan hệ cũng là vốn, là tiền bạc” [23, tr.284]. “Bây giờ kinh tế với chính trị bắt tay với nhau chặt lắm. Cũng chỉ là chuyện ông mất chân giò bà thò nậm rượu thôi. Có cái này mới có cái kia, được cái này sẽ được những cái khác. Làm ăn kinh tế chân chỉ hạt bột một đời có khi tay trắng nhưng nếu biết dựa vào chính trị có khi được không biết bao nhiêu mà kể” [21, tr.385]. Chính mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế đã sinh ra “bảo kê”, “đi đêm” với doanh nghiệp, sinh ra những quan chức sẵn sàng ở nguyên vị trí “giữ việc chúa để lo việc nhà” [23, tr.160].

Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, nắm trong tay “quyền lực thứ tư”, báo chí tác động mạnh tới dư luận thậm chí “dư luận xã hội nó tiêu diệt mình trước khi các cơ quan pháp luật sờ đến” [23, tr.197]. Vì vậy mà “tránh dây dưa bất cứ chuyện gì với báo chí để được yên ổn” [21, tr.242] là bài học mà nhiều lãnh đạo rút ra được sau nhiều lần bị “bầm dập” vì báo chí. Đây là triết lý về mặt trái truyền thông bị ai đó lợi dụng để “đánh hội đồng”, trả thù người đối lập với mình. Giữa bối cảnh đó, “sống khó chứ đâu phải dễ? Làm người tử tế đâu phải nhẹ nhàng?” [23, tr.295].

101

Giọng điệu triết lý chính luận phần lớn được nói ra từ lời của các nhân vật có địa vị cao trong bộ máy cấp tỉnh. Đó là những lời nhân vật đã đúc kết, rút ra từ chính cuộc đời làm công chức của mình. Chúng tôi không bàn đến tính đúng sai của những triết lý đó trong thực tế, nhưng trong bối cảnh của hai cuốn tiểu thuyết, thấy rõ ràng nhiệt tâm của Phạm Quang Long muốn giải mã các vấn đề chính trị, xã hội đương đại. Nhà văn không bi quan tới mức nhìn đâu cũng thấy màu đen tối, nhưng những câu nói mang màu sắc triết lý chính luận đã cho ta thấy phần nào mặt trái của cơ chế do chính người trong cuộc nói ra. Sự bất cập của cơ chế đã sinh ra nhiều hệ lụy, làm giảm nhiệt huyết của những lãnh đạo có tâm, làm tha hóa cả những người lãnh đạo có học thức cao, được đào tạo từ nước ngoài về. Đó chính là những nỗi niềm đau đáu nhất mà nhà văn muốn thông qua những câu nói mang tính triết lý để “bắt mạch” “con bệnh” mang tên “cơ chế”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 104 - 107)