Miêu tả nhân vật qua hành động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 74 - 76)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Miêu tả nhân vật qua hành động

Thể hiện tính cách nhân vật qua miêu tả hành động là một thủ pháp cơ bản trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Hành động là những việc làm cụ thể của con người trong các quan hệ ứng xử với các cá nhân khác nhau và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống. Hành động được xem như là kết quả cuối cùng của quá trình nhận thức, quá trình tâm lý, quá trình tình cảm của con người nói chung. “Hành động nhân vật không chỉ là việc làm mà còn là cách làm, tức là hình thức hành vi, thể hiện sự cảm nhận về tính cách, trình độ văn hóa, giáo dục, phong tục, tập quán, ý chí, quyền lực, tâm lí, cung cách giao tiếp của một con người” [25, tr.142]. Qua hành động, nhà văn muốn để cho nhân vật của mình nói lên những suy nghĩ, tư tưởng, trạng thái diễn biến bên trong tâm hồn mình. Trong tiểu thuyết của mình, Phạm Quang Long rất chú trọng miêu tả nhân vật qua hành động, và qua hành động, tính cách của nhân vật được bộc lộ tự nhiên, chân thực.

Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu cho đến kết thúc Lạc giữa cõi người, người đọc luôn thấy một Giám đốc Hưng với những hành động quyết liệt. Từ việc xắn quần lội ruộng khảo sát thực địa vị trí đặt biển quảng cáo, cấp phép họp báo tư nhân, đến việc tham mưu dừng dự án phim về người anh hùng khi kịch bản chưa xứng với tầm vóc lịch sử của nhân vật, kinh phí lại quá lớn. Hưng cũng tham mưu lãnh đạo tỉnh về bảo tồn vị trí đàn Xã Tắc song hành với việc thi công công trình cầu đường phục vụ dân sinh và phát triển. Hưng cũng đã từ chối nhận em họ của Phó chủ tịch Nhung về phòng Báo chí Xuất bản vì phòng này thừa người rồi, cho dù Phó chủ tịch có hứa sẽ cho thêm sở

69

Hưng một biên chế để nhận người này... Hành động của Hưng là nhất quán, biểu hiện tinh thần làm việc trọng cái chung của một người quyết đoán, cương trực, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Trong Cuộc cờ, người đọc chắc hẳn khó quên hành động ông Đảo mỗi lần lên thăm con, ông đều mang cho con chút quà quê, đó là mấy con cua, ít cá bơn. Sự quan tâm của ông với con rất giản dị nhưng tinh tế, thấm đượm tình cảm. Để bảo vệ con, cho con cơ hội sửa sai, làm lại, ông đã uống thuốc trợ tim quá liều lựa chọn cái chết, hành động này cho thấy, dù có xung khắc, bất đồng, trong thẳm sâu trái tim ông, tiếng nói của người cha vẫn luôn ngự trị. Người cha nhân hậu hết mực ấy thà chết để con thức tỉnh chứ không chấp nhận sống mà nhìn thấy con mình u mê, tăm tối.

Về nhân vật Đô, ấn tượng nhất có lẽ là hành động anh ta lôi từ trong ngăn kéo bí mật của mình ra những xấp ngoại tệ, kim cương, đá quý… để ngắm rồi lại cất vào. Hành động này nói lên bản chất Đô là một người ham tiền, say tiền và làm tất cả để có được tiền. “Với Đô, đời là cuộc làm việc vô tận, kiếm tiền không biết mỏi, kiếm tiền bằng mọi cách” [23, tr.382].

Với Chủ tịch Thân, ngay mở đầu cuốn tiểu thuyết, người đọc bất ngờ với tiếng chuông điện thoại đặc biệt “Em để tiếng chuông của anh thật khác để khi anh gọi, em nhận ra ngay” [23, tr.5]. Thân đã cài đặt cuộc gọi đến của anh Hai tiếng chuông khác để dễ phân biệt. Hành động này đã nói lên đây là kẻ xu nịnh, luôn bợ đỡ cấp trên để tiến thân. Khi biết tin ông Đảo nắm trong tay nhiều chứng cứ quan trọng về dự án Thành phố Bình Minh và đã có thư gửi Bí thư xin cho kiểm tra, Thân đã cho gọi Đô từ quê lên ngay lập tức để bàn chuyện. Khác với Đô cứ đi xe mình phóng thẳng vào công trường chỗ Lân, Thân không đi xe riêng mà một mình gọi taxi đưa đón. Việc làm này cho thấy Thân kín kẽ, khôn ngoan, không để ai phát hiện ra mình có quan hệ “đi đêm” với doanh nghiệp. Có thể thấy Thân là bậc thầy của nghệ thuật giấu mình. Anh ta luôn tìm mọi cách, kể cả cách xấu xa nhất để tạo cho mình vỏ bọc

70

hoàn hảo. Hồi còn làm Phó Chủ tịch phụ trách xây dựng, “Thân đã làm việc cật lực nhưng tất cả những thành tích, khen thưởng từ Trung ương, các bộ ngành thưởng cho lĩnh vực mình phụ trách, Thân đều dồn cho chủ tịch, cho giám đốc các sở ngành” [23, tr.335]. Cách ứng xử khôn ngoan đó của Thân rất được lòng mọi người: “Uy tín của Thân lên cao. Khắp tỉnh, người ta nói về Thân như nói về một điển hình của con người công việc, hành động, táo bạo, quyết đoán, hiểu việc, đạo đức” [23, tr.335]. Và khi đã yên vị trên ghế Chủ tịch tỉnh, để bảo đảm lợi ích nhóm và sinh mệnh chính trị lâu dài cho mình, kể cả khi đã về hưu, Thân động viên Bí thư Nhàn làm thêm nửa nhiệm kỳ để che chắn những việc làm sai phạm của mình. Những hành động của Thân nói lên bản chất của một người khôn ngoan, ma quái, một kẻ “rắn khôn giấu đầu”.

Có thể thấy, Phạm Quang Long rất sắc sảo lựa chọn những hành động để khắc họa nhân vật của mình. Hành động của nhân vật trong tiểu thuyết Phạm Quang Long không kịch tính, ly kỳ, mà mô tả nhân vật qua hành động, ngoài để góp phần thúc đẩy cốt truyện, nhà văn đã khéo léo thể hiện tính cách nhân vật trong tính hoàn chỉnh của nó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 74 - 76)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)