Miêu tả nhân vật qua những sự kiện, chi tiết

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 70 - 74)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Miêu tả nhân vật qua những sự kiện, chi tiết

Thế giới hình tượng của tác phẩm văn học luôn vận động thông qua các sự kiện, biến cố mà nó tham dự hoặc liên quan. Trong đời sống và hoàn cảnh của nhân vật có nhiều sự việc xảy ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại, ở một hoặc nhiều không gian khác nhau, nhưng không phải sự việc nào cũng được coi là sự kiện. “Sự kiện nói chung là những hành vi (việc làm) của nhân vật hay sự việc xảy ra đối với nhân vật dẫn đến hậu quả, làm biến đổi hay bộc lộ một ý nghĩa nào đó đối với mục đích người kể” [37, tập 2, tr.89]. Trong văn học, với giới hạn về thể loại, dung lượng, thông thường nhà văn chỉ lựa chọn những sự kiện quan trọng nhất để qua đó bộc lộ tính cách, số phận của nhân vật.

Trong Lạc giữa cõi người, cốt truyện được nhà văn xây dựng dựa trên một chuỗi những biến cố, sự kiện lớn trong suốt gần tám năm làm Giám đốc sở của Hưng. Mỗi sự kiện đều thể hiện những suy nghĩ, sự phân tích, đánh giá của Hưng với tư cách là người trong cuộc. Có nhà nghiên cứu cho rằng Phạm Quang Long hơi “tham” khi đưa vào một cuốn sách của mình quá nhiều những sự kiện, khiến người đọc cảm thấy ngổn ngang, bộn bề. Lượng thông tin dày đặc, lại động chạm đến nhiều vấn đề, nếu không khéo, nhân vật của ông sẽ rơi vào hai khả năng, một là ngợi ca mình thái quá, hai là quay lưng lại

65

với cơ chế mà mình đang phục vụ. Vốn sống dày dặn của một người làm công tác quản lý văn hóa, cộng với trí tuệ của một nhà nghiên cứu đã khiến cho Phạm Quang Long xử lý tốt mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Ban đầu nhà văn xác định thể loại cho cuốn sách này là “tiểu thuyết phi hư cấu”, rồi ông lại thôi. Có lẽ “hư cấu” hay “phi hư cấu” không quan trọng, quan trọng là ông được nói và nói được điều cần nói.

Sự kiện lớn nhất khiến Hưng điêu đứng nhất có lẽ là vụ vũ trường Mới. Công an đã bất ngờ bao vây và khám xét vũ trường Mới và phát hiện vũ trường này đã hết hạn kinh doanh một tuần mà chưa được sở chủ quản cấp lại. Các đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn, các cơ quan liên quan chối bỏ trách nhiệm. Báo chí vào cuộc đưa tin rầm rộ, chụp lên đầu Hưng không biết bao nhiêu là tội, mỗi ngày Hưng mở báo ra xem lại như thấy tội mình thêm nặng. Vì sự việc này mà sở Hưng có bốn người bị kỷ luật. Còn Hưng thì xuýt bị khởi tố. Sự kiện đó khiến Hưng chán nản: “vụ ấy cũng mở mắt cho gã nhiều điều. Cái ranh giới giữa đúng và sai, thế này và thế khác thực ra không rõ như gã tưởng. Và cái câu “cây ngay không sợ chết đứng” cũng chỉ là một phép thắng lợi tinh thần” [21, tr.159]. Dường như niềm tin của Hưng bị tổn thương sâu sắc, nhiệt huyết của một người dám nghĩ dám làm đã bị dội nước lạnh.

Những sự việc xoay quanh sự kiện Lễ kỷ niệm thành phố ba trăm năm cũng khiến Hưng nhận thấy rõ hơn sự bất cập của cơ chế, sự không phù hợp của nhiều quy định. Họp hội đồng xét duyệt cho các công trình văn hóa nghệ thuật, tờ trình của Hưng không được duyệt, bởi lẽ, “họ lên chỉ tiêu thanh toán cho các công trình tượng đài, các maquette trang trí cho tôi lại tính theo đơn giá hết bao nhiêu xi măng, sắt thép, gỗ lạt thì anh bảo bó tay rồi còn gì” [21, tr.401]. Hưng bất lực vì “cái mớ bùng nhùng của cơ chế do con người tạo ra. Gã không thể nào hiểu nổi ở một nơi được mệnh danh là trung tâm văn hóa và khoa học này mà vẫn có cái thứ Hội đồng xét duyệt những công trình văn hóa lại gồm toàn những nhà quản lý thuộc những sở chả liên quan gì đến chuyên

66

môn như Xây dựng, Tài chính, Giao thông, Văn phòng” [21, tr. 399]. Còn sở chuyên ngành đại diện chỉ có mình Hưng. Oái oăm là những sở không có chuyên môn văn hóa ấy lại có tiếng nói quyết định đến sinh mạng của những công trình văn hóa. Quy trình làm việc có thể nói không sai, nhưng những con người trong cái quy trình ấy đã làm không đúng. “Vướng mắc nhất là những quy định đã lỗi thời (…). Thí dụ như những loại hàng hóa, nguyên liệu đã được phân phối cho một ngành hay một cơ sở nào đó (…). Sau thời gian không dùng, cơ sở sẽ làm tờ trình lên cấp trên khấu hao rồi thanh lý, khóa sổ. Như thế, tiền của đổ đi hợp pháp và không có ai phải chịu lỗi cả. Nếu anh chuyển đi chỗ khác, dù sinh lợi mười mươi nhưng người có quyền chưa cho phép, không theo quy định nào là anh có thể bị rầy rà, nặng là có thể ra tòa” [21, tr.38]. Phạm Quang Long đã chỉ ra những cái chưa hợp lí trong rất nhiều những quy định đã trói buộc sự chủ động, linh hoạt của người quản lý có tâm: “Những nguyên tắc do con người đặt ra để điều hành xã hội nhưng một khi đã lỗi thời, lại không kịp điều chỉnh, không sát thực tiễn sẽ là những trở lực ngăn cản anh hành động, thậm chí có thể là lý do để người ta kỷ luật anh” [21, tr.38].

Khác với trong Lạc giữa cõi người nhân vật chính trải qua rất nhiều sự kiện, Cuộc cờ chỉ xoay quanh dự án với cái tên rất kêu: “Thành phố Bình Minh”. Dự án này được gọi là một “cuộc cờ” của các quan tham tỉnh Nguyên Bình, mà qua đó, nhà văn muốn nói tới cả bàn cờ chính trị với những quân cờ, đường đi, nước bước mà người đọc có thể thấy thấp thoáng ở bất cứ địa phương nào. Lợi dụng chủ trương chú trọng phát triển kinh tế địa phương và cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, Thân cùng nhóm lợi ích của mình đã vẽ ra trước mắt mọi người một kế hoạch hoàn hảo, lại đưa ra những con số khổng lồ để thuyết phục Bí thư: “tính sơ sơ chúng tôi có thể huy động được cỡ hai, ba nghỉn tỷ mỗi năm liên tục trong mười năm. Mà còn có thể hơn nếu cơ chế phù hợp” [23, tr.150]. Dự án được gấp rút thông qua, khẩn trương thực hiện với

67

một tốc độ nhanh chưa từng thấy. Một góc thị xã mọc lên những ngôi nhà cao tầng và các công trình hiện đại làm thay đổi diện mạo của một tỉnh nhỏ.

Qua sự kiện trung tâm này, bản chất nhân vật được bộc lộ: Thân, Đô là những quan chức được đào tạo ở nước ngoài về, phấn đấu làm lãnh đạo cấp cao của tỉnh, để rồi xác định “chỉ ngồi ở chỗ này, giữ việc chúa để lo việc nhà thôi” [23, tr.160]. Hiện tượng quan chức “bắt tay” với doanh nghiệp, doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức được nhà văn cụ thể hóa qua sự cộng tác làm ăn của Thân và Đô với Lân. Thân và Đô đã tạo cơ chế thuận lợi, che chắn mọi khó khăn để Lân thực hiện dự án. Vì “cuộc cờ” này mà Thân chấp nhận ở lại ghế Chủ tịch, Đô tình nguyện giữ ghế Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư, Lân theo lời anh Hai bỏ việc công chức, ra ngoài lập doanh nghiệp tư nhân, Bí thư Nhàn bị coi như tấm bình phong, … Cũng vì dự án này mà Huy, Phó Giám đốc Công an tỉnh bị điều chuyển công tác khi phát hiện thấy điều khả nghi của dự án, ông Đảo – người đấu tranh chống tham nhũng buộc lòng phải uống quá liều thuốc trợ tim để chết. Biết bao nhiêu hệ lụy xảy ra xoay quanh một dự án mà hiệu quả chưa đánh giá được, chỉ biết rằng, dự án càng được hoàn thành bao nhiêu thì túi tiền của các quan tham càng đầy thêm bấy nhiêu.

Dù qua nhiều sự kiện như trong Lạc giữa cõi người hay chỉ qua một sự kiện như trong Cuộc cờ, Phạm Quang Long đều hướng tới bộc lộ những mặt trái của cơ chế, sự xấu xí của những người nhân danh công bộc của dân. Sự kiện nhà văn lựa chọn không xa lạ gì trong đời sống chính trị, xã hội đương đại, đem đến cho độc giả cái nhìn chân thực về những mảng khuất tối chốn quan trường. Nhiều người cho rằng Phạm Quang Long táo bạo, liều lĩnh khi lựa chọn những vấn đề nhạy cảm, động chạm nhiều người, nhiều ngành, nhưng với tiết tháo của một kẻ sĩ, Phạm Quang Long không thể nhắm mắt làm ngơ. “Thật khó đoán ra cái tỉnh hư cấu Nguyên Bình trong Cuộc cờ là địa phương nào trong đời thực, nhưng nhà tiểu thuyết Phạm Quang Long tỏ ra sắc bén, cập nhật, trùng hợp với bầu không khí xã hội đương thời. Như thế là

68

người làm văn chương có tiết tháo. Sự ra đời của tiểu thuyết Cuộc cờ với độ gắt cần thiết quả là phù hợp với lời của nhân vật Bí thư tỉnh ủy nói trong một cuộc họp “việc hôm nay còn mới bắt đầu, còn dễ xử lý, không phát hiện và xử lý ngay, nay mai nó phức tạp hơn, càng khó xử lý” [50]. Tính dự báo của tiểu thuyết chính luận của Phạm Quang Long là ở đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)