7. Cấu trúc của luận văn
3.2.3. Giọng điệu giễu nhại
Một trong những yếu tố làm nên sự đổi mới giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết đương đại là giọng giễu nhại. Trong văn học hậu hiện đại Việt Nam, giễu nhại được coi là một trong những khuynh hướng sáng tác chủ đạo. Người ta có thể dễ dàng thấy được dấu vết của giễu nhại trong các sáng tác của Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương,... Tuy nhiên, giễu nhại không chỉ là đặc quyền của chủ nghĩa hậu hiện đại mà thực chất nó đã hình thành và phát triển từ những giai đoạn văn học trước đó với những tên tuổi quen thuộc như Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng… Về bản chất, theo Bakhtin, lời văn giễu nhại có nguồn gốc là “những tiếng nói khác nhau được đưa vào tiểu thuyết bao giờ cũng là tiếng nói của người khác, được sử dụng để làm khúc xạ những ý chỉ của tác giả. Từ ngữ ở tiếng nói ấy là từ ngữ song điệu đặc thù. Nó cùng một lúc phục vụ cho hai người nói và cùng một lúc thể hiện hai ý chỉ khác nhau: ý chỉ trực tiếp của nhân vật đang nói và
104
ý chỉ gián tiếp của tác giả” [7, tr.151]. Theo những nghiên cứu hiện nay, dù nhìn từ góc độ nào thì giễu nhại cũng có hai đặc điểm chính: “nhại” và “giễu”, tức là bắt chước và châm biếm. Lời văn giễu nhại bao giờ cũng bắt chước từ ngữ, giọng điệu của người khác với dụng ý châm biếm, chế giễu. Nó phù hợp với những tác phẩm có ý nghĩa phê phán hiện thực khi mà nhà văn dụng công dựng lên hình ảnh cuộc sốngphức tạp, ở đó các giá trị cũ bị đảo lộn, mọi quan hệ truyền thống bị lung lay trước sức tác động của những giá trị mới chưa có độ lùi thời gian để thẩm định.
Đặc điểm thường thấy của kiểu giọng điệu giễu nhại là tác giả thường tạo ra sự đối nghịch giữa hai vế câu, hai mệnh đề hoặc hai câu, hai ý: một bên trang trọng, nghiêm túc và một bên bỡn cợt, châm chích; một phía kể, đánh giá khách quan và một phía giải thích thêm theo cái nhìn chủ quan của người kể. Có thể khái quát lên mô hình chung của giễu nhại là hình thức tạo ra một A’ giống với A (A là cái có trước, đã được thừa nhân và tương đối ổn định trong suy nghĩ của cộng đồng) về hình thức bên ngoài, về một đặc điểm hay một cấu trúc nổi bật. Nhưng bản thân A’ lại không đồng nhất với A ở một vài sắc thái ý nghĩa, thậm chí có thể là trái ngược. Giễu nhại vì thế vừa nghiêm túc lại vừa hài hước, vừa phản ánh lại vừa phê phán, nhẹ nhàng mà sâu cay. Trong hai cuốn tiểu thuyết của mình, Phạm Quang Long viết về những cái đang diễn ra trong chính cơ chế hôm nay bằng cái nhìn, cách cảm nhận và trải nghiệm của người trong cuộc. Chính vì vậy, nhà văn đã sử dụng giọng điệu giễu nhại như một cách phê bình, chế giễu một quan điểm, một tư tưởng hoặc một cá nhân nào đó một cách khôi hài.
Trong hai cuốn tiểu thuyết của mình, Phạm Quang Long sử dụng giọng điệu giễu nhại khi nhân vật muốn châm biếm bỡn cợt một hiện thực nào đó, qua đó bộc lộ sự chua chát, bất lực của nhân vật. Giễu nhại chiêu bài luân chuyển, điều động: “Người ta không thích mình ngồi ở đây thì sẽ bố trí cho mình một chỗ khác dù mình ngán chỗ đó không chịu nổi, dù công việc mới
105
chả phù hợp với mình chút nào với lý do điều động, luân chuyển. Bao nhiêu lý do có lý giả vờ được nêu ra, thắt buộc anh tới mức không thể thoái thác, không thể tranh luận. “Rằng chỗ này đang cần đến anh, rằng anh đến đó để rèn luyện thêm, chuẩn bị cho những công việc mới, rằng tổ chức đang muốn rèn luyện, thử thách, sắp xếp anh vào những công việc mà không ai có thể thay thế anh được… Thế là chết cha mình rồi” [23, tr.17]. Ở đây, người đọc có thể nhận thấy giọng của “tổ chức” rất trang nghiêm, đúng đắn, thiện chí với anh, tốt cho anh, nhưng thực chất, người ta đang lợi dụng công tác luân chuyển, điều động cán bộ để hạ bệ nhau, để gạt những người không cùng hội cùng thuyền với mình. Và khi người được luân chuyển được làm công tác tư tưởng như thế thì không ai có thể chối từ, mặc dù cảm thấy không hài lòng, không phục.
Phạm Quang Long giễu nhại cung cách làm việc theo không đến nơi đến chốn, kiểu “đánh trống bỏ dùi” của không ít cán bộ hiện nay: “Người này soạn nghị quyết, đề ra phương hướng thật hay nhưng lại để cho người khác thực hiện. Những cái hay ho, hứa hẹn, được bày ra để cấp trên nhìn thấy mà tin tưởng, cấp dưới ngồi đó mà vỗ tay rồi một thời gian, khi việc chưa đâu vào đâu thì cái thằng vẽ ra cái phương hướng kêu oang oang như kèn đồng ấy đã tìm đường tếch, chỉ khổ những thằng được trám vào cái chỗ nó vừa bỏ lại” [23, tr.24]. Hơn nữa, “vạch ra không phải để cho mình làm mà cho người khác làm nên cũng chả có gì mà không ngần ngại phóng tay bút. Cứ hoành tráng. Cứ toàn diện. Trên giấy cả, có chết ai đâu” [21, tr.240]. Chính vì vậy, sản phẩm của họ sẽ là những bản nghị quyết, quy hoạch “trên trời”: “Quy hoạch trên giấy, phương hướng trên trời trong khi cuộc đời với tất cả những hệ lụy của nó thì lại nằm ngay trên mặt đất tội lỗi và khó khăn này” [23, tr. 24]. Một sự châm biếm nhẹ nhàng mà sâu sắc, Phạm Quang Long dùng giọng điệu giễu nhại như một công cụ đắc lực trong việc chỉ ra thói quan liêu, tắc trách của một bộ phận cán bộ hiện nay.
106
Lời văn giễu nhại đa phần thuộc về lời thoại của nhân vật, để nhân vật tự giễu những tồn tại trong hệ thống mà mình đang phụng sự và để nhân vật tự bộc lộ mình. Ví dụ giễu nhại cách nhận khuyết điểm của công chức khi làm sai: “Kiểu như: “tôi diễn giải ý của mình chưa rõ nên gây ra những hiểu lầm không đáng có. Xin nói lại cho rõ để tránh hiểu lầm”. Hoặc cùng lắm là: “tôi xin rút kinh nghiệm vì đã gây ra những hiểu lầm không đáng có. Chứ nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Tỉnh đảng bộ đã đề ra những chủ trương rất rõ ràng rồi. Ai cũng quán triệt như thế, học tập đi, học tập lại, thậm chí thuộc lòng thì những gì báo chí nêu chỉ có thể là hiểu lầm thôi” [23, tr.103]. Cụm từ “hiểu lầm”, “rút kinh nghiệm” đã trở thành lời nói cửa miệng khi sai phạm bị phát hiện, nhiều công chức coi đó là tấm lá chắn, là chiêu bài thoát thân ngoạn mục nhất. Hoặc người ta lại tìm cách đổ thừa cho nhân dân: “Ông bà cứ nói thế chứ ý kiến nhân dân đây. Chính ông bà mới là người thiếu thực tiễn, có khi còn mang tư tưởng cục bộ, bản vị chứ nhân dân suy nghĩ như thế này đây. Xưa nay, ai dám phản đối điều mặc nhiên được thừa nhận nhân dân là sáng suốt, ai dám đi ngược lại ý chí nhân dân? [23, tr.111]. Sự khéo léo của Phạm Quang Long là ở chỗ, nhại mà như không nhại, bởi lẽ, những lời lẽ trên dường như đã trở nên quen thuộc trên các mặt báo, trong phát ngôn của vị này vị kia khi lời nói, việc làm sai phạm của họ bị dư luận công kích, không nhận sai, họ quay ra bao biện cho mình bằng những lời lẽ có vẻ rất hồn nhiên, ngây ngô, khiến người ta không khỏi lắc đầu ngao ngán.
Giọng điệu giễu nhại của Phạm Quang Long có sức mạnh phơi bày bản chất, thậm chí hủy diệt đối tượng. Đây là giễu nhại sự nịnh bợ cấp trên: “Khi kiểm điểm, cấp dưới phê bình cấp trên là thủ trưởng chỉ có môt khuyết điểm thôi, nhưng đó là khuyết điểm rất lớn. Đó là thủ trưởng chỉ biết đến công việc mà không biết giữ sức khỏe để còn cống hiến lâu dài. Thủ trưởng cần chú ý sức khỏe. Bây giờ sức khỏe của thủ trưởng là tài sản chung. Thủ trưởng cứ làm việc quên mình như thế, ốm thì chúng em biết nhờ cậy ai? Thủ trưởng mệt, tổ chức thiệt thòi nhiều. Thủ trưởng phải nhớ điều đó” [21, tr.82]. Hàng
107
loạt từ “thủ trưởng” được điệp lại, khiến người đọc hình dung ra dáng điệu xun xoe, khúm núm của kẻ bợ đỡ, mở miệng ra là một điều thủ trưởng, hai điều thủ trưởng, dường như trong đầu anh ta chỉ có “thủ trưởng” mà thôi.
Giễu nhại trong tiểu thuyết của Phạm Quang Long là sản phẩm của tư duy nghệ thuật hướng tới xóa bỏ khoảng cách sử thi trong trần thuật văn chương, làm cho tất cả trở nên gần gũi hơn với đời thường, làm cho lời văn đa nghĩa. Nhiều lời phát biểu của nhân vật của ông có sức khái quát cao, có khả năng tách khỏi văn cảnh để trở thành khuôn hình lời nhại gắn với khuôn miệng bất cứ ai trong đời sống.