Nhân vật cô đơn, lạc loài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 56 - 62)

7. Cấu trúc của luận văn

2.2.2. Nhân vật cô đơn, lạc loài

51

lâu. Những thập niên 50, 60 của thế kỉ XX, kiểu người này trở nên phổ biến trong văn học phi lý Tây Âu với những kiệt tác như : “Người xa lạ”, “Huyền thoại Sisyphe” của A. Camus; “Hóa thân”, “Vụ án” của F.Kapka; “Buồn nôn” của J.P. Sartre… Đó là những con người thuộc “thế hệ bỏ đi”(Chữ dùng của E. Hemingway), bị ném vào hai cuộc thế chiến, đến khi trở ra thì trở thành những con người lầm lì, sống không hy vọng, không niềm tin và trở nên xa lạ, lạc lõng với tất cả. Trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1975 ít xuất hiện kiểu nhân vật này, chỉ từ sau 1975 thì kiểu nhân vật cô đơn mới xuất hiện trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Ngọc Tư… Các nhà văn đương đại Việt Nam cũng khai thác nhiều về kiểu người này để phản ánh một hiện thực là khi kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp mở ra, lối sống hiện đại, thực dụng như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của đời sống đã tác động không nhỏ tới từng tâm hồn. Con người trở nên bơ vơ, lạc loài vì không thể thích ứng được với sự thay đổi như vũ bão đó. Phạm Quang Long góp phần thể hiện kiểu nhân vật này với những trang viết về con người cô đơn trong công việc, trong gia đình. Họ có chức có quyền, có địa vị xã hội, có đủ đầy vật chất nhưng vẫn không thấy hạnh phúc, vẫn thấy lạc loài.

Điểm nổi bật nhất ở kiểu dạng nhân vật này trong hai cuốn tiểu thuyết của Phạm Quang Long là nhân vật thấy cô đơn khi không hòa nhập được vào hệ thống. Hưng (Lạc giữa cõi người) thân cô thế cô, không bè phái, vây cánh với ai, cũng không là “quân” của ông nào nên từ khi lên làm Giám đốc sở chưa một ngày nào anh hòa nhập được vào bộ máy với những logic phức tạp của nó. Sở của Hưng thuộc hàng “sở loại hai loại ba như người ta vẫn nói” [21, tr.13], bề ngoài thì bình yên, mà bên trong “trông quân tướng lờ ngờ thế nhưng mẹo mực ăn gian, ăn bẩn, nổi loạn, lật đổ thì thành thần” [21, tr. 61]. Giữa môi trường như thế, sự thẳng thắn, cương trực của Hưng bị coi là cứng nhắc, máy móc, là điên, là “mục hạ vô nhân”, không coi ai ra gì. Cấp trên coi Hưng như cái gai trong mắt, cấp dưới vừa sợ vừa không dám gần. Hưng cô

52

đơn ngay trong chính ghế giám đốc của mình, thấy lạc lõng ngay chính trong cơ chế mà mình phục vụ. Một người vốn quảng giao, giờ Hưng không dám có thêm bạn mới vì “Chơi với cấp trên thì bị bảo là xu nịnh, nâng bi… Chơi thân với cấp dưới thì bị cho là chuẩn bị kéo bè kéo cánh” [21, tr.75]. Vậy nên “ở cơ quan, suốt mấy năm trời, gã thường ăn uống, chơi bời với mấy chú lái xe và bảo vệ. Chơi với họ chả phải đề phòng gì” [21, tr. 24]. Hưng đã không hòa nhập được vào bộ máy với những guồng quay khắc nghiệt của nó: “Tôi không theo phe phái nào. Tôi suốt đời chỉ làm lương thần được thôi chứ không thể nào làm trung thần… Nghĩa là tôi chỉ làm một người bình thường, người tốt, người của công việc chứ không trung thành, cúc cung tận tụy một ai cả” [21, tr.303]. Hưng tử tế, trong sạch, là một công chức mẫn cán, hết lòng vì công việc, nhưng đáng buồn thay, chính những phẩm chất ấy lại cô lập Hưng giữa cõi người đầy toan tính, khiến Hưng bao phen khốn đốn, chán nản.

Không tìm thấy người tâm giao ở hiện tại, Hưng hay hướng về quá khứ, coi quá khứ là điểm tựa tinh thần vững chãi cho hiện tại: “có lẽ cái phần tươi sáng nhất, những giây phút thảnh thơi, vô tư nhất là những ngày đứng trên bục giảng” [21, tr.30]. “Cái không khí bụi bặm của cuộc đời ít khi len đến giảng đường. Ở đấy người thầy được làm phận sự như người truyền giáo và không khí học đường đem lại cho gã những niềm vui cứ dày lên dần. Cái hạnh phúc giản dị mà thanh sạch, mỏng manh nhưng bền chặt. Chính những năm tháng ở giảng đường đại học đã trở thành bệ đỡ cho gã trong cuộc đời. Những khi mệt mỏi, cô đơn, gã lại nhớ về những ngày tháng yên vui ấy, những quan hệ nồng ấm ấy để tạm quên đi những nhọc nhằn” [21, tr.30]. Chính cái tâm trong sáng của một người thầy đã giúp Hưng có thể trụ vững giữa những chông gai của cuộc đời làm quan nhiều sóng gió. Bản chất tốt đẹp của một nhà giáo chân chính không cho phép Hưng phản bội chính mình. Không ít lần Hưng phải thốt lên rằng “Cõi người sao mà rối rắm thế” [21, tr.73], “Nói thật với anh, từ ngày về đây, tôi thấy rất cô đơn” [21, tr.411], “một nỗi cô đơn thấm vào tận gan ruột” [21, tr.207]. Không chỉ cảm nhận rõ

53

sự cô đơn, lạc loài của mình, Hưng còn cảm nhận được nỗi cô đơn của người khác, cho dù người ta cố tình giấu kín đi: “gã cứ nghĩ lẩn thẩn là những người như ông, khi đã cuốn vào vòng xoáy của cơ chế, chắc cũng nhiều lúc cô đơn, cũng thèm những giờ phút thư giãn bên bạn bè, người thân” [21, tr 56]. Sự cô đơn của Hưng, của vị Chủ tịch kia thực ra không phải là sự thất bại hoàn toàn, mà đó chính là ít nhiều sự thắng thế của cái tốt, cái đúng, cái đẹp giữa vòng quay nghiệt ngã của cơ chế. Có điều, đó là sự thắng thế mỏng manh, nhỏ nhoi, ít ỏi.

Bên cạnh những quan chức có tâm cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong hệ thống mà mình phục vụ, mẫn cảm chính trị của Phạm Quang Long còn cho thấy nỗi cô đơn của người đấu tranh chống tham nhũng. Nhân vật tiêu biểu cho nỗi cô đơn này chính là ông Đảo (trong Cuộc cờ). Là Trưởng phòng Di sản của sở Văn hóa đã nghỉ hưu nhưng ông Đảo rất tâm huyết với dự định dang dở từ khi còn công tác: xây bảo tàng để lưu giữ những kỷ vật thể hiện quá trình phát triển của tỉnh nhà. Tuy nhiên, vị trí đất mà Nghị quyết tỉnh đảng bộ đồng ý xây bảo tàng lại nằm trong tầm ngắm của anh Hai trên trung ương, của Thân Chủ tịch tỉnh và của cả Đô con trai ông. Bởi vậy, mặc cho ông và những người tâm huyết với văn hóa ra sức bảo vệ, đấu tranh cho dự án xây bảo tàng, các quan chức, mà đứng đầu là Thân và Đô đã lái dự án sang chỗ khác, nhường vị trí đất kia để xây dựng Thành phố Bình Minh với số tiền đầu tư dự kiến tới hàng tỷ Mỹ kim. Ông Đảo đã viết đơn định gửi lên Bí thư tỉnh ủy để tố cáo những sai phạm đó. Ông nói với con dâu: “Bố không muốn chứng minh cái gì khác ngoài vạch mặt đám người làm sai, bắt bọn có tội phải nhận tội, phải bị trừng phạt” [23, tr.363]. Mục đích của ông là đúng đắn, tuy nhiên, ông đơn thương độc mã, không có ai đồng hành. Ông Đảo đơn độc, nhỏ bé trong tương quan với sự mưu mô, nhẫn tâm của nhóm lợi ích. Thân lệnh cho Đô phải “bịt lỗ rò” bằng mọi cách. Đô ra sức thuyết phục ông đừng gửi đơn. Trang cũng lo sợ Đô phải ngồi tù mà tha thiết xin bố chồng từ bỏ lá đơn. Những người thân yêu nhất của ông không đồng tình với việc ông làm,

54

bởi lẽ việc đó lại liên quan đến sinh mạng của con trai ông. Có thể thấy nhà văn đã tạo được một tình huống éo le, đẩy sự cô đơn trong công cuộc chống tham nhũng của ông Đảo lên đỉnh điểm. Ông Đảo ý thức được những nguy hiểm có thể đến với mình, nhưng “đạo lý làm người không cho phép tớ làm ngơ” [23, tr.100], “thầy cũng không thể im lặng vì lương tâm thầy không cho phép” [23, tr.406]. Tuy nhiên, sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng của ông Đảo đã không đi đến hồi kết như mong muốn. Cái chết của ông Đảo ở cuối cuốn truyện mang đến cho người đọc cái nhìn không mấy lạc quan về tương lai của những người đơn độc chống lại sự tha hóa, biến chất của những quan tham. Phải chăng, việc chống tham nhũng ở ta mới dừng lại ở những hiện tượng nhỏ lẻ, người chống tham nhũng chỉ âm thầm, lặng lẽ, không được bảo vệ trước sự đe dọa của cái xấu, cái ác và họ cũng chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ của mọi người xung quanh. Khắc họa nỗi cô đơn của ông Đảo, nhà văn xót xa cho thế hệ những con người tử tế, đáng trọng đang dần mất đi trong đời sống xã hội hôm nay. Họ là những người biết trân quý những giá trị đích thực của cuộc sống và đau khổ khi thấy những giá trị ấy đang dần bị thay thế bởi sự thực dụng, toan tính, chủ nghĩa cá nhân. Họ muốn đấu tranh để níu giữ lại những gì tốt đẹp, thiện tâm trong con người, lập lại sự công bằng cho xã hội. Tuy nhiên, sức một người không thể chống đỡ lại được cả một hệ thống. Chống tham nhũng vì vậy không phải là việc làm của một vài cá nhân riêng lẻ, mà phải là việc của mọi người, của toàn xã hội.

Không chỉ cô đơn ngoài xã hội, nhân vật của Phạm Quang Long còn cô đơn ngay chính trong gia đình của mình. Bề ngoài, gia đình Đô trở thành kiểu mẫu với sự thành đạt, khá giả: chồng làm Giám đốc một sở lớn, vợ làm giáo viên dạy Toán ở một trường cấp ba trong thị xã, hai con đều đi du học nước ngoài. Họ ở trong một ngôi nhà lớn, có ô tô tiền tỷ, có sổ tiết kiệm nhiều tỉ đồng gửi ngân hàng. Có thể nói đó là niềm ao ước của rất nhiều người. Tuy nhiên, khi còn ở với vợ chồng Đô trong căn biệt thự, ông Đảo “mỗi khi bước vào ngôi nhà, ông lại thấy dường như mình bước chân nhầm vào nhà khác.

55

Rồi khi mở cổng ra phố, nhìn ánh mắt của những người đi đường, vừa lạnh lẽo, vừa xa lánh, ông cứ thấy nhồn nhột trong lòng” [36, Tr.30]. Bởi ông biết “lương Đô chỉ độ gần chục triệu một tháng. Nếu tính thế thì cả đời đi làm của nó cũng không đủ mua nhà, mua xe” [23, tr.360]. Vợ mất sớm, một mình ông Đảo ở vậy xoay sở nuôi con, dành trọn vẹn cho con tình mẫu tử, những mong Đô trở thành người tốt. Nhưng Đô càng lớn thì khoảng cách cha con càng xa, sự bất đồng về lối sống càng lớn. Ông Đảo sống vì mọi người, Đô lại vì cá nhân. Ông Đảo trọng tình thì Đô sùng bái đồng tiền. Ông Đảo trân trọng quá khứ thì Đô chỉ biết có hiện tại. Chính vì vậy mà có khi hơn nửa năm trời hai cha con không gặp nhau mà cũng cảm thấy không có gì để nói với nhau. Thừa nhận “tớ thấy mình cô đơn ngay trong quan hệ cha con” [23, tr.94], ông Đảo đã thể hiện sự bất lực của mình trong việc hướng Đô đến những giá trị tốt đẹp mà suốt đời ông vun đắp.

Về phía Đô, anh cũng cô độc ngay trong chính ngôi nhà của mình. Có lẽ Đô chỉ thực sự thoải mái, hạnh phúc khi ngắm nhìn đống tiền, vàng của mình ngày một đầy thêm. Vợ Đô càng ngày càng ít nói hơn, nhẫn nhịn hơn và vẻ mặt thì buồn hơn. Lẽ ra chồng làm quan to, nhà cửa khang trang, vật chất đủ đầy, Trang phải thấy hạnh phúc và hãnh diện, nhưng chị tuyệt nhiên không biết đến hạnh phúc thực sự là gì, “Chồng có chức quyền, nghiêm chỉnh, con cái học hành tử tế, nhà cửa đàng hoàng nhưng sao lòng chị luôn thiếu ấm áp, trong nhà chị ít thấy tiếng cười” [23, tr.207]. Đô cũng cứ nghĩ rằng làm ăn chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền cho vợ con, đấy là hạnh phúc. Nhưng, chính Diệu, đứa con gái lớn đang du học ở Mỹ đã chỉ ra sự thật: “Bố như thế có làm cho ai trong nhà này hạnh phúc hơn đâu? Mẹ, ông, bọn con. Ngay cả bố cũng không vui vẻ gì” [23, tr.215]. Hóa ra bấy lâu nay cả nhà Trang chỉ sống trong cái vỏ bọc hạnh phúc được làm bằng tiền, bằng những nguyên tắc chứ không phải bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, tôn trọng. Khi bước chân sang Mỹ du học, Diệu càng nhận thức rõ hơn về sự cô đơn của từng thành viên trong gia đình: “Con cô đơn lắm. Con đi sang đây học cũng là muốn đi thật xa xem

56

người ta có giống con không? Có lúc con muốn bỏ học, muốn phá tung các thứ đi nhưng bố mẹ có biết đâu? (…) Cứ lao vào làm việc, kiếm tiền nhưng tất cả những cái đó có đem lại hạnh phúc đâu?” [23, tr.225]. Lời nói của Diệu cho thấy một sự thật đáng buồn đang tồn tại trong nhiều gia đình hiện đại ngày nay. Khi mải mê chạy theo tiền tài, danh vọng, người ta sẽ bỏ rơi những giá trị gia đình, các thành viên cảm thấy xa lạ, lạc lõng ngay trong ngôi nhà của mình. Vợ chồng, cha con không có sự gắn kết, yêu thương và sẻ chia. Gia đình lúc đó sẽ trở thành một tập hợp người cùng huyết thống chứ không phải là một tổ ấm bình yên.

Phản ánh nỗi cô đơn của con người trong công việc, trong gia đình, Phạm Quang Long muốn nêu lên một thực trạng khá phổ biến của nhiều người hôm nay. Đó là những áp lực cuộc sống khiến người ta không được là mình, không thể hòa nhập được với hoàn cảnh sống xung quanh, trở nên cô đơn, lạc loài. Càng những người tử tế, chính trực lại càng dễ bị tác động và tổn thương bởi thời cuộc. Xã hội biến đổi quá nhanh và họ không thể hòa nhập và không muốn hòa nhập. Miêu tả sự cô đơn của con người, Phạm Quang Long không có ý khuyên người ta phải biết thích ứng với cơ chế, với thời cuộc, mà một mặt, nhà văn thể hiện sự xót xa trước những số phận con người bơ vơ, lạc lõng giữa cõi người đầy cạm bẫy, mặt khác, nhà văn cũng bày tỏ thái độ trân trọng của mình đối với những nhân cách, những con người bản lĩnh chấp nhận, cam chịu sự cô đơn chứ nhất định không hòa nhập, hòa tan trong cái xấu, cái sai. Bởi vậy, độc giả cảm nhận rất rõ niềm cô đơn mà không thấy sự bi quan tuyệt vọng. Nhân vật của Phạm Quang Long tự ý thức về sự cô đơn của mình và chấp nhận nó bởi họ tìm thấy trong nỗi đau ấy một lẽ sống. Và, từ trong nỗi đau ấy, họ vươn lên, mạnh mẽ và tự tin. Cô đơn vì thế, ở một khía cạnh nào đó, lại trở thành là động lực của cái Tốt, cái Thiện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 56 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)