Ngôn ngữ đối thoại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 91 - 97)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.3.1. Ngôn ngữ đối thoại

Đối thoại là một hình thức giao tiếp của các nhân vật trong tác phẩm tự sự với nhau, qua đó, biểu hiện mối quan hệ và bộc lộ tính cách từng nhân vật. Mỗi nhân vật có một ngôn ngữ riêng phù hợp với cá tính, hoàn cảnh sống hay địa vị xã hội của mình. Tính cương trực của Hưng thể hiện ngay trong lời nói thẳng, nói thật. Trong cuộc đối thoại với Trưởng phòng Tổ chức của sở, Hưng nói: “Tôi với cô sau này phải luôn ăn giơ với nhau vì công việc chứ không phải vì bè cánh. Còn không cộng tác với nhau được nữa thì chắc là cô phải đi chỗ khác. Lúc nào tôi sai, cô phải nói cho tôi biết. Khi người ta say việc, say chiến thắng cũng như say gái ấy, mắt mờ đi rồi, đầu óc mụ mị hết cả, không nghĩ ra được cái gì tỉnh táo đâu. Có khi phải có người cho ăn một cái tát mới tỉnh được người ra đấy” [21, tr.94]. Hưng không ngại bộc lộ mình, một người rất chân thành, nhưng cũng có phần “đanh đá”, đáo để. Không chỉ thẳng thắn với cấp dưới, mà với cấp trên, anh cũng không bao giờ ép mình nói lời thuận nhĩ: “Khó lắm anh ơi. Trên chỉ đạo không nhất quán, bên dưới rất khó triển khai, thậm chí rất khổ. Mỗi người mỗi ý, đôi khi chúng em chả biết lối nào mà lần. Bản thân em cũng đã nhiều lần bị như vậy. Anh là dân sử, chắc anh nhớ câu người xưa nói: làm chúa đã khó, làm bề tôi còn khó hơn” [21, tr.357]. Đó là lời tận đáy lòng của một “lương thần”, thẳng thắn mà chân thành.

Trước đám đông, Hưng cũng luôn sống thực là con người mình: “chỉ im lặng thấy cần”, còn không thì “sẽ nói hết ý” mình. Để bảo vệ sở trước chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh về việc tại sao lại cấp phép cho một vũ trường ở một nơi gần trường học, thư viện, bệnh viện, Hưng mang lên bục dành cho diễn giả cả tập hồ sơ, mạnh mẽ nói lên sự thật về việc cấp phép cho vũ trường Mới “đây là toàn bộ hồ sơ mà các ban ngành ở tỉnh đã nghiên cứu, xem xét, đã trao đổi với nhau, đã thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, trong đó có cả thư tay của một vị ngồi đây, có ý kiến của một vị gửi đến cho sở, lời lẽ rất gay gắt phản đối ý kiến không cấp phép của chúng tôi (…). Tôi

86

cũng không hiểu vì sao mà các vị đại diện cho các cơ quan ngoài sở chúng tôi lại nhiệt tình với đơn vị này thế” [21, tr.125-126]. Hưng đã nói ra những điều mà không ai dám nói, nhất là lại nói trong một hội nghị đông người. Ngay sau cuộc họp, một người bạn ở ban Tổ chức tỉnh ủy nhắc nhở: “ông trưng ra bằng ấy chứng cớ thì bằng ông vả vào mồm chúng nó rồi còn gì? Ông vẫn giữ cái tật cứng đầu ấy thì cẩn thận kẻo gãy đấy (…) Chúng nó thua ông keo này nhưng sẽ quật ông lần khác cho mà xem”. Hưng tỏ vẻ không sợ: “Tôi chả làm gì sai cả. Còn chúng nó chạm nọc thì kệ chúng nó. Tôi cần đếch gì?” [21, tr.129]. Lời nói cứng cỏi đó cho thấy bản lĩnh của một người dám làm, dám chịu trách nhiệm, tin vào lời nói và việc làm đúng đắn của mình.

Thường thì người ta thấy, nhân vật có ngôn ngữ phù hợp với địa vị xã hội, cá tính, xuất thân… của mình, nhưng trong Lạc giữa cõi người, qua ngôn ngữ của Hưng, của Tấn và nhiều nhân vật khác, người đọc sẽ có những cảm nhận thú vị về những người có chức có quyền. Bên bàn nhậu, họ cũng rất suồng sã: “Trông bác cứ ngơ ngơ ngác ngác, vừa buồn cười, vừa tồi tội. Bác chữ nghĩa nhiều mà đếch hiểu cái gì cả”; “Ai cũng biết bác đúng nhưng đếch thằng nào thích bác cả” [21, tr.86]. Khi trút bỏ vẻ đạo mạo của một vị Giám đốc hay thư ký Ủy ban, Hưng và Tấn trở lại là những người bình thường với ngôn ngữ rất đời thường, thậm chí có lúc nói tục. Phạm Quang Long đã đưa vào tác phẩm của mình tiếng nói của đời sống thường nhật, dung nạp nhiều khẩu ngữ tự nhiên, làm độc giả không mấy khó khăn khi tiếp cận tác phẩm. Ngôn ngữ này dường như thô nhám, đôi khi suồng sã, bỗ bã, như trong đoạn hội thoại giữa Hưng và Tấn:

“ – Làm quan nó có số ông ạ.

- Số má chó gì? Cái số nó nằm ở đây này. Cái này mới là quyết định. Tấn giơ bàn tay ra, ngón cái xoa xoa vào hai ngón trỏ và ngón giữa, cười cười. Nụ cười đểu không chịu được.

87

- Tôi chả bi mà cũng chả lạc. Tôi chỉ là người biết thôi. - Biết sao ông không lên được?

- Ông nói chán bỏ mẹ. Biết nhưng không vào cạ, không đủ đạn, không chịu được sức ép, lên đâu? Leo cao thì gió cả, ngã gãy cổ chưa biết chừng.

- Thế nên ngồi thấp an toàn hơn phải không?

- Đúng. Mình thích ngồi ở chỗ nào thì phải ngồi cho vững. Không để thằng nào đẩy ra ngoài chỗ đang ngồi. Đẩy xuống thì không được rồi nhưng đẩy lên mà quá sức cũng dễ thân bại, danh liệt. Cứ vừa tầm mà chơi là nhất. Với lại, cũng có thằng nọ thằng kia chứ. Quan cả, lấy đâu ra ghế? Như ông đấy, cũng chỉ là đồ trang sức cho người ta thôi.

- Tôi đếch là trang sức cho ai cả. Tôi chả phe phái đếch gì.

- Đếch ai cho ông vào phe mà ông vào? Ông tưởng vào phe với người ta dễ lắm à? Phải trung thành, phải dễ bảo, phải làm lợi cho người ta, ông hiểu không? Trong mấy chuẩn ấy ông có chuẩn nào không?

- Chỗ này thì ông đúng. Tôi chẳng theo phe phái nào. Tôi suốt đời chỉ làm lương thần thôi chứ không thể nào làm trung thần” [34, tr.303].

Qua mẩu đối thoại trên ta thấy, lời nói của Tấn và Hưng đều rất đời thường, thân mật đến suồng sã. Câu chuyện của họ xoay quanh cách ứng xử trong logic quan hệ phức tạp ở “cõi người”. Những bài học có “ghế” và giữ “ghế” được Tấn tổng kết rất thô nhưng không phải là không đúng. Người đọc có thể nhận ra hiện thực xã hội đâu đó quanh mình được phản ánh trong lời nói của Tấn. Tấn là nhân vật được nhà văn lựa chọn để đặt vào nhiều câu nói gai góc, nhạy cảm: “Bây giờ loạn cào cào, người ta chả quan tâm lắm cái đoạn sắp xếp đúng chuyên môn đâu. Làm chuyên viên thì cần chuyên môn. Làm lãnh đạo thì đếch cần, thằng nào chả làm được? Lãnh đạo là chỉ huy ở tầm vĩ mô, chỉ huy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên chỉ giỏi một thứ thôi. Đó là giỏi lãnh đạo, là chỉ huy. Hiểu chưa? Tôi đây này, biết chó gì nghề văn

88

phòng mà tôi ngồi ở ghế ấy hơn chục năm? Lãnh đạo tỉnh này phần lớn là cán bộ phong trào đấy chứ. Họ được đào tạo để làm lãnh đạo chứ không phải để làm chuyên môn” [21, tr.379]. Đặt vào Tấn những phát ngôn như thế là một sự khôn khéo của nhà văn, bởi lẽ, nếu “gã” phát ngôn như vậy, tác phẩm rất dễ bị quy chụp là có vấn đề tư tưởng, vì ít nhiều “gã” cũng mang hình bóng của chính nhà văn ở ngoài đời. Hơn nữa, Tấn có thâm niên hàng chục năm làm thư ký cho lãnh đạo tỉnh, am hiểu tường tận những mặt trái của “cõi người”, nói như thế vừa tạo sự tin cậy, vừa tạo được tính khách quan cần thiết cho câu chuyện.

Trong Cuộc cờ, ngôn ngữ nhân vật lại rất phù hợp với tính cách, nghề nghiệp, tuổi tác, giới tính… từng người. Ngôn ngữ của ông Đảo đúng mực, chín chắn của một người già, mọi sự đối nhân xử thế đều rất nhân hậu. Ông hiền dịu với Trang, con dâu duy nhất của mình: “Thôi con ạ. Bố ăn thế đủ rồi. Con pha cho bố ấm trà. Trà ở cái lọ thủy tinh màu nâu ấy. Lâu lắm cả nhà không uống trà cùng nhau” [23, tr.396]. Vẻ đôn hậu ở ông toát lên từ cách xưng hô bố - con rất tình cảm, từ việc ông muốn cùng uống trà do chính tay con dâu pha. Không ai nhận ra khoảng cách giữa bố chồng và con dâu. Ông quý Trang như chính con gái mình. Nhưng, khi dự án tâm huyết cả đời của mình không được thực hiện, lại bị chính con trai không ủng hộ thì ông Đảo lại rất gay gắt với Đô: “Cái tỉnh này cần xây một cái bảo tàng, anh biết không? Bố anh và các bác, các chú ở cái tỉnh này mất gần năm năm mới xây dựng xong cái dự án này. Vậy mà các anh chả thèm ỏ ê gì những gần một năm. Anh coi công sức của người khác như mớ giấy lộn. Làm việc như thế có lương tâm không?” [23, tr.56]. Mỗi khi nói chuyện mà ông gọi Đô là “anh” tức là ông giận lắm. Ông lại trở lại là người cha đôn hậu khi Đô thật tâm thú tội: “Thầy thấy nhẹ nhàng hơn nhiều rồi. Thầy không thể mất con. Thầy biết phải làm gì. Thầy cũng tin là con sẽ ra khỏi vũng lầy đó. Để làm người con ạ. Con cũng cần để cho vợ con không nhìn mình như một người xa lạ. Lúc nào thầy cũng đứng bên con” [23, tr.404]. Cách xưng hô thầy – con rất tình cảm, lời nói cuối

89

cùng của người cha có ý nghĩa như lời trăng trối, ông vẫn động viên con và tin ở con. Tình phụ tử được nhà văn miêu tả thật cảm động: “Bàn tay ông chủ động nắm lấy tay Đô. Lâu lắm rồi, Đô mới cầm tay bố. Bàn tay của người già nhưng vẫn ấm. Đến lúc này Đô mới nhìn thấy nước mắt của bố mình ứa ra. Cả hai cha con đều khóc” [23, tr.404].

Trái ngược với ông Đảo đôn hậu, lời nói của Thân thể hiện rõ bản tính của một kẻ “khôn róc đời”. Thân rất rõ ràng, rành mạch trong quan hệ làm ăn: “Tôi với cậu quan hệ với đám thằng Lân, ngân hàng, doanh nghiệp… đều là quan hệ làm ăn cả. Đã làm ăn thì nguyên tắc hàng đầu là cùng nhau làm ăn, cùng chia lợi nhuận. Lợi nhuận là số một. Nhưng cũng cần giữ bài của mình kẻo bị lật kèo. Còn riêng tôi với cậu lại là người nhà nước, thay mặt cơ quan công quyền. Thế cho nên càng tránh lộ mặt càng tốt. Tôi nhắc cậu: không phải việc gì cũng cần xuất hiện. Các loại liên quan tới việc của chúng mình, nếu không thật sự cần thiết, cậu đừng ký. Cứ để cho mấy thằng phó nó ký. Thế mới an toàn. Cái chính là mình phải kiểm soát được tình hình chứ không phải mình hùng hục lao vào việc” [23, tr.132]. Đó là cách tính toán làm ăn rất khôn ngoan theo kiểu “rắn khôn giấu đầu”, nếu thành công thì thu lợi lớn, nếu không thành công thì bản thân cũng không ảnh hưởng gì, không phải chịu trách nhiệm gì. Mọi sự tính toán của Thân đều hướng tới lợi ích và sự an toàn.

Cách Thân nịnh Bí thư cũng rất khéo léo: “Quả thực, thưa anh Nhàn, tôi xin nói cảm nhận của tôi. Lẽ ra không nên nói ra như thế nhưng cảm xúc của tôi chắc cũng là của chung anh em thôi, tôi không thể không nói ra được. Chỉ có sự sâu sát, hết lòng hết sức lo cho đời sống nhân dân, lo lắng cho sự phát triển của tỉnh nhà cũng như kinh nghiệm lãnh đạo lâu năm của anh mới có những chỉ đạo sát thực tiễn và có tầm nhìn như vậy. Cái khôn khéo của Thân là nịnh không quá lời, vừa đủ để người ta cảm thấy vui lòng mà không quá lộ. Sự nhún mình của Thân cũng rất vừa phải, vừa đủ để cho người nghe thấy

90

Thân khiêm nhường nhưng vẫn phục vì tinh thần vì cái chung của một lãnh đạo tâm huyết với sự phát triển của tỉnh nhà.

Lời nói của Thân mang nhiều tính triết lý. Với Thân, giấu mình là một nghệ thuật và Thân là một “nghệ sỹ” trong việc thực hành triết lý của mình: “Đừng để lộ chân tướng. Phải như con thần long trong đám mây ấy. Lúc thì cho người ta thấy khúc đầu, lúc chỉ cho thấy khúc đuôi, lúc thì nằm trong mây mù, hô phong, hoán vũ khiến cho trời đất chuyển động. Phải ẩn cho kỹ, thỉnh thoảng mới lộ ra một chút thôi. Đừng để người khác nắm hết được sở trường sở đoản của mình” [23, tr.163]. Triết lý sống đó được Thân đúc kết từ chính cuộc đời làm quan đầu tỉnh của mình. Bản tính kín đáo, khôn ngoan của Thân được thể hiện trong chính lời gan ruột với Đô: “Làm ăn cũng như hoạt động bí mật. Thằng nào lộ vở hoặc bị sạt nghiệp, hoặc dễ đi bóc lịch lắm” [23, tr.131], “ở đây không như ngoài mặt trận nhưng cũng ác liệt, dễ hi sinh lắm” [23, tr.160].

Là người mê tiền, làm tất cả vì tiền, lời nói của Đô rất thực tế: “Với con, quan trọng nhất là những thước đo cụ thể, những cái có thể cân đong đo đếm được. Như việc này, người này đem lại lợi ích gì? Đó là giá trị đích thực” [23, tr.59]. Chính vì suy nghĩ như vậy nên những việc gì không đem lại giá trị vật chất cụ thể (như việc xây bảo tàng chẳng hạn), Đô đều không ủng hộ. Những dự án không sinh lời vật chất, Đô sẽ ký theo kiểu “cái dấu ô vẫn có nhưng không kéo dài”, tức là ám hiệu để Chủ tịch tỉnh và Sở Tài chính không duyệt cấp vốn. Đô lý giải cho việc không đồng tình xây bảo tàng, cho dù đó là dự án tâm huyết cả đời của cha mình: “Người ta cần sống cho hiện tại. Tương lai cũng cần nhưng hiện tại vẫn quan trọng nhất. Còn quá khứ, có mài ra mà ăn được đâu thầy?” [23, tr.59]. Qua lời nói của nhân vật Đô, nhà văn muốn nói lên một hiện thực là có không ít lãnh đạo chỉ chú trọng phát triển kinh tế, mà không coi trọng văn hóa, coi văn hóa “như một thứ nằm ngoài, ăn theo kinh tế” [23, tr.104]. Là một nhà quản lý văn hóa, Phạm Quang Long không khỏi

91

băn khoăn, trăn trở khi những giá trị văn hóa không còn nằm trong những vấn đề nghị sự quan trọng của nhiều lãnh đạo địa phương. Ở cả hai cuốn tiểu thuyết, tiếng nói của người làm văn hóa khá yếu ớt, lại chịu nhiều thiệt thòi, khi ở đâu đó, người ta chỉ quen đong đếm các hệ giá trị bằng vật chất. Đô từng tuyên bố: “kinh phí chúng ta hiện nay còn eo hẹp lắm nên cần đầu tư cho những công trình tạo ra giá trị tăng trưởng GDP cao hơn chứ không phải ưu tiên cho lĩnh vực văn hóa, giải trí như bảo tàng, nhà hát” [23, tr.102]. Phải chăng đó là tư duy nôn nóng phát triển kinh tế mà coi nhẹ những giá trị văn hóa tinh thần của không ít lãnh đạo hiện nay?

Ngôn ngữ đối thoại chiếm tỷ lệ lớn trong tác phẩm, không chỉ có tác dụng dẫn dắt mạch truyện, mà quan trọng hơn, còn giúp người đọc cảm nhận rõ hơn về tính cách, bản chất của nhân vật. Trong tiểu thuyết chính luận, ngôn ngữ đối thoại tuy là của nhân vật nhưng lại thể hiện rất rõ quan điểm của nhà văn về các vấn đề chính trị, xã hội. Hơn nữa, vốn là nhà nghiên cứu văn học, nhà quản lý văn hóa nên từng lời ăn tiếng nói của nhân vật luôn được Phạm Quang Long đòi hỏi sự chính xác. Vì vậy, mỗi lời nhân vật nói ra đều là kết quả của sự chăm chút, lựa chọn cẩn trọng, kỹ càng của một nhà văn có vốn ngôn từ dồi dào.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đặc điểm tiểu thuyết của phạm quang long (qua lạc giữa cõi người và cuộc cờ) (Trang 91 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)