CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.1. Tình hình nuôi trồng thủy sản của thế giới
Nuôi trồng thủy sản được coi là ngành sản xuất thực phẩm có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới, cung cấp phần lớn protein động vật cho con người và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng thủy sản toàn cầu. Trong những năm qua, sản lượng nuôi trồng thủy sản thế giới tăng trưởng với tốc độ vừa phải.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt mức cao kỷ lục 90,4 triệu tấn, tương đương 144,4 tỷđô la Mỹ (trong đó có 66,6 triệu tấn thủy sản các loại và 23,8 triệu tấn thực vật thủy sinh nuôi chủ yếu là tảo biển). Năm 2013, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 70,5 triệu tấn, tăng 5,8%. Sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng sản lượng thủy sản toàn cầu (158 triệu tấn), từ 20,9% năm 1995 lên 32,4% năm 2005 và 40,3% năm 2010 và ở mức cao kỷ lục là 42,2% trong năm 2012. Châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng sản lượng nuôi toàn cầu 54%,
châu Âu chiếm 18%, còn lại là các châu lục khác chiếm 28%. Nếu xét theo vùng, trong giai đoạn 2000-2012, châu Phi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất (11,7%). Tiếp theo là Mỹ La tinh và vùng Caribê, 10%. Nếu không tính Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản của châu Á tăng 8,2%, Trung Quốc 5,5%. Châu Âu và châu Đại Dương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất, tương ứng 2,9 và 3,5%. Trái với xu hướng tăng trưởng tại các châu lục khác, kể từ năm 2005, sản lượng nuôi tại Bắc Mỹ giảm đều do sản lượng nuôi tại Mỹ giảm.
Sự phân bố sản lượng nuôi trồng thủy sản giữa các vùng và các nước có mức độ phát triển kinh tế khác nhau vẫn còn chưa cân đối. Về mặt số lượng, châu Á chiếm 88% sản lượng nuôi toàn cầu, trong đó Trung Quốc dẫn đầu về mặt sản lượng nuôi trồng, chiếm 61,7%. Tiếp theo là các nước Ấn Độ, Việt Nam, In-đô-nê- xi-a, Băng-la-đét, Nauy, Thái Lan, Mi-an-ma, Phi-lip-pin và Nhật. Trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu (66,6 triệu tấn năm 2012), sản lượng cá có vẩy chiếm 2/3 (tương đương 44,2 triệu tấn); trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt là 38,6 triệu tấn, nuôi nước mặn là 5,6 triệu tấn (Tổng cục Thủy sản, 2014).
Sự phát triển nhanh chóng của sản lượng nuôi nước ngọt phản ánh một thực tế là nuôi trồng thủy sản nước ngọt có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nuôi biển. Sản lượng từ nuôi nước ngọt hiện chiếm 57,9% trong tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Nuôi trồng thủy sản nước ngọt đóng góp to lớn trong việc cung cấp nguồn protein thực vật cho con người, đặc biệt là người dân ở các nước đang phát triển như châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. Qua các hoạt động thúc đẩy sự phát triển bền vững, nuôi trồng thủy sản nước ngọt được trông đợi sẽ đóng góp vai trò hàng đầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thủy sản ngày càng tăng do dân số tăng nhanh tại các nước đang phát triển trong thời gian tới (Tổng cục Thủy sản, 2014).
Theo OECD.org, Thefishsite, FAO, Globefish, tại một nghiên cứu của FAO, tiêu thụ thủy sản của EU trong tương lai sẽ diễn ra ba xu hướng: Tiêu thụ thủy sản chế biến bảo quản và thủy sản ướp lạnh/tươi hầu như ổn định; giáp xác, nhuyễn thể, fillet cá và sản phẩm qua chế biến sẽ tăng; tiêu thụ sản phẩm đông lạnh sẽ giảm. Mức tăng tiêu thụ cao nhất được dự báo cho các loài giáp xác, nhất là tôm và fillet
cá. Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo tiêu thụ thủy sản toàn cầu dự báo sẽ đạt 188 triệu tấn vào năm 2020, chủ yếu bởi tiêu thụ hải sản tăng ở cả các nước phát triển cũng như đang phát triển trong bối cảnh trữ lượng thủy sản tự nhiên ngày càng giảm sút.
Vì vậy nuôi trồng thủy sản đang là một ngành chiếm ưu thế, đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Phát triển nuôi trồng thủy sản, tận dụng lợi thế của địa phương sẽ trở thành yếu tố tất yếu cho nền kinh tếđang phát triển như Việt Nam.