Tài gia đình trong văn học Việt Nam sau 1975

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 42 - 47)

7. Cấu trúc luận văn

1.2.3. tài gia đình trong văn học Việt Nam sau 1975

Có thể xem từ năm 1975 là chặng đường văn học chuyển tiếp, trăn trở tìm kiếm con đường đổi mới, đã “xé rào”, “tự cởi trói”, vận động theo hướng dân chủ hoá, mang tính nhân bản, nhân văn sâu sắc. Cái mới của văn học Việt Nam sau 1975 là tính chất hướng nội, quan tâm nhiều hơn đến số phận cá nhân trong những hoàn cảnh phức tạp đời thường. Một trong những biểu hiện của khuynh hướng đời tư thế sự ấy là các tác phẩm viết về đề tài gia đình như Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường; Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà, Chuyện làng Cuội của Lê Lựu; Cha và con và…, Một cõi nhân gian

bé tí, Một người Hà Nội của Nguyễn Khải; Bến không chồng của Dương Hướng; Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu; Hậu thiên đường, Thiên đường mù…của Nguyễn Thị Thu Huệ; Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương; Thiên sứ, Maria Sến của

Phạm Thị Hoài; Người sót lại của rừng cười, Hoa xấu hổ của Võ Thị Hảo;

Gia đình bé mọn của Dạ Ngân; Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư; Mưa mùa hạ, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Chuyện của Lý, Chó Bi đời lưu lạc, Côi cút giữa cảnh đời…của Ma Văn Kháng.

Nhìn chung, ở mảng đề tài này, các nhà văn đều đi sâu vào phản ảnh sự ảnh hưởng của xã hội hiện đại tới gia đình và sự suy thoái của chính bản thân gia đình với các mối quan hệ tự thân. Bằng cái nhìn trung thực, táo bạo, người cầm bút đi sâu vào phản ánh hiện thực cuộc sống hàng ngày với những mối quan hệ gia đình và đã nhìn thấy những mảnh vỡ, những bi kịch nhân sinh, những mặt tối của cuộc sống. Tuy nhiên, dưới góc nhìn mang ánh sáng nhân văn, các tác giả đã khẳng định: dù vận động và biến đổi đến đâu, gia đình vẫn không thể mất đi thiên chức thiêng liêng và độc quyền của mình, ấy là mái ấm của tình yêu thương. Người đọc vẫn cảm nhận được giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình: đức hy sinh, lòng bao dung của các thành viên trong gia đình; sự hướng thiện, sự khát khao hạnh phúc; ý thức giữ gìn văn hóa gia đình, để gia đình mãi là nơi trú ngụ, chở che của mỗi con người lầm lạc trước cuộc đời.

Trong các sáng tác viết về đề tài gia đình sau năm 1975, ta không thể không nói tới Chiếc thuyền ngoài xa - tác phẩm tiểu biểu cho khuynh hướng tiếp cận đời sống ở góc độ thế sự đời tư của Nguyễn Minh Châu. Truyện xoay quanh chuyến đi thâm nhập thực tế của nghệ sĩ Phùng. Qua những phát hiện trong chuyến đi, đặc biệt qua câu chuyện gia đình của người đàn bà hàng chài, Phùng đã có những chuyển biến về nhận thức. Từ đó, nhà văn thể hiện một cái nhìn đa diện đa chiều về hiện thực đời sống gia đình của con người thời hậu chiến. Bằng cái nhìn hiện thực và cảm quan của nhà văn giàu lòng nhân đạo, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa trước mắt người đọc một cảnh đời cơ cực, khốn khó, tiêu biểu cho biết bao nhiêu số phận bấp bênh, éo le trong cuộc đời. Song dưới cái nhìn đầy nhân ái của nhà văn, người đọc thật sự xúc động khi thấy rằng ngay trong hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận, ở nhân vật người đàn bà hàng chài

vẫn ánh lên vẻ đẹp, ánh sáng của những hạt ngọc lấp lánh trong tâm hồn. Cuộc sống bấp bênh, đói khổ cùng với những trận bạo hành gia đình của người đàn bà hàng chài khiến Phùng và Đẩu cho rằng chị ta không thể sống nổi với lão chồng vũ phu kia. Nhưng qua cuộc đối thoại ở chốn công đường, qua câu chuyện mà người đàn bà ấy kể, Phùng và vị chánh án mới vỡ lẽ ra nhiều điều về cuộc sống, về con người.

Đến cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Nguyễn Khải trình làng

Một người Hà Nội. Tác phẩm chính là sự phát hiện bất ngờ về cái chất kinh kì qua một con người cụ thể sống động. Câu chuyện được kể thông qua sự quan sát trực tiếp của nhân vật Tôi - người cháu có quan hệ họ hàng xa với bà Hiền. Nhân vật bà Hiền được đặt trong không gian gia đình và môi trường văn hóa Hà Nội. Người phụ nữ này đã thể hiện vẻ đẹp của “một người Hà Nội” từ cách thu xếp việc nhà đến cách nuôi dạy con cái. Là một người phụ nữ quý phái, con nhà giàu lại có nhan sắc, yêu văn chương, được giao du với nhiều văn nhân nghệ sĩ, nhưng ngay từ thời còn son trẻ, bà Hiền không chạy theo những xu hướng thời thượng, những tình cảm lãng mạn, viển vông mà “chọn bạn trăm năm là một

ông giáo cấp Tiểu học hiền lành, chăm chỉ khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc” [37,

93]. Sự tính toán, chọn lựa ấy cho thấy bà không ham danh, ham lợi mà có thái độ nghiêm túc với hôn nhân, đặt trách nhiệm làm vợ, làm mẹ lên trên mọi thú vui khác. Ông giáo Tiểu học, mẫu người mô phạm, khiêm nhường, chăm chỉ, hiền lành là người hợp với bà về tổ ấm gia đình.

Ở cái thời người Việt Nam còn lạc hậu, thích đẻ nhiều con thì quyết định của bà Hiền chấm dứt việc sinh con vào tuổi bốn mươi cũng là một quyết định khác người. Bà không tin “trời sinh voi, trời sinh cỏ” mà cho rằng con cái phải được nuôi dạy chu đáo để khi mình già, “chúng có thể tự lập được, không phải

sống bám vào các anh chị” [37, 93]. Theo bà, trách nhiệm làm cha mẹ không

phải chỉ ở việc sinh con mà quan trọng hơn là cho con một nhân cách, chuẩn bị cho con một tương lai sống không lệ thuộc. Trong việc quản lí gia đình, bà Hiền luôn chủ động, tự tin vì bà hiểu vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình.

Khi “phê bình thói bắt nạt vợ quá đáng” [37, 93] của người cháu, bà bảo:

Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao” [37, 93].

Quan niệm về bình đẳng nam nữ của bà xuất phát từ thiên chức của người phụ nữ - đấy là một chân lí tự nhiên, giản dị. Tác phẩm là nơi nhà văn gửi gắm những suy ngẫm và trăn trở về khả năng bảo tồn những giá trị mà ông tin là tinh túy nhất của người Việt: văn hóa gia đình, văn hóa người Hà Nội.

Trong cơn bão của thời buổi kinh tế thị trường, những rạn vỡ trong các mối quan hệ gia đình được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dựng lên đầy ám ảnh trong

Tướng về hưu. Một ông tướng xông pha trận mạc với biết bao chiến công, nay trở về ngôi nhà của mình lại trở nên lạc lõng, cô đơn đến ghê rợn. Các cá nhân trong gia đình ông Thuấn không còn có chung tiếng nói, không còn thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau: “Tôi chắc mẹ tôi hiểu cha tôi cũng ít” [84, 30]; “Khi lớn lên

tôi chẳng biết gì về cha mình cả” [84, 30]; “Tôi cũng chẳng hiểu tại sao hai đứa

con gái tôi ít gần ông nội” [84, 33]; “Vợ tôi ít biết về ông vì hai chúng tôi lấy

nhau khi ông đang bặt tin” [84, 31]…Những khoảng cách vô hình dần bị nới

rộng. Và ông tướng lừng lẫy một thời rơi vào tình trạng bế tắc khi mọi mối quan hệ trong gia đình trở nên đảo lộn.

Văn học đương đại có sự góp mặt của nhiều nhà văn nữ. Tuổi đời của họ còn trẻ nhưng đã có những cái nhìn rất mới, lạ về hạnh phúc gia đình. Có thể kể đến Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… Truyện ngắn của họ thường quan tâm đến bi kịch của những người phụ nữ trong hành trình đi tìm hạnh phúc cho mình. Từ những người phụ nữ bị phản bội bởi chính em gái mình (Thiếu phụ chưa chồng - Nguyễn Thị Thu Huệ), đến những người mẹ chạy theo phù du bỏ lại những đứa con thơ (Cánh đồng bất tận - Nguyễn Ngọc Tư), hay cô vợ có đời sống nhục dục mãnh mẽ với sự ám ảnh bị cưỡng hiếp bởi cha chồng (Bóng đè - Đỗ Hoàng Diệu…) đều mang trong mình sự đau đớn, khắc khoải riêng.

Như vậy, có thể thấy, đề tài gia đình là mối quan tâm của nhiều cây bút ở các chặng đường phát triển của văn học dân tộc. Mỗi tác phẩm của mỗi nhà văn

bộc lộ cách nhìn khác nhau về gia đình. Nhưng trên hết là cái nhìn nhân ái của các tác giả về một vấn đề mang đậm dấu ấn đời sống tinh thần đa dạng, phong phú của người Việt.

Tiểu kết chương 1

Trên đây, chúng tôi đã trình bày khái lược về gia đình và văn hóa gia đình người Việt, điểm qua đề tài về gia đình trong văn học Việt Nam hiện đại qua từng giai đoạn phát triển (từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ sau năm 1945 đến 1975 và giai đoạn sau 1975). Có thể nhận thấy: gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt, đúng như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt là gia đình, làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp

từ gia đình”. Gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên của con người.

Song hành với sự phát triển của đời sống xã hội, gia đình ngày càng phát huy được sức mạnh trong việc bảo vệ con người khỏi những khổ đau và sự tha hóa. Văn học dù ở thời kỳ nào cũng đã phản ánh một cách chân thực mọi sự biến đổi ấy tùy từng mức độ và cách nhìn khác nhau. Nhưng tất cả đều coi gia đình chính là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất cho mỗi con người trước sóng gió cuộc đời. Từ sự khái lược về gia đình và văn hóa gia đình người Việt, điểm qua đề tài về gia đình trong văn học Việt Nam hiện đại, chúng tôi coi đó là cơ sở lý luận và thực tiễn để triển khai những chương sau.

Chương 2.

ĐỜI SỐNG VĂN HÓA GIA ĐÌNH TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MA VĂN KHÁNG SAU 1975

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 42 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)