7. Cấu trúc luận văn
3.1.1. Nhân vật đa tính cách
Trong tác phẩm văn học, đặc biệt là thể loại tiểu thuyết hiện đại, xây dựng nhân vật là vấn đề quan trọng mà nhà văn quan tâm. Bởi bản chất của văn học là mối quan hệ với đời sống, văn học tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của đời sống. Mỗi nhân vật còn có mối quan hệ với những nhân vật khác và thường được bộc lộ qua diễn biến của cốt truyện: “Cốt truyện có thể vay mượn, có thể không nhất thiết phải kinh qua kinh nghiệm của bản thân tác giả, nhưng nhân vật trong tác phẩm thì phải là đứa con
tinh thần, là sản phẩm của vốn sống trực tiếp của nhà văn” [12, 646]. Là “đứa
con đẻ tinh thần” của nhà văn nên nhân vật vừa chung đúc những hiểu biết về
con người và cuộc đời vừa thể hiện tài năng văn chương của người cầm bút. Mọi lý giải, kiến nghị cùng quan điểm tư tưởng - thẩm mỹ của nhà văn đều phải thông qua nhân vật. Tuy nhiên, nhân vật không phải lúc nào cũng là cái loa phát ngôn cho tư tưởng của nhà văn mà đôi khi nó có đời sống riêng, số phận riêng. Xây dựng một nhân vật để đời, để nhân vật ấy bước ra từ trang sách, đến với cuộc đời và sống mãi trong lòng độc giả - đó là tâm nguyện cháy bỏng của mỗi người cầm bút. Có thể nói: thành bại của một đời văn, của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật. Khi bàn về vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Giáo sư Phan Cự Đệ khẳng định: “Muốn xây dựng nhân vật thành công, nhà văn phải có một quá trình thai nghén, đồng thời
phải có khả năng đồng cảm, nhập thân vào các nhân vật thuộc nhiều tầng lớp xã
hội khác nhau” [12, 648].
Trên hành trình sáng tạo của mình, Ma Văn Kháng đã xây dựng được những nhân vật để đời và sống say mê cuộc đời của họ. Xuất phát từ quan niệm nghệ thuật mới mẻ về hiện thực và con người, nhà văn đã có cái nhìn đa diện, đa chiều về nhân vật. Mỗi nhân vật đều được khắc họa tính cách và chiều sâu tâm lý khá tốt. Ở những nhân vật được coi là lí tưởng, dù ít dù nhiều vẫn có những hạn chế, lầm lạc trong nhận thức, suy nghĩ và hành động. Còn ở những nhân vật có những toan tính, tham vọng, không phải tất cả đều xấu. Có những nhân vật, ở mỗi người đều có góc khuất, điểm yếu, thậm chí có những điều đáng cảm thông, trân trọng. Mỗi nhân vật của ông đều mang một nét văn hóa riêng trong cách ứng xử, trong suy nghĩ về cuộc sống và về mái ấm gia đình.
Nhân vật Đông trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn là một ví dụ điển hình cho nghệ thuật xây dựng nhân vật đa diện, đa tính cách của Ma Văn Kháng. Ở nhân vật này hội tụ những mặt tốt trong tư tưởng, phẩm chất, và cả những điều còn hạn chế trong tính cách. Qua lời kể của nhà văn, người đọc cảm mến Đông bởi tìm thấy trong anh lí tưởng sống cao đẹp của bao người thời bấy giờ. Từ khi còn là học trò trường Bưởi, Đông đã tham gia các phong trào cứu quốc. Năm mười sáu tuổi, anh gia nhập Trung đoàn thủ đô đi kháng chiến, cùng anh em đồng chí cất cao lời thề hào sảng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Suốt những năm tháng chiến tranh, Đông xa Hà Nội, tự nguyện dấn thân ở những mảnh đất chiến trường ác liệt nhất. Tiếp nối tấm gương của người anh cả đã hy sinh ngoài mặt trận, Đông đã dành trọn cuộc đời và tuổi thanh xuân cho đất nước, cho sự yên bình của Hà Nội. Giữa những tháng năm loạn li khói lửa, lí tưởng sống của Đông chính là sự tiếp nối, phát huy truyền thống gia đình mà ông Bằng đã cố gắng gìn giữ. Với những người thân trong gia đình, hình ảnh anh hiện lên thật đẹp, thật ngưỡng mộ. Ngay cả trong những ngày tháng đầu từ quân ngũ trở về, sống giữa gia đình, anh vẫn được mọi người nhìn nhận là một người anh hùng, đã vất vả, hi sinh, thiệt thòi nhiều rồi, giờ cần được bù đắp.
Nhưng những ngày tháng đẹp tươi, dung dị ấy đã qua đi. Trở về với gia đình, giữa cuộc sống đời thường, anh mới dần bộc lộ những hạn chế trong lối sống. Người cận kề và nhận thấy rõ nhất con người của anh chính là Lý. Lẽ ra, Đông phải là người đàn ông trụ cột của gia đình, thế nhưng khi đất nước bước vào thời cơ chế thị trường, nhịp sống hiện đại đang diễn ra từng ngày hối hả, chóng mặt, đầy rẫy những điều phức tạp thì Đông chỉ là một kẻ “ăn thủng nồi
trôi rế”, “đơn giản và thụ động” [32, 203]. Anh mang tâm lí tự thỏa mãn với
hoàn cảnh của mình: một căn nhà cổ kính, gia đình nề nếp, gia giáo, Lý tháo vát, giỏi giang, “con lớn đi học nước ngoài, hai vợ chồng khỏe mạnh, đồng lương
không đến nỗ ” [32, 155] như thế là yên ấm, “có gì đáng phàn nàn nữa” [32,
155]. Với suy nghĩ giản đơn ấy nên anh tự cho mình có quyền sống hưởng thụ:
“Ở cái nhà này, xưa nay Đông chỉ là người hưởng thụ chứ chưa hề phải lo toan
một cách trọng trách nào từ việc nuôi dạy con cái tới việc lo kiếm miếng ăn sát
sạt hàng ngày ở một gia đình” [32, 255]. Hình ảnh quen thuộc hàng ngày của
anh chỉ là chơi tổ tôm và ngủ (đêm nào cũng chơi tổ tôm đến sáng, về nhà đặt lưng là ngáy). Còn đâu một anh vệ quốc - một người hùng mà Lý vẫn ngưỡng mộ, tự hào? Giờ đây chỉ còn một người đàn ông vô tư đến vô tâm, đơn giản đến buông tuồng từ ngoại hình đến hành động, suy nghĩ.
Chỉ qua một vài nét phác thảo, nhà văn đã dựng lên chân dung con người này: “Trạc năm mươi, to béo, phục phịch, người đàn ông mặc quần áo bộ đội này nằm, đầu ghếch lên tay chiếc đi văng, chân duỗi thò ra ngoài ghế, hai tay chắp bụng, tư thế hết sức thanh thản, và thả ra những tiếng ngáy thật rầm rĩ và thoải mái. Giấc ngủ thật sâu, hoàn toàn buông thả, thật sự là sản phẩm của một
người đặt mình là ngủ, không hay trằn trọc, suy nghĩ” [32, 23]...Điều đó đã gây
nên không ít nỗi thất vọng, hụt hẫng, chán chường cho vợ anh. Đông đã không biết ghé vai xuống cùng san xẻ gánh nặng gia đình với Lý, anh lại không tâm lí để bù đắp cho vợ những thiếu thốn về tình cảm mà Lý đã chịu đựng trong những năm tháng xa nhau, nhất là khi Lý đang bước vào giai đoạn hồi xuân. Đông đâu biết cuộc sống mà anh tưởng như bình lặng, tĩnh tại đang dần rạn nứt, đổ vỡ từ
bên trong. Một sai lầm nữa của Đông là lẽ ra, khi Lý sa ngã, anh cần nâng đỡ, dìu dắt cô quay về bằng tình yêu và mái ấm gia đình. Nhưng vốn vô tâm, sống đơn giản, an phận nên anh đã vô tình bỏ mặc chị tự đấu tranh, tự day dứt, tự quyết định. Điều đó đã ngầm đẩy Lý dấn sâu thêm vào con đường sa ngã. Sự ngoại tình của Lý với người đàn ông khác và việc Lý bỏ nhà đi, phải chăng trong đó có trách nhiệm của Đông? Rõ ràng, Ma Văn Kháng đã nhìn nhân vật của mình từ các góc độ khác nhau để thấy được sự đa diện của con người giữa cuộc sống đời thường phức tạp.
Cũng trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn, ta có thể thấy nghệ thuật xây dựng nhân vật đa tính cách của nhà văn qua nhân vật Lý. Ở con người Lý, các mặt tốt xấu lẫn lộn, giao tranh, ranh giới của chúng thật mong manh. Đó là một phụ nữ sắc sảo, đảm đang, tháo vát, chu toàn, yêu thương mà cũng đầy ích kỷ, thực dụng. Ngòi bút của nhà văn lắng sâu vào trong suy nghĩ, cả những toan tính và ham muốn của Lý để dựng nên hình tượng tự nhiên, chân thực, giàu sức sống. Từ thế giới quan của một nhà văn là nam giới, Ma Văn Kháng dựng lên chân dung Lý với vẻ đẹp rạng ngời khi chị thực hiện thiên chức phụ nữ, chăm sóc, vun vén cho gia đình: “Tựu chung, Lý vẫn là một phụ nữ thông minh, quyền biến, đầy ý chí tự lập. Chị một mình nuôi con, ngay từ lúc thằng Dư còn trứng nước, nhất định không hé răng nhờ cậy sự giúp đỡ của ông bà nội nó.(…). Thằng Dư khỏe mạnh, được Lý chăm sóc hết sức chu đáo, từ manh áo, miếng ăn tới việc học hành. Hơn nữa, trong sự quán xuyến của Lý, hai đứa em sau rốt là thằng Cừ và thằng Cần - Luận đã đi bộ đội - cũng sống rất thoải mái như con
nhà khá giả” [32, 148]. Chị đã không phụ lòng Đông. Chị yêu chồng, quý con.
Hình ảnh Lý mỗi dịp xuân về, chuẩn bị cho gia đình đón một cái tết trong không khí ấm cúng cùng mọi thành viên trong gia đình đã khắc họa rõ nét hơn sự đảm đang, tháo vát của người phụ nữ Việt Nam. Lý thoăn thoắt sửa soạn, chế biến. Vẻ đẹp của thiên chức phụ nữ được bộc lộ rất rõ từ bàn tay của chị khi làm công việc nội trợ. Dường như tất cả niềm hứng khởi, tình yêu đều được chị gửi vào món ăn. Điều đó khiến cho Luận và Phượng khi nhìn Lý say sưa làm việc trong
gian bếp, đã phải thốt lên thán phục: “Trời! chị Lý, bàn tay chị là bàn tay vàng. Trông chị lọc thịt kìa! Lưỡi dao bài mảnh như cái lá lúa, sục vào tảng thịt, rạch rạch, tở từng lát dài gọn như xén, trông đã phát thèm. Miếng thịt gói bánh to bản, dày vừa độ, có cả mỡ, cả nạc, ướp muối tiêu, không ướp nước mắm sợ để lâu bánh thiu, xếp đầy ụ hai cái bát ô tô. Chỗ đỗ đồ vàng tơi nóng hổi. Mắt nhìn, miệng nói mà hai tay mềm mại thoăn thoắt vần chuyển, tăm tắp trong mọi động tác. Tấm lá bọc lau miết, sạch bóng. Hàm răng nỏ trắng ngời tước cái cọng lá.
Những ngón tay búp măng vặn cái lạt giang mềm óng ả” [32, 58]. Nhìn chị làm,
ai cũng phải nhận thấy “Lý thật hoạt, thật vui, thật khéo, thật là người làm chủ
công việc” [32, 58]. Có thể nói, trong khi thực hiện thiên chức phụ nữ của mình,
ở người phụ nữ này đã toát lên vẻ đẹp, niềm say mê với sự tận lực, tháo vát và tài hoa. Thông qua những lời trần thuật, miêu tả, người đọc có thể cảm nhận được rất rõ sự yêu quý của nhà văn đối với nhân vật.
Dưới ngòi bút của nhà văn, Lý đẹp trong nhan sắc mặn mà, đáng khâm phục bởi bàn tay lo toan, thu xếp gia đình, nhưng ở chị là cả một thế giới nội tâm phức tạp khó đoán định. Có lúc chị sắc sảo, nhiệt thành, có khi lại là người suy tư trầm lắng, giàu cảm xúc. Chị tâm sự với Phượng những điều rất thật về tâm trạng của mình khi mới bắt đầu hôn nhân: “Mười tám, đôi mươi, thật ra chỉ mới biết sơ sơ thằng chồng mình mồm ngang mũi dọc, mắt mọc hai bên thôi, chứ đã biết tâm tính, triển vọng nó thế nào. Đã làm gì có kinh nghiệm nhận xét người. Như tôi lấy ông Đông lúc mười bảy tuổi. Mười bảy tuổi, hồn nhiên thì có,
nhưng ai dám đảm bảo là đã lựa chọn đúng” [32, 47]. Khi khác chị lại rất gần
gũi, chân tình, xót xa, buồn thương cho số phận của những người phụ nữ: “Nghĩ đời chúng mình thật khổ, Phượng ạ. Đàn ông, dẫu sao họ cũng có cái vui của công việc, với bạn bè. Đàn bà, con gái chồng con rồi, chỉ còn có chồng con
thôi...thế mà...lắm lúc nản ghê cơ, chẳng thiết sống nữa. Phượng à” [32, 185].
Yêu quý nhân vật, nhà văn trăn trở về những đổi thay của chị trước thời cuộc. Vào tuổi bốn mươi, chị như hồi xuân với vẻ đẹp đầy đặn, rực rỡ: “Chị bừng lên, đẹp hơn, giới tính bộc lộ đầy đủ hơn và đáo để hơn. Những ao ước
trong sáng lớn dậy cùng những khát vọng mây mù. Yêu đời nồng nhiệt và những
hoan lạc thầm kín cùng lúc đồng thời bộc phát” [32, 152]. Đáng tiếc là khi Đông
trở về, anh đã làm chị thất vọng vì sự thờ ơ, vô cảm và lối sống thụ động giản đơn, tẻ nhạt của anh. Đông đã không bù đắp và thỏa mãn được những khát khao của chị. Bên cạnh đó, những biến cố trong gia đình nhà chồng cùng với môi trường làm việc nhiều cám dỗ càng làm Lý nảy sinh sự tính toán, ích kỷ, xa rời gia đình, dễ lâm vào tội lỗi. Rõ ràng, là một nhà văn nam, Ma Văn Kháng không nhìn nhân vật người phụ nữ của mình từ cái nhìn định kiến giới. Ông khẳng định vai trò của họ trong mái ấm gia đình, cảm thông với những đổi thay, tha hóa bởi hoàn cảnh trớ trêu của họ. Diễn tả những khát khao rất đời thường của người đàn bà, Ma Văn Kháng đã giải phóng họ khỏi cái khuôn khổ “tam tòng tứ đức”. Đây là điều đáng quý, thể hiện chiều sâu nhân bản của ngòi bút Ma Văn Kháng.
Trong Đám cưới không có giấy giá thú, Tự cũng là nhân vật đa tính cách. Nhà văn đặt Tự vào các môi trường, hoàn cảnh khác nhau để nhân vật bộc lộ rõ bản chất. Trước hết, trong môi trường giáo dục đương thời đang như cái ung nhọt đầy nhức nhối - với những giáo viên kém trình độ như Hiệu trưởng Cẩm, kém nhân cách như cô giáo Thảnh, thì thầy giáo Tự vẫn giữ nguyên cho mình một sự mực thước đáng kể: “Mô phạm mà vẫn không mờ nhạt lòng nhiệt thành, tinh thần triệt để cùng chiều sâu của tri thức, sự phong phú của tình cảm và sức lan tỏa của tư duy đã tạo nên một anh giáo Tự mực thước mà vẫn sâu sắc, đôn hậu mà vẫn uyển chuyển, đa cảm mà vẫn rắn rỏi, không dễ uốn mình, cảm thông với mỗi sa sẩy, yếu đuối của học trò, hay nổi những cơn giận dữ vì thực lòng thiết tha được đo lường con người mình yêu quý bằng những khuôn mức cao đẹp
nhất. Tự, bậc chính nhân yêu người mãi không thôi” [33, 133]. Người đọc cảm
mến Tự, trước hết là bởi vẻ đẹp tri thức và nhân cách của một người thầy. Tự rất say mê và tâm huyết với nghề giáo, luôn nỗ lực để truyền thụ tri thức cho học trò. Giữa cuộc đời có vô vàn những chông chênh, những điều không mấy tốt đẹp, Tự đã đánh thức cái đẹp, cái xúc động, là người vẽ ra định hướng cho cuộc tìm kiếm bản thân trong mỗi học trò. Chính tình yêu với văn chương cùng niềm
say mê, nhiệt huyết đã gieo vào tâm hồn bao thế hệ học trò của anh những mầm xanh của tình yêu và hi vọng. Vượt lên trên cả lời hay ý đẹp của văn chương, sách vở, điều giá trị nhất mà Tự trao cho học sinh là những giá trị đạo đức mà con người anh chính là một tấm gương trong sáng, mẫu mực: “Tự vẫn tự hào, rằng gần như hầu hết học trò của anh đều chia sẻ với anh lòng kính mến, chân thành và sâu sắc. Tài năng, phẩm cách và tấm lòng của anh có sức chinh phục tự nhiên. Chưa bao giờ Tự dùng sự dễ dãi, nuông nịnh để thu phục nhân tâm. Cũng như chưa bao giờ anh lợi dụng quyền làm thầy để đắp bồi uy tín riêng của mình” [33, 132- 133]. Đối với học sinh, dù là đối tượng nào đi chăng nữa, Tự cũng nghiêm khắc giáo dục bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của một người thầy. Nếu như nhà trường những năm đó “là một thánh đường tôn
nghiêm” thì Tự “là một sứ thần của đấng quyền năng cao cả, tận tụy thi hành
chức phận coi sóc, gìn giữ sự trong ngọc trắng ngà của những linh hồn trẻ dại, để chúng không bao giờ sa vào mưu chước cám dỗ của ma quỷ và vấy bùn nơi
trần thế” [33, 134]. Thế nên, dù có hai mươi năm sau, tưởng thời gian ấy có thể