7. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Sử dụng nhuần nhuyễn ngôn ngữ văn hóa dân gian và mang đậm nhãn quan
quan phong tục tập quán
Ma Văn Kháng là một trong những “nghệ sỹ bậc thầy về tiếng nói”. Ngôn ngữ trong các tiểu thuyết sau 1975 viết về đề tài gia đình của nhà văn là thứ ngôn ngữ đa dạng, phong phú, điêu luyện. Lần mở những trang văn của ông, người đọc sẽ thực sự thích thú, say mê trong dòng ngôn ngữ không cầu kỳ, hoa mỹ mà ngồn ngộn chất sống, mang vẻ đẹp dung dị đời thường mà giàu tính biểu cảm, trong sáng. Ở đây, nhà văn như nhập vai, hoá thân vào mỗi nhân vật để thoả sức tung hoành trong thế giới nội tâm vô cùng phong phú và phức tạp của từng số phận cá nhân trước hiện thực ngổn ngang, bộn bề của cuộc sống. Vốn ngôn ngữ đa dạng, phong phú, điêu luyện đã giúp nhà văn khắc họa những tính cách, số phận nhân vật khác nhau trong một hoàn cảnh xã hội phức tạp.
Trước năm 1975, các tác phẩm của Ma Văn Kháng mang khuynh hướng sử thi nên ngôn ngữ nghệ thuật chủ yếu là ngôn ngữ sử thi trang trọng. Sau 1975, với cảm hứng đời tư, thế sự, nhà văn đã hướng ngòi bút của mình vào muôn mặt của đời sống phức tạp. Trong kho từ vựng phong phú ấy, ông đặc biệt vận dụng ngôn ngữ dung dị đời thường mang đậm màu sắc văn hóa dân gian để miêu tả và biểu hiện những vấn đề về văn hóa gia đình. Đây vốn là thứ ngôn ngữ suồng sã, thô nhám dường như được xắn ra từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên tươi rói sự sống, rất đỗi gần gũi, thân thiết đối với chúng ta. Nhà văn sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong lời trần thuật song chủ yếu đặt vào ngôn ngữ (đối thoại, độc thoại nội tâm) của nhân vật. Các nhân vật trong sáng tác của ông đều có khả năng sử dụng
ngôn ngữ dân gian một cách tự nhiên mà điêu luyện theo cách riêng của mình. Hệ thống ngôn ngữ văn hóa dân gian ấy đã giúp nhà văn phác họa rõ nét đời sống văn hóa gia đình trước bao biến thiên của nền kinh tế thị trường, và người đọc cũng cảm nhận được tâm trạng và tính cách nhân vật một cách hiệu quả.
Khi thống kê số lượt sử dụng thành ngữ, tục ngữ dân gian mà Ma Văn Kháng sử dụng trong Đám cưới không có giấy giá thú, Dương Thị Hồng Liên đã đưa ra kết luận: “Trong Đám cưới không có giấy giá thú có 179 lượt thành
ngữ, tục ngữ được sử dụng. Tuy nhiên mức độ sử dụng ấy lại không hề gây cảm giác khó chịu cho người đọc, ngược lại nó còn tạo nên sự cuốn hút hấp dẫn, lôi cuốn riêng. Trên nhiều trang văn của mình, Ma Văn Kháng đã đưa hệ thống thành ngữ, tục ngữ vào lời ăn tiếng nói của từng nhân vật để họ có thể tự giãi
bày tình cảm và tâm tư tình cảm của mình” [50, 85]. Khi bộc lộ tâm trạng xót xa
cao độ của nhân vật thầy giáo Tự trước hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống với khát vọng anh hằng đeo đuổi, tác giả viết: “Chao ôi! Vào cái thời buổi gạo châu củi quế, người người đang lao đầu quyết tử vào cuộc giành giật danh lợi hỗn mang, ở cái gác xép chật chội...mà lại còn cao đàm khoát luận về cái sâu xa,
thâm thuý của văn chương” [33, 37]. Chỉ trong một câu văn mà tác giả dùng tới
hai thành ngữ: “gạo châu củi quế” nói về giá cả đắt đỏ, qua đó thể hiện sự cảm nhận sâu sắc của Tự về cuộc sống thiếu thốn của gia đình, “cao đàm khoát luận” để chỉ trạng thái hưng phấn và thiên về những lời lẽ xa vời cao siêu và thoát ly.
Đứng trước muôn ngả của dòng đời xuôi ngược, trước sự phát triển phức tạp của đời sống xã hội cùng với gánh nặng áo cơm, giá cả ngày một “tăng như
nhảy cóc”, Tự cũng như bao con người khác phải đối mặt với chồng chất nỗi lo
lắng, vất vả trong cuộc mưu sinh đời thường. Nhưng giữa thời buổi “người khôn
của khó”, bản thân Tự chỉ là một người giáo viên dạy Văn, anh không thể làm gì
để kinh tế gia đình khá hơn. Đã có lúc anh phải bán dần đi từng cuốn sách quý như máu thịt của mình với hi vọng có thêm chút tiền để vợ trang trải cuộc sống gia đình. Vậy mà Xuyến vẫn không thông cảm cho anh. Mặc dù Tự đã cố gắng
câm lặng chịu đựng, giảm thiểu tối đa các nhu cầu sinh hoạt của mình nhưng Xuyến vẫn suốt ngày cằn nhằn, chì chiết, đay nghiến “lời ra tiếng vào”, chửi bới bóng gió: “Người ta khôn cậy khéo nhờ. Mình thì cứt nát còn đòi có chóp. Đói dài
đói rạc lại còn xe với pháo” [33, 127]. Trước cuộc sống khó khăn, Xuyến đã
không tránh khỏi sự cám dỗ vật chất, ngã vào vòng tay nhân tình. Bị chồng phát hiện nhưng người đàn bà này vẫn buông những lời trơ trẽn trắng trợn: “Sao cái thân tôi khốn khổ khốn nạn thế này! Một thân tôi lo toan gánh vác. Một thân tôi
đầu tắt mặt tối để cái quân ăn cháo đá bát nó chửi rủa, móc máy tha hồ. Này, tôi
truyền đời báo danh cho ông biết từ nay ông đi đâu thì cứ đi. Của anh anh mang.
Của nàng nàng xách. Ông đừng bén mảng đến cái nhà này nữa” [33, 199]. Một
loạt các thành ngữ cùng những lời lẽ cay nghiệt chì chiết, xỉa xói, móc máy, đanh đá, chua ngoa tuôn ra từ miệng người “đầu gối tay ấp” với Tự: “khôn cậy khéo
nhờ”, “cứt nát còn đòi có chóp”, “đói dài đói rạc”, rồi “đầu tắt mặt tối”, “ăn cháo
đá bát”. Những lời chê bai, dè bỉu, khinh miệt, coi thường chồng của Xuyến đã
làm hiện lên cụ thể, rõ ràng một người đàn bà thực dụng, lăng loàn, xấu xa, thô lỗ. Còn đâu là người vợ mà Tự vẫn thầm thương, thầm yêu bởi vẻ đẹp hồn nhiên chân chất tỏa ra từ dáng hình lẫn lời ăn tiếng nói. Lời Xuyến cứ nheo nhéo đay đả, ngôn ngữ đời thường trần trụi như chính cuộc sống với những trắc trở, khó khăn trầy trật, thô thiển đang diễn ra như xát muối vào lòng anh. Buồn làm sao khi chỉ vì những tham vọng về vật chất mà con người ta sẵn sàng làm tổn thương, làm đau người thân yêu trong gia đình mình. Còn đâu là sự yêu thương, tôn trọng của người vợ đối với chồng trong gia đình nề nếp của người Việt nữa. Đó là một sự tha hoá rất đáng buồn. Ma văn Kháng cho thấy: quả thực, sống ở thời buổi này và giữ vững một mái nhà êm ấm không dễ dàng gì.
Trong Mùa lá rụng trong vườn, số lượng thành ngữ, tục ngữ, ca dao được đưa vào cũng rất nhiều. Nhà văn đã sử dụng khá nhuần nhuyễn, hài hòa các thành ngữ, tục ngữ trong các ngữ cảnh khác nhau và rất phù hợp với cá tính nhân vật. Chỉ qua nhân vật Lý, ta có thể thấy được hệ thống thành ngữ, tục ngữ được sử dụng với mật độ lớn như thế nào. Người phụ nữ này rất hoạt ngôn bởi
chị hay sử dụng các thành ngữ, tục ngữ trong nói năng, giao tiếp. Nói với chồng, khi năm hết Tết đến mà ông trung tá về hưu ấy vẫn thảnh thơi nằm ngủ ở phòng khách, Lý xơi xơi, bốp chát: “Quý hóa chưa kìa! Ngủ như hổ ngủ...Năm hết tết đến rồi không dậy nhúc nhắc chân tay một tý, còn định nằm ăn vạ đến bao giờ?
Rõ thật hết ngày dài lại đến đêm thâu” [32, 23]. Khi nói trò chuyện với Phượng
về giá cả ngày Tết, về chuyện sắm sanh, may mặc, ngôn ngữ chợ búa cũng được Lý sử dụng rất tự nhiên: “Năm ngàn rưỡi, giá hữu nghị đấy. Nó hò một câu, mình hét một tiếng. Thế là xong. Cũng chưa hay bằng cái áo lông gấu Bắc Cực,
có biết bao nhiêu không? Hai-mươi-tư-ngàn” [32, 27]; “Cô gói bánh hộ lão thợ
mộc cột nhà cháy đấy à”; “Thế là đi đời nhà ma cả bộ comple giờ phải đến ngàn
bạc. Ông Đông thì cứ như ngậm hột thị”; “Rõ đau đẻ cònchờ trăng sáng”; “Chị
em chúng tôi đang bận, sẽ quyết định ăn chơi xa láng, ông có chịu không? Còn
cười, cười cái lão râm râu sâu mắt” [32, 28]. Còn khi giận dữ, cong cớn với
Luận thì ngôn ngữ của Lý đúng là ngôn ngữ của mụ đàn bà đáo để, ghê gớm:
“Vểnh tai mà nghe cho rõ nhé. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Anh có biết rằng,
con vợ anh nó có được chỗ chui ra chui vào là nhà cái con quỷ sa tăng nào không? Và vợ anh cùng với anh đã ăn cháo đá bát như thế nào không? Định mồi chài ai?(..) Đừng khỏi vòng công đuôi nhé! (...) Đồ chó ghẻ có mỡ đằng đuôi” [32, 303-304]. Những lời đối đáp bốp chát, ăn miếng trả miếng, chịu vỗ vào mặt nhau, đanh đá hàng tôm hàng cá, thơn thớt, trơ tráo của Lý khiến Luận cảm thấy tình cảm chị dâu em chồng thật “tồi tệ”, “không còn gì để đáng nói nữa” [32, 303]. Qua cách sử dụng một loạt thành ngữ mang đậm sắc thái dân gian, ta thấy tính cách của Lý đã được bộc lộ rõ nét. Đó là người phụ nữ ghê gớm, sắc sảo mà cũng thật khôn ngoan, giàu vốn sống.
Đến với tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời, nhân vật bà nội bé Duy gây ấn tượng với người đọc không chỉ bởi sự kiên cường, lòng nhân hậu bao dung mà còn bởi cách nói hay vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ. Được ví như bà tiên trong truyện cổ tích, nhân vật này đã thể hiện trên từng trang văn của Ma Văn Kháng qua một hệ thống ngôn ngữ rất đỗi quen thuộc, gần gũi, mang đậm màu
sắc đời thường mà không kém phần sắc sảo của một con người chu toàn mọi nhẽ, thấu triệt lẽ đời. Ngôn ngữ, cách nói năng của bà rất phong phú, linh hoạt Đối với những kẻ nham hiểm cậy quyền cậy thế, lộng hành chèn ép những người thân cô thế cô, lời lẽ của bà khéo léo, dứt khoát. Với tay Chủ tịch phường Luông - một kẻ tàn nhẫn, bà cụ nói: “Ông Luông ạ! Phải duyên thì dính như keo. Trái duyên đểnh đoảng như keo đục vênh; ông ạ...không thì thiên hạ người ta bảo là
thói đời giậu đổ bìm leo” [29, 45]. Hoặc “Trình ông trẻ thì bé dại ngây thơ, già
thì lẫn lộn biết ngày nào khôn. Ông nói vậy thì bây giờ tôi mới biết” [29, 63]. Bà
đã khiến cho kẻ chủ động đang tự đắc rơi vào thế bị động, ít nhiều phải chùn bước. Khi đối đáp với Hứng - tay chân của ông Luông, kẻ rắp tâm đến chiếm nhà của bà, ngôn ngữ ấy lại thể hiện được cái thấu tình đạt lý nhưng vẫn rất sắc sảo, đáo để: “...Nhưng mà dò sông, dò biển dò nguồn. Biết sao được bụng lái buôn mà dò;…Thì đêm rủ rỉ, rù rì, tiếng nặng bằng bấc, tiếng chì bằng bông;
Nghĩa là chưa xong cuộc rượu lại bày trò chơi!...” [29, 58]. Với cách nói ấy, bà
đã chỉ mặt vạch mặt mọi thủ đoạn bất lương của những kẻ chức quyền. Trong mắt bé Duy, bà là người hiền hậu, nhân đức nhưng cũng là người hiểu biết lẽ đời, bản lĩnh vững vàng nên không dễ gì bị vùi dập. Trước cái xấu, cái ác lộng hành, bà đã sẵn sàng đấu tranh cho lẽ phải. Từng lời lẽ của bà dung dị, tự nhiên, mộc mạc nhưng cũng thấm đượm những triết lý nhân sinh sâu sắc.
Chính bằng việc sử dụng ngôn ngữ dung dị đời thường mà tươi rói sự sống trong các tiểu thuyết sau 1975, Ma Văn Kháng đã không né tránh những điều còn nhức nhối trong xã hội đương thời. Bằng cái nhìn tinh nhạy và chân thực, nhà văn đã phản ánh bao vấn đề khuất lấp của đời sống lên trang viết. Nét riêng trong cách viết của Ma Văn Kháng là tác giả vừa khắc họa bản chất nhân vật, vừa bày tỏ thái độ của mình trước những con người đội lốt trí thức, cán bộ mà ngu dốt, ti tiện. Qua đó, nhà văn tạo nên sự đa dạng nhiều màu sắc cho ngôn ngữ tiểu thuyết của mình. Đó là một trong những điều làm nên sức hấp dẫn trong tác phẩm của ông.
Một nét đặc sắc nữa trong tác phẩm của Ma Văn Kháng là dù viết về gia đình hiện đại, ngôn ngữ kể chuyện của Ma Văn Kháng không chỉ nhạy bén và sắc sảo mà còn mang đậm nhãn quan phong tục tập quán. Từ góc nhìn văn hóa gia đình, thông qua những trang viết đậm màu sắc phong tục tập quán, nhà văn đã tái hiện trước mắt người đọc những thói quen sinh hoạt, cách ăn mặc, nói năng, vui chơi, lao động, cách giao tiếp, ứng xử, những nghi lễ tôn giáo của con người Việt Nam. Những phong tục bao đời nay của gia đình người Việt vốn đã rất phong phú và độc đáo (cúng tất niên chiều Ba mươi, đón Tết cổ truyền, thờ phụng Tổ tiên...) khi vào tác phẩm của ông nó lại được miêu tả sinh động và lôi cuốn.
Tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng vừa giàu chất hiện thực vừa giàu chất thơ. Với những trang viết đầy chất thơ, nhà văn đã tái hiện lại cảnh sum họp trước giờ cúng tất niên của gia đình ông Bằng. Mô tả một ngày tết sum họp, ngòi bút của Ma Văn Kháng như thăng hoa và nhiệt huyết. Bằng ngôn ngữ đậm nhãn quan phong tục tập quán, nhà văn đã tạo dựng không khí điển hình của một cái Tết cổ truyền trong mỗi gia đình Việt: lễ cúng bài bản, trang trọng theo đúng nghi thức với khói trầm ngát thơm, bánh chưng xanh buộc lạt điều, mâm ngũ quả, những chén rượu xinh xắn rải ngang trước bàn thờ, ngọn đèn dầu lim dim và đặc biệt với mâm cỗ thịnh soạn, người trong gia đình tề tựu, quây quần. Sự xuất hiện của chị Hoài và thái độ mừng rỡ vừa vồn vã sôi nổi, vừa ái ngại xót xa của mọi người là đỉnh điểm hạnh phúc sum họp. Bữa cơm tất niên thành bữa tiệc đoàn viên, bữa tiệc của lòng người. Hình ảnh ông Bằng vào chiều ba mươi Tết, ngước mái đầu hói, diềm tóc lơ thơ đã bạc hết, chắp tay trước ngực, trước bàn thờ, với những lời cầu khấn thành khẩn và run rẩy, với những đoạn độc thoại nội tâm đã thể hiện rõ ý thức tinh thần hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc. Bày tỏ lòng tri ân trước Tổ tiên, trước những người đã khuất trong buổi lễ cúng Tất niên chiều ba mươi Tết - điều đó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống đáng trân trọng và tự hào của dân tộc ta: “Hư ảo chập chờn mà không cắt rời với hiện tại, như tổ tiên không tách rời với con cháu, xưa
rày tất cả vẫn cố kết thành một dòng mạch bền chặt thủy chung” [32, 110]. Bữa cúng tất niên của gia đình ông Bằng đã phản chiếu nhiều nét đẹp của truyền thống dân tộc. Sức mạnh tâm linh khiến cho các nghi thức cúng vái ngày Tết trở thành thiêng liêng, hấp dẫn. Ngày Tết mang đậm dấu ấn tâm linh, ấm cúng mà trang trọng. Người người hân hoan hướng về nguồn cội, bày tỏ tri ân và mong được tổ tiên phù hộ độ trì. Nó như một dòng chảy thầm thì mà bí ẩn dẫn lối cho con người tìm về nguồn cội, tắm mình trong yêu thương, đùm bọc chở che của quan hệ gia đình. Ma Văn Kháng đã gửi gắm vào đây quan niệm của ông về chuẩn mực văn hóa gia đình - thứ vũ khí mà mỗi gia đình hiện đại cần phải có để có thể đề kháng, chống chọi với những va đập của một xã hội đầy biến động.
Ngôn ngữ đậm nhãn quan phong tục tập quán ta cũng có thể thấy trong tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời. Bà nội Duy vốn kiên cường chống lại mọi thế lực tàn ác ở địa phương để bảo vệ hai đứa cháu côi cút của mình, vậy mà trong những lúc cực khổ, cơ cực bà vẫn viện cầu và trò chuyện trước bàn thờ chồng. Lúc đó bà chẳng giấu giếm ông điều gì cho dù giữa bà và ông giờ đây là hai phương trời cách biệt: “Bà ngồi ngẩn, mặt thẫn thờ theo làn khói toả, như tìm kiếm giao hoà, như có một hình bóng rất gần gũi thân thương thấp thoáng xa