Sự rạn nứt gia đình bởi mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thị dân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 75 - 81)

7. Cấu trúc luận văn

2.3.2. Sự rạn nứt gia đình bởi mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thị dân

Đọc các tiểu thuyết sau 1975 viết về đề tài gia đình của Ma Văn Kháng, ta thấy một mặt nhà văn khẳng định, ngợi ca mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, mặt khác, ông đi sâu vào phản ánh sự rạn nứt của từng mái ấm. Chính mặt trái của cơ chế thị trường, sự “lệch pha” trong đời sống vợ chồng, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ với con cái đã dẫn đến những rạn nứt và đổ vỡ đắng cay những giá trị văn hóa gia đình truyền thống.

Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng viết về một gia đình trí thức còn giữ gìn được nền nếp gia pháp gia phong. Nhìn một cách tổng thể, bề ngoài đây là một gia đình mô phạm, mẫu mực. Song những khó khăn, biến động của cuộc sống thời hậu chiến đã đẩy gia đình ấy vào sự rạn nứt rồi tan vỡ, khó có thể khắc phục. Trong đời sống thường nhật ở chốn thị thành, khi cái xấu, sự vô lý đang đầy rẫy ngoài đời, con người dễ bị tha hóa trước sức mạnh của đồng tiền, trở nên hẹp hòi, ích kỷ và cuộc sống gia đình không tránh khỏi những tác động,

biến thiên: “Gia đình ông cái vùng không còn yên ổn nữa, nó phản chiếu tất cả

cuộc sống ở ngoài đời” [32, 95]. Gia đình ông Bằng tưởng như yên ổn nhất cũng

bị xáo trộn, đảo điên lên trong cơn lốc xoáy của thời đại: “…trong những ngày gần đây vẻ như là đã xuất hiện một bước ngặt đột biến, thấp thoáng những dấu hiệu của lủng củng, bất hoà, bất ổn trong các mối tương giao, khiến các thành viên nhạy cảm phải phấp phỏng lo ngại về một cuộc khủng hoảng khó tránh

khỏi đang ở nhãn tiền” [32, 95].

Sự rạn nứt trong gia đình ông Bằng được nhà văn tập trung phản ánh qua xung đột hôn nhân giữa Đông và Lý. Những năm tháng vợ chồng xa nhau, một tay chị đảm đương hết mọi việc trong gia đình. Nhưng rồi khi được gần gũi, cả hai mới bắt đầu dần nhận ra sự khác biệt ngày một lớn: “Ngôn ngữ của chị sặc sỡ sắc màu, lung linh, góc cạnh trong khi Đông thì cứng nhắc, phẳng bẹt, tẻ nhạt. Chị hướng về cuộc sống thường ngày, nghĩ ngợi, day dứt về nó trong khi

Đông lại hết sức bình lặng, coi mọi chuyện đều hết sức đơn giản, rõ ràng” [32,

69]. Hình ảnh anh lính giải phóng - một người hùng mà trước đây, mỗi lần nhắc đến, Lý không giấu nổi niềm tự hào, đã không còn nữa. Giờ đây, “Đông là xương thịt cụ thể như mọi người, đã về hưu, không tạo ra một giá trị mới nào,

sống giản đơn, bằng lòng với một cuộc sống thường nhật buồn tẻ” [32, 68].

Bước vào tuổi bốn mươi, cái tuổi hồi xuân, vẻ đẹp của Lý như ngời lên và những khát khao của đời sống vợ chồng cũng mãnh liệt nhất: “Ôi, cuộc sống đâu chỉ là ngày hai bữa no đủ. Cuộc sống còn là hẹn hò, nhớ nhung, nuối tiếc, còn là những éo le, âu sầu, ao ước và sự thỏa mãn những cảm giác mới lạ nữa chứ” [32, 154]. Thế nhưng Đông lại thờ ơ trước sự hồi xuân và những đòi hỏi chính đáng của vợ. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Lý sa ngã, rơi vào mối quan hệ ngoài luồng với tay trưởng phòng vật tư. Cái đêm Lý thức trắng vì giằng co, đấu tranh chuyện đi hay không đi vào Sài Gòn có lẽ là sự khẳng định rõ nhất sự bất ổn trong quan hệ của họ: “Giá như là một người đàn ông khác chứ không phải là Đông. Người ấy sẽ quài tay kéo Lý vào lòng mình

thể là cuốn Lý vào cơn mê dụ của dục tình chăn gối. Nhưng tình thế đã chẳng thể đổi khác được. Đông tốt lành nhưng xa cách, ít lắng nghe, gắn liền vô tình với hoang vắng, vô tích sự. Và Lý thì vốn chông chênh, lúc này càng chông

chênh” [32, 223].

Người đọc yêu quý Lý bao nhiêu lại tiếc nuối bấy nhiêu trước sự trượt dài của Lý theo giấc mơ vật chất tiền bạc và đam mê mù quáng. Chị trở nên ích kỷ, tàn nhẫn, tính toán chi li, nghi kị, gây gổ với tất cả người thân trong gia đình. Lúc nào Lý cũng sợ anh em nhà chồng chiếm dụng hết nhà cửa, tài sản của vợ chồng chị. Điều đó khiến mỗi ngày Đông và Lý càng xa nhau hơn. Đỉnh cao của xung đột vợ chồng là cách hành xử độc ác, tàn tệ của Lý đối với các em, các cháu. Trong mọi cuộc tranh luận, cãi vã với Lý, hầu như Đông đều im lặng hoặc quay lưng bỏ đi. Lần này, Đông gầm lên, đuổi Lý ra khỏi nhà: “Cút ngay đi! Đồ

nhẫn tâm!” [32, 349]. Và “anh cảm thấy đây không còn là quan hệ giữa hai vợ

chồng, cay đắng mà phải ngậm tăm nữa, đây là tình người bị chà đạp tàn tệ

khiến lương tri phải nổi giận” [32, 349]. Thế rồi Lý đã ra đi không một hồi âm.

Bốn chín ngày của ông cụ qua, Lý vẫn chưa về. Rồi Đông nhận được bức thư của vợ, trong thư có nói về việc không thể chung sống với anh. Thất vọng và đau xót hơn khi đúng lúc ấy anh phát hiện ra quyển sổ ghi bài thuốc Nam tránh thai và những con số tính toán, chia chác. Anh đã đau đớn kêu lên rằng: “Con khốn nạn. Nó ăn ở hai lòng! Nó bội bạc tôi. Với nó chỉ có tiền thôi. Vì tiền nó

giẫm đạp lên mọi luân lý, đạo đức. Tôi kinh tởm nó” [32, 371]. Có thể thấy:

trong tác phẩm, Lý hiện lên đáng trách song cũng thật đáng thương. Nỗi xót xa, tiếc nuối cho Lý, cho cuộc hôn nhân giữa chị và Đông đã không ít lần tấy nhức trong đầu Luận và những người trong gia đình. Bi kịch gia đình Đông - Lý là hậu quả tất yếu trước vòng xoáy của cơ chế thị trường và lối sống thị dân.

Điển hình cho lối sống buông thả, thực dụng, chạy theo đồng tiền để rồi phải trả một cái giá đầy đau đớn trong gia đình ông Bằng là nhân vật Cừ. Sống trong một mái nhà khuôn khổ, trong quan hệ gia đình “trên bảo sao, dưới phải

gia phong đều là“đạo đức giả cả thôi” [32, 263].Đối với Cừ, đạo đức là “con số

không vô nghĩa” [32, 263] nên đời anh là một chuỗi dài trượt dốc. Lớn lên đi bộ

đội, Cừ viết thư về tróc tiền bố mẹ. Yêu đương, trai gái, có con, đào nhiệm, Cừ coi như là chuyện sinh hoạt vặt vãnh. Chỉ đến khi phiêu bạt nơi xứ người, nếm trải những nhục nhã khổ đau trên con đường vượt biên, anh mới nhận ra “Xa rời

những tiêu chuẩn đạo đức, con người thành thú dữ tàn bạo ngay” [32, 268],

Phá bỏ đạo đức thì gặp ngay hung bạo. Khinh rẻ giá trị tinh thần thì đời trống

rỗng, hoang tàn” [32, 268]. Anh đau đớn vì biết mình đã đánh mất cái quý giá

lắm, đó chính là gia đình. Cừ rơi vào bi kịch cùng quẫn, anh tìm đến cái chết như một sự ăn năn, hối lỗi muộn màng. Từ bi kịch của nhân vật Cừ, nhà văn muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng xuống dốc trong lối sống của không ít người sẵn sàng chà đạp lên lề thói đạo đức để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Lối sống ấy sẽ khiến con người phải trả bằng những cái giá rất đắt: mất đi tình yêu thương và tổ ấm gia đình, phải kết liễu cuộc đời trong đau đớn, ân hận.

Cơ chế thị trường có một sức mạnh khủng khiếp đối với mỗi gia đình và mỗi con người. Trong tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú, thầy giáo Tự là người có lý tưởng cao đẹp nhưng xa rời với thực tế phức tạp của xã hội hiện đại. Mải mê với văn chương, sách vở, Tự không hề biết cuộc sống đang thay đổi từng ngày. Có những khi tiếng xô xát, tiếng cãi cọ, đay nghiến của Xuyến về sự khốn khó, thiếu thốn của cuộc sống khiến Tự giật mình quay về với thực tại. Anh không những không có tiếng nói quyết định trong gia đình mà còn bị Xuyến thường xuyên dè bỉu, khinh miệt. Khi Xuyến bỏ việc ở thư viện đi buôn, Tự đã gay gắt với cô mặc dù xưa nay, anh biết, mình chưa bao giờ có tiếng nói trong gia đình. Xuyến đay nghiến đối đáp với chồng: “Không về thì lấy gì mà đổ vào mồm. Rõ chết đến đít rồi mà còn sĩ. Thanh với chả bạch. Ông thích

ôm lấy cái nghèo đói thì cứ việc” [33, 60]. Thật đáng buồn khi lẽ ra cần cảm

thông, mến trọng tài năng của chồng, Xuyến lại coi anh như một kẻ vô tích sự. Sự rạn nứt trong quan hệ gia đình của Tự không phải chỉ xuất phát từ nỗi khốn khó, thiếu thốn của cuộc sống mà còn do những khác biệt trong tính cách.

Tự là người giàu tình cảm, sống nội tâm, anh yêu thương vợ bằng tình cảm trong sáng, thuần phác. Xuyến là người chủ động, sống theo bản năng và có những ham muốn tầm thường. Tự không đáp ứng được nhu cầu, ham muốn đàn bà trong Xuyến nên chị đã thay thế chồng bằng tên “Quỳnh đĩ đực” - một gã đàn ông xấu xa, đáng ghê tởm về nhân cách nhưng biết cách đưa đẩy, chiều chuộng chị. Thậm chí, Xuyến còn ngang nhiên trâng tráo ngoại tình ngay trước mặt Tự, ngay trên căn gác xép của anh. Khi anh đau đớn hỏi vợ về mối quan hệ bất chính ấy, chính Xuyến lại lu loa: “Sao cái thân tôi khốn khổ, khốn nạn thế này! Một thân tôi lo toan gánh vác. Một thân tôi đầu tắt mặt tối để cái quân ăn cháo đá bát nó chửi rủa, móc máy tha hồ. Này, tôi truyền đời báo danh cho ông biết, từ nay ông đi đâu thì đi! Của anh anh mang. Của nàng nàng xách. Ông đừng có

bén mảng đến cái nhà này nữa!” [33, 399]. Giá như Tự mạnh mẽ, quyết đoán

hơn. Và giá như Xuyến yêu chồng, biết ghìm bớt những khát khao bản năng và dục vọng tầm thường…Tự nhận ra “anh đã ngu xuẩn và ngây thơ quá khi xây dựng hy vọng hòa hợp trở lại với Xuyến. Xuyến đã nhảy cóc sang một bước phát

triển nguy hiểm về phương diện đạo đức…” [33, 393]. Và “Xuyến đang biến anh

thành một trò hề, một gã đàn ông xuẩn ngốc. Những tình cảm chân thành, trong sáng nhất của anh đã bị bêu riếu. Anh gắng gỏi hòa hợp thật sự, nhưng kết cục anh chỉ là con dã tràng. Anh suốt đời ngay thẳng, thiện chí, thiện tâm, vậy mà

suốt đời anh bị lừa lọc, phản bội ” [33, 399 - 400].

Người đọc cũng có thể thấy được sự tác động của nền kinh tế thị trường tới các gia đình trong tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời. Trước hết, phải kể tới gia đình bé Duy. Cậu bé sinh ra trong “một gia đình thợ thuần túy, ít nhất là đã hai đời thợ, là rất nghèo. Ngoài đồng lương, mấy luống rau trước nhà,…chẳng còn

trông cậy vào một khoản thu nhập nào nữa” [29, 29]. Dù nghèo, gia đình bé

Duy cũng vẫn “hòa thuận, trong ấm ngoài êm, trên kính dưới nhường” [29, 8]. Nhưng rồi bố đi bộ đội, biền biệt không tin tức gì. Mẹ Duy đã dứt tình ra đi theo gã nhân tình, bỏ lại tổ ấm nhỏ, bỏ đứa con thơ dại và người mẹ chồng già cả, gần đất xa trời. Tai họa cuộc đời cứ dồn dập ập đến với người bà còm cõi và đứa

cháu côi cút. Hình ảnh gia đình bé Duy là điển hình cho biết bao những gia đình Việt khác đang bị chao đảo, lung lay và đổ vỡ bởi những toan tính của cơ chế thị trường.

Và cũng trong tác phẩm này, người đọc không khỏi thấy nhức nhối trước sự đổ vỡ của gia đình nhân vật cô Đại Bàng. Chồng cô lái xe đường dài, kiếm được nhiều tiền nên về kinh tế, cô không phải lo nghĩ nhiều. Nhưng tiếc thay, khi có tiền thì cuộc sống của gia đình cô bị đảo lộn. Đối với hai đứa con gái của cô - Vàng Anh, Vành Khuyên thì “tiền” là câu nói cửa miệng. Trong quan niệm của chúng đạo đức chính là “cái gì hợp với mình” và cuộc đời “chỉ là chữ T thôi” [29, 110]. Vì tiền, hai chị em sẵn sàng đánh chửi nhau. Đau đớn hơn, vì tiền mà chúng coi thường mẹ với những lời hỗn hào, thậm chí chửi rủa, đuổi mẹ ra khỏi nhà. Cũng vì tiền mà cô bị chồng coi thường rồi phụ bạc. Nỗi đau đớn khiến cô phải ngẩng mặt lên trời kêu lên: “của nả giàu có mà thế này thì chết đi

cho rồi” [29, 8].

Từ những câu chuyện rất đời mà nhà văn kể, người đọc có thể nhận thấy sự chi phối mạnh mẽ của thế lực đồng tiền. Đồng tiền là phương tiện làm cho cuộc sống gia đình đầy đủ hơn, sung túc hơn nhưng nó còn làm tha hóa con người, làm rạn nứt hạnh phúc một cách đáng sợ. Bi kịch gia đình là tấm gương soi chiếu những tha hóa về đạo đức, nhân cách con người trong xã hội. Sự xuống cấp của văn hóa gia đình đã gây ra những bất ổn của cộng đồng và có thể làm suy yếu cả quốc gia dân tộc. Phản ánh những rạn nứt, thậm chí đổ vỡ đắng cay của gia đình trước cơn lốc của nền kinh tế thị trường, Ma Văn Kháng đã bày tỏ những trăn trở của mình về việc gìn giữ gia đình. Phải làm gì để mỗi mái ấm gia đình đứng vững trước cơn bão của thời mở cửa? Theo nhà văn, phải chăng chúng ta cần duy trì, phát huy những giá trị văn hóa gia đình. Mỗi người hãy biết nâng niu quý trọng, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Tác giả mong muốn gia đình phải là môi trường giúp con người gìn giữ nhân cách đạo đức. Gia đình phải là “lô cốt” chắc chắn, nơi không có sự chi phối của đồng tiền và thói vụ lợi,

ở đó, con người sống với nhau bằng sự chân thành, sự quan tâm, thấu hiểu và bằng những tình cảm yêu thương thực sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)