7. Cấu trúc luận văn
3.2.2. Hệ thống tình huống truyện làm nổi bật tính cách nhân vật
Có thể thấy các tác phẩm của Ma Văn Kháng giàu kịch tính bởi được nhà văn triển khai qua những hệ thống tình huống hợp lí về tính cách nhân vật, nhất là ở những nhân vật chính - nhân vật có vấn đề được bộc lộ hết mình. Nhờ thế mà dung lượng hiện thực được dồn nén lại tạo nên sức hấp dẫn của những tình huống truyện. Nhà văn thường lồng ghép những tình huống truyện vào một hay một vài nhân vật nào đó có liên quan đến nhân vật chính nhằm làm nổi bật tính cách của các nhân vật, từ đó bộc lộ những suy ngẫm về văn hóa gia đình thời hậu chiến.
Trong Mùa lá rụng trong vườn, ông Bằng là người cha luôn cố gắng giữ gìn nề nếp gia pháp, gia phong. Nhà văn đã đặt nhân vật trước những sự kiện, những khó khăn của từng đứa con: cậu con trai tên Cừ đi ngược lại truyền thống gia đình, sống hư hỏng, đào ngũ và vượt biên ra nước ngoài; anh con trai tên Đông - một người hùng trở về sau chiến tranh, vẫn giữ được vẻ đẹp nhân cách nhưng trở nên xa lạ ngù ngờ; cô con dâu tên Lý trở nên một kẻ đa ngôn đa quá, tính toán vụ lợi…Câu chuyện chỉ diễn ra trong vòng một năm, nhưng biết bao biến cố, xung đột đã xảy ra trong gia đình ông Bằng. Tất cả những sự kiện ấy gần như là một cái cốt truyện tạo ra những tình huống để bộc lộ cái tính cách của nhân vật này: vừa là người gắng gỏi để giữ gìn những giá trị văn hóa gia đình, lại vừa có những nỗi buồn đau thế cuộc, và nỗi buồn đau ấy lại ngấm cả vào từng thành viên trong gia đình ông. Những sự kiện khác liên tiếp xảy ra tạo
điều kiện cho tính cách của các nhân vật được hình thành và bộc lộ rõ nét. Trong truyện, Ma Văn Kháng đã để cho nhân vật của mình bộc lộ tính cách thông qua những bước ngoặt của tâm trạng. Những xung đột giữa các cá nhân cũng dần được hình thành nhằm thúc đẩy cốt truyện phát triển.
Trong Đám cưới không có giấy giá thú, nhà văn cũng đặt nhân vật Tự vào một loạt những sự kiện để làm nổi bật phẩm chất nhân vật. Tự chuyển trường từ miền núi về Hà Nội nhưng ở môi trường nào anh cũng gặp những kẻ có quyền chức chèn ép, trù dập khiến anh không thể thực hiện thiên chức của mình. Sau những năm tháng giảng dạy, Tự đành phải từ giã mái trường mà không có một lý do minh bạch. Đau đớn, chua chát, Tự bỏ lại mái trường, bỏ lại những bông phượng cháy đỏ trong mỗi hè về vẫn hằng làm xao xuyến tâm hồn anh. Dở dang, đổ vỡ trong sự nghiệp là một thất bại to lớn đối với người đàn ông, nhất là với Tự - một thầy giáo luôn khát khao đem tài năng, tâm huyết của mình để dạy dỗ học trò. Nhưng chưa đủ, chuyện gia đình lâm vào bi kịch mới thực sự đè nặng lên trái tim anh. Xuyến, người vợ của anh vì hám lợi, vì thiếu mất nền tảng văn hóa, đã giày vò, nhiếc mắng, sỉ nhục Tự đủ điều. Xuyến ngang nhiên ngoại tình một cách trâng tráo trước mặt Tự. Anh cảm nhận “còn nỗi đau nào hơn nỗi
đau này (…). Nỗi đau này động đến tận cùng sâu thẳm là trái tim anh” [29,
402]. Cái gia đình bé nhỏ đó tan vỡ đã để lại nỗi đau khôn cùng trong tâm khảm của Tự. Còn ở trong Côi cút giữa cảnh đời, tác phẩm cũng triển khai cốt truyện theo cuộc đời của nhân vật, qua hệ thống những tình huống, sự kiện mà nhân vật đã gặp phải trong cuộc đời để bộc lộ tính cách. Tóm lại, đó lại là một cái cốt truyện thường được đẩy tới đỉnh điểm của những cái sự phàm tục, đểu cáng, thối rữa mà những nhân vật chính hay nhân vật có vấn đề gặp phải.
Trên con đường đi tìm cái chất ngọc trong trẻo ẩn dấu dưới bề sâu tâm hồn con người, Ma Văn Kháng luôn hướng cốt truyện đến sự thể hiện một quan niệm triết luận rất nhất quán mà cốt lõi của nó là tình người, là những giá trị nhân văn cao cả, tốt đẹp như là một đức tin. Cuối cùng thì các cốt truyện của Ma Văn
Kháng cũng đều đạt tới giá trị này, dù là tác phẩm được viết theo thể loại nào đi chăng nữa. Cho nên, những băn khoăn trăn trở, những bi kịch được xoáy sâu, những tiêu cực được phơi bày, suy đến cùng đều được nhà văn hướng tới một kết thúc tràn đầy nhân văn, tràn đầy niềm tin vào những giá trị truyền thống gia đình tốt đẹp của người Việt Nam. Nó như một kết thúc có hậu, như một giấc mơ đẹp của cổ tích. Đây là điều đặc sắc trong việc triển khai cốt truyện trong các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng.
Trong các tiểu thuyết sau 1975 viết về đề tài gia đình của Ma Văn Kháng, cốt truyện được nhà văn khai triển vừa theo tuyến tính thời gian (có trước có sau), lại vừa đan xen theo mạch tâm trạng của nhân vật và đan cài nhiều mối quan hệ, những diễn biến những sự kiện phức tạp của đời sống xã hội. Có thể gọi đó là kiểu cốt truyện lắp ghép. Cốt truyện lắp ghép là một đặc điểm của thi pháp tiểu thuyết hiện đại. Nhờ kỹ thuật kết cấu này, những tình huống, cảnh ngộ, biến cố, sự kiện, số phận tưởng như không có quan hệ gì với nhau lại được đặt cạnh nhau, nối tiếp nhau, xích lại gần nhau tạo nên mạch truyện chặt chẽ, hấp dẫn. Trong những tiểu thuyết về gia đình của Ma Văn Kháng, cốt truyện lắp ghép được biểu hiện dưới hình thức lồng vào truyện những bức thư.
Bức thư của nhân vật Cừ (Mùa lá rụng trong vườn) đặt trong câu chuyện gia đình, ở phần cuối tác phẩm, sau một loạt sự kiện xảy ra trong gia đình ông Bằng là rất phù hợp. Nó phản ánh nhận thức của một người con đối với sự giáo dục nghiêm khắc của gia đình ông Bằng. Về cơ bản, các con trong gia đình ông Bằng được ông bà chăm lo, dạy bảo từ nhỏ nhưng thực tế những biến động của cuộc sống làm lối giáo dục xưa khó ăn nhập vào nếp sống mới. Bức thư Cừ gửi về đã phản ánh sự chịu đựng bao phiền hà do lối sống đó gây nên. Cừ đã chao đảo, đi lệch hướng và đón nhận một kết cục không có hậu nơi đất khách quê người. Bức thư ấy cũng là lời khẳng định giúp người đọc nhận thức lại hiện thực của các gia đình Việt Nam thời kì đổi mới. Trong hai tác phẩm Đám cưới không có giấy giá thú, Côi cút giữa cảnh đời, nhà văn cũng lồng vào đó những bức
thư để triển khai cốt truyện (ở Đám cưới không có giấy giá thú là bức thư của cậu học trò viết cho thầy giáo Tự. Ở Côi cút giữa cảnh đời là bức thư của cô giáo Quyên, cô Quỳnh gửi cho bà Lãng). Việc lắp ghép này đem lại cho tác phẩm chiều sâu và tầm cao của tư tưởng. Cốt truyện ấy tạo nên sự đa thanh, đa diện, đa chiều của đời sống và tâm lí, tính cách của nhân vật. Ở những nhân vật chính, những nhân vật được xem là cột mốc tư tưởng thì trước vạn biến vẫn có những bất biến về nhân cách và tâm hồn. Và nói như Nam Cao trong Đời thừa
những gì được coi là cột mốc của con người thì không có gì thay đổi được. Có thể thấy điều đó qua những nhân vật như: ông Bằng, bà Chí, chị Hoài, Luận, Phượng (trong Mùa lá rụng trong vườn), thầy giáo Tự (trong Đám cưới không có giấy giá thú), bà Lãng, cô Quyên, Dũng (trong Côi cút giữa cảnh đời). Con người có thể có lúc chao đảo, chênh chao nhưng cuối cùng vẫn là những con người trọn vẹn nhất. Và đây được xem như một khuôn mẫu mà nhà văn nêu ra với cuộc đời để mọi người hướng tới vươn theo, gìn giữ. Từ những bức thư ấy, tình huống truyện được đẩy lên một thêm một bước và tính cách của các nhân vật được bộc lộ rõ ràng hơn.
Như vậy, hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm tăng lên nhờ cốt truyện hấp dẫn, lôi cuốn. Từ việc lồng ghép, đan cài nhiều tình huống, nhiều sự kiện, các vấn đề về đời sống gia đình, về con người và xã hội cũng được biểu hiện đa dạng và được soi chiếu dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Khi xây dựng các nhân vật của mình, Ma Văn Kháng đã dựa trên những đặc điểm tính cách, tâm lý của con người Việt Nam. Ở mỗi nhân vật, ta đều thấy rất rõ những nét tính cách truyền thống như hiếu thuận, cần cù, biết yêu thương, đoàn kết. Họ đều là những người biết coi trọng mái ấm gia đình, coi trọng tình nghĩa, biết đùm bọc, san sẻ giúp đỡ và quan tâm đến những người thân trong mọi hoàn cảnh. Nhân vật của Ma Văn Kháng, đặc biệt là những người phụ nữ đều cần cù lao động, biết vun vén cho gia đình. Tuy nhiên, cũng giống như những con người Việt Nam nói chung, các nhân vật trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng cũng có những mặt hạn chế: chưa thật sự hiểu đúng những tích cực của nền kinh tế thị trường,
nhưng lại chịu ảnh hưởng xấu của nó. Đôi khi họ để sự thực dụng, ích kỷ ảnh hưởng đến nhân cách, làm xấu đi những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Tất cả tính cách của các nhân vật đều được làm sáng rõ thông qua các tình huống truyện độc đáo, mang tính nghệ thuật cao mà Ma Văn Kháng đã xây dựng.