7. Cấu trúc luận văn
2.3.1. Bi kịch gia đình từ nỗi đau hậu chiến
Sau chiến tranh, thân phận con người được nhìn nhận một cách toàn diện ở nhiều góc độ, sâu sắc hơn, nhân bản hơn. Những nỗi trăn trở, lo lắng cho số phận cá nhân trước sự đổi thay lớn của thời cuộc đã được bộc lộ trong nhiều tác phẩm văn học. Bằng cái nhìn hiện thực và tấm lòng nhân ái, Ma Văn Kháng đã đi sâu vào khai thác bi kịch gia đình từ nỗi đau chiến tranh. Gia đình ông Bằng trong Mùa lá rụng trong vườn đã phải nếm trải nỗi đau mất mát người thân - khi anh Cả Tường đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Chiến tranh đã qua đi với những mất mát và cả ánh hào quang của nó, nhưng con người hôm nay vẫn phải sống tiếp. Chị Hoài - vợ anh, tuổi đời còn trẻ, sau một thời gian dài sống trong nỗi mất mát, đớn đau, được gia đình nhà chồng vun vén, chị đã đi bước nữa. Mặc dù đã có một gia đình mới với hạnh phúc mới để lo toan, chăm chút, nhưng chị Hoài vẫn không quên dành sự quan tâm và tình cảm yêu thương tới gia đình nhà chồng cũ. Và trong lòng người phụ nữ này có lẽ vẫn đau đáu một nỗi niềm thương nhớ người chồng đã hi sinh, quặn thắt một nỗi đau mất mát:
“Nỗi nhớ trào dâng cặp mắt hai mí đằm thắm và gương mặt hồn hậu” [32, 132].
Tất cả hiện về tươi rói màu kỷ niệm. Chị nhớ làm sao cây táo anh Tường trồng,
“ngọn nó mập mạp lắm, nhưng chỉ cao bằng chú Luận hồi đó thôi” [32, 132].
Có lẽ suốt đời không bao giờ chị quên một kỷ niệm gắn liền với khu vườn - kỷ niệm cuối cùng bên người chồng cũ. Đó là một hôm chị đi làm về, anh cả Tường bảo chị cùng anh ra ngồi ở cái ghế đá kia. Anh nói với chị: “Hoài à, anh đi lần
này không chắc đã về…” [32, 133]. Câu nói của anh như dự báo về một tương
lai cách trở. Và quả thật, chiến tranh đã cướp mất anh khỏi tổ ấm, để mãi mãi anh không bao giờ còn trở lại căn nhà này, khu vườn này cùng chị xây dựng hạnh phúc. Vì vậy, mỗi lần có dịp quay trở về thăm gia đình chồng cũ là một lần chị và mọi người trong gia đình rưng rưng: “Cảnh gặp gỡ vui mừng nhiễm một
nỗi tiếc thương, đau buồn, ê nhức cả tim gan” [32, 108].
Chiến tranh bao giờ cũng tàn khốc. Chiến tranh đã gây nên cảnh chia ly, chờ đợi: mẹ đợi con, vợ trông chồng, con ngóng bố đến vô vọng. Và chiến tranh cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến những mảnh đời bé nhỏ phải xa nhau, đẩy những thân phận đáng thương xô dạt giữa cuộc đời. Điều đó được nhà văn tái hiện trong tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời. Bé Duy lớn lên trong sự thiếu thốn tình cha. Bố nhập ngũ ngay sau khi Duy chào đời, vào miền Nam được ít lâu thì sang chiến đấu giúp nước bạn Cam-pu-chia. Từ ngày đi chiến đấu cho tới khi Duy bước vào tuổi thiếu niên, bố vẫn biền biệt tin tức. Chiến tranh kết thúc, bố vẫn chưa trở về. Thế là người ta nghi ngờ, chụp mũ cho rằng bố là kẻ đào tẩu, phản bội. Kể làm sao hết nỗi chua chát, tủi nhục trong lòng bà và mẹ. Mẹ Duy sống trong nỗi khắc khoải chờ chồng, lạnh lẽo gối chăn, thiếu thốn vật chất. Có những khi người phụ nữ ấy “gục đầu vào cái gối xa tanh xanh mướt thêu hai
con chim bồ câu trắng ở đầu giường, rũ rượi” mà kêu lên với mẹ chồng: “Con
khổ lắm, mẹ ơi!” [29, 9]. Sự chờ đợi trong vô vọng đã khiến mẹ Duy rơi vào
cảnh bị lừa gạt, quyến rũ, trở nên tha hóa, buông thả và hư hỏng. Người đàn bà trẻ ấy đã bỏ lại đứa con bé bỏng cho mẹ chồng để ra đi theo gã nhân tình lái xe tải. Ký ức non nớt, thơ dại của Duy lúc đó đã in dấu một tiếng kêu não lòng xé ruột của bà nội, và sau này còn vang mãi trong tâm khảm: “Thụy ơi, thật không
Cũng từ đó, hai bà cháu, một già một trẻ “đều đang cần người nương tựa
đỡ nâng” [29, 7] thì giờ đây trở nên côi cút, đành dựa vào nhau mà sống.
Thương làm sao một người mẹ già gần đất xa trời mà vẫn từng ngày lam lũ, vất vả, cố gắng sống để nuôi nấng, chăm sóc cháu. Và người đọc cũng không khỏi thắt lòng trước sự bơ vơ của đứa trẻ “vẫn còn mẹ và có thể là cha nó chưa chết,
thế mà bỗng chốc trở nên côi cút” [29, 18]. Nhưng đời đâu dễ để cho họ yên. Sự
bặt vô âm tín, không rõ ngày về của cha, việc bỏ nhà theo nhân tình của mẹ, lại thân cô thế cô đã khiến hai bà cháu Duy bị chèn ép, bắt nạt đủ đường. Họ bị tước đoạt tài sản và quyền cư trú trên chính mảnh đất của Tổ tiên, cha ông để lại: “Hai bà cháu còn được những sáu mét vuông, ngăn cách với căn buồng trong rộng mười tám mét vuông của họ bằng một lớp cót ép cao lên tới tận trần nhà. Và do phải chừa ra một lối đi vào buồng trong và xuống bếp, nên thực tế
căn buồng sáu mét vuông của hai bà cháu lại bị lẹm thêm” [29, 118]. Không chỉ
thế, bé Duy lớn lên trong nỗi tủi hổ vì thân cô thế yếu, đến trường bị ruồng rẫy, ghẻ lạnh, ức hiếp. Thương cháu đến xót xa cùng nỗi khổ đau, uất ức và đã khiến bà phải thốt lên: “Cuộc đời hơn sáu mươi năm của bà vừa qua có được bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng là thuận buồm xuôi gói, mát mái êm dòng? Hay chỉ
là chuỗi ngày cơ khổ…” [29, 113].
Nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho mỗi gia đình, mỗi đời người không chỉ dừng lại ở đó. Tham gia cuộc chiến vệ quốc, biết bao người ra đi đã nằm lại nơi chiến trường, không có ngày trở lại. Đó là nỗi đau, là vết thương lòng của những người ở lại, người còn sống. Theo thời gian, những vết thương trên da thịt người sẽ lành dần còn vết thương trong tâm hồn chắc sẽ còn mãi. Chiến tranh đã đi qua nhưng những tàn dư, dấu vết của nó vẫn còn nhức nhối, gây nên bi kịch đối với cả những gia đình may mắn có được người trở về. Ngòi bút của Ma Văn Kháng cho ta thấy: không ít người lính bước ra từ cuộc chiến, trở về gia đình nhưng mấy ai có được một cuộc sống bình yên. Giữa cuộc sống bon chen, tất bật, họ phải đối mặt với không ít điều phiền toái, phức tạp. Trước đây, trên chiến trường, họ là những người hùng không chịu lùi bước trước hòn tên mũi đạn của
kẻ thù. Trở về từ cuộc chiến với chiến công lừng lẫy, họ tưởng rằng mình sẽ vượt qua được mọi trở ngại trên đường đời. Đáng buồn thay, giờ đây, không ít người lại bất lực buông xuôi trước những điều nhỏ nhặt của cuộc sống đời thường, thành kẻ lạc thời, thất bại. Phải chăng những ám ảnh chiến tranh, nỗi đau thương mất mát, hy sinh của đồng đội vẫn khiến người lính trở về chưa đủ sức bắt nhịp với hiện tại?
Có thể thấy rõ điều đó qua nhân vật Đông trong Mùa lá rụng trong vườn. Là một trung tá về hưu,với lối suy nghĩ đơn giản, Đông không thể hòa nhập với dòng chảy của xã hội, với nhịp sống của những thành viên khác trong gia đình. Anh thuộc kiểu người như “Thế hệ vứt đi”, từ cuộc chiến trở về và thấy mình không thể dung hòa được với tất cả. Đông sống đơn điệu, thụ động vô tâm bên những người thân yêu, thờ ơ trước những khát khao, đam mê đang âm ỉ cháy trong lòng vợ. Thú vui duy nhất của anh là tụ tập tổ tôm, đánh bài và ngủ. Đến khi gia đình rạn nứt rồi tan vỡ, Đông mới thức tỉnh, đau đớn nhận ra bi kịch của gia đình mình thì đã quá muộn. Lúc này anh mới thấm thía rằng: “cuộc sống
phức tạp chứ không giản đơn đâu”[32, 353].
Có thể nói chính chiến tranh đã làm thay đổi bao quan niệm, giá trị của cuộc sống. Sự nghiệt ngã của chiến tranh có thể tàn phá nhiều thứ, trong đó có niềm tin, tình yêu. Ngay cả những người vợ ở nhà từng là hậu phương vững chắc cũng đổi khác. Lý trong Mùa lá rụng trong vườn và Thụy (mẹ bé Duy) trong Côi cút giữa cảnh đời là những người phụ nữ bị mất phương hướng sau chiến tranh. Trong chiến tranh, họ luôn hướng về chồng mình với lòng thủy chung, niềm tin yêu, tự hào. Họ sẵn sàng chịu đựng mọi vất vả, hi sinh bản thân, gánh vác việc nhà để làm yên lòng người đi. Nhưng rồi, cuộc sống thời hậu chiến với bao khó khăn dồn dập đã khiến tượng đài chiến thắng họ dựng lên không còn hào quang nữa. Cơn lốc của nền kinh tế thị trường kéo họ trở về với hiện thực, với nhu cầu được sống giàu sang sung sướng, thỏa mãn ái tình. Điều đó đã khiến không ít người vợ, người mẹ trở nên chao đảo, mất phương hướng.
Và họ đã đánh mất mình, đã buông thả theo những nhu cầu bản năng ích kỷ, đẩy gia đình vào vực thẳm của sự tan vỡ.
Như vậy hầu hết các cuốn tiểu thuyết viết về đề tài gia đình của Ma Văn Kháng đều ít nhiều, trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến bi kịch cuộc sống gia đình do ảnh hưởng của chiến tranh. Cuộc sống vật chất gian nan, đời sống tinh thần đau khổ, mỗi thân phận, mỗi cuộc đời, mỗi gia đình hiện lên trên từng trang viết của nhà văn là sự phản ánh chân thật mà sâu sắc nhất về bi kịch con người thời hậu chiến. Và nhà văn dường như cũng muốn khẳng định rằng: cuộc chiến chống ngoại xâm đã đi qua, nhưng chúng ta lại phải đối mặt với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại đói nghèo, tha hóa để bảo vệ nhân cách và sự bền vững của mái ấm gia đình. Thông qua số phận những con người bước ra từ chiến tranh ấy, ta cảm nhận được sự đồng cảm, niềm xót thương cho thân phận con người của nhà văn. Ẩn sâu trong niềm xót thương ấy, ta bắt gặp sự đồng tình, trân trọng của Ma Văn Kháng đối với những khát khao mãnh liệt của mỗi nhân vật về một mái ấm bình yên, êm ấm sau chiến tranh.