Những xung đột về chuẩn mực, giá trị đạo đức trong gia đình hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 96 - 101)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.1. Những xung đột về chuẩn mực, giá trị đạo đức trong gia đình hiện đại

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Cốt truyện là hệ thống sự kiện cụ thể được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các

tác phẩm văn học. Trong các loại tác phẩm trữ tình, cốt truyện không tồn tại. Về phương diện kết cấu và quy mô nội dung, nhìn chung có thể chia cốt truyện thành hai loại: cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến. Cũng có cốt truyện tuyến tính (theo thời gian, có trước, có sau), cốt truyện theo mạch truyện, theo tâm lí nhân vật và những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội mà nhà văn có dụng ý phản ánh, chung đúc trong tác phẩm của mình. Tất nhiên, cũng có những cốt truyện kết hợp cả hai kiểu khai triển trên.

Khi trả lời câu hỏi trong bài Phỏng vấn của VnExpress (2017), Ma Văn Kháng từng nói: “Tôi đặt nhiều quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học

dân tộc. Văn học phải có tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước” [91].

Quan niệm ấy đã phần nào chi phối việc nhà văn xây dựng cốt truyện trong các tác phẩm của mình. Những tiểu thuyết của Ma Văn Kháng sau 1975 đều là những tác phẩm có cốt truyện tập trung phản ánh một giai đoạn lịch sử của xã hội Việt Nam nói chung là vừa trải qua cuộc chiến tranh bi hùng, bước vào thời kì xây dựng đất nước. Có những tác phẩm vẫn còn có những sự cố chiến tranh (như tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời vẫn phản ánh chiến tranh biên giới Tây Nam) nhưng nói chung đất nước đã được hòa bình, được giải phóng. Đó là một giai đoạn lịch sử hậu chiến và trước đổi mới, được xem như là cái “đêm hôm

trước” của cuộc đổi mới, một cuộc sinh hạ, một cuộc chuyển mình đau đớn đến

quặn thắt. Đó là bước ngoặt mà những tập quán cũ chưa hẳn đã kết thúc, cái mới thì chưa hẳn được khẳng định và ổn định. Những giá trị văn hóa gia đình truyền thống vừa cố gắng được giữ gìn và bảo toàn, vừa đang đứng trước những nguy cơ bị công phá dữ dội bởi những định chế, cơ chế và quan niệm cùng với một lối sống, tập quán mới. Cho nên những xung đột này thường rất gay gắt và khốc liệt. Ma Văn Kháng là nhà văn đề cập đến mối quan hệ gia đình trong sự tương quan với xã hội hiện đại khá sâu sắc. Xã hội bên ngoài từ tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống đang có sự thay đổi lớn về các chuẩn mực, giá trị. Kiểu mô hình gia đình truyền thống có nguy cơ bị lung lay, rơi vào xung đột giữa các giá trị,

quyền lợi vật chất và tinh thần. Tâm lý hưởng thụ bắt đầu xuất hiện. Các quan hệ trong huyết thống cũng vì thế có dấu hiệu rạn vỡ.

Mùa lá rụng trong vườn là bức tranh tiêu biểu cho một gia đình Hà Nội truyền thống trước những biến động, đổi thay của nền kinh tế thị trường. Gia đình ông Bằng vốn là gia đình nền nếp, nhưng cũng trải qua những xung đột văn hóa như xung đột giữa các thế hệ, xung đột lợi ích giữa các cá nhân...Ông Bằng là người được tiếp thu nền giáo dục truyền thống, có phong cách sống đĩnh đạc, mực thước, cẩn trọng đến khắt khe: “Dựa vào một nền tảng tinh thần vững bền để chống lại tất cả cái xấu đang tàn phá cuộc sống. Đó là cách ông chủ động

tạo sự cân bằng trong cuộc sống của ông” [32, 81]. Song dù ông Bằng có cố

gắng gìn giữ những giá trị truyền thống thì tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cũng khiến gia đình ông không thể tránh khỏi những biến động, sóng gió. Mối quan hệ vợ chồng, cha con, anh chị em trong gia đình vốn hòa thuận êm ấm ấy cũng xung đột rạn vỡ.

Trong tác phẩm, Ma Văn Kháng không xây dựng những cốt truyện mang tính gay cấn và xung đột dữ dội giữa các thành viên trong gia đình, mà chủ yếu nghiêng về những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày. Trong gia đình ấy, các thành viên đều có sự khác biệt về suy nghĩ, nhận thức và lối sống. Luận và Phượng là những người sống hài hòa, nhân ái, uyển chuyển, linh hoạt trong ứng xử, có thể làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình nhưng cũng chỉ là những trí thức nghèo bị gánh nặng áo cơm ghì sát đất, không có tiếng nói quyết định trong gia đình. Lý đảm đang, tháo vát nhưng tiếc thay lại là người ích kỷ và hám lợi, tính tình thất thường, quan hệ với gia đình còn lỏng lẻo, trách nhiệm với các thành viên trong gia đình chưa cao. Thêm nữa, Lý còn là người sắc sảo, tính tình hoạt bát, phóng khoáng, không ưa sự gò bó, muốn được thỏa mãn trong ái tình và tiền bạc. Nếu ông Bằng lấy nền nếp gia đình, sự chuẩn mực khoan hòa làm phương châm sống, chị Hoài và Phượng coi trọng tình yêu thương, Luận lấy năng lực tình thần và trí tuệ để theo đuổi niềm đam mê thì Lý coi đồng tiền là tất cả. Và mọi mâu thuẫn giữa Đông - Lý dường như xuất phát từ thái độ hờ hững, thiếu trách nhiệm

với gia đình của Đông, từ sự “lệch pha” trong quan hệ vợ chồng. Giữa lúc sự xung đột giữa các giá trị cũ - mới trong gia đình đang căng thẳng thì sự xuất hiện của vợ con Cừ đã tạo nên xung đột mới: xung đột về quyền lợi vật chất cá nhân. Cuộc sống trong gia đình ông Bằng vốn đã có nhiều rạn nứt, giờ đây lại càng khó bình ổn hơn, khi sự xuất hiện của vợ con Cừ động chạm đến quyền lợi vật chất. Để bảo toàn sự ổn định cho gia đình, rất cần thiết sự chia sẻ, đức hy sinh của các thành viên. Tiếc thay, những người được coi là người trụ cột chính , có khả năng gánh vác gia đình trong lúc khó khăn thì lại thờ ơ, bỏ mặc. Lý sống quá ích kỷ, đôi khi còn tàn nhẫn, Đông thì thiếu đi lòng nhiệt thành và sự quan tâm, chia sẻ. Điều đó đã chính thức đẩy gia đình vào bi kịch. Việc Cần bỏ mạng nơi xứ người trong nỗi niềm ân hận, Lý bỏ nhà ra đi theo tiếng gọi của ái tình và tiền bạc, để lại Đông thẫn thờ trong nỗi đau giữa mùa lá rụng và sự qua đời của ông Bằng đã chạm khắc vào thẳm sâu nỗi lòng người đọc những tiếc nuối, xót xa. Sự chao đảo của gia đình ông Bằng trước cơn địa chấn của nền kinh tế thị trường chính là sản phẩm tất yếu của xã hội Việt Nam thời kỳ này.

Đọc tác phẩm Đám cưới không có giấy giá thú, ta cũng thấy rõ một lối sống ích kỉ, thực dụng, vô cảm, vì đồng tiền, vì những tiện nghi vật chất mà làm tha hóa những mối quan hệ xưa nay tưởng như là thiêng liêng, ổn định và vững bền nhất. Có những mối quan hệ như: quan hệ vợ chồng, quan hệ bằng hữu, quan hệ thầy trò - tất cả những mối quan hệ mà bấy lâu nay người ta vẫn xem như là rường cột của xã hội, đã ổn định từ xa xưa, bây giờ lại bị công phá, tan nát hết cả. Đồng tiền đã làm cho không ít thầy cô giáo trở nên tha hóa, biến chất, những mối quan hệ, tình cảm thầy trò thiêng liêng ấy cũng bị chi phối. Nhà văn đặc biệt đi sâu vào bi kịch gia đình Tự với màu sắc khác. Tự thiên về chú trọng đời sống tinh thần trong khi Xuyến lại là người thiên về những đòi hỏi mãnh liệt về vật chất và nhu cầu đời sống gối chăn. Trước những cám dỗ ấy, Xuyến dần tha hóa về nhân cách, sa ngã vào lực hút của đồng tiền, của đời sống nhục cảm. Tự bế tắc trong nghề nghiệp vì bị hãm hại, trù dập nhưng không biết bám víu

vào đâu. Gia đình là cái nôi của con người bây giờ không còn yên ấm nữa mà đang có nguy cơ đổ vỡ trước xung đột của cuộc đời.

Còn Côi cút giữa cảnh đời cũng phản ánh những xung đột bởi lối sống tự do buông thả và những bước ngoặt đã công phá dữ dội từ gia đình đến xã hội, đẩy con người trở nên cô đơn với những mặc cảm, tủi hờn. Người đọc không khỏi cám cảnh, xót xa cho thân phận của bà cháu, mẹ con bé Duy. Mẹ của Duy sống trong nỗi khắc khoải chờ chồng, lạnh lẽo gối chăn, thiếu thốn vật chất nên đã rơi vào cảnh bị lừa gạt, quyến rũ, tha hóa, buông thả và hư hỏng. Người đàn bà trẻ ấy đã bỏ lại đứa con bé bỏng (Duy) cho mẹ chồng để ra đi theo gã nhân tình. Cũng từ đó, hai bà cháu, một già một trẻ côi cút dựa vào nhau mà sống. Nhưng đời đâu dễ để cho họ yên. Bọn quan chức, những người giàu có đồng lõa của chính quyền đã o ép chiếm đoạt tài sản và quyền cư trú trên chính mảnh đất của Tổ tiên, cha ông để lại. Bé Duy lớn lên trong nỗi tủi hổ vì thân cô thế yếu, dễ bị ruồng rẫy, ghẻ lạnh, ức hiếp.

Khát vọng đồng tiền, lối sống vật chất cũng khiến bao gia đình tan vỡ. Gia đình cô Đại Bàng cũng là một minh chứng. Ở gia đình này, cơm ăn, áo mặc, tiện nghi đời sống, của cải không phải lo. Chồng cô làm tài xế bên Thái Lan, cứ đều đặn gửi về mọi thứ hàng hóa, cô chỉ việc nhận rồi đem bán lấy tiền. Nhưng hai đứa con gái của cô - con Vàng Anh và Vành Khuyên thì chanh chua, lếu láo vô cùng: “Không ngày nào là chúng không gây sự và chí chóe cãi nhau, tranh giành nhau những đồ bố chúng gửi về. Và rồi chị em cấu xé nhau, chà đạp lên nhau, diết gióng, rỉa rói nhau, thậm chí là đánh nhau, đập phá tất cả. Mẹ chúng là chỗ chúng trút tức tối, giận dữ và tha hồ hạch sách. Có ngày nào mà chúng không

hạch tiền, đòi ăn uống, mua sắm, may mặc” [29, 45]. Nỗi buồn khổ khiến cho có

lần không chịu nổi, người mẹ ấy đã ngẩng mặt lên trời kêu: “Ối, ông Đại Bàng ơi,

ông về mà dạy con ông đi. Của nả giàu có mà thế này thì chết đi cho rồi, ông ơi

[29, 45]. Với ngòi bút nhìn thẳng vào sự thật, nhà văn đã cho ta thấy: từ gia đình đến ngoài xã hội đều bị công phá dữ dội bởi sức mạnh của đồng tiền.

Có thể thấy, các tác phẩm của Ma Văn Kháng đã đặt nhân vật trong những mối quan hệ đa chiều, trong không gian văn hóa gia đình để làm nổi bật bản chất, tính cách. Qua diễn biến cốt truyện, ta thấy mỗi con người như một lát cắt của thời đại, không chỉ mang nỗi buồn cá nhân nữa mà đại diện cho những nỗi niềm rộng lớn hơn. Từ những nhân vật điển hình ấy, nhà văn đã phác họa cặn kẽ, chân thực bức tranh xã hội muôn màu phức tạp với những gì mang tính đặc trưng của thời đại.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 96 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)