7. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Lối sống yêu thương, nhân ái, bao dung
Tiếp cận, nghiên cứu và khám phá hiện thực, con người ở nhiều góc độ, ngòi bút của Ma Văn Kháng còn phát hiện những giá trị nhân cách tốt đẹp trong văn hóa gia đình người Việt. Đó là lối sống yêu thương và nhân ái, bao dung - một trong những vẻ đẹp đáng tự hào của con người Việt Nam. Đó là truyền thống quý báu giúp gắn kết trái tim giữa con người với con người, tạo ra sức mạnh cho mỗi gia đình nói riêng và toàn dân tộc nói chung.
Trên hành trình trở về cội nguồn truyền thống ân nghĩa thuỷ chung của dân tộc, bằng ngôn từ nghệ thuật, Ma Văn Kháng đã vẽ nên những bức chân dung cao đẹp giữa đời thường. Nổi bật lên là các nhân vật bà lang Chí, chị Hoài, Phượng, Vân...trong Mùa lá rụng trong vườn - những con người có lối sống yêu thương chân thành, không ép buộc. Tiêu biểu cho lớp người đi trước biết giữ gìn và phát huy lối sống nghĩa tình là nhân vật bà lang Chí. Tuy chỉ là nhân vật phụ trong tác phẩm nhưng người đọc vẫn có ấn tượng sâu đậm về con người một đời thiệt thòi mà vẫn nhân hậu, có “tấm lòng từ mẫu lương y, coi đỡ nâng
người khác như một nhu cầu tự thân” [32, 247]. Người phụ nữ nhỏ nhắn, trông
như yếu đuối này lại có một sức mạnh thần diệu từ đôi bàn tay khiến ông Bằng cảm nhận “Hay đó là sự dịu dàng nhân ái kết tinh, chắt lọc được từ chuỗi ngày
đầy những cay cực, mất mát, đau thương của bà” [32, 249]. Lòng nhân ái của bà
thể hiện ở những điều giản dị, nhưng vô cùng thiêng liêng và đáng trân trọng. Để lại trong lòng người đọc niềm cảm mến còn là nhân vật chị Hoài đẹp người đẹp nết. Nét đằm thắm, mặn mà còn toát lên từ tâm hồn chị, từ tính cách đôn hậu, cách ứng xử, quan hệ với mọi người. Chồng chị (anh Cả Tường) hi sinh khi tuổi đời chị còn rất trẻ, cha chồng (ông Bằng) thương con dâu nên khuyên chị đi bước nữa. Và bây giờ, nhiều năm đã trôi qua, mặc dù chị đã có một mái ấm mới nhưng mọi người vẫn nhớ, vẫn quý và yêu người phụ nữ hồn hậu này: “Chị Hoài, dâu trưởng, nết na, thuỳ mị. Trong tiềm thức vẫn sống động một chị Hoài đẹp người, đẹp nết. Nhưng bây giờ chị Hoài đã có một gia đình riêng với những quan hệ riêng, lo toan riêng, nên vẫn nhớ, vẫn quý, vẫn yêu chị ấy, mà lại không dám, không nỡ níu kéo chị về mình. Quan hệ của chị ở đây đẹp
nhưng buồn” [32, 81]. Tình nghĩa với gia đình ông Bằng không bao giờ thay đổi
trong chị. Chín năm xa cách, chị Hoài vẫn giữ nguyên ý thức của người dâu cả, không cho mình quyền quên đi gia đình người chồng cũ, vẫn giữ liên lạc để biết tình hình mọi người trong gia đình. Có thể thấy, chị Hoài là hiện thân cho lối sống trọng tình nghĩa, có thủy có chung, từ đó tạo nên sự hòa thuận, giàu tình cảm, thân thiện giữa mọi người. Sự xuất hiện của người phụ nữ này đã tác động
mạnh tới các thành viên khác của gia đình như Đông, Lý, Luận, Phượng và vợ con Cừ. Chồng con chị bây giờ cũng rất yêu thương và quan tâm tới gia đình ông Bằng. Cái tay nải nặng đựng những thứ quà quê của gia đình nhỏ, từ gạo nếp tăng sản của nhà, cái giò thủ, bọc sắn dây cho tới giống mướp hương…được chị mang lên gia đình ông Bằng vào đúng dịp Tết cho thấy lối sống của những con người lấy nghĩa tình làm phương châm ứng xử. Điều đó càng khẳng định sức mạnh của sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh chị Hoài, Phượng (vợ Luận) hiện lên cũng mang vẻ đẹp hài hoà từ hình dáng đến tính tình, từ cách nói năng, đi đứng đến cách đối nhân xử thế. Ở chị toát lên vẻ đẹp của sự dịu hiền, chân thật và nhân ái, bao dung. Người phụ nữ hiền hậu ấy luôn chắt chiu, chăm chút hạnh phúc đời thường và sẵn sàng chia sẻ mọi niềm vui với người khác. Phượng dường như sinh ra là để yêu thương, để hi sinh: “lòng luôn mở rộng đón nhận, cảm thông với những xót xa, thiệt thòi
của mọi đời người” [32, 284]. Bao nhiêu điều không may, thiệt thòi dồn xuống
vai chị: “Tất cả khó nhọc đã phản ánh trên mặt Phượng gầy guộc và ở bộ quần
áo vá, hai gấu quần rách xơ” [32, 288]. Vậy mà, Phượng chịu đựng được hết
với sự tự nguyện gần như là bản năng: “con người này đã thiệt thòi, đã bị tổn
thương, nhưng vẫn giữ riêng mình một góc đời dào dạt yêu thương” [32, 285].
Không một khó khăn nào, một biểu hiện tiêu cực nào có thể khiến Phượng đánh mất lòng tin yêu, lòng thương người.
Vẻ đẹp trong tâm hồn, tính cách Phượng khiến không ít người đọc băn khoăn về tính hiện thực của nhân vật. Nhưng nhà văn đã khẳng định: Phượng là nhân vật giàu chất hiện thực bởi trong chị có bóng dáng những người thân yêu nhất của nhà văn. Chính Ma Văn Kháng đã nói: “Phượng mang hình bóng của vợ tôi, Hoàng Thu Phòng. Phòng của tôi không sắc sảo, nổi trội đường ăn nói, giao tiếp, không tinh tường bén nhạy trong công việc mưu sinh, nhưng Phòng của tôi là một phụ nữ hiền hậu, chân thật, đức độ trọn vẹn, tận tụy, hết lòng với
305]. Và “Phượng là tiêu biểu cho lớp người thuộc số đông phụ nữ nước ta, họ là nền tảng của đạo đức, họ là thành trì chống lại sự băng hoại của luân lý, họ
là vẻ đẹp vững bền, vĩnh cửu ở cuộc đời này” [35, 305]. Chính sự chân thực đã
tạo nên vẻ đẹp và sức sống của nhân vật. Phượng đã bước từ ngoài cuộc đời vào trong văn chương và từ những trang văn của Ma Văn Kháng, người phụ nữ ấy đã bước ra, làm đẹp thêm cuộc đời.
Trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng sau 1975 viết về đề tài gia đình, ta còn thấy xuất hiện rất nhiều người tốt có lối sống quan tâm, nhân ái, sẻ chia như bà bé Duy, cô Quyên, cô Đại Bàng, cô giáo Hoa, các cụ trong tổ hưu trí,…trong tác phẩm Côi cút giữa cảnh đời. Đặc biệt, vẻ đẹp tâm hồn, tình yêu thương của bà nội bé Duy có sức lan tỏa mạnh mẽ tới những người xung quanh. Chính bà là người nhen lên trong tâm trí non nớt của Duy - đứa cháu tội nghiệp còn cha, còn mẹ mà hóa ra côi cút - niềm tin vào những điều tốt đẹp. Câu chuyện về những con người bình dị, vô danh ấy được kể qua điểm nhìn của cậu bé Duy. Cậu bé sinh ra trong “một gia đình thợ thuần túy, ít nhất là đã hai đời thợ, là rất nghèo” [29, 29]. Những biến cố gia đình cứ liên tiếp giáng xuống thân phận bé nhỏ mong manh của hai bà cháu: bố Duy đi bộ đội biền biệt, không tin tức, mẹ bỏ nhà đi theo một ông lái xe tải. Thấy hai bà cháu thân cô thế cô, tay Chủ tịch phường đã lộng hành, chiếm gần hết đất đai của họ. Cậu bé đi học, quần áo xuyềnh xoàng, bị bọn bạn con nhà giàu, quyền chức bắt nạt, khinh miệt. Rồi cô Quỳnh làm công nhân nông trường về giao cho bà nội đứa con gái đỏ hỏn chưa đầy tuần tuổi - kết quả của một cuộc tình lầm lỡ và bỏ đi. Chú Dũng trước đây thi đỗ đại học, nhưng nghe theo lời rủ rê của bạn bè, bỏ học, lên Thái Nguyên, xin vào đoàn địa chất đi tìm sắt. Rồi chú đi bộ đội đặc công, nay trở về để chuẩn bị vào đại học. Nhưng do phản ứng quyết liệt với những bất công ngang trái ở địa phương, chú bị bắt vào tù. Cuộc sống của bà cháu Duy vốn đói nghèo, cực nhọc nay càng trở nên quẫn bách, khốn khó.
Cay đắng, xót xa trước số phận của bé Duy và những người thân của Duy, nhưng người đọc đôi lúc vẫn cảm thấy ấm lòng bởi còn rất nhiều người tốt sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ khi bà cháu Duy gặp hoạn nạn. Cuộc đời của hai đứa trẻ côi cút tưởng chừng sẽ chìm vào vực sâu của sự tuyệt vọng nếu không có bàn tay, không có tấm lòng che chở của người bà cũng như sự cưu mang giúp đỡ của cô giáo Quyên, cô giáo Hoa, cô Đại Bàng và những người dân tốt bụng của phường Ngọc Sinh. Họ đã mở rộng tấm lòng nhân ái, giúp đỡ ba bà cháu, trong khi chính cuộc sống của họ cũng có lúc khốn khó tưởng chừng không qua nổi. Cô Đại Bàng thì thi thoảng đem sữa đường sang cho em. Các cụ tổ hưu cũng hay đến hỏi han giúp đỡ: cụ cho đôi bít tất; cụ cho cái chăn bông con, cái mũ len, ông Vinh cho cả cái phiếu đường của ông. Quan trọng hơn, các cụ còn cử người lên tận Sở thương binh xã hội xin tem phiếu cho nó. Trong đó, cô giáo Quyên là người hàng xóm tốt nhất với bà cháu Duy. Cô cũng có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn gắng gỏi vươn lên để sống trọn vẹn nghĩa tình. Cô là người cùng bà bế ẵm nâng niu dỗ dành em Thảm suốt những ngày nó khát sữa, ốm đau, thèm hơi ấm của mẹ. Cô gói ghém những chiếc quần áo cũ của con mình để bà mặc cho Thảm. Khi thấy bé Duy bị bạn bè bắt nạt, bị cô giáo Thìn ghẻ lạnh, cô đã đứng lên an ủi, bênh vực, xin cho Duy được sang lớp cô giáo khác. Rồi chính cô đã đi cạy cục lên tận Thành hội phụ nữ đưa đơn khiếu nại, hi vọng bé Thảm có giấy tờ khai sinh để được hưởng những quyền lợi mà một đứa hài nhi được hưởng. Tấm lòng của cô Quyên là tấm lòng của một người mẹ, dịu dàng, nhân hậu biết bao. Cô vẫn dạy học trò rằng “cuộc sống hôm nay vẫn có Bụt, có
Phật, có Tiên” [29, 181]. Và người phụ nữ ấy cũng chính là một cô Tiên giữa
đời thường.
Rõ ràng, với tấm lòng trĩu nặng yêu thương, Ma Văn Kháng đã xây dựng thành công những nhân vật được coi là biểu tượng của lòng nhân ái, bao dung. Nhà văn đã kể một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, giúp chúng ta cảm nhận được phép mầu nhiệm từ tấm lòng nhân hậu của những con người bình dị, mộc mạc chân chính ấy. Chính những tấm lòng và cách ứng xử đầy nghĩa
tình đã cứu giúp linh hồn ngây thơ của những đứa trẻ như bé Duy, bé Thảm, để chúng tin rằng cuộc đời còn có nhiều điều đáng để yêu, để ước mơ. Từ hình ảnh và tấm lòng của những con người này, tác giả muốn ấp ủ, tiếp nối truyền thống tốt đẹp: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.