Sự gìn giữ nề nếp gia pháp, gia phong

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 47 - 51)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Sự gìn giữ nề nếp gia pháp, gia phong

Cùng với sự chuyển mình của văn học Việt Nam sau chiến tranh, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đã có sự tìm tòi đổi mới, mở ra nhiều bình diện trong phương thức chiếm lĩnh hiện thực. Ở mảng đề tài gia đình, ngòi bút của nhà văn thu hút độc giả bởi sự lý giải và thể hiện riêng từ góc nhìn văn hóa. Bằng cái nhìn tinh nhạy, sắc sảo, nhà văn đã cảm nhận thấy không ít gia đình trở nên lung lay, chao đảo dưới tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, trước mọi bão táp của cuộc sống, con người vẫn giữ được những vẻ đẹp, giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống - đó là cội nguồn thiêng liêng và là nền tảng của những giá trị văn hóa dân tộc. Từ bao đời nay, gia đình Việt Nam đã tạo dựng được một nề nếp gia phong mang tính tôn ti trật tự. Đây là yếu tố dường như bất biến, ra đời từ cái nôi văn hóa bản địa và được bảo tồn, truyền từ đời này sang đời khác. Trong mỗi gia đình luôn có người đứng đầu, đóng vai trò trụ cột, gìn giữ nề nếp gia phong, làm chỗ dựa cho các thành viên còn lại, hướng con người đến giá trị bền vững. Con cháu phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; vợ chồng phải thủy chung, có trách nhiệm; anh chị em trong gia đình phải hòa thuận, có trên có dưới…Đó là những đạo lý đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi thành viên trong gia đình người Việt. Đó cũng là điều không thể thiếu trong việc gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam dù ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào của lịch sử dân tộc.

Gia đình ông Bằng trong tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn là kiểu gia đình truyền thống có sự gắn kết với nhau bằng chuỗi quan hệ huyết thống chung

sống với ba thế hệ. Đây là kiểu gia đình khá phổ biến không chỉ ở những vùng nông thôn Việt Nam mà ngay cả ở thành thị, cho dù cơ sở phát sinh và tồn tại của nó là từ nền kinh tế tiểu nông. Đây là kiểu gia đình có sự gắn bó chặt chẽ với nhau giữa các thế hệ về mặt tình cảm để bảo tồn các tập tục, nghi lễ, văn hóa...Trong gia đình ấy, nhân vật ông Bằng là một minh chứng rõ nhất cho nét tinh hoa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ông Bằng - một mẫu người trí thức chân chính suốt đời theo đuổi lý tưởng và phương châm sống cao đẹp: “coi trọng đạo lý, rời xa phù phiếm, kết hợp với đạo đức Cộng sản và tinh hoa của

cha ông” [32, 75]. Giữa một xã hội có nhiều tác động tích cực và cả tiêu cực của

luồng gió kinh tế thị trường, có những biểu hiện suy thoái về đạo đức và nhân cách, con người này vẫn cố gắng giữ gìn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp. Ông dạy các con biết tôn trọng những điều hay lẽ phải để xây dựng một mái ấm hoà thuận trên kính dưới nhường, trọng nghĩa khinh tài để có thể giúp đỡ nhau về mặt vật chất cũng như tinh thần: “Phải giữ gìn các con ạ. Giữ gìn từ những cái nho nhỏ, vì từ cái nho nhỏ cộng lại thành văn hoá, nền tảng đạo lý

đấy...” [32, 81]. Với ông, làm người phải có cốt cách thanh cao, biết bồi đắp tri

thức, giữ gìn nhân cách, “đừng có cái thái khinh ngạo nhưng lại cần có cái

cốt khinh ngạo mọi sự tầm thường” [32, 86]. Đây là quan niệm sống tích cực,

cũng là phương châm xử thế mà ông Bằng răn dạy con cháu để có thể đứng vững trong cuộc sống.

Theo lời kể của nhà văn, người đọc nhận thấy: bằng những nỗ lực, ông bà Bằng đã gây dựng một tổ ấm đáng tự hào giữa thời buổi đầy khó khăn: “Ôi, cái gia đình gồm hai ông bà xưa nay được tiếng là mô phạm mẫu mực, với năm anh con trai, năm hòn ngọc quý, anh là liệt sĩ, anh đóng trung tá, anh làm nhà báo, anh đi học nước ngoài... anh nào cũng đẹp người đẹp nết, cùng mấy cô con dâu

cán bộ nhà nước, cô nào cũng đảm, cũng dễ thương, ưa nhìn...” [32, 41]. Mặc

dù cái gia đình mà ông Bằng cố công tạo dựng đã từng trải qua nhiều rạn nứt, chao đảo, có nguy cơ tan vỡ trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường song ông có niềm tin rất chân thành rằng: “Gia đình với hàng nghìn năm

tồn tại có cơ sở bền vững lắm. Mỗi gia đình có một nền nếp văn hóa riêng (…).

Một gia đình có cái bề dày lịch sử trong một xã hội tốt đẹp như bây giờ, thật

đáng yên tâm” [32, 86]. Trước những sóng gió của gia đình, ông Bằng nói với

các con: “Phải quay về với các giá trị tinh thần thôi” [32, 84]. Với ông Bằng, chính những giá trị tinh thần - trong đó có tình yêu thương, sự đùm bọc, chở che của các thành viên, sẽ níu chân người khác dừng lại trước bờ vực của sự sa ngã, khẳng định lẽ sống làm người.

Nếu hiểu truyền thống gia đình mà ông Bằng cố công gìn giữ là một dòng sông thì nhân vật Luận là sự tiếp nối của dòng chảy ấy. Với tư cách là một nhà báo, Luận là hình mẫu của lớp trí thức hôm nay với trí tuệ sắc sảo, luôn tỏ ra năng nổ, nhiệt tình, sống có lý tưởng, trách nhiệm. Trong gia đình, anh là người chồng - người cha - người con sống có tình yêu thương, luôn tận tụy, nỗ lực xây dựng hạnh phúc giữa hoàn cảnh đời sống còn nhiều khó khăn. Trước những biến động của nền kinh tế thị trường và sự xói mòn về đạo đức của con người, Luận tiếp thu và nối tiếp khá hoàn hảo những đức tính của người cha (ông Bằng) trong cảnh huống mới. Theo Luận “Gia đình phải là nơi không có sự chi phối

của đồng tiền, ở đó con người sống với nhau bằng tình cảm thật sự” [32, 85].

Sau ông Bằng, anh như một tấm phên dậu nhỏ để ngăn chặn những cơn sóng dữ không cho nó len lỏi vào từng cá nhân trong gia đình. Có thể nói, ông Bằng và cậu con trai thứ ba của mình đã hoàn tất tiêu chí nhân cách mà nhà văn đề nghị: Dù cuộc sống hiện đại muôn sự đổi thay trong cách nghĩ, cách sống, những quan niệm mới thì nét đẹp văn hóa truyền thống của con người Việt Nam, của gia đình Việt vẫn đang và rất cần được gìn giữ, trân trọng. Mỗi một đại gia đình dù trong những hoàn cảnh khác nhau luôn là cái nôi nuôi dưỡng, bao bọc, chở che, giữ gìn nhân cách con người. Quả thật, dựng lên mô hình gia đình trong Mùa lá rụng trong vườn, Ma Văn Kháng thể hiện tấm lòng thiết tha với cuộc sống, niềm hy vọng vào giá trị tốt đẹp, đáng trân trọng của người Việt.

Với một nhãn quan tinh tường, bằng niềm tin chưa khi nào tắt, Ma Văn Kháng đã hướng ngòi bút vào những cảnh đời khác nhau, để khẳng định nỗ lực giữ gìn vẻ đẹp văn hóa gia đình và trân trọng niềm khát khao được sống trong mái ấm bình yên của người Việt. Trong Đám cưới không có giấy giá thú, nhân vật Tự được xây dựng không nằm ngoài mục đích ấy. Tự là một thầy giáo mực thước, tâm huyết, và tài năng nhưng anh không có cơ hội để phát triển tài năng, để cống hiến tâm huyết cho sự nghiệp trồng người. Anh bị những kẻ đội lốt trí thức như Bí thư Dương, Hiệu trưởng Cẩm...với những thói đời ngu dốt, vụ lợi và tham quyền cố vị chèn ép, trù dập. Điều đáng buồn hơn là khi trở về gia đình, tìm sự nương náu bình yên bên tổ ấm, Tự phải đối mặt với một thực trạng cay đắng: Xuyến - vợ anh đã chạy theo đồng tiền, coi thường chồng và quên đi thiên chức làm vợ, làm mẹ. Có thể thấy Tự là người chồng trong một cuộc hôn thú

không có giấy giá thú”. Song, trước hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, Tự vẫn có ý thức

vượt lên để gìn giữ gia đình. Anh luôn muốn ghé vai san xẻ gánh nặng gia đình với vợ. Dẫu có buồn trước những đổi thay của Xuyến, Tự vẫn phải chấp nhận, cố gắng cảm thông và tha thứ cho Xuyến. Tất cả những nỗ lực của anh có lẽ đều xuất phát từ mong ước giữ lại cho đứa con gái bé bỏng một mái ấm gia đình. Tình thương con nặng sâu khiến anh luôn nhẫn nhịn vợ, cố níu kéo, giữ gìn nề nếp gia phong của gia đình mình, dù biết điều đó là rất khó.

Trên hành trình khám phá, diễn tả và ngợi ca những nỗ lực gìn giữ nề nếp gia pháp, gia phong trong gia đình người Việt, chúng ta không thể không nhắc đến những tấm gương dung dị và cao đẹp của nhiều nhân vật trong tiểu thuyết

Côi cút giữa cảnh đời. Họ đều là những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, số phận éo le, cơ cực. Ấn tượng và cảm động nhất là hình tượng người bà. Bà giữ gìn gia phong nhà họ Lã từ lúc làm dâu đến lúc giã biệt cõi đời. Bà là người

hiểu biết, nhưng hiền hậu, ăn ở với mọi người hết sức toàn vẹn, chu tất” [29,

8]. Khi biết con dâu có quan hệ với một người đàn ông khác, bà khuyên nhủ

phải giữ gìn sao cho khỏi điều ong tiếng ve. Nhất là khi chồng con xa cách

không thành đã để lại nỗi đau vò xé tâm can người mẹ già. Nhưng bà vẫn gượng sống để làm chỗ dựa cho con cháu. Mọi lời bà nói, những việc bà làm đều hướng Duy vào lối sống lạc quan, nhân ái, biết coi trọng và gìn giữ truyền thống gia đình: “Đó là một dòng chảy dồi dào mãnh liệt. Là trùng trùng lớp lớp những con người mạnh mẽ, có thể có tật này nọ, nhưng luôn luôn bất khuất, kiên

trung” [29, 301]. Bên cạnh đó, Dũng - người con trai út của bà, từng qua những

lầm lạc nhưng cũng là một nhân cách cứng cỏi trong cuộc đời người lính, giờ là một cán bộ địa chất. Trong tác phẩm, Dũng là đại diện cho thế hệ trẻ, dẫu ít ỏi, vẫn còn biết trân trọng và tiếp nối, phát huy những giá trị truyền thống của gia đình. Dũng kể lại một giấc mơ gặp tiên tổ, cụ kỵ, ông cha dưới hầm sâu địa chất cho cháu Duy nghe. Nhà văn đã sử dụng thủ pháp hiện thực huyền ảo để khẳng định một chân lý: con người ai cũng có gốc gác, tổ tông và có những giá trị vững bền.

Có thể nói, Ma Văn Kháng đã ý thức được sứ mệnh ngòi bút của mình: viết là để khẳng định, bảo vệ giá trị chân chính của con người. Bằng cái nhìn tinh tế và mới mẻ, các nhân vật của Ma Văn Kháng dù là người trí thức hay người lao động, đều có vẻ đẹp nhân cách đáng trọng. Vượt lên trên mọi toan tính tầm thường, những con người ấy biết giữ mình để không bị tha hoá, không bị tiền bạc danh lợi cám dỗ, không bị cuốn vào xu thế thực dụng của số đông, không sợ hãi cúi đầu trước cái xấu, cái ác mà luôn có ý thức đấu tranh vượt lên hoàn cảnh, giữ gìn nhân cách làm người, giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình Việt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài gia đình trong tiểu thuyết của ma văn kháng sau 1975 từ góc nhìn văn hóa (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)