Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo tại trường trung cấp kinh tế kỹ thuật bắc ninh (Trang 31 - 34)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về nâng cao chất lượng đào tạo

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đào tạo ở Việt Nam

2.2.2.1. Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội

Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội được thành lập và đi vào hoạt động đúng dịp 1000 năm Thăng Long Hà Nội (năm 2010). Sau hơn 5 năm

đi vào hoạt động đến nay quy mô đào tạo đã lên tới 5.500 sinh viên và con số này theo kế hoạch sẽ đạt con số 9.000-10.000 sinh viên vào năm 2020. Hàng năm, trên 75% sinh viên có việc làm trước khi ra trường, sau 1 năm tỷ lệ này đã lên tới 95% sinh viên có việc làm với mức lương 5-12 triệu đồng/tháng, được các doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao; luôn dẫn đầu về số lượng thí sinh đạt giải trong các Hội thi tay nghề Thành phố Hà Nội, Quốc gia hay ASEAN và tăng dần theo từng năm.

Với phương châm: “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”, thực hiện 3 cuộc vận động lớn: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “Nói không với đào tạo đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội”. Chính vì vậy, từ khi thành lập trường đến nay, Trường đã đạt được một hệ thống giáo dục chuẩn mực, đúng với phương châm đề ra. Trường đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp như “mỗi bài học là công việc, mỗi môn học là một sản phẩm”; “ học lý thuyết gắn liền với thực hành, thực tế, nghiên cứu khoa học gắn liền với sản xuất, làm ra sản phẩm”; “ đào tạo gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên”, tuyển sinh các nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao trên địa bàn thành phố Hà Nội và đào tạo gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Bắt đầu từ năm 2015, nhà trường được Bộ Lao động thương binh xã hội, Tổng cục dạy nghề cho phép đào tạo thí điểm 3 nghề: Cơ điện tử, Điện tử công nghiệp và Thiết kế đồ họa theo chương trình của Học viện Chisholm Australia. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên sẽ được cấp 2 bằng, 1 bằng của Học viện Chisholm Australia và 1 bằng của trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Đây chính là điều kiện lý tưởng cho sinh viên có điều kiện tham gia học, không chỉ được tiếp xúc với môi trường giáo dục trong nước mà còn lĩnh hội được những kiến thức hay, có ích cho quá trình học từ nước ngoài.

Chuyển đổi mạnh từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sẵn có của nhà trường dạy nghề theo yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu đa dạng của xã hội bằng cách thường xuyên mở các nghề mới có nhu cầu sử dụng lao động cao của xã hội, theo xu hướng dịch chuyển cơ cấu lao động. Đổi mới và phát triển nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tiên tiến của các nước phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo bước đột phá về chất lượng giảng dạy; lựa chọn những nghề mũi nhọn, trọng điểm để ưu tiên đầu tư.

Với mục tiêu dạy nghề là đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp…Trường đã có 5 nghề đạt cấp độ quốc tế như: công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, kỹ thuật lắp điện và điều khiển trong công nghiệp, thiết kế đồ họa. Và phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt thêm 7 ngành nghề cấp độ quốc tế nữa như: công nghệ hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, lập trình máy tính, quản trị mạng máy tính, quản trị doanh nghiệp, vẽ và thiết kế trên máy tính.

Để có một hệ thống giáo dục tốt, đảm bảo chất lượng nhà trường luôn đưa ra những kế hoạch cụ thể về công tác đào tạo chuyên môn, cụ thể như xây dựng kế hoạch đào tạo: Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo các bộ môn tổ chức biên soạn đề cương học phần, để quản lý thống nhất về nội dung, viết bài giảng. Đồng thời điều chỉnh các chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của từng khóa; Thường xuyên tổ chức kiểm tra việc thực hiện các kế hoạch đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề, giáo dục học sinh…

2.2.2.2. Trường cao đẳng nghề dầu khí

Được thành lập từ ngày 7/11/1975 với nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho ngành Dầu khí nói riêng và xã hội nói chung, đến nay, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đã đào tạo trên 160.000 lượt học viên với hơn 100 chương trình đào tạo.

Trong công tác đào tạo, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí (PVMTC) đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo với nhiều loại hình khác nhau, từ đào tạo ngắn hạn đến dài hạn, bao gồm các loại hình: Đào tạo nghề chuyên ngành dầu khí; Đào tạo bồi dưỡng thường xuyên; Đào tạo ngoại ngữ, tin học; Đào tạo an toàn - môi trường; Đào tạo trước tuyển dụng cho các dự án; Kết hợp với các trường đại học, các trung tâm đào tạo trong và ngoài nước đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Đồng thời, PVMTC còn thực hiện các dịch vụ tư vấn đào tạo và đào tạo theo yêu cầu của khách hàng.

Các chương trình đào tạo của nhà trường được cập nhật liên tục, đổi mới thường xuyên để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của khoa học công nghệ và khách hàng. Nhà trường đã thiết kế và tổ chức thực hiện nhiều chương trình đào tạo khác nhau từ thượng nguồn đến hạ nguồn thuộc nhiều lĩnh vực như thăm dò, khai thác dầu khí; vận chuyển, tồn chứa, phân phối sản phẩm dầu khí; chế biến dầu khí... và các chương trình theo yêu cầu khách hàng.

Trường đã đào tạo cho hơn 1.700 kỹ sư và 2.500 công nhân của hầu hết các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, chế biến khí, vận chuyển khí, điện khí, điện than, đạm… cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị trong ngành làm chủ đầu tư, góp phần đưa các công trình dầu khí vào vận hành an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ.

Một trong những dự án đào tạo tiêu biểu mà PVMTC đã thực hiện, đó là đào tạo cho hơn 600 kỹ sư và công nhân thuộc Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đã được chủ đầu tư là Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và đơn vị tư vấn quản lý đào tạo - Công ty Honeywell Việt Nam đánh giá cao về chất lượng cũng như tính chuyên nghiệp trong công tác đào tạo và quản lý đào tạo dự án.

Riêng trong năm 2017, PVMTC vừa hoàn thành công tác đào tạo cho hơn 200 học viên thuộc Dự án Đào tạo đội ngũ nhân sự vận hành và bảo dưỡng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đào tạo tại trường trung cấp kinh tế kỹ thuật bắc ninh (Trang 31 - 34)