Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.4. Một số bài học kinh nghiệm rút ra cho Thành phố Hà Nội
Một là, khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào hợp tác xã tạo điều kiện để giúp các hộ nông dân cải thiện điều kiện sống và phát triển sản xuất, thông qua liên kết các hoạt động đầu ra, đầu vào cho họ dưới hình thức HTX NN. HTX NN sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân như:
- Bán hàng cho nông dân với giá phải chăng, tiện lợi và đảm bảo chất lượng - Giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa dễ dàng, có kế hoạch với chi phí giảm, giá cả hợp lý, buôn bán văn minh, tiêu chuẩn hóa sản phẩm ở mức cao.
- Tạo thế cạnh tranh tốt cho nông dân cả khi mua và khi bán hàng hóa.
Hai là, môi trường pháp lý tạo thuận lợi cho HTX lựa chọn hình thức tổ
chức phù hợp với điều kiện thực tế của người nông dân. Họ được tự do lựa chọn giữa loại hình HTX và doanh nghiệp cũng như thuận lợi trong việc chuyển đổi từ HTX thành doanh nghiệp. Môi trường pháp lý đảm bảo HTX được đối xử bình đẳng và phải cạnh tranh với các tác nhân thị trường khác. Chính vì vậy, muốn HTX phát triển thì rất cần có sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở ngành, Các Chi cục Phát triển nông thôn, Đoàn thể của Thành phố với các Huyện và Liên minh HTX trong việc xây dựng và phát triển kinh tế HTX.
Ba là, chấn chỉnh và đổi mới HTX phải hoạt động theo Luật; đổi mới cả
về tổ chức, cơ chế quản lý, phương thức phân phối và phát huy dân chủ. HTX cần xem xét lại tư cách thành viên để tránh tình trạng “thành viên toàn dân” vẫn ở lại trong HTX, đây là một trong những nhân tố kìm hãm sức sản xuất của HTX thời gian qua.
Bốn là, đổi mới tư duy trong sản xuất, kinh doanh của các lĩnh vực.
Nghiên cứu thị trường là việc làm đầu tiên, thường xuyên và cực kỳ quan trọng đối với các HTX. Vì nhu cầu của thị trường rất đa dạng nên sản xuất sản phẩm gì, chủ thể sản xuất cần phải đối chiếu, phân tích điểm mạnh điểm yếu về các nguồn lực phát triển kinh tế hiện có của mình để tạo ra các sản phẩm có sức cạnh trạnh cao. Đồng thời phải nhanh chóng nắm bắt, tận dụng được cơ hội để có chiến lược kinh doanh đúng và kịp thời. Thay đổi cách làm cũ trong sản xuất là sản xuất trước khi lo thị trường, còn trong kinh tế thị trường thì các hình thức kinh tế HTX phải sản xuất và bán cái thị trường cần chứ không bán cái mà mình có.
Năm là, tuỳ điều kiện cụ thể của từng HTX mà lựa chọn phương thức sản
xuất kinh doanh thích hợp (chuyên ngành hay tổng hợp). Tuy nhiên, để đưa HTX NN phát triển, tránh những rủi ro về thị trường thì HTX NN phải liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên thông qua hình thức ký kết hợp đồng.
Điều này sẽ giúp HTX NN ổn định sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và ràng buộc lẫn nhau về quyền lợi, trách nhiệm trong cơ chế thị trường đầy biến động,
Sáu là, nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy chất lượng an toàn thực phẩm
là sự sống còn của HTX NN; áp dụng đa dạng hoá các kênh tiêu thụ (bán lẻ, bán buôn, giao hàng đến tận nhà...).
Bảy là, đẩy mạnh công tác liên kết, đặc biệt là liên kết “bốn nhà” để tăng
cường sức mạnh thị trường. Các HTX đóng vai trò là cầu nối giữa nông dân, nhà nước và doanh nghiệp, để nông dân có thể tiếp cận được với thị trường, đảm bảo giữa cung và cầu hàng hóa, giảm thiểu mọi rủi ro trong sản xuất của nông dân.
Tám là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong các HTX NN, cần phải
có đội ngũ cán bộ giỏi; có bộ máy quản lý HTX NN ổn định. Tư duy của ban Quản trị HTX NN phải đổi mới để có thể nắm bắt thời cơ, phát huy mọi tiềm lực sẵn có cùng với sự hỗ trợ từ các chính sách của nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà kinh tế tập thể ngày càng được chú trọng phát triển.
* Tóm lại
Ở Việt Nam, việc vận dụng và kết hợp khéo léo các kinh nghiệm phát triển HTXNN trên thế giới sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp và nông thôn Việt Nam phát triển và hội nhập. Như vậy để HTXNN phát triển có hiệu quả cao và theo hướng bền vững thì phải gắn chặt quá trình CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đổi mới về nhận thức, vị trí, vai trò và những tác dụng của HTXNN, từng bước đưa các HTXNN sản xuất ở quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá, trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với nguyên tắc của Liên minh các HTX quốc tế nhằm thích ứng với quá trình hội nhập, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, khép kín tự cấp, tự túc nhằm tạo ra nhu cầu và động lực tham gia vào HTXNN của kinh tế hộ.
Nhà nước cần có những chính sách tài chính- tín dụng, chính sách khoa học - công nghệ và khuyến nông, chính sách đầu tư, chính sách thị trường…để hỗ trợ cho các hộ nông dân chuyển dần sang sản xuất hàng hoá bền vững và có hiệu quả, chú trọng đến ngành công nghiệp chế biến đặc biệt là chế biến nông sản phẩm, nâng dần tỷ trọng hàng hoá nông sản tinh chế, coi trọng công tác cán bộ HTXNN mà trước hết là Ban quản trị HTXNN. Mạnh dạn mở rộng liên kết hợp tác giữa các HTXNN với các doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác trong và ngoài nước, phải chủ động tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ từ các nhà khoa học,
nhà kinh tế để nâng cao trình độ quản lý, kinh doanh của cán bộ HTXNN và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước trong xu thế hội nhập.