Nội dung quản lý môi trường làng nghề

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý môi trường làng nghề trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (Trang 31 - 41)

PHẦN 1 MỞ ĐẦU

2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ

2.1.4. Nội dung quản lý môi trường làng nghề

2.1.4.1. Quy hoạch, quy định về quản lý môi trường làng nghề

Theo Lưu Đức Hải (2001), chính sách của nhà nước về quản lý môi trường làng nghề là các văn bản mang tính pháp quy thể hiện quan điểm, tư tưởng của nhà nước về vấn đề quản lý môi trường làng nghề và thông qua đó

điều hành, quản lý các vấn đề liên quan quản lý môi trường làng nghề. Các chính sách của nhà nước mang tính định hướng giúp quá trình thực hiện các vấn đề liên quan đến quản lý môi trường làng nghề được tốt hơn và nó coi như định hướng giúp các hoạt động về quản lý môi trường làng nghề đi theo mục tiêu đã được vạch sẵn, đưa ra các biện pháp sử lý giải quyết các vấn đề liên quan. Do đặc điểm của môi trường làng nghề rất phức tạp liên quan đến nhiều mặt của cuộc sống nên quản lý môi trường làng nghề cần sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Hàng năm, Nhà nước có sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới về quản lý môi trường làng nghề cho phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng thế giới. Ở nhiều nước có các luật bảo vệ môi trường riêng cho từng thành phần môi trường tự nhiên, xã hội. Ví dụ, ở Mỹ ban hành luật kiểm soát ô nhiễm nước, không khí, luật nước sạch,… Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, luật môi trường tạo ra khung pháp lý cho các quy định chi tiết dưới luật của các ngành chức năng như Bộ KHCN, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & PTNT,… Các bộ luật môi trường thường được bổ sung, hoàn chỉnh và chi tiết hóa theo các quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015. Trong giai đoạn 2011 - 2015, lần đầu tiên, Ban chấp hành Trung ương Đảng thể hiện quan điểm, chủ trương nhất quán của mình trong công tác BVMT bằng việc ban hành Nghị quyết Trung ương số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Các chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động trong giai đoạn mới tiếp tục được Chính phủ ban hành nhằm triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và nhiều chương trình, chiến lược, kế hoạch chuyên ngành khác.

Ngay sau khi Luật bảo vệ môi trường năm 2014 được thông qua, hàng loạt văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành. Hiện nay, các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn đang tiếp tục được xây dựng hoàn thiện. Nhìn chung, so với giai đoạn trước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT đã được cụ thể hóa; đã có nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành về BVMT như: kiểm soát ô nhiễm; quản lý chất thải; quản lý môi trường lưu vực sông (LVS); quản lý môi trường khu công nghiệp (KCN), làng nghề; quản lý môi trường biển và hải đảo; ĐDSH; quan trắc và

thông tin môi trường; ưu đãi, hỗ trợ tài chính; phát triển công nghệ; xã hội hóa công tác BVMT,... Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cũng được rà soát, sửa đổi và ban hành đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn. Vấn đề tạo hành lang pháp lý cho công tác BVMT trong quản lý vùng, lĩnh vực liên ngành đã được chú trọng hơn, thông qua việc đẩy mạnh việc triển khai các đề án và chương trình trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: các Đề án BVMT đối với các LVS lớn (LVS Cầu, Nhuệ - Đáy); Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo Việt Nam. Tiếp tục phê duyệt các đề án, chương trình mới như Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; Đề án tổng thể BVMT làng nghề...

Hộp 2.1. Tình hình xây dựng, ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường

Giai đoạn 2008 - 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới 47 lượt QCVN; trong đó có 14 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh (nước, không khí, trầm tích, tiếng ồn, độ rung) và 33 QCVN về chất thải (khí thải, nước thải, chất thải rắn, phế liệu,...). Trong năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND Tp. Hà Nội để xây dựng, ban hành 05 quy chuẩn riêng cho Thủ đô Hà Nội theo Thông tư số 51/2014/TT-BTNMT ngày 05 tháng 9 năm 2014. Năm 2015, theo kế hoạch Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành 18 QCVN để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý môi trường; nghiên cứu, rà soát và xây dựng 17 TCVN trong lĩnh vực môi trường.

Nguồn: Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011 – 2015, Bộ TN&MT, 2015. Tại các địa phương, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch cũng đã được xây dựng và triển khai thực hiện, như các quy định về BVMT trên địa bàn tỉnh, thành phố; kế hoạch BVMT hằng năm và 5 năm; quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố,... Trong năm 2015, các địa phương cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai Luật bảo vệ môi trường năm 2014.

2.1.4.2. Tuyên truyền giáo dục, vận động ý thức bảo vệ môi trường và tổ chức thu gom, xử lý rác thải

Theo Lưu Đức Hải (2001), công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường làng nghề không chỉ dừng lại ở các sinh hoạt

mang tính văn hoá, xã hội và nhân văn, mà còn là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Trên cơ sở phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông đại chúng và các địa phương, công tác truyền thông môi trường đã được tiến hành một cách đa dạng và thường xuyên thông qua các sự kiện, các cuộc thi, giải thưởng về môi trường, các lớp tập huấn, hội nghị, các mô hình tiến tiến về bảo vệ môi trường làng nghề các tin bài, phóng sự phản ánh về các vấn đề môi trường trọng điểm trong nước và quốc tế. Ở cấp Trung ương, hàng năm đều đã có văn bản hướng dẫn các ngành và các địa phương tổ chức các sự kiện, chiến dịch truyền thông môi trường; phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức môi trường cho cộng đồng. Đến nay, ở cấp Trung ương đã ban hành 09 Nghị quyết liên tịch về phối hợp BVMT với các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Liên minh các hợp tác xã Việt Nam, Trung ương - Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội người cao tuổi Việt Nam; đã ký 03 Nghị quyết về phối hợp tuyên truyền BVMT với các cơ quan truyền thông đại chúng là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam.

Theo Nguyễn Thế Chinh (2003), việc tăng cường giáo dục môi trường trong các trường học tiếp tục được chú trọng thông qua triển khai Đề án “Đưa các nội dung BVMT vào hệ thống giáo dục quốc dân”. Đã xây dựng được các chương trình, giáo trình, tài liệu tích hợp các nội dung BVMT, xây dựng các băng hình, truyện tranh, pano, áp phích về giáo dục BVMT phục vụ công tác giảng dạy, học tập trong các trường học trên phạm vi cả nước. Đối với đối tượng là cộng đồng doanh nghiệp vấn đề nâng cao nhận thức, tạo các cơ chế, chính sách hỗ trợ năng lực kỹ thuật và tài chính là những yếu tố quan trọng nhằm cải thiện công tác BVMT tại các doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2011 - 2015, khá nhiều chương trình, dự án đã tích cực triển khai nhằm khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước đưa công tác BVMT vào các khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu được nhiều kết quả khá tốt. Thông qua các hoạt động đào tạo, truyền thông với sự tham gia của các lực lượng trong xã hội đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức BVMT của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Cho đến nay, đã có nhiều loại hình được các tổ chức và cá nhân tham gia đầu tư phát triển vào lĩnh vực môi trường từ nhiều nguồn vốn, bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích. Một số lĩnh vực phát triển mạnh như: thu gom, vận chuyển rác thải, cơ sở xử lý rác thải; thu gom; xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; xử lý nước thải sinh hoạt quy mô nhỏ phân tán,… Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét, ban hành Khung chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam, Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020 và một số cơ chế, chính sách tài chính phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam. Tại các địa phương, việc thu gom rác thải đã triển khai đến tất cả các hộ gia đình, hộ sản xuất và các doanh nghiệp. Người dân được hướng dẫn phân loại, đổ rác đúng nơi quy định và có đội thu gom rác thải hoạt động theo lịch trình nhất định. Ngoài ra, hoạt động xử lý rác thải đang chuyển từ việc chôn lấp, đốt rác kiểu truyền thống sang hướng xử lý bằng công nghệ hiện đại, xử lý triệt để và tiết kiệm năng lượng.

2.1.4.3. Tổ chức các hoạt động quản lý môi trường làng nghề

Tổ chức thực hiện công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý môi trường làng nghề nói riêng là nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành môi trường ở mỗi quốc gia. Các bộ phận chức năng của ngành môi trường bao gồm: bộ phận nghiên cứu đề xuất kế hoạch, chính sách, các quy định pháp luật dùng trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề; bộ phận quan trắc, giám sát, đánh giá thường kỳ chất lượng môi trường làng nghề; bộ phận thực hiện các công tác kỹ thuật, đào tạo cán bộ môi trường làng nghề; bộ phận nghiên cứu, giám sát việc thực hiện công tác môi trường làng nghề ở các địa phương, các cấp, các ngành.

Trong công tác tổ chức quản lý môi trường làng nghề cần thực hiện: a. Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường và có sự tham gia của cộng đồng.

Theo Nguyễn Thế Chinh (2003), việc kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về môi trường các cấp tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn 2011 - 2015. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đầu mối trong hoạt động quản lý nhà nước về môi trường. Chức năng quản lý môi trường một số lĩnh vực chuyên ngành như quản lý CTR, quản lý môi trường LVS, quản lý môi trường biển và hải đảo, quản lý và bảo tồn ĐDSH,... được phân công cho các Bộ, ngành có liên quan cùng tham gia thực hiện. Từ giai đoạn trước, để đáp ứng yêu cầu phân công quản lý nhà nước về môi trường,

hầu hết các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước có các tổ chức, bộ phận chuyên môn BVMT. Đến nay, ở Trung ương đã có 08 Bộ, ngành thành lập đơn vị có chức năng quản lý về môi trường theo ngành, lĩnh vực. Ở cấp địa phương, đến nay, Chi cục BVMT đã được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, đã có 672/675 quận, huyện thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường; nhiều quận, huyện đã tăng cường cán bộ có chuyên môn môi trường cho phòng Tài nguyên và Môi trường. Đa số các xã, phường giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường cho cán bộ địa chính kiêm nhiệm, một số ít nơi đã bố trí cán bộ chuyên trách; một số nơi giao nhiệm vụ này cho cán bộ văn phòng Ủy ban nhân dân xã, phường.

b. Quy hoạch quản lý môi trường làng nghề

Theo Nguyễn Thế Chinh (2003), theo đánh giá cụ thể của một số nhà nghiên cứu về diện tích sử dụng, về hạ tầng cơ sở tại các khu quy hoạch làng nghề thông qua các hoạt động cấp nước, thoát nước, cấp điện, hệ thống đường đi cũng như các hệ thống xử lý môi trường làng nghề của Việt Nam hiện nay hầu như chưa được quan tâm. Nhìn chung, hiện trạng quy hoạch các làng nghề nước ta diễn ra còn manh mún, chưa có kế hoạch cụ thể ở cấp tỉnh, thành phố.

Hiện nay, một mô hình quy hoạch khác đang được triển khai là: Chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình. Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất chuyển chuyển xưởng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Trong quá trình quy hoạch xây dựng môi trường làng nghề, chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất cho thu gom, xử lý chất thải của quản lý môi trường làng nghề. Một khâu không thể thiếu trong quản lý môi trường là nghề là công tác quan trắc môi trường làng nghề nhằm theo dõi, đo đạc thường xuyên đối với một số chỉ tiêu, chỉ thị thành phần môi trường có tính hệ thống, để cung cấp các thông tin cần thiết về chất lượng của môi trường giúp cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để thực hiện công tác quan trắc thuận lợi cần có những đầu tư vào trang thiết bị quan trắc hiện đại. Đây là yêu cầu khó khăn đối với cơ quan quản lý cấp xã, do đó cần huy động sự đầu tư của Nhà Nước và các tổ chức trong và ngoài nước (Nguyễn Thế Chinh, 2003).

c. Xây dựng các quy định về lệ phí môi trường

Theo Lưu Đức Hải (2001), địa phương Sử dụng các công cụ kinh tế được sử dụng nhằm tác động tới chi phí và lợi ích trong hoạt động của tổ chức kinh tế để tạo ra các tác động tới hành vi ứng xử của nhà sản xuất có lợi cho môi trường. Công cụ kinh tế có hai đặc điểm cơ bản sau:

+ Công cụ kinh tế hoạt động thông qua giá cả, chúng nâng giá của các hành động làm tổn hại đến môi trường lên hoặc hạ giá cả của các hành động bảo vệ môi trường xuống.

+ Công cụ kinh tế dành khả năng lựa chọn cho các công ty và cá nhân hành động sao cho phù hợp với điều kiện của họ.

Công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường được áp dụng trên các nguyên tắc cơ bản đã được quốc tế thừa nhận là “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (PPP) và nguyên tắc “Người được hưởng thụ phải trả tiền” (BPP).

- Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (PPP) cho rằng: Những tác nhân gây ô nhiễm phải trả mọi chi phí cho hoạt động kiểm soát và phòng chống ô nhiễm. Đồng thời nguyên tắc PPP “mở rộng” 1974 chủ trương rằng, các tác nhân ngoài việc tuân thủ các chi phí tiêu chuẩn đối với việc gây ô nhiễm còn phải bồi thường cho những người bị thiệt hại do ô nhiễm gây ra.

- Nguyên tắc “Người được hưởng thụ phải trả tiền” (BPP) cho rằng những người được hưởng lợi từ việc chất lượng môi trường được cải thiện cũng phải trả một khoản tiền.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý môi trường làng nghề trên địa bàn huyện thường tín, hà nội (Trang 31 - 41)