PHẦN 3 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1. ĐẶC ĐIỂM HUYỆN THƯỜNG TÍN, HÀ NỘI
3.1.3. Những thuận lợi và khó khăn
3.1.3.1. Thuận lợi
Điều kiện tự nhiên như vị trí địa lý, khí hậu, thủy văn, nền thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi cho phép sản xuất nền nông nghiệp phong phú, năng suất cao làm cơ sở cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc
biệt, Thường Tín có vị trí nằm sát đô thị trung tâm, có các tuyến cao tốc huyết mạch, gia thông thuận lợi (gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy...) nên tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trong giao lưu kinh tế, văn hóa...
Nền kinh tế đang có bước tăng trưởng nhanh ổn định, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ - du lịch.
Có nguồn lao động dồi dào, giàu kinh nghiệm, có trình độ thâm canh, có ý thức hướng tới sản xuất hàng hóa, được chú trọng trong đào tạo nên hiệu quả sử dụng đất tương đối cao.
Diện tích đất nông nghiệp còn khá nhiều, tạo điều kiện chuyển đổi một phần diện tích phục vụ các mục đích sử dụng khác.
Hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống giao thông phân bố rộng khắp và khá hợp lý nên tạo thuận lợi trong giao lưu kinh tế, văn hóa, tạo điều kiện tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển nền kinh tế đa dạng.
Sau khi sáp nhập, với cách thức quản lý mới, thủ tục hành chính và các nhân tố khác tạo nên môi trường đầu tư của huyện cũng thay đổi theo hướng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mặt khác, từ ảnh hưởng của Hà Nội, nhiều nhà đầu tư sẽ biết đến Thường Tín và thông qua đó tăng cường trao đổi, tìm kiếm thông tin và cơ hội đầu tư. Nguồn vốn thu hút từ bên ngoài sẽ là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn
3.1.3.2. Khó khăn
Trong những năm tới, yêu cầu phát triển nhanh công nghiệp - xây dựng, du lịch - dịch vụ kéo theo nhu cầu sử dụng đất ngày càng lớn. Ngoài ra, tuy hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Việc bố trí thỏa đáng đất đai cho nhu cầu này, đặc biệt là yêu cầu cho đất khu, cụm công nghiệp, đất ở… là rất cần thiết đồng thời bắt buộc phải bố trí vào đất sản xuất nông nghiệp, nếu không tính toán và quy hoạch hợp lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân.
Nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông thôn thì việc bố trí đất cho các khu, cụm công nghiệp, đất sản xuất kinh doanh cũng như việc đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, cấp thoát nước, trường học, y tế…) sẽ
đòi hỏi một quỹ đất tương đối lớn, không chỉ gây sức ép về quy mô diện tích mà còn tạo áp lực trong việc xác định vị trí xây dựng, bố trí công trình.
Cùng với đẩy nhanh phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ du lịch, tốc độ đô thị hóa sẽ diễn ra nhanh trong những năm tới. Nhu cầu đất cho quy hoạch các khu đô thị là khá lớn gây áp lực không nhỏ đến sử dụng đất đặc biệt là các khu vực có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển.
Dân số tăng đòi hỏi quỹ đất lớn phục vụ xây dựng nhà ở, đất sản xuất, xây dựng công trình phục vụ đời sống của con người như công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi… Điều này cũng tác động rất lớn đối với đất đai của huyện.
Như vậy, từ thực trạng phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây cũng như dự báo phát triển trong tương lai (trong khi quỹ đất có hạn) thì áp lực đối với đất đai của huyện đã và sẽ ngày càng gay gắt hơn dẫn đến thay đổi lớn hiện trạng sử dụng đất hiện nay của huyện. Do đó, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, bền vững, cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc khai thác sử dụng đất theo hướng khoa học trên cơ sở: tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả; bố trí đất đai phải đáp ứng được nhu cầu về đất sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ cho việc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống người dân.