3.1.1. Đặc điểm tự nhiên
3.1.1.1. Vị trí địa lý và đặc điểm đất đai, địa hình
* Vị trí địa lý
Huyện Thường Tín nằm dọc Quốc lộ 1A, cách trung tâm thành phố Hà Nội 13 km về phía Nam, có ranh giới tiếp giáp như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Thanh Trì; - Phía Nam giáp huyện Phú Xuyên;
- Phía Đông giáp huyện Văn Giang và huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, với dải ngăn cách tự nhiên là sông Hồng;
- Phía Tây giáp huyện Thanh Oai.
Huyện Thường Tín có tổng diện tích 12.738,64 ha, gồm 29 xã, thị trấn. Dân số khoảng 241770 người. Thường Tín là huyện mới của thủ đô Hà Nội, nằm gần với các trung tâm kinh tế lớn. Huyện Thường Tín có hệ thống giao thông của Quốc gia chạy dọc trung tâm huyện như đường quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường sắt Bắc - Nam chạy dài gần 20km với 3 nhà ga (Thường Tín, Chợ Tía và Đỗ Xá), cùng với tuyến đường thuỷ trên sông Hồng và sông Nhuệ. Điều kiện giao thông này đã tạo cho Thường Tín và vùng phụ cận trở thành đầu mối, một địa phận thực hiện trung chuyển các loại hàng hoá giữa Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi của Thường Tín trong việc liên kết kinh tế, giao lưu hàng hoá với trung tâm Thủ đô và huyện khác thuộc thành phố và các tỉnh lân cận.
Ngoài ra, với vị trí gần trung tâm Hà Nội, Thường Tín là huyện có lợi thế hơn trong việc nắm bắt ngoại ứng tích cực từ sự phát triển kinh tế đa dạng của khu vực Hà Nội nói riêng và vùng kinh tế các tỉnh phía Bắc nói chung. Từ đó, yêu cầu phân bổ sử dụng đất cho các ngành, các lĩnh vực cần hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, vừa phù hợp với nguồn lực sẵn có, vừa chủ động tạo tiền đề khai thác các nguồn lực vật chất từ bên ngoài, tạo đòn bẩy tổng hợp trong phát triển KT-XH trước mắt và lâu dài (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
* Địa hình, địa mạo
Thường Tín là huyện đồng bằng sông Hồng, địa hình tương đối bằng phẳng, độ chênh lệch cao thấp giữa các vùng không đáng kể. Địa hình có hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây. Địa hình có độ cao so với mực nước biển từ 5 - 8m. Sự thiếu hụt bồi tích của hệ thống sông đã làm cho bề mặt địa hình của phần lớn diện tích trong đồng thấp hơn bề mặt của bãi bồi ngoài đê và thường bị úng lụt vào mùa mưa. Vùng đất ngoài bãi nằm dọc theo triền sông lớn có hiện tượng xói lở, chia cắt làm bề mặt thay đổi về hình dạng vùng cũng như diện tích khu đất này (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
3.1.1.2. Điều kiện khí hậu, thủy văn
* Khí hậu
Thường Tín nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng: mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều và mùa đông khô lạnh, mưa ít.
Nhiệt độ bình quân hàng năm 23,50C, tổng nhiệt lượng cả năm khoảng 8.000 - 8.5000C.
Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.600-1.700mm, chủ yếu tập trung vào các tháng 6,7,8 và 9.
Độ ẩm không khí trung bình hàng năm là 82%, độ ẩm cao nhất là 92% và độ ẩm thấp nhất là 60%.
Số giờ nắng trung bình hàng năm là 1.741 giờ, thuộc mức tương đối cao, có điều kiện thích hợp để canh tác nhiều vụ trong năm.
Thường Tín chịu ảnh hưởng của 2 loại gió rõ rệt, gió đông bắc xuất hiện vào mùa đông và gió đông nam xuất hiện vào mùa hè. Ngoài ra, vào các tháng chuyển tiếp giữa 2 mùa thỉnh thoảng xuất hiện gió tây nam và đông nam.
Tác động của biến đổi khí khậu đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, với vị trí và khí hậu vùng Đồng bằng sông Hông, nên ngoài lợi thế đối với sản xuất (đặc biệt là sản xuất nông nghiệp) và đời sống, huyện còn có lợi thế từ việc ít chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Đó là lợi thế lớn trong trong sử dụng đất và phát triển kinh tế (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
* Thủy văn
- Sông Hồng nằm ở phía đông chạy theo ranh giới huyện Thường Tín, với chiều dài khoảng 20 km, đóng vai trò quan trọng về giao thông đường thủy, là nguồn cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho đời sống sinh hoạt của nhân dân.
- Sông Nhuệ nằm ở phía tây, cũng là nguồn cung cấp nước và tiêu thoát nước quan trọng cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có sông Tô Lịch chảy qua với chiều dài 12 km, hiện tại lòng sông bị bụi, rác, và thực vật che phủ nên tốc độ dòng chảy chậm. Hệ thống sông ngòi tự nhiên trên được nối với nhau bởi khá nhiều sông đào, kênh dẫn nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới tiêu, giao thông thủy. Đồng thời, các hệ thống sông này cũng tạo nên một diện tích đất phù sa màu mỡ (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
3.1.1.3. Tài nguyên thiên nhiên
* Tài nguyên đất
Thổ nhưỡng huyện Thường Tín chủ yếu được bồi đắp bởi 2 sông chính là sông Nhuệ và sông Hồng, được chia làm 5 loại chính như sau:
- Đất cát trắng: có diện tích khoảng 122,22 ha chiếm 0,96% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện, phân bố tập trung ở xã Tự Nhiên.
- Đất phù sa trung tính: có diện tích khoảng 171,56 ha chiếm 1,34% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Được phân bố ở các xã có diện tích nằm ngoài đê như: Tự Nhiên, Ninh Sở, Thống Nhất, Hồng Vân, Chương Dương, Lê Lợi, Vạn Điểm.
- Đất phù sa chua: có diện tích khoảng 6.059,48 ha, chiếm 57,45% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Đây là loại đất phân bố tập trung ở trong đê, có trên tất cả các xã, thị trấn trong huyện.
- Đất phù sa trung tính gley: có diện tích khoảng 1.711,06 ha chiếm 13,40% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Đây là loại đất phân bố trong đê, trên địa bàn các xã Ninh Sở, Duyên Thái, Nhị Khê, Hiền Giang, Hòa Bình, Văn Bình, Văn Phú, Tân Minh, Dũng Tiến, Duyên Thái, Nguyễn Trãi, Nghiêm Xuyên, Thắng Lợi, Tô Hiệu, Quất Động, Liên Phương, Minh Cường, Văn Tự.
- Đất phù sa gley chua: có diện tích khoảng 386,92 ha chiếm 3,03% tổng diện tích đất tự nhiên của huyện. Đây là loại đất phân bố trong đê, có trên địa bàn các xã Dũng Tiến, Thắng Lợi, Tân Minh, Tiền Phong, Khánh Hà.
Nhìn chung, nền thổ nhưỡng huyện Thường Tín thích hợp cho các loại cây hàng năm như lúa, rau màu và có thể tiến hành thâm canh tăng vụ phục vụ phát triển nông nghiệp (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
* Tài nguyên nước
Bao gồm nguồn nước mặt và nước ngầm. Trữ lượng nước khá dồi dào nhưng phân bố không đều.
- Nguồn nước mặt: Nguồn nước mặt đang sử dụng chủ yếu lấy từ sông Hồng qua trạm tưới Hồng Vân. Nước sông Hồng có hàm lượng phù sa cao, chất lượng nước tốt, rất thích hợp cho việc cải tạo đồng ruộng. Sông Nhuệ vừa là nguồn cung cấp nước tưới quan trọng cũng vừa là nguồn tiêu thoát nước chủ yếu của huyện. Trên địa bàn huyện còn có một số sông nhỏ như sông Tô Lịch, sông Hòa Bình. Ngoài nguồn nước mặt của các sông, Thường Tín còn có các ao, hồ, đầm với trữ lượng nước khá lớn phục vụ cho phát triển nuôi trồng thủy sản và nhu cầu cung cấp nước tại chỗ.
- Nguồn nước ngầm: Theo khảo sát sơ bộ, nước ngầm có trữ lượng lớn, phân bố ở độ sâu 15 - 25m, có thể khai thác vào mục đích sản xuất và sinh hoạt. Nước ngầm hiện được tìm thấy trong độ sâu 15 - 25m dưới lòng đất. Nước ngầm đang được khai thác để cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới và phục vụ sản xuất công nghiệp. Huyện Thường Tín có 02 nhà máy cung cấp nước sạch, nhưng số lượng nước cung cấp chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Đa số các hộ dân sử dụng nước ngầm trực tiếp cho mục đích sinh hoạt. Trên địa bàn, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cũng có công suất sử dụng nước ngầm ở mức cao, trong đó hai liên doanh nước ngoài có công suất sử dụng nước rất lớn là Cocacola và nhà máy bia Tiger (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
* Tài nguyên khoáng sản
Huyện Thường Tín có tiềm năng đất khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 15ha đang cho khai thác khoáng sản và 250ha đất cho khai thác vật liệu xây dựng. Các loại khoáng sản và nguyên vật liệu có thể khai thác được chủ yếu là cát xây dựng và đất làm gạch ngói... tập trung ở các xã như Hồng Vân, Tự Nhiên, Thống Nhất, Vạn Điểm... (Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thường Tín, 2016).
* Tài nguyên văn hóa – nhân văn
Huyện Thường Tín có 126 làng, hiện được phân thành 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố tại 28 xã và 1 thị trấn được thừa hưởng truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc của vùng ven đô. Trong các cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, vùng đất này có nhiều dấu ấn đi vào lịch sử. Ngày nay, trong công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cần cù sáng tạo trong lao động, sản xuất, mang lại những thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội. Kế thừa những thành quả đã đạt được, tranh thủ thời cơ, phát huy truyền thống vốn có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang vững bước tiến lên, cùng với thành phố Hà Nội và cả nước vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp (UBND huyện Thường Tín, 2016).
Huyện Thường Tín có nhiều di chỉ khảo cổ học của thời ký đồ đá mới, thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Huyện còn có nhiều địa danh đã được sử sách ghi lại như Chương Dương Độ, Hà Hồi. Hiện nay, toàn huyện có 385 điểm di tích lịch sử, trong đó có gần 100 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp Thành phố. Những di tích nổi bật là chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), chùa Mui (xã Tô Hiệu), đền thờ Nguyễn Trãi (xã Nhị Khê)... Huyện là vùng đất khoa bảng, có nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt. Hàng năm, có hàng nghìn lượt khách viếng thăm, hầu hết là khách trong nước với mục đích tín ngưỡng. Tuy vậy, tiềm năng du lịch của huyện chưa được khai thác triệt để, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cấp các di tích lịch sử và cảnh quan, khôi phục và xây dựng truyền thống văn hóa dân gian (UBND huyện Thường Tín, 2016).
3.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội
3.1.2.1. Hiện trạng kinh tế
Phát huy lợi thế trong phát triển kinh tế, xã hội, trong những năm qua, huyện Thường Tín đã thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế để hòa nhịp vào sự phát triển chung của thành phố. Kết quả tăng trưởng kinh tế thể hiện qua chỉ tiêu tổng giá trị sản xuất và tổng giá trị gia tăng toàn huyện trong những năm qua. Tổng giá trị sản xuất cho thấy kết quả chung của các ngành kinh tế trong phạm vi huyện quản lý.
Bảng 3.1. Giá trị sản xuất của huyện Thường Tín giai đoạn 2013 – 2015 Đvt: Tỷ đồng Chỉ tiêu 2013 2014 2015 So sánh (%) 14/13 15/14 BQ Tổng giá trị 17918 19517 22015 108,92 112,80 110,84 TM - DV 5904 6150 7073 104,17 115,01 109,45 CN - XD 10434 11738 13264 112,50 113,00 112,75 Nông, lâm nghiệp, thủy sản 1580 1629 1678 103,10 103,01 103,05
Nguồn: UBND huyện Thường Tín (2015) Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế, toàn huyện luôn duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao. Giai đoạn 2013-2015 giá trị sản xuất toàn huyện tăng bình quân 10,84%. Đây là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước và thành phố Hà Nội nói riêng. Nếu duy trì tốc độ tăng trưởng trên đây, huyện Thường Tín sẽ thuộc nhóm các quận huyện đóng góp vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng chung của toàn thành phố trong giai đoạn tiếp theo.
Tốc độ tăng trưởng cao vẫn được duy trì trước tác động của suy thoái kinh tế, tác động của thiên tai, dịch bệnh… là cơ sở quan trọng để cải thiện các chỉ tiêu kinh tế của huyện. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành kinh tế toàn huyện giai đoạn 2013-2015 mạnh mẽ nhất thuộc về nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 12,75%, tiếp đến là ngành Thương mại - Dịch vụ 9,45% và cuối cùng là ngành Nông, lâm nghiệp và Thủy sản giai đoạn này tăng trưởng bình quân 3,05%. Tốc độ tăng trưởng nhanh, kinh tế huyện Thường Tín dần chuyển dịch theo hướng của nền kinh tế công nghiệp.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ diễn ra trong cơ cấu kinh tế chung của huyện mà còn chuyển dịch trong cơ cấu nội bộ mỗi ngành, lĩnh vực, vùng và thành phần kinh tế. Cơ cấu kinh tế chung của Thường Tín đang chuyển dịch theo hướng tăng nhanh GTSX và tỷ trọng trong tổng GTSX của ngành công nghiệp - xây dựng và ngành thương mại, dịch vụ; giảm dần GTSX và tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Cơ cấu nông nghiệp giảm dần từ 8,8% năm 2013 xuống còn 7,6% năm 2015. Xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp biểu hiện rõ nhất ở tỷ trọng giá trị gia tăng.
Đvt: %
Biểu đồ 3.1: Cơ cấu kinh tế theo ngành của huyện Thường Tín giai đoạn 2013 – 2015
Nguồn: UBND huyện Thường Tín (2015) Cụ thể các ngành: Ngành Nông nghiệp và thủy sản cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi dần theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Trong đó, chủ yếu vẫn là chăn nuôi lợn. Trước tác động của dịch bệnh, thiên tai làm tỷ trọng ngành chăn nuôi lợn giảm nhẹ so với năm trước nhưng tỷ trọng này vẫn duy trì ở mức cao. Ngoài ra, cơ cấu ngành nông nghiệp còn chuyển dịch thông qua các tác động của các hoạt động. Phát triển chăn nuôi chuyển sang sản xuất hàng hoá, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bền vững về môi trường, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường đầu ra.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp ở nông thôn, phát triển các ngành, nghề phi nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn đổi mới nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại. Cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ tăng từ 58,2% năm 2013 lên 60,2% năm 2015. Ngành CN - TTCN: mặc dù tỷ trọng ngành công nghiệp tăng trong cơ cấu kinh tế chung của huyện nhưng trong nội bộ ngành công nghiệp không có sự chuyển dịch lớn. Các nhóm ngành được ưu tiên phát triển là các ngành có lợi thế sản xuất trên địa bàn huyện như: công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Phát triển các nhóm ngành này nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp phát triển.
Ngành TM – DV: Qua việc thực hiện rà soát qui hoạch hệ thống chợ ở các xã, thị trấn như chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Lê Lợi), chợ Mới (Hồng Vân), chợ xã Văn Phú, tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm, quảng bá hàng hoá... tăng cường công tác thanh kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hoá, ngành thương mại dịch vụ đã đạt được những bước tiến đáng kể. Cơ cấu ngành TM – DV giai đoạn 2013 – 2015 có biến động nhưng không đáng kể, vẫn chiếm khoảng 33% tổng giá trị sản xuất.
3.1.2.2. Tình hình dân số, xã hội
* Dân số
Theo số liệu thống kê của huyện UBND Thường Tín năm 2015, dân số của huyện là 241.770 người, tốc độ tăng dân số khoảng 1,6%. Dân số phân bố