PHẦN 1 MỞ ĐẦU
2.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ
2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý môi trường làng nghề
2.1.5.1. Thể chế, chính sách trong quản lý môi trường làng nghề
Theo Đặng Kim Chi (2005), nhân tố quan trọng nhất chi phối hoạt động quản lý môi trường làng nghề trong nhóm nhân tố khách quan là nhân tố thể chế và chính sách của Nhà nước, Chính phủ và địa phương.
* Thể chế: là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội buộc mọi người phải tuân theo. Thể chế xã hội quy định mục đích và đạo lý mà Nhà nước muốn đạt tới. Thể chế xã hội nước ta theo Hiến Pháp 1992 là xây dựng và thực hiện công cuộc Xã hội chủ nghĩa, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì thế, trong chính sách phát triển đất nước, chủ yếu tập trung đầu tư phát triển kinh tế các vùng khó khăn, đảm bảo yếu tố công bằng trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Trong thể chế nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, các cơ quan hoạt động phối hợp chặt chẽ nhằm thực hiện các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế xã hội. Đối với hoạt động bảo vệ môi trường, khi có sự thống nhất cao giữa Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT với các cơ quan ban ngành Trung ương và địa phương thì công tác bảo vệ môi trường sẽ đúng mục đích, đúng đối tượng với quy mô phù hợp, không chồng chéo, dàn trải, vì thế hiệu quả công tác cũng được nâng cao. Tương tự như thế, ở quy mô cấp huyện, để công tác bảo vệ môi trường, môi trường làng nghề có hiệu quả thì cần có sự thống nhất phối hợp chặt chẽ giữa Phòng tài chính - kế hoạch với Phòng Tài nguyên môi trường…và với các địa phương, đơn vị cá nhân tiếp nhận, xử lý công việc.
Bên cạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền thì việc phân cấp trong quản lý của nhà nước cũng là một yếu tố quan trọng tác động tới công tác bảo vệ môi trường. Việc địa phương quản lý có thể giúp huy động và phân bổ nguồn lực quản lý môi trường có hiệu quả hơn, nguồn
vốn huy động cho bảo vệ môi trường sẽ sớm đi vào thực tiễn hơn do không phải qua khâu trung gian và thời gian chờ đợi cấp phép, chuyển kinh phí từ cấp trên về địa phương… đáp ứng tốt hơn, sát thực hơn với nhu cầu, mong muốn và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương.
* Chính sách: là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào đó của nền kinh tế - xã hội do Chính phủ thực hiện. Các chính sách của Chính phủ, Nhà nước và địa phương, đặc biệt là các chính sách về bảo vệ môi trường có ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý môi trường nói chung và quản lý môi trường làng nghề nói riêng. Chính sách là bộ não chỉ huy, hướng dẫn và điều tiết sản xuất, tạo điều kiện để khai thác những tiềm năng, thế mạnh về nguồn lực. Cơ chế chính sách đúng đắn, hợp lòng dân sẽ tạo thêm động lực cho người lao động, các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tham gia tích cực đầu tư phát triển sản xuất, tạo điều kiện sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường. Ngược lại, sẽ triệt tiêu động lực phát triển, cũng như làm suy giảm hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường tại các làng nghề.
2.1.5.2. Trình độ của cán bộ quản lý môi trường làng nghề.
Theo Đặng Kim Chi (2005), ở bất kỳ hình thái kinh tế - xã hội nào, con người vẫn là trung tâm của mọi sự phát triển, nhất là thời đại ngày nay, thời đại công nghiệp hoá - hiện đại hoá, việc chăm lo đầy đủ cho con người là đảm bảo chắc chắn cho sự phồn vinh và thịnh vượng. Công nghiệp hóa, hiện đại hoá và cách mạng con người là hai mặt của quá trình thống nhất. Bảo vệ môi trường là một lĩnh vực có vị trí quan trọng trong việc hướng tới sự phát triển bền cững trong xu thế Công nghiệp hoá- Hiện đại hoá, theo chủ trương chính sách của Đảng. Thực hiện tốt quá trình bảo vệ môi trường sẽ đem lại được những lợi ích to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội.
Đây là yếu tố mang tính quyết định đến kết quả đạt được của các chương trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường. Để các chương trình, dự án đạt được kết quả mong muốn, các cơ quan thực hiện và quản lý bảo vệ môi trường cần phải bảo đảm nguồn nhân lực về số lượng và chất lượng (sự hiểu biết, trình độ, năng lực).
Bên cạnh đó, thường xuyên nâng cao năng lực của cán bộ các ngành, các cấp trong triển khai và quản lý môi trường. Năng lực triển khai của các cơ quan chính quyền, cơ quan quản lý của các ngành, các cấp ảnh hưởng rất lớn đến công
tác quản lý môi trường. Nếu công tác triển khai công tác quản lý môi trường làng nghề ở xã, huyện diễn ra chậm sẽ hạn chế đến kết quả và hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường, trong khi một số nội dung hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường mang tính thời vụ cần phải triển khai sớm và kịp thời.
Kỹ năng khai thác, sử dụng nguồn đầu tư của đối tượng được đầu tư; kỹ năng giám sát, đánh giá của cơ quan quản lý các cấp đảm bảo cho nguồn vốn cho công tác bảo vệ môi trường được sử dụng đúng mục đích, sử dụng đủ, không thất thoát, lãng phí gây ra tình trạng hiệu quả thấp trong quản lý môi trường tại làng nghề là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả cuối cùng của nguồn đầu tư.
Kết quả và hiệu quả quản lý môi trường làng nghề cao hay thấp còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức của nhà quản lý. Những nơi, địa phương có kinh nghiệm, những mô hình đã triển khai thành công sẽ là căn cứ quan trọng trong xác định các giải pháp quản lý môi trường. Vì vậy, cần tổng kết kinh nghiệm làm bài học kinh nghiệm cho quản lý môi trường tại các làng nghề.
2.1.5.3. Công nghệ sản xuất và quy hoạch làng nghề
Theo Đặng Kim Chi (2005), công nghệ sản xuất là một những yếu tố quan trọng đối với công tác quản lý môi trường làng. Ngày nay, sản xuất tại các làng vẫn chủ yếu là thủ công, máy móc thô sơ, bán tự động, chính điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý chất thải đầu ra trong quá trình sản xuất. Nếu công nghệ sản xuất tiên tiến, đồng đều thì việc tính toán lượng xả thải ra môi trường khá dễ dàng, qua đó có thể lên kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn phát sinh ô nhiễm và có kế hoạch, biện pháp sử lý chất thải ra môi trường. Ngược lại, do sản xuất thủ công nên quá trình kiểm tra, tính toán gặp nhiều khó khăn dẫn tới không đạt được hiệu quả cao trong công tác quản lý môi trường tại các làng nghề.
Ngoài công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay hầu như các doanh nghiệp, cơ quan, cơ sở sản xuất tại các làng nghề đều không quan tâm tới mảng này. Lý do đầu tiên chính là để tiết kiệm chi phí, còn lại là do chủ cơ sở chủ quan, xem nhẹ, không nghĩ tới việc đảm bảo môi trường xung quanh. Hoặc có cơ sở chấp hành việc xử lý chất thải thì cũng chỉ dừng ở mức xử lý thủ công, thô sơ như xây bể lắng dạng bể phốt dể xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường; các công nghệ xử lý hiện đại hầu như chưa được quan tâm đầu tư do kinh phí ban đầu khá cao.
2.1.5.4. Nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường làng nghề.
Trong quá trình phát triển của đất nước, người dân luôn đóng vai trò “kiểm tra, giám sát”, quyền này ngày càng đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và quản lý môi trường nói riêng, tạo một bước chuyển mạnh mẽ về cải cách quản lý môi trường, quản lý môi trường làng nghề.
Theo Luật bảo vệ môi trường (Quốc hội, 2014), đã ghi nhận quyền được tham gia của người dân với các vai trò là chủ thể giám sát việc thực hiện quyền lực công; người sử dụng kết quả các công trình quản lý môi trường hoặc bị tác động trực tiếp bởi hoạt động quản lý môi trường. Luật bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý môi trường bao gồm cả việc lập kế hoạch bảo vệ môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư các dự án quản lý, bảo vệ môi trường và đồng thời khẳng định vai trò của người dân, của các cơ quan dân cử trong việc xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát việc quản lý môi trường. Trước đây, khi đánh giá công tác quản lý môi trường kém hiệu quả thì nguyên nhân kèm theo thường là do thiếu cơ chế để người dân tham gia giám sát hoặc giám sát thiếu thực chất.
Thực tế, tham vấn lấy ý kiến của người dân và cán bộ chính quyền ở một số địa phương cho thấy, ở đâu có sự tham gia của cộng đồng trong lập kế hoạch và giám sát thực hiện công tác quản lý môi trường thì ở đó có sự hài lòng của người dân. Sự tham gia của người dân đã góp phần đảm bảo hiệu quả quản lý và bảo vệ môi trường; người dân có thông tin đầy đủ, biết rõ công trình làm khi nào, tiến độ ra sao; họ đóng góp ý kiến về thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với văn hóa và điều kiện thực tế ở địa phương; người dân giám sát việc thực hiện thi công và góp phần đảm bảo chất lượng công trình nhằm phục vụ công tác bảo vệ môi trường. Ngược lại, khi thiếu vắng sự tham gia và giám sát hiệu quả của người dân các công trình, dự án quản lý môi trường kém hiệu quả, lãng phí, chưa đáp ứng đúng nhu cầu và hoàn cảnh thực tế tại địa phương, thậm chí gây thiệt hại cho người dân.
Nhìn chung, với sự góp sức, tham gia của người dân thì quản lý môi trường nói chung và ở làng nghề nói riêng đã thể hiện được nguyện vọng của người dân, đưa tính công khai minh bạch trong các hoạt động quản lý môi trường để đảm bảo làm tăng hiệu quả. Qua đó, góp phần làm cho đồng vốn nhà nước chi ra đúng nhu cầu, mục đích của mình hơn và thực sự tăng hiệu quả góp phần hiện
thực hóa các mục tiêu quản lý môi trường và hướng tới phát triển bền vững của đất nước.