Các nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước cấp huyện trên địa bàn huyện kiến xương tỉnh thái bình (Trang 85 - 89)

Nhóm nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến quản lý chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN tại huyện Kiến Xương bao gồm: Chủ trương, chiến lược quy hoạch, năng lực của chủ thể quản lý chi đầu tư XDCB, công nghệ quản lý chi đầu tư XDCB.

4.4.2.1. Chủ trương, chiến lược quy hoạch

Công tác quy hoạch có ảnh hưởng lớn và lâu dài đến quản lý chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn thì công tác quy hoạch phải đi trước một bước và phải xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững. Nếu làm tốt công tác quy hoạch thì định hướng cho đầu tư có hiệu quả, bền vững; ngược lại nếu quy hoạch xây dựng không có tính khoa học, không dự báo tốt sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong tương lai và không phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch ngành sẽ dẫn tới kém hiệu quả, dễ gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư xây dựng công trình.

Những năm qua, trên địa bàn huyện đã triển khai, phê duyệt nhiều quy hoạch lớn, trọng điểm đặc biệt là quy hoạch tổng thể huyện Kiến Xương, quy

hoạch xây dựng huyện, xã nông thôn mới; đồng thời triển khai các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn làm công cụ hữu ích cho quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó công tác quy hoạch cũng đã đáp ứng được phần nào yêu cầu quản lý xây dựng, phát triển đô thị nông thôn và đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn huyện trong giai đoạn tới, công tác quy hoạch đều được thực hiện trên cơ sở các quy định mới của pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư công, hệ thống Quy chuẩn, tiêu chuẩn Quốc gia về quy hoạch xây dựng.

Tuy công tác quy hoạch phát triển thời gian qua đã được quan tâm chú ý và đã có những đóng góp đáng kể vào việc hoạch định phát triển kinh tế xã hội của huyện trong giai đoạn 2016-2020, cũng như định hình tầm nhìn phát triển đến năm 2030; tuy nhiên, công tác xây dựng chiến lược đầu tư trong quy hoạch phát triển còn nhiều tồn tại, hạn chế:

- Xây dựng chiến lược đầu tư trong các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành lĩnh vực của huyện trong thời gian qua còn hạn chế, tính dự báo chưa cao, mục tiêu quy hoạch chưa phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện, nên một số quy hoạch phải điều chỉnh hoặc phải điều chỉnh nhiều lần, nội dung một số quy hoạch chưa đầy đủ, không đồng bộ giữa các quy hoạch tổng thể phát triển ngành, lãnh thổ với quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất...lĩnh vực, sản phẩm được phép lập quy hoạch chưa quy định rõ nên một số quy hoạch còn nhỏ lẻ, thiếu tập trung; nội dung quy hoạch không phù hợp với điều kiện thực tế dẫn đến khi thực hiện dự án gây tốn kém, lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Công tác quản lý quy hoạch còn buông lỏng; việc phân công, phân cấp không rõ ràng, thiếu một khung pháp lý đầy đủ cho việc lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch, thiếu sự chỉ đạo và hướng dẫn thống nhất về các vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, thiếu kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch.

- Hiện nay, mục tiêu, chiến lược đầu tư phát triển thường được đề ra ở các chủ trương định hướng của huyện thể chế qua các văn kiện Đại hội Đảng bộ huyện; các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành đôi khi vẫn còn nương theo các quan điểm, mục tiêu chính trị còn thiếu khoa học, đôi khi xa rời thực tế, thiếu tính nhất quán, chưa xác định rõ nguồn lực để đầu tư từ NSNN cho các kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Do vậy khó khăn cho việc quyết định chủ trương đầu tư, lập kế hoạch đầu tư trung hạn, hằng năm dẫn đến

tình trạng đầu tư theo phong trào, đầu tư dàn trải, không tập trung gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư.

- Công tác quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực hiện nay thường được giao cho các ngành thực hiện, do đó, quy hoạch ngành, lĩnh vực thường trùng lặp hoặc thiếu nhất quán với quy hoạch vùng, lãnh thổ; tính liên kết giữa các quy hoạch ngành, lĩnh vực còn hạn chế; sản phẩm quy hoạch chưa được tổ chức đánh giá khách quan, khoa học đã được phê duyệt đưa vào sử dụng, dẫn tới quy hoạch không còn là kim chỉ nam cho việc xây dựng chiến lược đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư; nhiều quy hoạch phải thay đổi, điều chỉnh nhiều lần để phù hợp với thực tế, với dự án đầu tư... công tác quy hoạch thiếu hiệu quả chính là tác nhân gây nên tình trạng quyết định chủ trương đầu tư thiếu chính xác, làm giảm hiệu quả đầu tư, thậm chí gây thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.

Qua số liệu điều tra thực tế cho thấy (bảng 4.14), 59 ý kiến (chiếm 92,2% đối tượng được điều tra - đứng thứ 3 trong thứ tự các yếu tố ảnh hưởng) cho rằng chủ trương, chiến lược quy hoạch có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn huyện Kiến Xương. Tuy nhiên, do yếu tố này mang tính trừu tượng nên nhiều người chưa thực sự quan tâm, chưa nhận ra được tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó đối với công tác quản lý chi đầu tư XDCB. Đây là hạn chế cần khắc phục bằng cách tăng cường tuyên truyền, công khai minh bạch các chủ trương về quy hoạch trên địa bàn huyện để cán bộ và nhân dân được biết và tham gia ý kiến.

4.4.2.2. Năng lực của chủ thể quản lý chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn huyện Kiến Xương

Năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn và là yếu tố dễ dàng nhận ra nhất. Đây là yếu tố có vai trò quyết định đến kết quả của công tác quản lý đầu tư. Năng lực, trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý, nếu có trình độ chuyên môn yếu và kém thì hệ quả của nó là tình trạng trì trệ trong tất cả các khâu trong quản lý, lập kế hoạch dự toán NS đến thanh tra, kiểm tra, kiểm toán dự án đầu tư. Theo kết quả đánh giá tổng hợp ở Bảng 4.14, có tới 100% ý kiến cho rằng đây là yếu tố có ảnh hưởng đến công tác quản lý đầu tư và cũng với tỷ lệ cao nhất ý kiến đánh giá cho rằng đây là yếu tố quan trọng nhất.

Tinh thần, trách nhiệm của chủ đầu tư: với 79,7% ý kiến đánh giá rằng đây là yếu tố có ảnh hưởng và 10,9% cho rằng đây là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến

công tác quản lý NSNN trong đầu tư xây dựng cơ bản ở huyện Kiến Xương. Thực tế cho thấy, chủ đầu tư là một nhân tố không thể thiếu trong công tác quản lý, điều hành và giám sát các công trình, dự án đầu tư xây dựng tại huyện. Ở đây, chủ đầu tư có thể là UBND các xã và có thể là UBND huyện. Việc buông lỏng quản lý trong quá trình thi công, xây dựng hay giám sát sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong quản lý NSNN, đặc biệt là tình trạng thất thoát NSNN và thông tin không hoàn hảo sẽ làm sai sót trong quá trình quản lý NSNN.

Năng lực của các đơn vị thi công: Hầu hết các công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng đều có một đơn vị tư vấn tham gia vào các hoạt động đầu tiên của dự án. Ngay khi lập dự án đầu tư, thiết kế, lập dự toán kinh phí đều do đơn vị tư vấn lập và trình các cơ quan có liên quan thẩm định và phê duyệt. Trình độ và năng lực của đơn vị tư vấn tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý NSNN, đơn vị tư vấn phải bám sát vào các văn bản hướng dẫn mới nhất, đơn giá các vật tư cần thiết của công trình, dự án theo quy định hiện hành, trong khi những quy định thường thay đổi theo thời gian. Bởi vậy nếu đơn vị tư vấn thực hiện tốt các khâu khớp nối nội dung dự án với các văn bản hiện hành và có báo cáo một cách khoa học, logic sẽ khiến công tác quản lý thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian hơn và ngược lại. Chính vì vậy, cũng không khó giải thích khi kết quả khảo sát cho thấy có 65,6% số ý kiến cho rằng đây là yếu tố có ảnh hưởng đến công tác quản lý NSNN trong đầu tư xây dựng cơ bản và 6,3% ý kiến đánh giá rằng đây là yếu tố quan trọng nhất.

4.4.2.3. Công nghệ tin học trong quản lý chi đầu tư XDCB

Việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong cuộc sống ngày nay đã và đang thực sự chứng tỏ vai trò không thể thiếu được của nó. Theo kết quả đánh giá tổng hợp ở Bảng 4.14, có 45,3% ý kiến cho rằng đây là yếu tố có ảnh hưởng đến công tác quản lý chi đầu tư XDCB và 7,8% ý kiến đánh giá rằng đây là yếu tố quan trọng nhất. Thực tế đã chứng minh với việc ứng dụng công nghệ tin học vào trong công tác quản lý chi đầu XDCBtư tại huyện Kiến Xương (điển hình là hệ thống TABMIS; phần mềm quản lý dự án đầu tư; phần mềm thẩm tra quyết toán...) đã giúp tiết kiệm được thời gian xử lý công việc, đảm bảo được tính chính xác, nhanh chóng và thống nhất về mặt dữ liệu, tạo tiền đề cho những quy trình cải cách về mặt nghiệp vụ một cách hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà công nghệ tin học là một trong những nhân tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN trên địa bàn huyện Kiến Xương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước cấp huyện trên địa bàn huyện kiến xương tỉnh thái bình (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)