Việc thanh tra, kiểm toán công tác đầu tư của chính quyền huyện không kịp thời, thiếu chủ động trong công tác lập, giao kế hoạch vốn cũng như thanh toán vốn đầu tư nên khi thực hiện có sai sót không được các cơ quan quản lý xử lý kịp thời, thường là đặt các cơ quan có thẩm quyền vào tình thế đã rồi, gây lãng phí và thất thoát trong quản lý sử dụng vốn đầu tư XDCB.
Việc thực hiện kiểm tra chưa thường xuyên, còn thụ động; nhiều dự án triển khai chậm dẫn đến tăng vốn, giảm hiệu quả nhưng CĐT không báo cáo, chỉ khi dự án cần phê duyệt điều chỉnh thì mới tiến hành giám sát, đánh giá đầu tư và có báo cáo. Ngay cả khi trong những trường hợp như vậy, các báo cáo cũng chưa có phân tích nguyên nhân và trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan để tiến độ thực hiện chậm trễ hoặc thực hiện dự án không phù hợp với nội dung khi quyết định đầu tư.
Trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư phát sinh những biến động của thị trường, các chính sách mới của Nhà nước, phát sinh yếu tố làm tăng chi phí
đầu tư, thay đổi nguồn vốn, kéo dài thời gian thực hiện, hiệu quả giảm cần được đánh giá lại tính khả thi và hiệu quả của dự án làm cơ sở cho việc điều chỉnh, hoặc tìm kiếm các giải pháp xử lý hợp lý hơn. Vì vậy, khi dự án được quyết định điều chỉnh một cách thiếu căn cứ sẽ gây thiệt hại, lãng phí.
Tổ chức thực hiện kiểm tra đầu tư mang tính cộng đồng chưa tốt, vẫn mang tính hình thức nhiều, những người ở trong ban kiểm tra cộng đồng địa phương thường không có chuyên môn về đầu tư XDCB nên không quản lý dự án được về mặt kỹ thuật, chủ yếu giám sát vật liệu đưa vào công trình.
Bảng 4.11. Tổng hợp ý kiến đánh giá công tác kiểm tra, giám sát đối với các công trình đầu tư XDCB từ nguồn NSNN cấp huyện trên địa bàn huyện
Kiến Xương
Công tác kiểm tra, giám sát Số ý kiến (n=64) Tỷ lệ (%)
Rất thường xuyên 5 7,8
Thường xuyên 28 43,8
Bình thường 31 48,4
Nguồn: Tổng hợp số liệu điều tra (2018)
Số liệu tổng hợp ý kiến đánh giá công tác kiểm tra, giám sát đối với các công trình đầu tư XDCB từ nguồn NSNN cấp huyện trên địa bàn huyện Kiến Xương cho thấy mức độ bình thường chiếm tỷ lệ 48,4%; mức độ thường xuyên là 43,8%, rất thường xuyên chiếm tỷ lệ rất ít 7,8%. Như vậy, các đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát cũng chưa thực sự sát sao nên việc xảy ra tình trạng “móc ngoặc”, “lợi ích nhóm” giữa đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công là có cơ sở, thậm chí còn là dấu hiệu cho thấy sự “móc ngoặc” giữa chủ đầu tư và các nhà thầu.