2.2.1.1. Kinh nghiệm quản lý đầu tư và xây dựng ở Huyện Kim Thành – Hải Dương
Trong đầu tư xây dựng cơ bản thời gian vừa qua, huyện Kim Thành gặp khó khăn là đối với nhiều dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, tùy theo tính chất từng nguồn vốn, ngân sách nhà nước huyện phải đối ứng một phần để đảm bảo hoàn thành dự án đưa vào sử dụng. Tuy nhiên do ngân sách huyện quá eo hẹp nên một số dự án mặc dù đã được tỉnh bố trí vốn đầu tư nhưng ngân sách huyện không có khả năng đối ứng để thực hiện công trình theo kế hoạch... Đây là một thực tế hết sức khó khăn đối với huyện Kim Thành trong vấn đề quản lý nhà nước đầu tư XDCB.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình đã được phê duyệt và khắc phục tình trạng đầu tư tràn lan, đầu tư xây dựng rồi không có vốn hoàn trả..., UBND huyện Kim Thành đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để chấn chỉnh, khắc phục nợ đọng XDCB. UBND huyện chỉ đạo duy trì thường xuyên chế độ giao ban XDCB hàng quý để đôn đốc thực hiện. Đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra và trực tiếp làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư một số công trình trọng điểm, dự án lớn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình.
Bên cạnh đó, huyện Kim Thành kiên quyết yêu cầu thực hiện theo hướng bố trí vốn tập trung, tăng cường công tác quản lý đầu tư từ NSNN, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của nhà nước. Tăng cường trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý và thực hiện công tác ĐTXDCB. Kiên quyết thực hiện điều chỉnh vốn
các dự án chậm tiến độ. Kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh dự án. Chỉ được điều chỉnh dự án khi đảm bảo khả năng cân đối của ngân sách cấp mình quản lý để thực hiện trong các trường hợp được quy định tại Luật Đầu tư công. Thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định. Khi xử lý ứng vốn cần chỉ rõ nguồn vốn để thu hồi. Không cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn chuẩn bị đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí vốn làm phát sinh nợ đọng XDCB. Chỉ tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu đã được bố trí vốn. Chỉ thực hiện khối lượng công việc trong phạm vi kế hoạch vốn đã phân bổ, phê duyệt. Nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có chế tài xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và thực hiện không tốt để làm phát sinh nợ đọng XDCB, phê duyệt chủ trương đầu tư không đúng thẩm quyền và chưa xác định được nguồn vốn cũng như khả năng cân đối vốn; phê duyệt, điều chỉnh dự án đầu tư không thuộc đối tượng được điều chỉnh, quyết định đầu tư khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, tổ chức lựa chọn nhà thầu không đúng với quy định.
Ngoài ra UBND huyện cũng yêu cầu tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định dự án đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt, giao triển khai thực hiện dự án đầu tư; quản lý sử dụng vốn đầu tư... cho đến khâu quyết toán công trình, bàn giao đưa vào sử dụng, duy tu, bảo dưỡng công trình.
Về hướng xử lý nợ đọng XDCB, do nhiều nguyên nhân đến nay số nợ đọng lên tới hàng trăm tỉ đồng, gây khó khăn trong việc chi trả. Chủ trương của UBND huyện là không sử dụng nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách cấp huyện quản lý để thanh toán các khoản nợ đọng XDCB thuộc nguồn cân đối ngân sách cấp xã quản lý và các dự án không có trong kế hoạch được phê duyệt nhưng các đơn vị, địa phương tự làm phát sinh nợ đọng XDCB. Điều này buộc các xã phải chủ động thắt chặt quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tránh đầu tư dàn trải kém hiệu quả.
Sau khi triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp nêu trên, công tác QLNN trong ĐTXDCB từ nguồn vốn NSNN của huyện đã có những biến chuyển tích cực. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, ngăn chặn đáng kể các hiện tượng tiêu cực, lãng phí không
đáng có, chất lượng và tiến độ các công trình được đảm bảo... góp phần không nhỏ đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh (Phạm Thu Hà, 2018).
2.2.1.2. Kinh nghiệm quản lý chi đầu tư XDCB từ nguồn vốn NSNN tại huyện Duy Tiên – tỉnh Hà Nam
Huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có 18 xã, thị trấn, là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Nam, là cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội. Huyện lỵ Hoà Mạc cách thành phố Phủ Lý 20 km, có diện tích tự nhiên 13.765,80 ha bằng 16,01% diện tích tự nhiên của tỉnh, dân số khoảng 132.680 người. Huyện Duy Tiên có tuyến trục giao thông là quốc lộ 1A, đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và đường sắt Thống Nhất chạy qua. Bên cạnh đó còn có tuyến Quốc lộ 38 từ Đồng Văn đi Hòa Mạc - cầu Yên Lệnh - Hưng Yên và quốc lộ 38B nối từ Hải Dương qua Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định tới Ninh Bình. Hiện nay, trên địa bàn huyện Duy Tiên đã và đang hình thành nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề rất thuận lợi cho phát triển Kinh tế - Xã hội của huyện.
Theo Đoàn Phan Anh, (2017), trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, huyện Duy Tiên được sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành của tỉnh; sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện và sự nỗ lực, chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của UBND huyện đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế- xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục tăng cao, thu hút đầu tư đạt kết quả vượt bậc. Trong nhiệm kỳ, lĩnh vực kinh tế có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2011 - 2015 đạt trên 15,7%/năm, năm 2015 đạt trên 16%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năm 2015 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 58,75% của toàn xã hội; lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp đạt kết quả cao, tính đến nay, đã thu hút được trên 580 dự án đầu tư
(trong đó có 97 dự án FDI). Để đạt được những kết quả trên, những năm qua
huyện Duy Tiên đã chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng tốt để thu hút các nhà đầu tư. Từ những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai các dự án của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách trên địa bàn tỉnh như sau:
Thứ nhất, đổi mới phương pháp giao kế hoạch vốn đầu tư XDCB hàng
năm: Tập trung, ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực, các công trình trọng điểm, cấp thiết nhằm thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội. Bố trí đủ vốn cho các dự án nhóm B trong 4 năm, nhóm C trong 2 năm.
Thứ hai, UBND huyện giao cho các sở, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình chủ động xây dựng kế hoạch để trình HĐND huyện phê duyệt và phân bổ nguồn vốn ngay từ đầu năm.
Thứ ba, không bố trí vốn đầu tư đối với các dự án không đủ thủ tục đầu tư,
dự án không phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội, gây thiệt hại và thất thoát vốn đầu tư..
Thứ tư, hoàn thiện quy trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư: Nâng cao
chất lượng thẩm định dự án đầu tư, chất lượng thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và thẩm định thiết kế tổng dự toán; xây dựng quy trình hợp lý và gắn trách nhiệm cá nhân, tiêu chuẩn hoá những tiêu chuẩn, quy phạm trong thiết kế để từ đó các đơn vị tư vấn lập, các cơ quan thẩm định thiết kế căn cứ vào đó để áp dụng và thẩm định. Dự án đầu tư sản suất kinh doanh phải phù hợp với công nghệ hiện đại, tiên tiến, bảo đảm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đội ngũ cán bộ thẩm định phải là chuyên gia giỏi, có phẩm chất đạo đức và phong cách làm việc khoa học.
Thứ năm, chấn chỉnh và đổi mới công tác lựa chọn nhà thầu: Thực hiện
việc đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các gói thầu theo hạn mức quy định, hạn chế tối đa hình thức chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Hình thức đấu thầu rộng rãi sẽ hạn chế rất nhiều các vấn đề tiêu cực như: thông thầu, gian lận trong việc đấu thầu…
Thứ sáu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát đánh giá đầu tư
xây dựng. Có các biện pháp giám sát và kiểm soát nội bộ kết hợp với các biện pháp kiểm tra, thanh tra từ bên ngoài (Nguyễn Tuấn Việt, 2018)