Tình hình phát triển sản xuất na tại Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất na theo hướng bền vững trên địa bàn huyện chi lăng, tỉnh lạng s (Trang 40 - 44)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Tình hình phát triển sản xuất na tại Việt Nam

Vùng phân bố cây na ở nước ta khá rộng, trừ những nơi có mùa đông lạnh và sương muối không trồng được cây na, còn lại hầu hết các tỉnh đều trồng loại cây này. Phần lớn cây na được trồng nhỏ lẻ trong các vườn cây ăn quả của hộ gia đình với mục đích tự tiêu dùng, chưa trở thành sản xuất hàng hoá lớn.

Các vùng trồng na tập trung ở miền Bắc: xã Thái đào, Lạng Giang, Bắc Giang; xã Mai Sơn, Trường Sơn, Lục Sơn, Vô Tranh huyện Lục nam, Bắc Giang. Thị trấn đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn, các xã Hoà Lạc, Cai Kinh, đồng Tân huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Miền nam: huyện Tân Thành, Châu đức thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; tỉnh Tây Ninh, ngoài ra còn ở Ninh Thuận và đồng Nai (Vũ Công Hậu, 2008; Đỗ Đình Ca, 2011).

Hiện nay chưa có nghiên cứu và số liệu nào về quy mô diện tích, sản lượng trồng và tiêu thụ na của Việt Nam. Tuy nhiên có 2 vùng na tập trung đáng lưu ý là vùng na Chi Lăng - Lạng Sơn và vùng na Bà đen - Tây Ninh. Hai vùng na này hàng năm đã cung cấp cho thị trường trong nước hàng nghìn tấn quả, riêng vùng na Bà đen đã xuất khẩu sang một số nước. Ngoài ra còn có các vùng trồng na tập trung khác như: Đồng Nai 1.200 ha; Đông Triều, Quảng Ninh: 1.000 ha; Lục Nam-Bắc Giang: 600–700ha (Vũ Công Hậu, 2008; Đỗ Đình Ca, 2011).

Năm 2005, tỉnh Tây Ninh có 3.036 ha na với sản lượng 23.136 tấn. Diện tích na tập trung ở chân núi Bà đen, thị xã Tây Ninh, ở đây 1 ha na cho thu hoạch 7-8 tấn quả/năm, thậm chí 12 tấn quả/năm nhờ kỹ thuật kích thích ra quả trái vụ. Na Bà đen được tiêu thụ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền đông, miền Tây Nam bộ, miền Trung, miền Bắc. Những năm gần đây, na Bà đen đã được xuất khẩu sang Pháp, Úc, Canada... Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu chưa nhiều do na khó vận chuyển, khó bảo quản (Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, 2014).

Miền Bắc với các huyện Lục Nam - Bắc Giang diện tích 700 ha, Đông Triều - Quảng Ninh diện tích 100 ha, các vùng na này không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Pháp, Úc, Canada (Trần Thế Tục; Nguyễn Ngọc Kính, 2007).

* Tỉnh Lạng Sơn:

Cây na xuất hiện ở Chi Lăng khoảng 20 năm trước. Vì thiếu đất canh tác, một số hộ dân đã thử đưa cây na lên trồng trên núi đá. Thử nghiệm đó đã trở thành một phát minh của người nông dân. Cây na tỏ ra đặc biệt thích ứng với vùng núi đá ở đây và nhanh chóng trở thành vùng chuyên canh. Huyện Chi Lăng hiện có gần 1.200 ha na với sản lượng trên 6.300 tấn, trở thành vựa na lớn nhất của cả nước (Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, 2015).

Cây na phân bố chủ yếu tại 5 địa phương lòng máng sông Thương, gồm: Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao. Dù mới ra đời nhưng chất lượng quả của na Chi Lăng đã được người dân khắp nơi ca tụng. Na mắt giấy: Vỏ mỏng, ít hạt, thịt dày, vị ngọt đậm, mùi thơm vô cùng hấp dẫn. Na mắt gỗ: Vỏ dày nhưng trọng lượng quả lớn, có quả nặng tới trên một kg, ăn rất ngon và mát (Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, 2015).

Giá na cao và ổn định, na to có giá 30 – 40 ngàn đồng/kg, na nhỡ 20 ngàn đồng, na bi 15 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, có tới hàng trăm xe ô tô từ Hà Nội, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Nguyên … đến mua na tại vườn ở Chi Lăng. Xã Chi Lăng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển cây na. Xã có gần 400 ha na với sản lượng gần 1.500 tấn/năm. Điều đáng mừng là nhiều thương nhân có mối làm ăn với các đối tác người Trung Quốc nên vận chuyển na lên biên giới để xuất khẩu (Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, 2015).

Theo tính toán của phòng NN & PTNT huyện Chi Lăng (2015), mỗi ha na cho thu nhập khoảng 95 triệu đồng, cao gấp 3 – 4 lần so với trồng ngô. Mặc dù vậy, việc phát triển cây na ở Chi Lăng vẫn còn mang tính tự phát. Tính kế hoạch, qui hoạch cũng như việc xây dựng thương hiệu vẫn chưa được đề cập đến nhiều.

Phương pháp chăm sóc, thu hoạch na: Ở Chi Lăng đã khẳng định sự sáng tạo đặc biệt của người nông dân. Khi những vườn na già cỗi, cho năng suất thấp, một nông dân ở xã Chi Lăng đã mạnh dạn sang tận Quảng Ninh để mua bản quyền phương pháp tạo tán, đốn ngọn, tỉa cành và thụ phấn bằng tay với giá 5 triệu đồng. Ông Nguyễn Đức Sự (Hội nông dân xã Quang Lang) đã tiếp cận với kĩ thuật trên và biên tập thành sách để tập huấn cho bà con. Ban đầu, mọi người ngạc nhiên vì việc cắt cụt ngọn cho cây na thấp ngang đầu người. Tiếp đó là cầm xi lanh đến từng nhụy hoa, lấy phấn từ những nhụy hoa to, tỉ mẩn đến từng nhụy hoa khác để thụ phấn. Kết quả, phương pháp đốn ngọn tỉa cành và thụ phấn nhân tạo khiến tỉ lệ đậu quả đạt trên 98% và có những ưu việt rõ rệt: Năng suất cao, quả chín sớm, dễ bán; cây thấp nên việc phun thuốc trừ sâu và thu hái quả nhanh (Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Chi Lăng, 2015).

Vận chuyển: Để giảm thiểu sức lao động, sự nguy hiểm trong vận chuyển na từ núi đã xuống nhiều bà con đã sáng tạo một loại ròng rọc để tải na từ trên núi xuống. Trung bình chỉ mất từ một đến hai phút là cả giỏ na nặng 20 đến 30

kg được đưa xuống. Anh Linh Văn Chít (xã Chi Lăng) cho biết, trước đây, đi rừng gặp lâm tặc vận chuyển gỗ từ trên núi xuống thế là mọi người nảy ra sáng kiến dùng nó để vận chuyển na vào mỗi vụ thu hoạch. Từ khi dùng ròng rọc đỡ vất vả nhiều. Một bộ ròng rọc chi phí từ 2 đến 3 triệu đồng có thể dùng trong nhiều năm. Một công đôi việc, đến mùa chăm sóc cây, ròng rọc lại làm nhiệm vụ tời phân bón lên trên núi (Đông Hoàng, 2012).

Đánh giá về mô hình dạy nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na của lao động nông thôn xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tiến sĩ Hoàng Văn Lâm, giảng viên Viện rau quả Trung ương cho biết: 100% học viên sau lớp đào tạo nắm được giá trị, ý nghĩa, hiệu quả, những khó khăn và thuận lợi cũng như các kỹ thuật cơ bản trong việc phát triển cây na. Lao động nông thôn đã biết thay đổi tư duy trồng quảng canh, lấy diện tích bù sản lượng sang thâm canh chăm sóc vườn na theo quy trình kỹ thuật để đạt hiệu quả cao; có quan niệm đúng đắn về công tác giống và nhân giống; tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Về hiệu quả kinh tế và giải quyết việc làm cho thấy năng suất vượt trội so với phương pháp trồng truyền thống; chất lượng quả loại A (quả đẹp) chiếm trên 80% (phương pháp truyền thống chỉ đạt 50%), giá bán cao gấp 2 lần so với quả loại B và loại C. Từ thành công của mô hình, đến nay mô hình trồng na nói trên và kỹ thuật trồng, chăm sóc và bảo quản na đã được nhân dân địa phương 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng hưởng ứng áp dụng, kết quả đã có tiếp 5 lớp học nghề được tổ chức (3 lớp ở huyện Hữu Lũng, 2 lớp ở xã Y Tịch huyện Chi Lăng). Các học viên sau học nghề đều phấn khởi, thi đua trong việc mở rộng diện tích vườn na, áp dụng thành công những kiến thức, kỹ năng tiếp thu được qua lớp học, kết quả các vườn na của các hộ đều cho kết qủa tương đương với mô hình điểm (Đông Hoàng, 2012).

*Tỉnh Bà Rịa vũng Tàu:

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 ha na (mãng cầu ta) chất lượng tốt, tập trung nhiều tại các huyện như: Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc và thành phố Vũng Tàu, với sản lượng bình quân gần 9.000 tấn/năm. Từ năm 2011, chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ trì phối hợp với Công ty sở hữu trí tuệ Invenco xây dựng Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả na của Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao thương hiệu cho loại quả này

trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2012, nhãn hiệu na của Bà Rịa - Vũng Tàu đã được cấp giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Việc xây dựng thành công thương hiệu loại quả này đã giúp nhân dân trong vùng tập trung mở rộng diện tích, từng bước hình thành vùng chuyên canh (Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2015).

Không chỉ trồng na thu hoạch chính vụ, ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai thành công mô hình trồng na cho quả trái vụ. Mô hình này được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc và xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ. Tuy là trái vụ, nhưng na ở đây đã cho thu hoạch với năng suất cao, trung bình 7 tấn/ha, trong đó có 1,5 tấn quả loại một, 2,5 tấn quả loại hai và 3 tấn quả loại ba. Thời điểm này, với giá bán tại vườn là 32 nghìn đồng/kg quả loại một, 22 nghìn đồng/kg quả loại hai và 12 nghìn đồng/kg quả loại ba, các hộ trồng na ở Bà Rịa - Vũng Tàu thu được khoảng 139 triệu đồng/ha/vụ. Trừ chi phí, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha/vụ (Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2015).

Song song với trồng na trái vụ, nhiều địa phương ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện mô hình trồng na theo hướng VietGap như ở huyện Tân Thành, các hộ tham gia dự án này đã được vay 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương, đồng thời được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tập huấn kỹ thuật. Bà con nông dân đã thiết kế vườn thông thoáng, sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị quả na (Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2015).

Tại Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Tâm trên địa bàn xã Hòa Hợp, huyện Xuyên Mộc, từ năm 2011 đến nay cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật và 30% vốn của trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đã trồng 5 ha na theo hướng VietGap. Kết quả cho thấy, sản phẩm VietGap chất lượng tốt hơn, trái đồng đều hơn, ngọt hơn, năng suất đạt khoảng 10 tấn/ha/2 vụ, tăng 20% so với sản phẩm na trồng theo lối truyền thống. Sau khi trừ đi trừ đi chi phí người dân thu được từ 100 - 120 triệu đồng/ha. Được biết, Bà Rịa Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2012 toàn tỉnh có 50% diện tích trồng na sẽ lấy chứng chỉ VietGap và đến năm 2030 là 100% diện tích (Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2015).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển sản xuất na theo hướng bền vững trên địa bàn huyện chi lăng, tỉnh lạng s (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)