Các nhân tố ảnh hưởng đến quản trị vốn kinh doanh của doanh nghiệp được chia theo các nhân tố chủ quan và các nhân tố khách quan. Các nhân tố khách quanlà các nhân tố tác động đến hoạt động quản trị vốn của doanh nghiệp, nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Các nhân tố chủ quan là các nhân tố nằm trong nội bộ của bản thân doanh nghiệp. Sau đây, chúng ta sẽ nghiên cứu từng nhóm nhân tố:
2.1.4.1. Yếu tố khách quan
Các nhân tố khách quan ảnh hưởng đến hoạt động quản trị vốn của doanh nghiệp bao gồm các nhân tố sau:
- Các vấn đề về chính sách nhà nước, các yếu tố kinh tế vĩ mô tác động đến hoạt động đến hoạt động trực tiếp hay gián tiếp đến quá trình quản trị vốn của doanh nghiệp. Việc quản trị vốn của doanh nghiệp bị chi phối bởi các chính sách về thuế, vế tín dụng của ngân hàng, và các chính sách kinh tế khác... Các chính sách tín dụng sẽ tác động đến khả năng huy động vốn, thu hút vốn phuc vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách thuế sẽ tác động trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của cả doanh nghiệp.
- Yếu tố lạm phát, vấn đề tỉ giá hối đoái ảnh hưởng tới nhu cầu về vốn của doanh nghiệp theo các chiều hướng khác nhau. Khi có lạm phát cao các doanh nghiệp cần phải tính tới việc gia tăng tỉ lệ vốn kinh doanh tương ứng để đảm bảo một cách tương đối nhu cầu về vốn. Trong môi trường có lạm phát cao giá cả đầu vào có nhiều biến động theo các chiều hướng phức tạp, chính vì vậy doanh nghiệp cũng cần giành một khoản vốn nhất định đối phó với trường hợp này.
Trong trường hợp có biến động về tỉ giá hối đoái thì tác động lớn nhất lại xảy ra đối với các doanh nghiệp có tham gia xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ hay các đầu vào sản xuất khác và mức độ tác động theo những chiều hướng hoàn toàn khác nhau đối với hoạt động xuất khẩu và hoạt động nhập khẩu. Khi tỉ giá hối đoái giữa đồng nội tệ và đồng ngoại tệ giảm thì xuất khẩu có lợi và nhập khẩu lại bất lợi. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp tham gia nhập khẩu cần tăng lượng vốn nội tệ để đối phó với sự biến động bất lợi của tỉ giá hối đoái.
- Các nhà cung cấp đầu vào khác. Trong luận văn này có tách yếu tố vốn và các yếu tố đầu vào khác thành những nhóm khác nhau. Ví dụ, vốn vay từ các tổ chức tín dụng được tách ra thành một nhóm riêng, vốn chiếm dụng của các nhà cung cấp đầu vào khác thành một nhóm. Các nhà cung cấp đầu có tác động đến việc sử dụng vốn, huy động vốn của doanh nghiệp bằng việc cho hưởng tín dụng khi mua hàng hoặc doanh nghiệp bắt doanh nghiệp phải tiến hành thanh toán ngay, hoặc thậm chí doanh nghiệp còn phải đặt tiền trước. Các hình thức thanh toán với người cung cấp đầu vào sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp.
- Những người mua hàng của doanh nghiệp. Người mua hàng của doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Khi tham gia vào thị trường doanh nghiệp cũng phải tiến hành đa dạng hoá hình thức bán hàng: bán trả ngay, bán chịu, cũng có trường hợp doanh nghiệp bắt người mua đặt tiền trước. Đối với trường hợp bán chịu, việc thu nợ là một vấn đề đặt ra đối với tất cả các doanh nghiệp là tránh việc nợ đọng dây dưa, giảm các khoản nợ khó đòi. 2.1.4.2. Yếu tố chủ quan
Các nhân tố chủ quan bên trong doanh nghiệp tác động đến hoạt động quản trị vốn bao gồm các nhân tố sau:
- Vấn đề con người trong quản lí và điều hành các hoạt động của doanh nghiệp. Nhân tố này tác động đến hiệu quả kinh doanh, và thậm chí cả khả năng thu hút vốn từ các nguồn chính thức từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác và phi chính thức. Và thể hiện rõ nhất là khả năng huy động các nguồn vốn từ các nhà cung ứng đầu vào cho doanh nghiệp ở dạng cho hưởng tín dụng. Các doanh nghiệp có khả năng thu hút các nguồn vốn này không ngoài phụ thuộc vào các chính sách của nhà nước còn phụ thuộc vào uy tín, vị thế của bản thân doanh nghiệp trên thị trường.
- Nhóm nhân tố thứ hai tác động đến hoạt động quản trị vốn của doanh nghiệp là khả năng tổ chức và thực hiên sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được thể hiện ở các mặt: qui mô kinh doanh, phương thức kinh doanh, các mặt hàng mà doanh nghiệp tham gia kinh doanh, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp, vấn đề tổ chức bộ máy kinh doanh và phân cấp quản lí vốn trong doanh nghiệp. Mức độ thành công trong kinh doanh phụ thuộc vào cả một quá trình trong đó có cả giai đoạn thu mua các yếu tố đầu vào, quá trình quản trị và tổ chức sản xuất kinh doanh, và quá trình bán hàng cũng như các hoạt động sau khi bán. Giai đoạn tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến giá và
chất lượng sản phẩm. Các giai đoạn sau ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
- Nhóm nhân tố thứ ba tác động đến hoạt động quản trị vốn của doanh nghiệp là cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp. Trong mục này muốn nhấn mạnh đến yếu tố vốn cố định, các trang thiết bị của doanh nghiệp. Các yếu tố này tác động đến khả năng thu hút vốn từ bên ngoài. Các tổ chức tài chính tín dụng, các nhà cung cấp đầu vào căn cứ vào tài sản hiện có của doanh nghiệp để tiến hành cung cấp tín dụng.
Trên đây là các nhân tố tác động đến hoạt động quản trị vốn của doanh nghiệp. Và trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của một doanh nghiệp. Bất cứ doanh nghiệp nào khi tiến hành hoạt động trên thị trường đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của các nhân tố trên. Ngoài ra trong quá trình kinh doanh một số nhân tố khác cũng có tác động nhất định đến quản trị vốn kinh doanh của doanh nghiệp đó là nhân tố tăng trưởng kinh tế, nhân tố cạnh tranh...
Hoạt động quản trị vốn của một doanh nghiệp gồm cả một quá trình từ việc xác định nhu cầu vốn, tìm ra phương hướng huy động vốn cho hoạt động kinh doanh, thực hiện việc sử dụng vốn, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, và chỉ ra các nhân tố tác động đến việc sử dụng và huy động vốn của doanh nghiệp. Từ việc phân tích các quá trình này ta sẽ thấy được điểm mạnh, điểm cần tiếp tục khắc phục về hoạt động quản trị vốn của doanh nghiệp.