Hệ thống tổ chức quân lý ĐTN cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện Kinh Môn
Sơ đồ 4.1. Hệ thống tổ chức và quản lý đào tạo nghề cho LĐNT ở huyện Kinh Môn Tỉnh Hải Dương
Nguồn: Sở lao động thương binh xã hội tỉnh Hải Dương (2016)
Qua sơ đồ 4.1. ta thấy, tham gia trực tiếp đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Kinh Môn gồm: Trung tâm Dạy nghề huyện Kinh Môn, các cơ sở liên kết dạy nghề, các phòng chức năng, các tổ chức đoàn thế của huyện, UBND xã. Các doanh nghiệp trên địa bàn.
Công tác tổ chức đào tạo nghề cho nông dân trên địa bàn huyện Kinh Môn được tiến hành theo các bước:
Thứ nhất, trên cơ sở chỉ đạo về công tác đào tạo nghề cho LĐNT của cơ quan quản lý từ Trung ương đến tỉnh, UBND huyện Kinh Môn giao cho Trung tâm Dạy nghề huyện Kinh Môn chủ trì phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân kết hợp với tuyên truyền và tư vấn nghề cho
nông dân. Công tác điều tra này được thực hiện từ cấp thôn, xóm, tới từng hộ gia đình trên cơ sở nhu cầu học nghề của người nông dân.
Thứ hai, nông dân tiến hành đăng ký học nghề tại UBND các xã. Trên cơ sở danh sách đăng ký chính thức học nghề của các xã, phòng Lao động TB và XH, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện trình UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch đào tạo nghề tại các xã và giao cho Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức đào tạo. Nếu trong trường hợp đào tạo những nghề mà Trung tâm Dạy nghề của huyện không có giáo viên và chương trình đào tạo đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ ký hơp đồng với các cơ sở dạy nghề có chức năng, uy tín đảm bảo chất lượng.
Thứ ba, Trung tâm Dạy nghề huyện Kinh Môn chủ trì phối hợp với Phòng Lao động TB và XH, Phòng Nông nghiệp & PTNT, UBND xã, các tổ chức đoàn thể của huyện, các cơ sở liên kết dạy nghề sẽ tổ chức khai giảng và thực hiện quản lý lớp học.
Các cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT đều chịu sự kiểm tra, giám sát của Sở Lao động TB & XH, sở Nông nghiệp & PTNT và các phòng chuyên môn cấp huyện.
Hộp 4.1. Ý kiến của cán bộ trung tâm dạy nghề về công tác lập kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm tại huyện Kinh Môn
Có thể nói việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là vấn đề cấp bách và được UBND huyện chú trọng quan tâm. Huyện Kinh Môn là huyện thuần nông có tỷ lệ lao động gia sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, công việc mang tính thời vụ không ổn định, thu nhập của lao động nông thôn còn thấp. Chính vì vậy hàng năm Trung tâm luôn chú trọng đến việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp lao động tăng thêm thu nhập, tránh thời gian nhàn rỗi. Nhưng một vấn đề đặt ra đó là hiện nay là trình độ của lao động khu vực nông thôn còn hạn chế và UBND Huyện Kinh Môn chưa có chính sách vụ thể hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho lao động sau khi tham gia tập huấn gây nên hiện tượng lao động sau khi tham gia đào tạo nghề nhưng không áp dụng vào sản xuất - kinh doanh
Nguồn : Phỏng vấn sâu ông Lê Xuân Bí phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kinh Môn (2016).
Công tác triển khai tổ chức hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện đã đảm bảo tính nghiêm túc, bước đầu đã có sự phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện. Trong quá trình tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách đào tạo nghề, tư vấn học nghề và việc làm trực tiếp đối với nông dân nhằm nâng cao nhận thức của họ trong việc chủ động học nghề và tự tạo việc làm.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn vẫn gặp khó khăn, đó là: Nhiều nông dân đăng ký tham gia học nghề đã quá tuổi quy định, tham gia học nghề từ năm trước, những người trong đối tượng được hỗ trợ học nghề đăng ký học còn rải rác, phân tán.
Một số xã trong huyện cán bộ cơ sở thực hiện điều tra còn mang tính hình thức, chưa sát thực tiễn, sự phối hợp với Trung tâm Dạy nghề còn chưa chặt chẽ. Các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền phát hành chưa kịp thời, tần suất chưa cao, nội dung chưa phong phú; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho nông dân có nơi chưa tới nguời nông dân; những người tham gia công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa chuyên nghiệp. Còn nhiều thủ tục rườm rà mang tính hình thức như tại một xã khi số lượng nông dân đăng ký mở lớp đào tạo nghề thì phải có đủ số lượng nông dân tại một xã đăng ký học thì mới mở lớp, còn nếu số lượng nông dân đăng ký không đủ thì không thể mở lớp tại xã đó được. Đây cũng là một hạn chế ảnh hưởng đến công tác tổ chức đào tạo nghề của nông dân.