Mục đích, ý nghĩa của công tác quản lý dân số

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý dân số sinh trên địa bàn huyện gia bình, tỉnh bắc ninh (Trang 25 - 27)

Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Vì vậy, quy mô, cơ cấu và sự gia tăng của dân số liên quan mật thiết tới nền kinh tế và toàn bộ sự phát triển của mỗi quốc gia, là một trong những vấn đề tác động trực tiếp đến nền KT - XH, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chính vì vậy, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển KT - XH là nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực luôn luôn gắn liền sự biến đổi dân số cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu của sự phát triển suy cho cùng là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng dân số, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực thật sự phù hợp và tác động tích cực đến sự phát triển (Lê Cảnh Nhạc, 2013). Ðể có sự phát triển bền vững, việc đáp ứng tăng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của các thế hệ hiện tại không được ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai trên cơ sở sử dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Trong thực tế, các yếu tố dân số có ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên và trạng thái môi trường. Dân số phù hợp sự phát triển đòi hỏi sự điều chỉnh các xu hướng dân số phù hợp sự phát triển nền KT - XH của đất nước. Sự phù hợp đó là yếu tố quan trọng kích thích sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao tiềm lực của lực lượng sản xuất; là yếu tố cơ bản để xóa đói, giảm nghèo, giảm tình trạng thất nghiệp, giảm

tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, nâng cao vị thế của người phụ nữ, giảm rủi ro về môi trường, mở rộng dịch vụ y tế, xã hội và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, khoa học và công nghệ; góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Dân số và phát triển có mối quan hệ tác động qua lại rất chặt chẽ. Quy mô, cơ cấu, chất lượng và tốc độ gia tăng dân số có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển KT - XH và ngược lại. Phát triển KT - XH có tác động trực tiếp đến mức sinh, mức chết, đến phân bố dân cư và chất lượng dân số.

Mặt khác, dân số là cơ sở hình thành các nguồn lao động. Quy mô dân số lớn, cơ cấu dân số hợp lý, chất lượng dân số cao, sẽ tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu.

Muốn tăng trưởng kinh tế thì yếu tố đầu tiên phải là con người - nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực lại gắn liền với tình hình biến đổi dân số. Mặt khác, mục đích cuối cùng của chiến lược phát triển KT - XH không ngoài việc nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được với một quy mô, tốc độ tăng trưởng, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực phù hợp với nền KT - XH của mỗi quốc gia.

GDP bình quân đầu người phụ thuộc vào 2 yếu tố: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và số dân. Sự gia tăng dân số quá nhanh có tác động rất mạnh đến chỉ tiêu này theo hướng tiêu cực. Để GDP bình quân đầu người ngày càng tăng thì tỷ lệ tăng GDP phải cao hơn tỷ lệ tăng dân số. Để đạt mục tiêu tăng tỷ lệ GDP bình quân đầu người, việc giảm tỷ lệ tăng dân số 1% cũng có giá trị như làm tăng GDP lên 1% (Nguyễn Đình Cử và Lưu Bích Ngọc, 2012).

Mặt khác, nếu chỉ nâng cao tổng sản lượng lương thực mà không chú ý đến giảm tốc độ tăng dân số thì khó có thể nâng cao bình quân lương thực đầu người. Dân số tăng nhanh là áp lực lớn về lương thực, thực phẩm và là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đói nghèo, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và tàn phá môi trường.

Ở nước ta, mối quan hệ giữa gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế trong các năm qua cũng không nằm ngoài quy luật trên. Rõ ràng, nếu không có các biện pháp hữu hiệu để giảm nhanh tốc độ gia tăng dân số và đầu tư phát triển kinh tế mạnh hơn vào những vùng nghèo thì sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo ở nước ta sẽ ngày càng lớn.

Bên cạnh tác động của quy mô dân số đến quy mô tiêu dùng thì cơ cấu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố dân số, như cơ cấu theo độ tuổi, giới tính… Chính sự khác biệt lớn về nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ sinh hoạt giữa trẻ em và người già, giữa nữ và nam đã tạo nên cơ cấu sản xuất và tiêu dùng xã hội khác nhau. Để xã hội phát triển, người lao động phải sản xuất không chỉ đủ để tiêu dùng cho họ mà cho cả người phụ thuộc vào họ và nhiều hơn thế mới có tích lũy để mở rộng sản xuất. Vì vậy, khối lượng tích lũy của mỗi quốc gia phụ thuộc vào quy mô và cơ cấu dân số, nhất là cơ cấu dân số theo độ tuổi vì nó liên quan đến lực lượng lao động sản xuất ra của cải vật chất và chi phí tiêu dùng khác nhau ở mỗi độ tuổi.

Trên đây là những tác động của dân số đến phát triển kinh tế xã hội. Nhận rõ tác động to lớn này, cần đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng và thực hiện việc quản lý dân số một cách có hiệu quả chính sách dân số nhằm duy trì mức sinh phù hợp, ổn định quy mô dân số, phân bố dân cư hợp lý và nâng cao chất lượng dân số nhằm phát triển bền vững đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tăng cường quản lý dân số sinh trên địa bàn huyện gia bình, tỉnh bắc ninh (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)