PHẦN 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN
2.2.1. Kinh nghiệm thực hiện chính sách dân số ở một số nước trên thế giới
2.2.1.1. Trung Quốc
Trung Quốc là một nước có quy mô dân số lớn nhất thế giới,với quy mô 1,373 tỷ người năm 2015, tăng gần 850 triệu người so với năm 1953. Trung Quốc đã đạt mức sinh thấp, mức chết thấp nhưng dân số vẫn tiếp tục gia tăng. Trung Quốc luôn xác định công tác DS - KHHGĐ là nền tảng của sự nghiệp tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm chất lượng cuộc sống và phát triển hài hòa với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Chính sách một con được Trung Quốc áp dụng từ năm 1979 nhằm làm giảm tỷ lệ sinh và kìm hãm tốc độ gia tăng dân số. Chính phủ Trung Quốc cho
biết chính sách này ước tính đã giảm được khoảng 400 triệu ca sinh nở kể từ khi có hiệu lực. Các chuyên gia phân tích cho rằng việc bãi bỏ một biện pháp kiểm soát dân số "được áp dụng thành công" hơn 30 năm qua chứng tỏ Trung Quốc muốn thoát khỏi nguy cơ khủng hoảng dân số đang dần hiện hữu.
Theo số liệu được công bố, chính phủ Trung Quốc đã thu được 3 tỷ USD mỗi năm từ số tiền phạt những cặp vợ chồng vi phạm chính sách một con, và nhiều người cho rằng con số này vẫn còn khiêm tốn so với thực tế. Trong năm 2013, chính quyền 23 trên 31 tỉnh thành của Trung Quốc đã thu được 3,1 tỷ USD tiền phạt những người vi phạm chính sách.
Mặc dù số tiền phạt tới 200.000 nhân dân tệ (gần 700 triệu đồng) cho mỗi đứa con sinh thêm, nhiều gia đình vẫn sinh con thứ hai. Các chuyên gia phân tích cho rằng chính sách một con của Trung Quốc đã "rơi vào tình trạng tê liệt".
Tuyên bố chấm dứt chính sách một con được đưa ra vào ngày 29/10/2015 ngày bế mạc hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Quyết định bãi bỏ chính sách một con là một sự "điều chỉnh có điều kiện" của Trung Quốc trước sự bất cập trong quản lý và thi hành chính sách, đồng thời thể hiện sự "hốt hoảng" của nhà chức trách trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng dân số đang cận kề. Các chuyên gia về nhân khẩu học cho rằng cách phù hợp để kiểm soát tăng trưởng dân số là phát triển thịnh vượng. Quyết định trên được đưa ra nhằm "cân bằng phát triển dân số và đối phó với thách thức đến từ nền dân số già". Mục tiêu mà Trung Quốc đề ra khi thi hành chính sách một con năm 1979 là "giảm bớt các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường", do lo ngại dân số tăng nhanh có thể làm cạn kiệt tài nguyên, gia tăng nghèo đói và đe dọa sự ổn định của xã hội.
Sau hơn 30 năm thi hành chính sách dân số chặt chẽ, Trung Quốc hiện là một trong những nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất thế giới. Các chuyên gia cảnh báo với nền kinh tế phát triển nhanh, đòi hỏi nguồn nhân lực khổng lồ, chính sách một con có thể đe dọa đến tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội, hai trụ cột trong điều hành và quản lý xã hội của Trung Quốc.
Tại nhiều vùng nông thôn Trung Quốc, nhiều trường tiểu học đã phải đóng cửa vì thiếu học sinh trầm trọng. Thanh niên đổ ra thành phố tìm việc làm, nhiều cặp vợ chồng già ở quê chỉ còn biết nương tựa vào nhau, ngóng con về mỗi dịp lễ tết.
Năm 2010 số người trong độ tuổi 20-24 ở Trung Quốc là 116 triệu. Theo ước tính, đến năm 2020, con số này là 94 triệu, giảm tới 20%, trong đó có rất nhiều người theo học đại học chứ không muốn làm công nhân. Số người già trên 60 tuổi của nước này vào năm đó sẽ là 360 triệu. Số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm sẽ gặp khó khăn khi phải nuôi số trẻ em và người già ngày càng tăng. Điều này cản trở đến sự phát triển kinh tế.
Từ năm 2013, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng chính sách một con khi cho phép những người thuộc diện "con một" được sinh hai con. Các nhà nhân khẩu học ở Bắc Kinh dự đoán 10-20 triệu cặp vợ chồng sẽ hào hứng đón nhận chính sách mới này. Nhưng đến tháng 5/2015, chỉ có chưa đầy 1,5 triệu cặp vợ chồng nộp đơn xin sinh con thứ hai.
Sự hốt hoảng của nhà chức trách Trung Quốc là có cơ sở, khi nhìn sang nước láng giềng Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ sinh thấp đến mức nguy hiểm. Một nền dân số già như Nhật Bản sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, các chuyên gia cảnh báo.
Trung Quốc có khả năng còn lâm vào tình cảnh tồi tệ hơn, bởi Nhật Bản không quá cấp bách trong việc duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao. Trung Quốc cần tốc độ tăng trưởng kinh tế cao bởi họ vẫn có hàng trăm triệu người sống trong nghèo đói. Trung Quốc cũng cần một nền kinh tế mạnh mẽ để duy trì vị thế, và điều đó ngày càng trở nên khó khăn khi các vợ chồng trẻ không muốn có thêm con.
Các chuyên gia dự đoán rằng việc bãi bỏ chính sách một con sẽ không gây ra một đợt bùng nổ dân số ở Trung Quốc, bởi ngày càng nhiều vợ chồng trẻ coi trách nhiệm nuôi nấng một đứa con đã là quá nặng nề. Tuy nhiên, nhiều người có thể vẫn lựa chọn chỉ sinh một con, bởi các gia đình một con đã trở thành chuẩn mực xã hội. Các nhà phê bình cho rằng thậm chí chính sách hai con cũng không đủ sức làm tăng tỷ lệ sinh ở Trung Quốc (Trí Dũng, 2015).
2.2.1.2. Nhật Bản
Từ giữa thế kỷ XIX, sự gia tăng dân số đáng kể đã song hành cùng công cuộc hiện đại hóa và bùng nổ kinh tế của Nhật Bản. Trong suốt giai đoạn đầu tiên của lịch sử cận đại, cho đến khi Đại chiến thế giới thứ II kết thúc, Nhật Bản theo đuổi hai mục tiêu quốc gia: Thịnh vượng và sức mạnh quân sự. Để có được sức mạnh quân sự, Chính phủ tìm cách gia tăng dân số.
Chính phủ khuyến khích mức sinh cao và cấm các hoạt động kiểm soát sinh. Tuy nhiên, chính sách này không hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của Chính phủ là xây dựng một quốc gia thịnh vượng. Tốc độ tăng trưởng dân số nhanh vượt lên trên tất cả những đòi hỏi của nền kinh tế và năng lực việc làm, tạo ra nạn thất nghiệp và thiếu việc làm nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, bất chấp chính sách phát triển dân số của Chính phủ, mức sinh vẫn giảm, đi cùng là những thay đổi xã hội bắt đầu vào khoảng những năm 20. Nó vẫn tiếp diễn cho đến hiện tại trừ một số thời gian gián đoạn ngắn.
Trong giai đoạn thứ hai bắt đầu sau Đại chiến thế giới thứ II, tăng trưởng dân số và phát triển kinh tế duy trì một quan hệ đôi bên cùng có lợi, một phần là do thời điểm tăng trưởng kinh tế bất ngờ, và một phần do chính sách dân số tự do của Chính phủ. Ngay sau Đại chiến Thế giới thứ II, Chính phủ thực hiện một bước tiến mạnh mẽ trong việc hợp pháp hóa nạo phá thai. Bất chấp tác động đáng kể đối với các vấn đề ưu sinh, nhưng nói một cách chính thống, biện pháp này không phải là chính sách dân số. Tuy nhiên, dường như hiện tại đã rõ ràng hơn, rằng đó là biện pháp nhằm mục đích giúp đất nước vượt qua những khó khăn kinh tế thời kỳ sau chiến tranh. Nhìn lại quá khứ, đây là một chính sách dân số không chính thức xác định rõ các mục tiêu kinh tế và xã hội. Nhưng sự tự nguyện và nhanh chóng chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai của đại bộ phận dân số đã buộc Chính phủ phải điều chỉnh lại mức sinh. Tăng trưởng trong các lĩnh vực kinh tế hiện đại và giáo dục bắt buộc áp dụng cho cả nam và nữ đã giúp tạo lập mô hình gia đình ít con của Nhật Bản.
Trong suốt 25 năm đầu sau chiến tranh, lực lượng lao động tiếp tục tăng trưởng nhanh, đây cũng là kết quả của mức sinh cao tồn tại trong những năm trước chiến tranh và bùng nổ sinh bù sau chiến tranh. Lượng cung ứng lao động lớn, cùng với sự tái phân bố lực lượng lao động từ các khu vực nông thôn đến thành thị, đã giúp việc mở rộng các ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Trong khi đó, Chính phủ vẫn duy trì chính sách dân số tự do, cho phép các cặp vợ chồng thực hiện KHHGĐ. Khi nhu cầu công nghiệp về lao động bổ sung đột nhiên suy giảm vào giữa những năm 70, tác động của mức sinh thấp, ổn định trở nên rõ ràng hơn, vì số lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động ít hơn. Trong những năm 80 và 90, khi nguồn cung lao động nội địa suy giảm và tình trạng khan hiếm lao động trở nên trầm trọng, một lượng lớn vốn và công nghệ của
Nhật Bản đã được chuyển ra nước ngoài, do vậy đã giảm được sức ép của nguồn cung lao động trong nước một cách hiệu quả.
Tóm lại, Nhật Bản đã phải đối mặt với hai bức tranh dân số kể từ Đại chiến thế giới thứ II. Bức tranh đầu tiên là tăng trưởng dân số với tốc độ nhanh ngay sau chiến tranh. Thứ hai là viễn cảnh thực tại của một bộ phận dân số già ngày càng tăng. Trong cả hai trường hợp, chính sách của Chính phủ là rất hạn chế.
Trước đó, Chính phủ loại bỏ hầu hết các trở ngại pháp lý về kiểm soát sinh, bao gồm cả nạo phá thai, phó mặc các hoạt động KHHGĐ cho các cá nhân và các tổ chức tư nhân. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã tiến hành những nghiên cứu về quan hệ giữa các xu thế dân số và thay đổi kinh tế xã hội và đã nhận thức được những ảnh hưởng đối kinh tế xã hội do mức sinh thấp chưa từng có ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ đã từ chối thực hiện chính sách khuyến sinh để giải quyết thực trạng dân số. Rõ ràng là các chính sách hiện tại của Chính phủ phù hợp với tinh thần hiến pháp tôn trọng tự do và lòng tự trọng của mỗi cá nhân. Tháng 10/1998, Hội đồng Tư vấn Dân số của Bộ Y tế và Phúc lợi đã trình báo cáo mới nhất, và Thủ tướng Nhật Bản đã tổ chức một nhóm công tác để đưa ra các vấn đề về mức sinh thấp.
Những lựa chọn chính sách của cả hai nhóm chủ yếu nhằm cải thiện các điều kiện nuôi con của các bà mẹ đang làm việc và khuyến khích các mô hình sống mới có thể thay thế phân chia lao động truyền thống giữa vợ và chồng. Các biện pháp này dường như là cách gián tiếp và khá yếu để tăng mức sinh. Trong các khía cạnh khác, chính sách của Chính phủ có thể được miêu tả là một “phản ứng với triệu chứng” khi nó không đưa ra được nguyên nhân của tình hình - mức sinh dưới mức thay thế - mà lại tập trung vào các biện pháp xoa dịu.
Hiện tại, Chính phủ đang điều chỉnh các hệ thống bảo hiểm y tế, trợ cấp và phúc lợi xã hội cho người già nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính lên vai nhóm dân số trong độ tuổi lao động do số lượng người già ngày càng tăng. Chính phủ không thực hiện những bước đi trực tiếp để khuyến khích mức sinh cao hơn. Tuy nhiên các chính sách và chương trình nhằm cải thiện phúc lợi gia đình, vị thế phụ nữ, và đặc biệt là hoàn cảnh khó khăn của các bà mẹ đang làm việc chưa mang lại những tác động dân số đáng kể hay khả quan.
Hơn nữa, việc Chính phủ gần đây thờ ơ với việc áp dụng chính sách khuyến sinh một phần là do thất bại của Nhật Bản trong việc áp dụng chính sách
này trước và trong suốt Đại chiến thế giới thứ II. Nỗ lực ngăn cản sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh trong thời kỳ đầu của thế kỷ XX là không hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu Chính phủ không hạn chế việc phổ biến các thông tin KHHGĐ, quá trình quá độ dân số ở Nhật Bản đã có thể xảy ra êm thuận hơn. Rất nhiều vấn đề xã hội, như tình trạng thất nghiệp trầm trọng tại các thành phố và làng mạc, về cơ bản đưa đất nước vào chiến tranh, có thể đã không xảy ra.
Một bài học quan trọng từ kinh nghiệm của Nhật Bản rằng thời gian được hưởng dư lợi dân số diễn ra rất ngắn. Nếu một nền kinh tế thất bại trong việc hưởng dư lợi dân số thì sẽ nhanh chóng phải đối mặt với cái gọi là bất lợi dân số. Sự gia tăng lực lượng lao động Nhật Bản là những lợi thế đối với bùng nổ kinh tế trong thập kỷ 50 và 60. Tỷ lệ dân số phụ thuộc trẻ so với dân số trong độ tuổi lao động ở mức thấp, kết quả của mức sinh thấp trong những năm 50 và 60, đã khuyến khích đầu tư, nạp nhiên liệu cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời kỳ triển vọng này trôi qua nhanh chóng. Với sự suy giảm dân số và tốc độ tăng trưởng kinh tế trong những năm 70, viễn cảnh dân số già ngày càng nhiều và các vấn đề do dân số già đã xuất hiện. Giai đoạn quá độ dân số mới đã đặt ra những thách thức chưa từng có trong lịch sử (Tổng cục Dân số - KHHGĐ, 2012).
2.2.1.3. Indonesia
Tổng điều tra dân số năm 2010 cho thấy, dân số của Indonesia đạt 237,6 triệu người (tăng hơn 4 triệu người so với dự báo năm 2005 của cơ quan Thống kê, tỷ lệ tăng dân số 1,416% (giai đoạn 2000-2010), tổng tỷ suất sinh 2,4 con, tăng vọt so với giai đoạn trước. Các nhà chính trị, quản lý, hoạch định chính sách và các nhà dân số học quan ngại Indonesia sẽ “bùng nổ dân số” như những năm 60- thế kỷ trước.
Ủy ban Điều phối công tác DS- KHHGĐ Indonesia đã phân tích và xác định nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là Chính phủ đã buông lỏng sự cam kết lãnh đạo, đầu tư giảm sút, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở biến động lớn. Chính phủ đã thực hiện cải cách hành chính với việc giao cho chính quyền các địa phương tự xây dựng chính sách, tự chủ kinh phí cho công tác DS-KHHGĐ.
Từ năm 2007, Chương trình DS-KHHGĐ của Indonesia đã được hồi sinh, nhờ Chính phủ đã dũng cảm sửa những sai lầm xảy ra trong giai đoạn cải cách 1998 - 2006. Chương trình DS-KHHGĐ của Indonesia đã đạt được những kỳ tích trong kỷ nguyên Tổng thống Suharto kéo dài 31 năm (1967-1998), được cộng
đồng Quốc tế ghi nhận với Giải thưởng Dân số LHQ năm 1989 dành cho Tổng thống Suharto. 95 quốc gia đã cử nhiều đoàn cán bộ đến học tập kinh nghiệm làm công tác DS-KHHGĐ của đất nước có số dân đông thứ tư trên thế giới. Đây quả là những kỳ tích đối với một đất nước gồm 13.487 hòn đảo, trong đó khoảng 6.000 hòn đảo có người ở, nằm rải rác ở cả hai phía đường xích đạo. Là đất nước với khoảng 300 sắc tộc bản địa khác nhau và 742 ngôn ngữ cùng thổ ngữ. Bản sắc địa phương đa sắc tộc được duy trì bên cạnh một tình cảm quốc gia mạnh mẽ trên tinh thần “thống nhất trong đa dạng”- Indonesia là một kết hợp khoảng 250 chủng tộc, phần đông có họ hàng gần gũi với nhau trên phương diện ngữ học và nhân chủng học. Đây còn là đất nước có số người theo đạo Hồi đông nhất thế giới (dù không phải là nhà nước Hồi giáo) với 86,1% tín đồ, ngoài ra có 8,7% tín đồ Thiên chúa giáo, 3% tín đồ Hiđu và 1,8% tín đồ Phật giáo và tôn giáo khác. Người Hồi giáo vốn sinh nhiều con, thích có con trai; nam giới có thể lấy đến 4 vợ nếu đảm bảo các yêu cầu theo Luật định.
Indonesia là một trong số ít quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình KHHGĐ ngay từ năm 1945 sau khi giành được độc lập nhưng lúc đó do Hiệp hội