Khi nói tới cơ chế, chính sách khuyến khích tạo động lực cho công chức không chỉ đơn giản là chính sách thu nhập, tiền lương của công chức mặc dù tiền lương, thu nhập là một trong những chính sách quan trọng nhất của tạo động lực và khuyến khích công chức. Điều quan trọng hơn là phải nghĩ tới hệ thống các cơ chế, chính sách đồng bộ liên quan đến lợi ích của công chức. Để tạo ra được các
chính sách tốt có tác dụng tạo động lực cho công chức yên tâm công tác, tâm huyết gắn bó với công việc, với công sở thì hệ thống chính sách phải xuất phát từ những mong muốn, nhu cầu chính đáng của công chức.
Trong công tác quản lý công chức, những năm qua các cơ quan, đơn vị của ngành mới quan tâm tới công tác quản lý hành chính nhân sự (chấm công, thực hiện chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ phép, hưu trí...) mà ít quan tâm tới những vấn đề khác như tạo lập văn hoá tổ chức, văn hoá lãnh đạo, tạo lập môi trường làm việc tốt, quan tâm tới công tác tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, sự thăng tiến của công chức, quy hoạch công chức, tôn vinh công chức giỏi... Chất lượng công tác tuyển dụng công chức là một trong những vấn đề ít được quan tâm, nhưng lại là chủ đề mà nhiều công chức hay đề cập tới khi công việc đạt hiệu quả không cao.
Hộp 4.4. Cơ chế, chính sách về tuyển dụng công chức còn nhiều bất cập
“Thực tế trước đây, công tác tuyển dụng công chức ngành chưa được chú trọng và quan tâm thực sự, mới còn hô hào quán triệt trên văn bản, thông tư, nghị định, nghị quyết mang tính chất trên giấy tờ, tính hình thức, khi triển khai thực hiện thì không tuân theo quy định, còn để hiện tượng thiếu công bằng trong tuyển dụng, bất hợp lý không tuyển dụng được người thực sự tài giỏi. Đa phần là tuyển con ông, cháu cha, hoặc đút lót, hối lộ, đây là hiện tượng chung mà nhiều báo chí cũng như người dân thường bức xúc và mất lòng tin với Đảng và Nhà nước”.
Nguồn: Phỏng vấn sâu bà Vương Thị Tú Oanh, Trưởng phòng LĐTBXH huyện Tân Lạc (2017)
Việc tuyển dụng công chức ngành hiện nay đang dần thay thế việc tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển sang hình thức thi tuyển để lựa chọn được những công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với công việc được giao. Tuy nhiên, các bộ phận quản lý chuyên ngành chưa có hướng dẫn cụ thể về tuyển dụng công chức thuộc ngành mình quản lý. Do vậy, mặc dù thi tuyển song vẫn dẫn tới trường hợp nhận người trái ngành vào làm việc. Ví dụ ngoài các yêu cầu chung cần có những yêu cầu riêng của chuyên ngành như nội dung thi chuyên ngành, tiêu chuẩn… Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ công chức, Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của các yếu tố để đưa ra các
giải pháp phát huy các yếu tố tích cực, góp phần tạo động lực giải quyết công việc hiệu quả cho đội ngũ công chức ngành.
Nói chung, các cơ chế, chính sách đối với công chức của ngành còn mang nặng tính hành chính, thiếu tính khuyến khích, động viên. Một số công chức được tỉnh cử đi đào tạo, khi tốt nghiệp không muốn về làm việc tại tỉnh, chấp nhận bồi thường kinh phí đào tạo cho tỉnh để chuyển công tác ra tỉnh ngoài, về các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp liên doanh... Đây là một trong những biểu hiện do thiếu động lực tạo sự say mê gắn bó với công việc. Do thiếu động lực trong công việc, công chức chỉ làm việc theo bổn phận và ít quan tâm tới cải tiến công việc, ít quan tâm tới tự học tập nâng cao năng lực của bản thân công chức.
Hiện nay, việc chậm cải cách đồng bộ chính sách tiền lương cũng là một trong những yếu tố làm ảnh hưởng đến việc thu hút và khuyến khích công chức làm việc. Tiền lương của công chức là vấn đề có ý nghĩa lớn cả về kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ trực tiếp tới đời sống của nhân dân, ngân sách nhà nước, trình độ phát triển kinh tế, công bằng và định hướng phát triển của xã hội. Vẫn còn bất cập chế độ tiền lương chưa tương xứng với nhiệm vụ, với cống hiến của công chức, chưa theo đúng nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời chưa thực sự bảo đảm tái sản xuất mở rộng sức lao động và phù hợp với việc nâng cao từng bước mức sống trong xã hội, để công chức yên tâm, chuyên cần với công việc ở vị trí công tác của mình trong bộ máy nhà nước. Hiện tại, chính sách tiền lương thực sự là động lực thúc đẩy năng suất lao động và hiệu quả công tác, nâng cao chất lượng công chức; tiền lương mới chỉ là một khoản chi thuần tuý cho tiêu dùng, chưa thực sự là khoản đầu tư quan trọng cho sự ổn định và phát triển của đất nước, chưa thực sự đầu tư cho nhân tố con người, nhân tố quyết định của sự phát triển kinh tế và xã hội.
4.3. ĐỀ XUẤT ĐỊNH HƯỚNG VÀ HOÀN THIỆN GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG CHỨC NGÀNH LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI TỈNH HÒA BÌNH