Chương trình bảo tồn quỹ gen giống gà Hồ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khả năng sản xuất của công thức lai giữa gà trống hồ với mái ISA JA57 tại công ty TNHH dabaco (Trang 28 - 30)

Phần 2 Tổng quan tài liệu

2.3. Tình hình nghiên cứu trong nước và ngoài nước

2.3.2. Chương trình bảo tồn quỹ gen giống gà Hồ

Việt Nam thuộc khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên rất phong phú về các chủng loại sinh vật và là một trong những quốc gia có sự đa dạng sinh học vào bậc nhất thế giới. Theo Lê Viết Ly (1999), nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật (đã định được tên là 7.000 loài), 275 loài thú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 2.470 loài cá, 5.500 loài côn trùng. Có 10% loài thú, chim và cá của thế giới tìm thấy ở Viêt Nam.

Dựa vào lợi thế này, từ xa xưa, tổ tiên người Việt đã chọn lựa, lưu giữ những nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi có lợi và phù hợp với tập quán sinh sống cũng như điều kiện sản xuất để duy trì, phát triển nòi giống của mình theo suốt chiều dài lịch sử. Kết quả sau hàng ngàn năm thuần hóa và chọn lọc, chúng ta đã có một kho tàng nguồn gen vật nuôi quí giá, trong đó có giống gà Hồ. Gà Hồ có nguồn gốc từ làng Hồ, nay là làng Lạc Thổ, xã song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, hiện nay ở nước ta cũng đang diễn ra hiện tượng suy thoái, mất dần tính đa dạng sinh học của động vật. Nhiều giống vật nuôi bản địa có những đặc tính quý như khả năng thích nghi và sức kháng bệnh tốt với nhiều vùng sinh thái khác nhau, phù hợp với nhiều phương thức nuôi, chất lượng sản phẩm cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. .v.v. các giống này đang bị mai một, lai tạp, thậm chí tuyệt chủng.

Các kết quả khảo sát, nghiên cứu cho biết, nước ta có tới 28% loài thú, 10% loài chim, 21% loài bó sát và lưỡng thê đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Trong số 53 loài thú quý hiếm đưa vào sách đỏ Việt Nam thì có 10 loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, 18 loài ở tình trạng nguy cấp, 22 loài thuộc diện hiếm, 3 loài thuộc loại thoát hiểm. Sự tuyệt chủng này gần đây xảy ra rất nhanh theo tốc độ phát triển của kinh tế thị trường và đô thị hoá (Lê Viết Ly, 2004).

Trong xu thế trên, Nhà nước đã có nhiều dự án nghiên cứu bảo tồn, phát triển nhiều giống vật nuôi bản địa. Đây là các giống gà mang nhiều đặc điểm quý như

khả năng chống chịu cao, ít đòi hỏi về chế độ ăn và chế độ chăm sóc cầu kỳ, nhưng lại cho tốc độ sinh trưởng tương đối nhanh, thịt rất thơm ngon và một số giống còn nuôi làm vật cảnh. Trong việc khai thác và bảo vệ sự phong phú đa dạng các giống vật nuôi hiện nay, việc nghiên cứu, bảo tồn các giống gà địa phương đang là vấn đề thiết thực và cấp bách. Tình hình bảo tồn quỹ gen vật nuôi trong nước hạn chế ở việc phát hiện giống quý hiếm, việc bảo tồn và phát triển các giống này chỉ được quan tâm ở các cơ sở giống Quốc gia. Các nghiên cứu bảo tồn giống do địa phương (cấp tỉnh) thực hiện không nhiều.

Nghiên cứu của Lê Văn Viễn và Phạm Ngọc Uyển (2005), góp phần khẳng định chất lượng của các giống gà địa phương cũng như tính ưu việt của các giống này như thích nghi với điều kiện khí hậu Việt Nam, khả năng tự kiếm ăn tốt thích hợp với phương thức chăn nuôi truyền thống, chất lượng sản phẩm cao và đặc biệt có sức đề kháng tốt với một số bệnh. Đây là nguồn gen quý cần được đầu tư nghiên cứu và bảo tồn.

Nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững giống gà Hồ là việc làm cụ thể và có ý nghĩa đối với giống gà này. Gà Hồ được nuôi tại thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ (nay là thị trấn Hồ), huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh từ lâu đời. Tuy nhiên, do những tác động của quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hoá và đô thị hoá đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với giống gà này. Viện Chăn nuôi đã tiến hành bảo tồn in-situ, từ đàn gà hạt nhân đã cho giao phối lấy đàn con, chọn lọc theo ngoại hình và khối lượng cơ thể; khôi phục lễ hội gà Hồ; bảo tồn ex-situ, đánh giá bảo tồn và đánh giá nguồn gen , máu của 30 cá thể gà Hồ tốt nhất trong đàn hạt nhân, phân tách ADN tại Viện Chăn nuôi (Lê Viết Ly, 2001). Theo nghiên cứu Bảo tồn quỹ gen gà Hồ của Lê Thị Thuý và cs. (1991-2009), nghiên cứu đã giúp đàn gà Hồ từ chỗ có nguy cơ bị diệt vong sau 10 năm nghiên cứu đến 2004 đã xây dựng được đàn hạt nhân 220 mái và 40 trống, đến năm 2009 đã xây dựng được Hội gà Hồ với 22 hội viên. Cũng theo Hồ Xuân Tùng và cs. (2009) gà Hồ hiện nay có ngoại hình tương đối đồng nhất, mang đặc trưng của giống, tỉ lệ nuôi sống thấp. Từ 1-20 tuần tuổi tỷ lệ nuôi sống là 73,9-78,9% đối với gà trống và 76,0 -76,8% đối với gà mái. Tác giả cũng đưa ra kiến nghị tiếp tục cho thực hiện phương pháp bảo tồn tại Trung tâm kết hợp với các địa phương để mở rộng quần thể từng bước tạo sản phẩm hàng hoá cung cấp cho thị trường. Ngoài ra cũng có những nghiên cứu khác về gà Hồ của Bùi Hữu Đoàn và cs. (2006, 2008), Lê Công Cường (2007), Nguyễn Chí Thành và cs. (2009).

Tuy nhiên cho đến nay, việc bảo tồn và phát triển bền vững giống gà Hồ còn khá nhiều bất cập. Chưa tạo được quần thể gà Hồ đảm bảo về số lượng và điều kiện để phát triển bền vững. Công tác chọn lọc, tạo các dòng thuần nhằm nâng cao tiến bộ di truyền để cải thiện khả năng sản xuất của gà Hồ chưa được chú ý đúng mức. Chưa có biện pháp thích hợp để phát huy đặc điểm tốt và khắc phục những nhược điểm vốn có của gà Hồ. Chúng ta chưa có hệ thống sản xuất giống gà Hồ được tổ chức và quản lý một cách chặt chẽ. Vì vậy, chưa phát huy được hết tiềm năng của giống gà này.

Do đó, thực hiện các chương trình bảo tồn giống gà Hồ là cấp thiết và cần được tiến hành liên tục, lâu dài giúp bảo tồn và phát triển bền vững giống gà này tại Bắc Ninh cũng như trong cả nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) khả năng sản xuất của công thức lai giữa gà trống hồ với mái ISA JA57 tại công ty TNHH dabaco (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)