Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1 Cơ sở lý luận
2.1.3 Các hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm
Thông thường nguồn vốn tiền gửi tiết kiệm chiếm một tỷ trọng tương đối lớn trong kết cấu nguồn vốn của NHTM, nó rất cần thiết để đảm bảo cho NHTM có thể hoạt động một cách bình thường. Quá trình huy động tiền gửi tiết kiệm của NHTM chủ yếu dưới các hình thức sau:
Thứ nhất, căn cứ theo loại tiền
- Tiết kiệm bằng VNĐ: NHTM huy động tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ với các mục đích sử dụng là khác nhau. Trong nguồn vốn ngân hàng huy động được thì nguồn vốn huy động từ tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ chiếm tỷ trọng cao, đáp ứng các nhu cầu về sử dụng vốn của ngân hàng.
- Tiết kiệm bằng ngoại tệ: Ngoài huy động tiền gửi tiết kiệm bằng VNĐ thì các NHTM cũng tiến hành huy động tiết kiệm bằng đồng ngoại tệ. Số vốn huy động tiết kiệm bằng đồng ngoại tệ quy ra VNĐ cũng chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Mục đích của việc huy động tiết kiệm bằng đồng ngoại tệ của ngân hàng là nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán quốc tế và các hoạt động kinh doanh ngoại tệ của khách hàng cũng như ngân hàng.
Thứ hai, căn cứ theo thời gian
Hình thức huy động tiền gửi tiết kiệm được chia thành hai hình thức:
Huy động ngắn hạn: Là hình thức huy động vốn với thời gian từ 12 tháng trở xuống. Được hình thành chủ yếu từ tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn của khách hàng … Vì thời gian huy động ngắn nên độ rủi ro trong hình thức huy động này cao hơn so với các hình thức huy động dài hạn. Vì vậy, lãi suất huy động ngắn hạn bao giờ cũng thấp hơn lãi suất huy động trung và dài hạn.
Huy động trung dài hạn: Đây là hình thức nhận tiền gửi trung dài hạn (từ 1 đến 5 năm). Tiền gửi tiết kiệm này Ngân hàng có thể sử dụng tương đối dài và thuận tiện. Vì thời hạn ổn định hơn nguồn ngắn hạn nên độ rủi ro của hình thức này thấp hơn hình thức huy động ngắn hạn nên lãi suất tiền gửi tiết kiệm này ngân hàng phải trả cũng rất cao.
Thứ ba, căn cứ theo sản phẩm
Thông thường việc huy động tiền gửi tiết kiệm là nghiệp vụ huy động vốn theo sáng kiến riêng của từng NHTM với sản phẩm rất đa dạng, phong phú nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu của khách hàng và huy động được vốn cho ngân hàng thương mại. Tiền gửi tiết kiệm bao gồm rất nhiều loại và phân loại theo nhiều cách khác nhau, cụ thể:
- Sản phẩm tiết kiệm gửi một lần: Là loại hình tiết kiệm mà khách hàng chỉ gửi tiền vào ngân hàng một lần và từ thời điểm đó đến khi đáo hạn. Với hình thức này ngân hàng không tốn nhiều chi phí quản lý do số dư tài khoản của khách hàng không biến động. Chính vì vây, mức lãi suất của loại tiền gửi này cao.
- Sản phẩm tiết kiệm trả lãi sau: Là hình thức tiết kiệm trả lãi khi đáo hạn. Vào thời điểm đó nếu khách hàng không đến rút vốn và lãi thì tiền lãi được nhập vào vốn và coi như người gửi kỳ hạn tiếp theo.
- Sản phẩm tiết kiệm trả lãi trước: Là hình thức tiết kiệm trả lãi ngay khi khách hàng gửi tiền. Khi đến hạn khách hàng sẽ được lĩnh phần gốc đúng như số tiền ghi trên thẻ hoặc sổ tiết kiệm. Nếu khách hàng yêu cầu rút gốc trước hạn thì sẽ giải quyết theo quy định của ngân hàng.
- Sản phẩm tiết kiệm trả lãi định kỳ: Là hình thức tiết kiệm trả lãi theo từng kỳ hạn mà khách hàng và ngân hàng đã thoả thuận. Đến kỳ tính lãi, khách hàng có thể rút phần lãi của kỳ đã đăng ký vào bất kỳ ngày làm việc nào của Ngân hàng. Nếu khách hàng không lĩnh lãi theo kỳ hạn đã đăng ký thì ngân hàng chỉ thực hiện sao kê tính lãi, hết kỳ tính lãi cuối cùng thì số lãi còn chưa lĩnh được nhập vào gốc.
- Sản phẩm tiết kiệm gửi nhiều lần: Tiết kiệm gửi nhiều lần hay tiết kiệm gửi góp là hình thức tiết kiệm mà định kỳ đã đăng ký với ngân hàng, khách hàng gửi vào ngân hàng một số tiền, số tiền gửi từng lần có thể là cố định hoặc thay đổi theo khả năng của khách hàng. Lãi suất của loại tiền này cũng như lãi suất tiết kiệm thông thường và phụ thuộc vào kỳ hạn gửi tiền.