Cơ sở thực tiễn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới tại huyện mỹ đức, hà nội (Trang 29 - 31)

2.2.1. Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc nâng cao sự hài

lòng của người dân khi sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật

a. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ có 85 USD; phần lớn người dân không đủ ăn; 80% dân nông thôn không có điện thắp sáng và phải dùng đèn dầu, sống trong những căn nhà lợp bằng lá. Là nước nông nghiệp trong khi lũ lụt và hạn hán lại xảy ra thường xuyên, mối lo lớn nhất của chính phủ khi đó là làm sao đưa đất nước thoát khỏi đói, nghèo. Phong

trào Làng mới (SU) ra đời với 3 tiêu chí: cần cù (chăm chỉ), tự lực vượt khó, và, hợp tác (hiệp lực cộng đồng). Năm 1970, sau những dự án thí điểm đầu tư cho nông thôn có hiệu quả, Chính phủ Hàn Quốc đã chính thức phát động phong trào SU và được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, vì không có quỹ bồi thường đất và các tài sản khác nên việc hiến đất, tháo dỡ công trình, cây cối, đều do dân tự giác bàn bạc, thỏa thuận, ghi công lao đóng góp và hy sinh của các hộ cho phong trào (Tuấn Anh, 2012).

Thành công của Hàn Quốc đó là phát huy tính tự giác, nội lực của người dân trong việc xây dựng mô hình làng mới, tương tự như mô hình nông thôn mới ở nước ta. Điều đáng nói đó là người dân được trao quyền tự quyết, tự giám sát, tự thực hiện và nghiệm thu công trình. Mọi công việc đều do người dân làm chủ. Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ người dân một phần kinh phí có thể hỗ trợ bằng vật tư xây dựng công trình, người dân bỏ ra một phần vật tư và đóng góp công sức, tự nguyện giải phóng mặt bằng khi cần phục vụ công tác xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Chính vì việc để người dân làm chủ trong công tác xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, người dân có thể xác định chính xác nhu cầu của mình khi xây dựng các công trình đó, từ đó tối đa được sự hài lòng khi sử dụng các công trình, không để công trình hoạt động kém hiệu quả gây thất thoát, lãng phí (Tuấn Anh, 2012).

b. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Căn cứ vào tình hình phát triển của nông thôn và mục tiêu của từng thời kỳ, Chính phủ Nhật Bản đã lần lượt ban hành hàng loạt pháp lệnh và chính sách hỗ trợ nông nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc, lâu dài. Trong thập kỷ 50, 60 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã đề ra Luật cơ bản về nông nghiệp và gần 30 đạo luật khác, đồng thời nhiều lần sửa đổi Luật Đất nông nghiệp, Luật Nông nghiệp bền vững... Tất cả các bộ luật này đã cấu thành một hệ thống hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý để công cuộc xây dựng nông thôn mới được tiến hành thuận lợi. Chính phủ Nhật Bản tích cực tham gia và đầu tư kinh phí lớn. Để giải quyết vấn đề thiếu kinh phí đầu tư cho phát triển nông nghiệp, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chính sách hỗ trợ nông nghiệp như trợ giá nông phẩm, xây dựng quỹ rủi ro về giá nông phẩm, trong đó người nông dân bỏ ra 30%, Chính phủ bỏ ra 70%. Những năm gần đây, kinh phí đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp của Nhật Bản vào khoảng 1.100 tỷ yên/năm. Chính phủ luôn khuyến khích người

nông dân tích cực tham gia, coi trọng tính tự lập tự chủ. Thời gian đầu, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Nhật Bản do Chính phủ đóng vai trò chủ đạo. Chính phủ Nhật Bản đã tìm mọi cách để nâng cao tính tích cực, sáng tạo của người nông dân, để họ thực sự trở thành đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng phát triển nông thôn. Cụ thể, trong phong trào xây dựng làng xã, Chính phủ Nhật Bản đề cao tinh thần phát huy tính sáng tạo, dám nghĩ dám làm, từ việc xây dựng, thực thi quy hoạch, đến việc lựa chọn sản phẩm trong phong trào “mỗi làng một sản phẩm”, đều là do dân cư các vùng tự căn cứ vào nhu cầu của điạ phương mình để đề xuất, thực hiện (Khánh Phương, 2017).

Như vậy, trong việc xây dựng nông thôn mới tại Nhật Bản thành công cũng nhờ một phần rất lớn đó là sự tham gia của người dân. Chính phủ Nhật Bản cũng đề cao tinh thần sáng tạo, tự làm chủ, tự điều hành, tự thực hiện của người dân phần nào để người dân được tự quyết rằng họ sẽ làm gì và làm như thế nào, chính phủ chỉ định hướng cho sự phát triển chứ không can thiệp sâu vào tình hình của từng địa phương (Khánh Phương, 2017).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với việc sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới tại huyện mỹ đức, hà nội (Trang 29 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)